Xã hội dân sự và phát triển quốc gia - Kỳ 1: Vốn xã hội
🎧Mời bạn nghe bản audio của bài này:Xã hội dân sự và phát triển quốc gia - Kỳ 1:
Đoan Trang – Như đã nói ở kỳ trước, sinh viên luật và những người nghiên cứu luật pháp, nếu muốn hiểu đầy đủ, tường tận về luật pháp và xây dựng được hệ thống luật pháp phù hợp cho xã hội, thì phải có kiến thức cơ bản về kinh tế. Nhằm giúp các luật sư tương lai trang bị kiến thức căn bản đó, Luật Khoa tạp chí đăng tải một số bài về kinh tế luật, tức là lĩnh vực nghiên cứu kết hợp luật pháp và kinh tế học. Qua đây, các bạn sẽ hiểu luật pháp và kinh tế tương tác – thay thế, bổ sung và đôi khi mâu thuẫn với nhau – như thế nào trong việc phân bổ các nguồn lực khan hiếm trong xã hội.
Ở kỳ này, Luật Khoa tạp chí đăng tải phần tiếp theo trong cuốn giáo trình “Principles of Law and Economics” [Các nguyên tắc về luật kinh tế] (2005) của Giáo sư Luật Daniel H. Cole và Giáo sư Kinh tế Peter Grossman. Tuy nhiên, nhằm giúp các sinh viên và những người nghiên cứu luật pháp hiểu sâu hơn về những gì Daniel H. Cole và Peter Grossman sẽ trình bày, chúng tôi cũng xin bổ sung một phần của cuốn “Principles of Economics” [Các nguyên tắc kinh tế học] (2001) của nhà kinh tế nổi tiếng Gregory Mankiw. Các chú thích trong ngoặc vuông […] là của người dịch.
Đoan Trang (dịch)
Nhà kinh tế và nhà tư vấn chính sách
Nhà kinh tế thường được đề nghị giải thích nguyên nhân của các sự kiện [biến cố] kinh tế. Chẳng hạn, tại sao thất nghiệp ở thanh niên cao hơn thất nghiệp ở người lao động nhiều tuổi? Đôi khi, người ta cũng nhờ nhà kinh tế đưa ra các khuyến nghị để cải thiện đầu ra [outcome – sản lượng] của nền kinh tế. Chẳng hạn, chính phủ nên làm gì để nâng cao mức sống của thanh niên? Khi các nhà kinh tế cố gắng giải thích thế giới, họ là nhà khoa học. Còn khi họ cố gắng tìm cách cải thiện nó, họ là nhà tư vấn chính sách.
Phân tích thực chứng và phân tích chuẩn định
Để góp phần làm rõ hai vai trò của nhà kinh tế, chúng ta phải xem xét cách họ sử dụng ngôn ngữ. Do nhà khoa học và nhà tư vấn chính sách có những mục đích khác nhau, họ dùng ngôn ngữ theo những cách khác nhau.
Ví dụ, giả sử có hai người cùng bàn luận về chính sách lương tối thiểu. Đây là hai lập luận bạn có thể nghe thấy họ nói với nhau:
Polly [Thực]: Chính sách lương tối thiểu gây ra thất nghiệp.
Norma [Chuẩn]: Chính phủ nên tăng mức lương tối thiểu.
Không cần biết là bạn đồng ý với hai lập luận trên hay không, hãy lưu ý rằng Thực và Chuẩn khác nhau về những việc họ định làm. Người tên là Thực nói như một nhà khoa học: Anh/cô ấy phát biểu về việc xã hội vận hành như thế nào. Còn Chuẩn nói như một nhà tư vấn chính sách: Anh/cô ấy phát biểu về việc cô ấy muốn thay đổi xã hội như thế nào.
Nhìn chung, có hai loại quan điểm về xã hội. Loại thứ nhất, như phát biểu của Thực, gọi là thực chứng [positive]. Các lập luận thực chứng mang tính chất mô tả. Chúng phát biểu về việc thế giới/xã hội như thế nào. Loại thứ hai, như phát biểu của Chuẩn, gọi là chuẩn định [normative, có một số sách kinh tế dịch là “chuẩn tắc”, tuy nhiên, từ “chuẩn tắc” nên được dùng để chuyển ngữ từ tiếng Anh “canonical” thì đúng hơn]. Các lập luận chuẩn định mang tính áp đặt một quy chuẩn. Chúng phát biểu về việc thế giới/xã hội nên như thế nào, sẽ như thế nào.
Sự khác biệt chủ yếu giữa quan điểm thực chứng và quan điểm chuẩn định nằm ở cách chúng ta đánh giá giá trị của chúng. Trên nguyên tắc, chúng ta có thể khẳng định hoặc bác bỏ một phát biểu thực chứng nào đó bằng cách thẩm định các bằng chứng của nó. Một nhà kinh tế có thể đánh giá phát biểu của Thực bằng việc phân tích dữ liệu về những thay đổi trong mức lương tối thiểu và thay đổi trong tỷ lệ thất nghiệp, theo thời gian. Ngược lại, đánh giá các phát biểu chuẩn định liên quan đến cả các dữ kiện [facts] lẫn giá trị [values]. Không thể đánh giá phát biểu của Chuẩn chỉ thông qua việc sử dụng dữ liệu. Xác định chính sách nào tốt, chính sách nào tồi dở, không chỉ là vấn đề khoa học. Nó còn liên quan đến quan điểm của chúng ta về đạo đức, tôn giáo, và triết học chính trị.
Tất nhiên, các lập luận thực chứng và chuẩn định có thể liên quan đến nhau. Quan điểm thực chứng về cách xã hội vận hành có thể ảnh hưởng đến quan điểm chuẩn định về chính sách nào là phù hợp. Phát biểu của Thực rằng lương tối thiểu gây thất nghiệp, nếu đúng, sẽ đưa đến việc chúng ta bác bỏ kết luận của Chuẩn rằng chính phủ nên tăng lương tối thiểu. Tuy nhiên, kết luận chuẩn định không thể chỉ căn cứ vào các phân tích thực chứng. Thay vì thế, kết luận chuẩn định đòi hỏi cả những phân tích thực chứng lẫn những đánh giá về giá trị.
Khi bạn nghiên cứu kinh tế học, hãy ghi nhớ sự phân biệt giữa phát biểu thực chứng và phát biểu chuẩn định. Kinh tế học nói chung nhằm giải thích cách vận hành của nền kinh tế. Tuy nhiên, mục tiêu của kinh tế học lại thường xuyên là làm thế nào để cải thiện cách vận hành của nền kinh tế. Do đó, khi bạn nghe thấy các nhà kinh tế đưa ra các quan điểm chuẩn định, bạn cần hiểu rằng khi đó, họ đã vượt qua ranh giới của nhà khoa học để trở thành nhà tư vấn chính sách.
Cả kinh tế học và luật pháp đều quan tâm đến những hành vi ứng xử tập thể (collective behavior, collective actions) của con người, hay là hành vi của đám đông.
Dưới đây là phần tiếp theo trong cuốn “Principles of Law and Economics” [Các nguyên tắc về luật kinh tế]. Để ngắn gọn, người dịch gọi lĩnh vực nghiên cứu kết hợp luật pháp và kinh tế học là “luật kinh tế”.
Khuôn khổ kinh tế và khuôn khổ pháp luật
Kinh tế và luật pháp có chung mối quan tâm sâu xa nhất là tổ chức các hành vi của con người trong việc sử dụng những nguồn lực khan hiếm. Các thị trường trong kinh tế và các thiết chế trong pháp luật thường được coi là những cơ chế luân phiên phân bổ quyền sở hữu các nguồn lực khan hiếm cho các mục đích sử dụng và người sử dụng cạnh tranh lẫn nhau. Tuy nhiên, chúng không chỉ thay thế nhau, mà chúng còn gắn kết với nhau rất chặt chẽ. Các quy tắc pháp lý thường (dù không phải là luôn luôn) được xây dựng để tạo thuận lợi cho thương mại. Trong khi đó, các thị trường được hình thành bởi những thiết chế pháp lý chính thức (và không chính thức), gồm cả quyền tài sản và quyền hợp đồng, cùng với các tổ chức pháp lý – như tòa án – có chức năng bảo vệ và thực thi hợp đồng và quyền tài sản.
Nghiên cứu kết hợp luật pháp và kinh tế học là nghiên cứu cách mà các thiết chế pháp lý, cũng như những thay đổi trong các thiết chế đó, tác động đến hành vi kinh tế. Đồng thời, tất nhiên là các quan hệ thị trường có thể và thật sự có ảnh hưởng đến những thiết chế pháp lý và chính sách. Lịch sử đã chứng minh rằng hệ thống pháp lý luôn thay đổi để đáp ứng với những áp lực từ các thành phần tham gia thị trường. Do đó, luật kinh tế cũng nghiên cứu cả vai trò của kinh tế học trong việc xây dựng (hoặc tái thiết lập) hệ thống luật pháp.
Nhưng luật kinh tế không chỉ là một lĩnh vực khoa học thực chứng mô tả mối liên hệ qua lại giữa nền kinh tế và các thiết chế pháp lý. Một phần rất lớn nghiên cứu trong ngành này là khoa học chuẩn định. Luật kinh tế chuẩn định biện luận cho việc các thiết chế luật pháp và kinh tế phải tối đa hóa một số mục đích nào đó, dù là tiện ích [utility], sự thịnh vượng [wealth], tự do [liberty], cộng đồng [community], hay một số mục tiêu đáng mong ước khác. Tiền đề căn bản của luật kinh tế chuẩn định là, có một số thiết chế và chính sách tốt hơn (tức là có hiệu quả hơn) những thiết chế và chính sách khác. Do đó, khi học luật kinh tế, chúng ta phải chú ý đến cả những dữ kiện thực chứng lẫn những lập luận có tính chuẩn định về các thiết chế pháp lý có ảnh hưởng đến nền kinh tế cũng như về những hạn chế mà nền kinh tế gây ra đối với luật pháp.
(Còn tiếp)
Ở kỳ sau, chúng ta sẽ tìm hiểu về ý nghĩa của các phân tích kinh tế đối với công việc của các nhà lập pháp, các thẩm phán, học giả và người nghiên cứu luật pháp nói chung.