Điều gì thúc đẩy luật sư bào chữa cho người phạm tội ác?

Trịnh Hữu Long – Tại sao những người được coi là phạm tội rành rành như Năm Cam, Lê Văn Luyện, Nguyễn Đức Nghĩa lại vẫn cần luật sư bào chữa? Tại sao luật sư lại cố tình bảo vệ và gỡ tội cho họ làm gì? Chuyện gì sẽ xảy ra khi những kẻ thủ ác đó được tòa tuyên trắng án chỉ vì những ngón nghề của các luật sư? Đó là những câu hỏi thường được công chúng đặt ra trước những phiên tòa hình sự.

Bài viết sau đây của tác giả Abbe Smith sẽ phần nào lý giải được thắc mắc của độc giả, với góc nhìn của một luật sư hình sự. Bài này được đăng tải ngày 25/7/2013 trên tờ Washington Post. Tác giả Abbe Smith là một nữ giáo sư luật và giám đốc của Văn phòng Biện hộ Hình sự và Vận động cho Tù nhân ở Đại học Georgetown (Mỹ) và là đồng biên tập viên của cuốn sách “Làm thế nào bạn có thể đại diện cho những người đó?”

—-

Các y tá đã chăm sóc cho nghi phạm đánh bom ở Boston sau khi anh ta bị bắt có một cách giải thích rất dễ hiểu: “Tôi không phải chọn bệnh nhân” – một y tá nói với tờ Boston Globe.

Ba luật sư công được phân công bào chữa cho Tsarnaev có thể cũng sẽ miễn cưỡng tương tự như vậy. Nhưng còn hai luật sư nổi tiếng đã tình nguyện bào chữa thì sao? Tại sao họ lại chọn làm đại diện trước tòa cho một người bị cáo buộc đã biến vạch đích cuộc thi Boston Marathon thành chiến địa như vậy?

Tương tự, làm thế nào các luật sư đại diện cho Ariel Castro trong vụ Cleveland có thể đấu tranh cho một người đã khai nhận đến 937 điểm buộc tội liên quan đến bắt cóc, giam cầm và hiếp dâm ba người phụ nữ? Và còn những luật sư của George Zimmerman, người vừa được tuyên trắng án nhưng vẫn còn gây tranh cãi thì sao? Họ có thực sự tin rằng anh ta hoàn toàn không phạm bất từ hành vi sai trái nào trong việc bắn một đứa trẻ tay không tấc sắt không?

rolling-stone-bomber
Hình ảnh của Dzhokhar Tsarnaev trên trang bìa số tháng 8-2013 của tạp chí Rolling Stone. Tsarnaev bị cáo buộc đã cùng với anh trai tiến hành đánh bom cuộc thi Boston Marathon gần quảng trường Đại học Harvard (Mỹ) ngày 15-4-2013, khiến 3 người chết và 264 người bị thương. Cho đến tháng 11-2014, vụ án vẫn đang được xét xử và họ đều bị đề nghị án tử hình. (Ảnh: US News)

Tôi đã làm luật sư bào chữa hình sự hơn 30 năm nay, khởi đầu là một luật sư công, và nay là một giáo sư luật đang  vận hành một văn phòng biện hộ hình sự. Trong số khách hàng của tôi, có một tên trộm xe của hàng xóm, và khi bị phát hiện, đã xả súng bắn chết nạn nhân ngay trước mặt đứa con gái 5 tuổi của cô ấy; có một gã đàn ông từng đánh chết một phụ nữ trẻ vì cô này đã không báo cho đồng bọn buôn ma túy biết tin cảnh sát đang kéo tới; có một phụ nữ bóp chết con mình chẳng vì lý do gì rõ rệt.

Đây là một loại vụ việc mà mọi người ngay lập tức đặt ra câu hỏi: “Sao bạn có thể đại diện cho những người như thế?” Tất cả các luật sư hình sự đều được hỏi câu này, nó giống như một phần trải nghiệm của họ, và được họ gọi chung là “cái câu hỏi đó”.

Hầu hết chúng ta đều có sẵn câu trả lời cho việc hệ thống (tư pháp) sẽ bất lực như thế nào nếu thiếu các luật sư giỏi ở cả hai phía, hoặc câu trả lời về sự nghiêm khắc của hình phạt, hoặc về con số quá lớn những người bị giam giữ trên đất nước này, đặc biệt là các nhóm thiểu số. Luật sư cho các vụ án bị đề nghị án tử hình như luật sư Judy Clarke của Tsarnaev thì có xu hướng chống lại án tử hình.

Nhưng động lực của chúng tôi thường mang tính cá nhân và đôi khi khó mà nói rõ được. Tôi thường nói tôi được truyền cảm hứng từ tác phẩm “Giết con chim nhại” (To Kill a Mockingbird). Không có nhân vật nào có sức thuyết phục hơn Atticus Finch khi ông  bào chữa cho một người đàn ông da đen nghèo bị buộc tội oan. Những người vô tội, dù vậy, lại không phải là người dẫn dắt chính đối với tôi. Ngược lại, tôi thường gọi cái sự nghiệp của đời tôi là “một dự án tội lỗi”. Bào chữa hình sự nói chung là việc bào chữa cho những người thực ra là có tội – những người đã làm điều gì đó sai trái, cho dù có thể đó không hẳn là những gì họ bị cáo buộc.

Điều đó đúng với tôi, bởi vì, đúng thế, tôi thích những người phạm tội. Tôi thích những người phức tạp và phạm sai lầm hơn là những người không có gì để chê trách. Như Clarence Darrow, luật sư huyền thoại của nước Mỹ, đã nói hơn 80 năm trước: “Có vẻ hơi kỳ lạ là, tôi đã dần trở nên ưa thích công việc bào chữa cho những người bị buộc tội… Tôi trở nên cực kỳ quan tâm tới căn nguyên của hành vi con người… Công việc của tôi liên quan đến  cuộc sống, đến niềm hy vọng và nỗi sợ hãi, đến khát vọng và cả những nỗi tuyệt vọng”.

Luật sư bào chữa luôn cố gắng tìm thấy tính người trong mỗi thân chủ mà chúng tôi đại diện, bất kể họ đã làm những gì. Chúng tôi phản đối cụm từ “những người đó” (those people) vì nó gợi ra một ranh giới rất rõ ràng giữa chúng tôi và họ. Judy Clarke đã làm được điều này với một số người phạm tội khét tiếng nhất trong hai thập kỷ qua, trong đó có cả Ted Kaczynski, biệt danh “Unabomber” (kẻ đã thực hiện hàng loạt vụ đánh bom làm 3 người chết và 23 người bị thương trong thời kỳ 1978-1995 – ND). David, anh trai của Kaczynski, kể rằng: “Tôi không có một chút hoài nghi gì về việc Judy đã nhìn thấy được phần người trong con người em trai tôi bất chấp những việc kinh khủng mà nó đã làm. Ngay cả khi đó là cây kim trong bể, ông ấy cũng sẽ tìm ra”.

Chúng tôi thậm chí còn tạo được thiện cảm với các thân chủ, như các y tá ở Boston đã gọi Tsarnaev là “hon” (cách gọi tắt của honey – “cưng”, một cách gọi trìu mến trong tiếng Anh – ND). Miriam Conrad, một luật sư khác của Tsarnaev, nói rằng “chỉ có một số rất ít thân chủ mà tôi không có thiện cảm”.

Luật sư hình sự thỉnh thoảng bị cáo buộc là dành hết sự cảm thông cho thân chủ của chúng tôi mà không có chút xót xa nào cho các nạn nhân. Nhưng chúng ta là con người, chúng ta có cảm xúc chứ. Trong nhiều năm qua, có một số ít vụ án đã thử thách tôi: những nạn nhân thương tâm, những tội ác kinh hoàng không tả xiết, những thân chủ có vẻ như không có chút lương tâm nào.

Một lần, tôi đại diện cho một người đàn ông trẻ bị cáo buộc dùng vũ lực hiếp dâm một sinh viên mới tốt nghiệp đang làm tình nguyện viên cho chương trình AmeriCorps. Cô ấy có thể cũng như tôi vào tuổi ấy, đầy lý tưởng và đam mê. Thật khó để đối mặt với cô ấy tại tòa.

Lần khác, tôi lại đại diện cho một người đàn ông bị buộc tội lạm dụng trẻ em, trông có vẻ như ghét tất cả mọi người, đặc biệt là phụ nữ. Thú thật là tôi có chút khoái chí bởi thực tế là từ luật sư bào chữa cho đến công tố viên và thẩm phán trong vụ án đó đều là phụ nữ, mặc dù vậy tôi vẫn thay mặt anh ta làm mọi thứ có thể.

Khi tôi nói “Tôi thích những người phạm tội”, những người tôi nghĩ đến không phải là những kẻ đã thực hiện những hành động đồi bại mà người ta sẽ đau lòng khi đọc tin tức về họ. Tôi muốn nói tới phần lớn khách hàng của tôi, những người mà, vì nhiều lý do, đã phạm tội ác nhưng lại không phải là người ác.

Gã thanh niên ăn cắp xe, giết hàng xóm mà tôi kể ở trên chỉ mới 16 tuổi khi phạm tội. Cậu ấy chưa trưởng thành và bốc đồng, và đã có một thời gian khó khăn để thích ứng với xã hội. Cậu chưa hề gặp rắc rối nào với pháp luật, nhưng vào ngày đó, cậu gặp rắc rối ở trường và phải hứng chịu cơn thịnh nộ của cha, nên mới vớ lấy khẩu súng, đe dọa để bắt hàng xóm phải đưa xe hơi cho mình chạy trốn. Ba mươi năm sau, cậu ta vẫn không thể tin được là mình đã bóp cò. Gã thanh niên đó đã lớn lên trong nhà tù và rất hối tiếc vì những gì đã làm, có lẽ còn hơn cả hối tiếc. Tôi đang cố gắng giúp cậu ta được ân xá.

Còn vị thân chủ phạm tội giết con mà tôi kể trên thì lại không có chút ký ức nào về việc mình đã làm hại đứa con mới 18 tháng tuổi. Cô ta thừa nhận là chắc cô ta đã làm việc ấy thật, và cảm thấy vừa ân hận vừa hổ thẹn. Sống trong tù hơn 26 năm qua, cô tỏ ra là một người phụ nữ có đức tin và tận tụy, làm việc trong bệnh viện của trại giam và văn phòng giáo sĩ Công giáo. Tôi lấy trường hợp của cô làm ví dụ, vì cô đã thụ án tù và là một tù nhân gương mẫu, nhưng đã từng liên tục bị từ chối ân xá.

Vị khách hàng dính dáng đến đồng bọn ma túy mà tôi kể trên biết rõ người phụ nữ mà anh ta đã đánh chết. Anh ta từng có lần mua qua cho con của nạn nhân. Anh ta ước gì anh đã lựa chọn làm khác đi vào ngày đó và nhiều thời điểm khác trong đời. Ra tù sau 20 năm, anh ta cảm thấy biết ơn vì đã có một cơ hội thứ hai.

Tôi nhận ra đây có thể là điều mà mọi luật sư bào chữa nói: Các thân chủ của tôi, bất kể họ đã làm gì, đều không phải là kẻ ác. Họ bị tổn thương, bị thiếu thốn, hoặc đang ở trong những hoàn cảnh khốn cùng. Tội ác của họ có thể được hiểu như là hệ quả của những cuộc đời đen tối, hoặc là do còn trẻ, nóng tính và thiếu sự phán xét, hoặc không có ý thức để biết họ đang làm gì. Bao giờ cũng có một câu chuyện trong mỗi vụ việc. Các luật sư Craig Weintraub và Jaye Schlachet của Castro, sau một cuộc gặp kéo dài vài giờ, là hai ví dụ điển hình cho tâm lý chung của các luật sư hình sự, khi họ khẳng định Castro không phải là “ác quỷ” như mọi người gán cho.

castro-the-times
Ariel Castro (giữa) cùng với hai luật sư của mình: Jaye Schlachet (trái) và Craig Weintraub (phải). Trong khoảng từ năm 2002-2004, Castro đã bắt cóc ba người phụ nữ trẻ, giam họ ở Cleveland, bang Ohio (Mỹ), và hãm hiếp họ. Sự việc chỉ bị bại lộ vào năm 2013 khi một trong số ba nạn nhân trốn thoát được và báo cảnh sát, gây chấn động toàn nước Mỹ. Castro bị tuyên án chung thân cùng năm nhưng đã treo cổ tự tử trong phòng giam chỉ một tháng sau đó. (Ảnh: The Times)

Quá dễ dàng để giải thích tại sao chúng tôi đại diện cho các thân chủ đó khi chúng tôi hiểu về họ, nhưng có lẽ tốt hơn nên hỏi: Vậy chúng tôi có muốn đại diện cho thân chủ của những luật sư khác hay không?

Bào chữa cho Castro hẳn sẽ trở nên đặc biệt khó khăn đối với tôi. Mặc dù tôi chưa bao giờ từ chối một lịch hẹn nào với tòa án chỉ vì tính chất của vụ án, nhưng vẫn có một vài tội ác tôi thấy đặc biệt ghê tởm: bắt cóc trẻ em để lạm dụng tình dục và mọi loại tội ác có động cơ căm thù (hate crimes). Castro, với việc bắt cóc, xâm hại tình dục và tra tấn, chính xác là loại vụ việc mà tôi thấy rất khó chấp nhận. Thật đau đớn khi đọc những câu chuyện hư cấu về loại tội phạm này, như cuốn “Hình hài dấu yêu” (The Lovely Bones) của Alice Sebold hay “Căn phòng” (Room) của Emma Donoghue, huống hồ là phải đối đầu với nó trong thực tế.

Tôi không ghen tị với các luật sư đại diện cho Tsarnaev. Anh ta còn trẻ – tôi có thể hiểu được tại sao những y tá đó tốt bụng một cách rất tự nhiên với anh ta, nhưng có những chứng cứ rất mạnh mẽ chứng minh rằng anh ta đã giết, gây thương tích và khủng bố những con người vô tội tại chính nơi anh ta đã lớn lên. Tôi muốn nói với anh ta rằng: “Mày đã nghĩ cái khốn nạn gì vậy?” Nhưng những luật sư bào chữa tốt sẽ kiềm chế những ý định đó, chúng không phải là cách hữu hiệu để thiết lập một mối quan hệ.

Tuy nhiên, trong những vụ án mà mọi người đều đòi trả nợ máu, có điều gì đó khiến cho việc đấu tranh cho những người như Tsarnaev và Castro trở nên dễ dàng hơn. Có lẽ có một tính cách ngược đời nào đó trong con người của những luật sư hình sự giỏi. Thành thực mà nói, sự phẫn nộ của công chúng khi thấy hình ảnh của Tsarnaev xuất hiện trên trang bìa của tờ Rolling Stone đã khiến tôi muốn đứng về phía anh ta, hoặc ít nhất là về phía những biên tập viên của tờ tạp chí đó.

Tôi phải thú thật rằng tôi bị cuốn hút bởi Trayvon Martin, một nam thanh niên da đen trẻ tuổi bị bắn một cách oan ức, hơn là Zimmerman – một tình nguyện viên giám sát khu vực,thủ phạm. Nhưng điều đó không có nghĩa là tôi không thể bào chữa cho Zimmerman.

Luật sư hình sự nổi tiếng Edward Bennett Williams có lần lưu ý rằng ông nhận các vụ án khó cho những khách hàng tai tiếng “không phải vì ý muốn cá nhân của tôi, mà vì một thứ luật bất thành văn tôi không thể khước từ”. Thứ luật bất thành văn đó vẫn truyền động lực cho các luật sư hình sự, cùng với ý thức rằng không ai trong chúng ta muốn bị đánh giá đồng nhất với cái việc tồi tệ nhất mà chúng ta từng làm.

Chúng tôi bào chữa cho “những người đó” bởi vì chúng tôi luôn tìm thấy ở họ những khía cạnh phản ánh chính mình.

Bạn đã đăng ký thành công!

Mừng bạn trở lại!

Bạn đã đăng ký thành công.

Vui lòng kiểm tra hộp thư để lấy link đăng nhập.

Thông tin thanh toán của bạn đã được cập nhật.

Thông tin thanh toán của bạn chưa được cập nhật.