Thư cuối tuần - 18/1/2025
Đây là Thư cuối tuần của Luật Khoa tạp chí. Thư tin này chỉ làm một việc đơn giản là
Vào khoảng 10h sáng ngày 23/11/2009, ở thị trấn Ampatuan thuộc tỉnh Maguindanao (Philippines), một đoàn xe chở nhà báo, luật sư, và họ hàng thân nhân của ông Phó Thị trưởng Mangudadatu bị khoảng 100 kẻ lạ mặt có vũ trang chặn lại. Vài tiếng sau, 58 người, trong đó có 32 nhà báo, đã bị bắn chết. Hai nạn nhân – em gái và dì của ông Mangudadatu – đang mang bầu.
Vụ thảm sát làm chấn động Philippines và không chỉ thế, còn làm nản lòng công luận, khi có những nhận định cho rằng quá trình xét xử có thể kéo dài tới cả trăm năm. Thảm sát Maguindanao được gắn với một khái niệm có lẽ khá mới đối với giới luật học ở Việt Nam, đó là khái niệm Impunity – “tội ác không bị trừng phạt”.
Ở Philippines, người ta đều biết là dòng họ Ampatuan đã liên tục kiểm soát Maguindanao suốt từ năm 1986 sau cuộc cách mạng nhân dân EDSA I lật đổ nhà độc tài Marcos, và càng củng cố thêm quyền lực lãnh đạo ở đây từ năm 2001 sau cách mạng EDSA II lật đổ Tổng thống Joseph Estrada. Mâu thuẫn xảy ra như một tất yếu giữa các lãnh đạo kiểu “cha truyền con nối” nhà Ampatuan và dòng họ Mangudadatu.
Do đó, khi Phó Thị trưởng Esmael Mangudadatu chạy đua vào chức thủ hiến của tỉnh Maguidanao, ông cho biết đã được đối thủ bắn tin rằng sẽ chặt ông ra làm nhiều mảnh nếu ông dám gửi hồ sơ tranh cử. Tưởng rằng có báo giới đi cùng thì sẽ giảm nguy cơ bị tấn công, ông bèn tổ chức một đoàn xe, chở hàng chục nhà báo, luật sư, trợ lý và người nhà, đi nộp hồ sơ ứng cử, và vậy là vụ thảm sát đã xảy ra trong khoảng từ 10h sáng đến 3h chiều ngày 23/11/2009. Tổng cộng 58 người thiệt mạng, gồm cả 32 nhà báo; 26 nạn nhân còn lại là dân thường.
Bằng chứng để lại cũng cho thấy ít nhất 5 phụ nữ, trong đó có 4 nhà báo, bị cưỡng hiếp trước khi bị sát hại. Vợ của Mangudadatu cũng bị giết; trước khi chết, bà còn kịp nhắn tin cho ông, nói rằng những kẻ đã bắt cóc đoàn xe đều là người của dòng họ Ampatuan.
Công lý ì ạch
Mặc dù vậy, cho tới ngày 23/11/2011, chỉ có hai kẻ bị truy tố về tội sát nhân là cha con nhà Andal Ampatuan. Và cho đến hôm nay, 5 năm sau vụ thảm sát, vẫn chưa một ai bị kết tội, do không đủ bằng chứng mà hoạt động điều tra thì quá chậm.
Thượng nghị sĩ Joker Arroyo nhận xét rằng với hơn 200 bị cáo và 300 nhân chứng, quá trình xét xử có thể kéo dài 200 năm. Ông Harry Roque, một chuyên gia luật học nổi tiếng Philippines, thì dự đoán con số hơn 100 năm. Một tổ chức dân sự, Trung tâm Tự do Báo chí và Trách nhiệm, bình luận việc xét xử “vẫn diễn ra, nhưng rất chậm chạp”.
IFEX, Mạng Lưới Toàn Cầu Thúc đẩy và Bảo vệ Tự do Ngôn luận, tuyên bố trên một website vận động của họ: “Vụ thảm sát Maguindanao và những sự kiện diễn ra sau đó làm nổi bật tình trạng yếu kém của nền dân chủ Philippines – những kẻ cầm quyền không tôn trọng quyền con người cũng như không tôn trọng quyền ứng cử và quyền tự do báo chí, và văn hóa “impunity” lan tràn khắp đất nước”.
Hệ thống tư pháp Philippines nổi tiếng là chậm chạp bậc nhất thế giới. Hàng năm, người dân vẫn tổ chức biểu tình yêu cầu chính quyền sớm chấm dứt tình trạng “impunity” trong vụ thảm sát Amputuan. Ảnh: Twitter @varsitarianust.
Năm 2011, IFEX phát động chiến dịch kêu gọi lấy ngày 23/11 làm Ngày Quốc tế Chấm dứt Tình trạng Tội ác Không Bị Trừng phạt (International Day to End Impunity).
Tháng 12 năm ngoái, Liên Hợp Quốc cũng ra một nghị quyết tuyên bố ngày 2/11 là Ngày Quốc tế chấm dứt tình trạng không trừng phạt các tội ác đối với nhà báo (International Day to End Impunity for Crimes against Journalists).
Impunity là gì?
Theo luật pháp quốc tế, tội ác không bị trừng phạt [impunity, đọc là im’pju:nəti, im-pyoo-ni-tee] được định nghĩa là:
“Việc nhà nước không thực thi được nghĩa vụ của họ là điều tra các vi phạm; tiến hành các biện pháp xử lý thích hợp đối với thủ phạm, đặc biệt trong lĩnh vực công lý, bằng cách đảm bảo rằng những kẻ bị tình nghi chịu trách nhiệm hình sự phải bị truy tố, xét xử và trừng phạt thích đáng; tạo cho nạn nhân cơ chế đền bù hiệu quả và bảo đảm rằng nạn nhân được bồi thường vì những tổn thương đã phải chịu; đảm bảo một thứ quyền không thể chuyển nhượng, là quyền được biết sự thật về các vụ vi phạm; và tiến hành các bước cần thiết khác để ngăn chặn tái diễn vi phạm” (Bộ Nguyên tắc cập nhật của LHQ về việc bảo vệ và hành động chống vấn nạn tội ác không bị trừng phạt [UN Updated Set of Principles for the Protection and Action to Combat Impunity], tháng 2/2005).
Một cách ngắn gọn, impunity là thất bại của nhà nước trong việc điều tra, bắt, truy tố, đưa ra tòa và kết tội những kẻ chịu trách nhiệm về tội ác.
Impunity được cấu thành bởi nhiều yếu tố, như:
Campuchia: Diệt chủng, tạt axit… cũng không bị trừng phạt
Điều đáng buồn là ở nhiều quốc gia, “tội ác không bị trừng phạt” vẫn là một tình trạng phổ biến. Nó đặc biệt phổ biến tại những nước mà hệ thống luật pháp còn nhiều khiếm khuyết, tư pháp chưa độc lập, không có nhà nước pháp quyền. Hệ quả của những cái đó là công lý không được đảm bảo, nhân quyền không được tôn trọng, những kẻ thủ ác trong nhiều vụ án nghiêm trọng không bị trừng trị trong khi nạn nhân – nếu còn sống – thì cuộc đời tan nát.
Một nước điển hình và gần chúng ta nhất là Campuchia. Hai triệu người dân nơi đây đã thiệt mạng trong cuộc đại diệt chủng của Pol Pot, nhưng gần 40 năm trôi qua, công lý vẫn không được thực thi. Lãnh tụ Khmer đỏ – đồ tể Pol Pot – và các tay chân Ta Mok, Ieng Sary đều bình yên từ giã cõi đời, không một kẻ nào từng bị đưa ra tòa để xét xử về các tội ác chúng đã gây ra cho chính nhân dân mình.
Ở Campuchia, impunity đúng là đã trở thành một thứ “văn hóa chính trị” đáng sợ. Tháng 5/2012, Trung tâm Nhân quyền Campuchia, với sự tài trợ của Bộ Ngoại giao Mỹ, ra một báo cáo về vấn nạn impunity trong các vụ tạt axit, cho rằng impunity phổ biến trong toàn bộ hệ thống tư pháp Campuchia chứ không chỉ trong các vụ án liên quan đến tạt axit. Lý do quan trọng nhất là tòa án không độc lập, thiếu vắng nhà nước pháp quyền.
Tháng 11/2011, báo chí Campuchia đưa tin một người chị em họ của Thủ tướng Hun Sen, bị kết tội tham nhũng và bị xử vắng mặt hai năm sáu tháng tù, vẫn đi lại thênh thang trên đường phố Phnom Penh.
Tat Marina trước và sau khi bị tạt axit. Ảnh: obp.org.
Về nạn tạt axit ở Campuchia, báo cáo của Trung tâm Nhân quyền Campuchia dẫn chứng một trường hợp rất nổi tiếng: Năm 1999, thiếu nữ 16 tuổi Tat Marina đang ngồi ăn mì trong quán, thì bị dội vài lít axit vào mặt. Vụ tấn công xảy ra ngay giữa chợ ở Phnom Penh, vào ban ngày, trước sự chứng kiến của hàng chục người qua lại.
Tuy thế, hung thủ đã không bao giờ bị bắt. Dư luận cho rằng đó là bởi vì thủ phạm chính là Khoun Sophal, vợ của Svay Sitha – đương nhiệm Phó Chánh văn phòng Hội đồng Bộ trưởng và là người tình cũ của Marina; đây là một vụ tạt axit đánh ghen với bồ cũ của chồng.
Hơn một thập kỷ sau, vào năm 2011, trước khi Quốc hội thông qua dự luật về sử dụng axit, Chính phủ Campuchia mới tiết lộ là vụ việc đã được bí mật đưa ra tòa từ năm 2001 (mà chính nạn nhân Tat Marina cũng không được biết), thủ phạm bị xử vắng mặt một năm tù treo. Trên thực tế, Khoun Sophal chưa bao giờ phải đi tù hay chịu sự trừng phạt nào khác của pháp luật.
5 lít axit hắt thẳng vào mặt đã làm cô gái xinh đẹp biến dạng, mất hai tai và bị bỏng hơn 40% cơ thể. Cô được đưa sang phẫu thuật ở Việt Nam, sau đó qua Mỹ, và phải trải qua tới hơn 20 lần phẫu thuật chỉnh hình. Hiện giờ Tat Marina đang tị nạn chính trị ở Boston.
Vụ việc được xem như một ví dụ điển hình về tình trạng impunity lan tràn trong hệ thống pháp luật hình sự của Campuchia, đặc biệt khi bị cáo là người có quan hệ với các nhân vật cao cấp và có tài sản, tóm lại là có thế lực.
Impunity còn là vấn nạn ở nhiều nước khác như Serbia, Colombia, Syria, Lybia, Trung Quốc, v.v.
Ngày 23/11 năm nay, IFEX lại tiếp tục kêu gọi dư luận – tất cả những người quan tâm đến dân chủ và nhân quyền – tưởng niệm các nạn nhân của vụ thảm sát Maguindanao, và họ viết trên trang web vận động: “5 năm đã qua, vấn nạn tội ác không bị trừng phạt vẫn còn đó. Không một kẻ nào bị kết tội, bất chấp những nỗ lực không ngừng của các tổ chức bảo vệ nhân quyền ở Philippines và trên toàn thế giới”.
***
Luật pháp và các tiêu chuẩn quốc tế về nhân quyền quy định, để chống vấn nạn tội ác không bị trừng phạt, các nhà nước có nghĩa vụ chung như sau: (1) Điều tra tội ác, xác định những kẻ bị cáo buộc là thủ phạm; và (2) đảm bảo rằng những kẻ đó bị điều tra, truy tố, xét xử và trừng phạt thích đáng.
***
Tổng hợp từ: Wikipedia, mục từ “Maguindanao massacre”, và Báo cáo “Ending the Cycle of Impunity for Acid Crimes in Cambodia” của Trung tâm Nhân quyền Campuchia.