Luật sư Mỹ: Khoảng cách giàu nghèo ngày càng lớn


Trần Hà Linh
– Trong giới luật sư trên khắp nước Mỹ, người giàu đang giàu hơn và người nghèo đang nghèo thêm, hay nói cách khác, bất bình đẳng về cơ hội và thu nhập ngày càng gia tăng. Còn hệ thống giáo dục thì không giúp được gì cho việc cải thiện tình hình này, thậm chí còn tiếp tục củng cố khoảng cách giàu nghèo.

Luật sư Joe Jamail, tốt nghiệp trường Luật - Đại học Texas, được biết đến là luật sư giàu  nhất nước Mỹ với tài sản 1,7 tỷ USD, xếp hạng thứ 368 trong danh sách 400 người giàu nhất thế giới năm 2014 của tạp chí Forbes. Ảnh: utexas.edu

Luật sư Joe Jamail, tốt nghiệp trường Luật – Đại học Texas, được biết đến là luật sư giàu nhất nước Mỹ với tài sản 1,7 tỷ USD, xếp hạng thứ 368 trong danh sách 400 người giàu nhất thế giới năm 2014 của tạp chí Forbes. Ảnh: utexas.edu

Tác giả Jeffrey Toobin vừa có một bài viết đăng trên tờ The Newyorker ngày 6/11/2014, nhan đề “Một phần trăm trong ngành luật”, ý nói về một thiểu số dân luật đã giàu lại càng giàu thêm, còn đa số vất vả thì lại cứ vất vả mãi.

Cụ thể, ông Toobin cho biết: Kể từ Thế chiến II tới nay, cứ sau mỗi đợt suy thoái kinh tế là nghề luật sư lại phục hồi nhanh chóng và mạnh mẽ. Nhưng lần này, tức là với đợt suy trầm bắt đầu từ năm 2008, thì không. Thị trường của giới luật sư đã thu hẹp và đến giờ vẫn không có dấu hiệu phục hồi hoàn toàn.

Tác giả có một phát hiện thú vị, nhưng chẳng vui vẻ gì cho giới luật: Trong nghề luật ở Mỹ, cũng giống như trên cả nước Mỹ, người giàu đang giàu lên và người nghèo đang nghèo thêm. Vào năm 1985, lợi nhuận bình quân của mỗi công ty luật trong danh sách các hãng luật hàng đầu nước Mỹ (danh sách do The American Lawyers đưa ra) là 309.000 đô-la (tính ra giá trị hiện nay là 623.000 USD). Ngày nay, lợi nhuận của mỗi công ty – gần như vẫn là cái danh sách đó – là khoảng 1,5 triệu đô-la. Những con số này giấu đi một sự bất bình đẳng thậm chí còn lớn hơn. Các hãng đứng ở vị trí cao nhất trong hình kim tự tháp, như Wachtell, Lipton, Rosen & Katz; Quinn Emanuel Urquhart & Sullivan; Cravath, Swaine & Moore, và một vài công ty nữa, đang phát triển như chưa bao giờ phát triển đến thế, với lợi nhuận hàng năm lên tới hàng triệu đô-la.

Nhưng các hãng nằm ở vị trí dưới cùng trong kim tự tháp – công ty của những người vừa tốt nghiệp trường luật gần đây – thì rất chật vật. Hồi đầu năm, một bài báo trên tờ The Atlantic số ra ngày 11/2 đưa ra những thống kê u ám: “Hơn 80% sinh viên tốt nghiệp từ hơn 180 trong số 200 trường luật ở Mỹ không tìm nổi việc làm”. Lương khởi điểm trung bình cho những người tìm được việc sụt giảm 17%, và hơn một phần ba số sinh viên tốt nghiệp không tìm được việc làm toàn thời. Đáng chú ý nhất là, tỷ lệ trầm cảm và nghiện rượu trong giới luật sư cao hơn hẳn so với trong dân số nói chung.

Trong bài báo trên tờ The Atlantic, hai tác giả Richard Gunderman và Mark Mutz cho biết: “Khi được hỏi, 6 trên 10 luật sư cho biết họ muốn khuyên người trẻ đừng theo nghề luật. Một phần của vấn đề là do công chúng mất tín nhiệm đối với nghề này. So với 85% dân số Mỹ nói rằng có thể tin được các y tá, chỉ có 19% người nói luật sư là giới đáng tin cậy. Nhưng đây là một biểu hiện thì đúng hơn là một lời lý giải. Để hiểu tại sao lòng tin của công chúng vào nghề luật giảm sút như thế, tại sao có nhiều luật sư khổ sở thế, và có thuốc gì chữa trị tình hình này không, thì chúng ta phải nhìn sâu hơn”.

Nhìn sâu hơn thì sẽ thấy nguyên nhân đầu tiên là suy thoái kinh tế. Kể từ cuộc khủng hoảng năm 2008, số lượng khách hàng sẵn sàng dốc hầu bao để mướn những dịch vụ pháp lý giá cao nhất đã sụt giảm chóng mặt. Nhiều công ty luật từng một thời là những “ông lớn”, thuê tới hơn 1000 luật sư, nay buộc phải cắt giảm nhân viên. Có hàng chục trường hợp phải sáp nhập, thậm chí xin phá sản, hoặc không thể duy trì hoạt động.

Trường sở làm gia tăng bất bình đẳng

Trong kinh tế học, người ta nói con người luôn hành động dựa trên các quyết định duy lý để tối đa hóa lợi ích của mình. Cho nên phản ứng của thị trường dành cho nghề luật đối với tình hình kinh tế suy thoái là hết sức duy lý: Do nhu cầu có luật sư mới ngày càng giảm, sẽ có ít người đi học luật hơn. Và quả thật, số người thi LSAT đã giảm gần 40% chỉ trong bốn năm, cũng như lượng hồ sơ đăng ký vào trường luật giảm hẳn. Số sinh viên mới trong ngành luật đã giảm khoảng 14% trong xấp xỉ cùng kỳ. Nói cách khác, rất nhiều trong số những người có khả năng làm sinh viên luật đã hành xử đúng như các cá nhân duy lý trong nền kinh tế: tránh xa một ngành kinh doanh với triển vọng việc làm u ám.

Tuy thế, tác giả Jeffrey Toobin cho rằng chính hệ thống giáo dục mới là nguyên nhân trực tiếp đưa đến sự bất bình đẳng về cơ hội và thu nhập trong nghề luật. Nghịch lý ở đây là, trong khi số lượng sinh viên học luật ngày càng giảm thì càng trường luật lại càng tiếp tục khai thác sinh viên và mở rộng việc đào tạo. “Vốn trong những năm huy hoàng trước thời kỳ suy thoái, các trường luật tự chúng đã là những trung tâm lợi nhuận, hoặc là những trung tâm lợi nhuận trong các trường đại học lớn hơn. Họ bèn mở rộng. Số lượng bằng tốt nghiệp hàng năm được cấp tăng lên, từ 38.000 vào năm 2001 lên hơn 44.000 vào năm 2011. Số trường luật được chứng nhận tín nhiệm bởi Hội Luật sư Mỹ cũng tăng vọt, từ 175 trường vào những năm 1980 lên 201 trường ngày nay”.

Trong tình hình đó, các trường luật vẫn tiếp tục nhận thêm sinh viên vào trường và làm sinh viên ngập trong nợ nần, bất chấp việc nhu cầu về đào tạo luật (và về luật sư) đã giảm sút. Hiện nay, 85% sinh viên tốt nghiệp phải gánh ít nhất 100.000 đô-la nợ.

Một cuộc biểu tình đòi miễn học phí ở Mỹ. Ảnh: occupystudentdebtcampaign.org

Một cuộc biểu tình đòi miễn học phí ở Mỹ. Ảnh: occupystudentdebtcampaign.org

Rõ ràng là nước Mỹ cần ít trường luật hơn, bởi vì rất nhiều trường hiện nay chỉ đem đến cho sinh viên những hy vọng hão huyền về công ăn việc làm, đổi lấy gánh nặng nợ nần to lớn. Việc các sinh viên đó được nhận học cũng giống như những món nợ dưới chuẩn ngày trước từng đánh sụm cả nền kinh tế quốc dân. Mặc dù vậy, trong trường hợp này, rủi ro đối với công chúng nhỏ hơn, chỉ có sinh viên thiếu nợ là phải vật lộn với gánh nặng nợ nần suốt phần đời còn lại. Còn một dải rất rộng các trường luật nằm ở giữa hai cực – chẳng hạn, các trường công, của những bang lớn – thì cũng chỉ khá hơn các trường nằm dưới đáy chút đỉnh.

Cũng giống như với các công ty luật, những trường luật hàng đầu đang làm ăn tốt. Sinh viên tốt nghiệp từ các cơ sở được đánh giá cao nhất có thể không có được cơ hội dồi dào như những thế hệ đi trước họ từng được hưởng cách đây vài năm, nhưng cũng rất ít người thất nghiệp, nếu có. Các sinh viên này cũng nợ nần nhiều, nhưng họ có khả năng chi trả. Cũng giống như thời trước, họ có thể vào làm cho các công ty lớn, nơi mà nhìn chung, họ có triển vọng thăng tiến hơn. Và chu kỳ cứ thế tiếp tục: Người giàu (nhiều lợi thế, ít nhất là ban đầu) sẽ phát đạt hơn, người nghèo sẽ phải chật vật. Điều đó cũng đúng với luật sư, và có vẻ như là đúng với tất cả mọi người.

(Tổng hợp từ The New YorkerThe Atlantic)

Bạn đã đăng ký thành công!

Mừng bạn trở lại!

Bạn đã đăng ký thành công.

Vui lòng kiểm tra hộp thư để lấy link đăng nhập.

Thông tin thanh toán của bạn đã được cập nhật.

Thông tin thanh toán của bạn chưa được cập nhật.