Xã hội dân sự và phát triển quốc gia - Kỳ 1: Vốn xã hội
🎧Mời bạn nghe bản audio của bài này:Xã hội dân sự và phát triển quốc gia - Kỳ 1:
Lê Quốc Tuấn – Hôm thứ ba, 4/11 vừa qua tại Mỹ, trong khi có những bạn trẻ 18 tuổi chỉ mới tự hào vì được thực hiện quyền bỏ phiếu lần đầu trong đời, Saira Blair đã đi xa hơn thế: Không chỉ bỏ phiếu, cô nữ sinh năm thứ nhất này còn giành được một ghế trong Hạ viện của bang West Virginia.
Saira Blair đang đi vận động tranh cử. Ảnh: Refineray29.
Hồi tháng 5, khi chưa đủ 18 tuổi, Blair đã gây chú ý trên toàn quốc khi cô đánh bại Larry Kump, vị dân biểu 66 tuổi của đảng Cộng hòa, trong kỳ bầu cử sơ bộ. Giờ đây, cô nữ sinh của Đại học West Virgina, chuyên ngành kinh tế và tiếng Tây Ban Nha, sẽ xin bảo lưu một học kỳ để tham dự kỳ họp 60 ngày của Hạ viện vào mùa xuân năm tới, với tư cách là dân biểu trẻ nhất.
Ngay sau chiến thắng đêm trước, sáng sớm 5/11, cô viết trên trang Twitter cá nhân: “Tôi rất vinh hạnh và xin khiêm nhường vì đã được bầu là thành viên trẻ nhất phục vụ trong Hạ viện bang West Virginia”. Mẩu thông báo của Blair được 137 lượt đăng lại (retweet), 166 người “ưa thích” (favourite).
Dòng trạng thái (status) của Blair trên Facebook cùng ngày 5/11 được 1.020 người “thích” (like) và được 187 lần chia sẻ (share). Trong status ấy, cô viết:
“… Đã từ rất lâu nay, người bang West Virginia bị đè nặng bởi nạn thất nghiệp, kinh tế trì trệ, và một chính quyền không bao giờ chịu lắng nghe các nhu cầu của công dân mình.
Khi tôi quyết định tranh cử, tôi ra quyết định như vậy bởi lẽ tôi tin chắc rằng tiếng nói của thế hệ tôi, góc nhìn trẻ trung và các sáng kiến đột phá của thế hệ tôi, có thể góp phần giải quyết một số trong những vấn đề khó khăn nhất của bang ta.
Đêm nay ở West Virginia, lịch sử chọn lựa tôi, và mặc dù tôi tự hào về tất cả những gì chúng ta đã cùng nhau đạt được, nhưng mối quan tâm duy nhất của tôi là tương lai của bang này. Từ khi bắt đầu chiến dịch [tranh cử], tôi đã gặp gỡ và lắng nghe tâm tư của mọi người, và với tư cách đại diện của các bạn, tôi sẽ làm việc không mệt mỏi, sẽ đấu tranh vì mỗi người và vì tất cả mọi người”.
Chiến thắng của Blair vừa khiến cô trở thành gương mặt trẻ nhất trong số hơn 7.300 dân biểu của nước Mỹ (mà chỉ có không đầy 5% trong số họ dưới 30 tuổi, theo thống kê của nhà phân tích chính sách Morgan Cullen).
Chiến thắng vang dội
Blair đã bắt đầu chiến dịch tranh cử từ khi còn là học sinh trường trung học Hedgesville tại Hedgesville, West Virginia. Kỳ bầu cử tháng 11 này, với 63% số phiếu, cô đã đánh bại đối thủ là bà Layne Diehl – một luật sư 44 tuổi, người của đảng Dân chủ (30% số phiếu) – và một ứng viên nữa đạt 7% phiếu. Sau khi tuyên thệ, Blair sẽ trở thành dân biểu, đại diện cho khoảng 18.000 dân thuộc District 59 trong tiểu bang West Virginia.
Luật sư Diehl nhiệt thành chúc mừng Blair và nói, bà cũng hiểu là bà đang phải đối đầu với một số đông dân chúng trong bang bất mãn với đảng Dân chủ, mà một phần là do dư luận cho rằng chính sách năng lượng của chính quyền Obama làm hại ngành công nghiệp than.
Bà phát biểu: “Tôi rất tự hào về một cuộc đua tranh tích cực từ cả hai phía. Rất thẳng thắn, một cô gái 17-18 tuổi đã bước lên phía trước và chiến thắng trong một chiến dịch vận động chính trị – điều đó chắc chắn mang lại nhiều tín hiệu tích cực cho bang. Tôi mong đợi được thấy những gì mà cô gái ấy, với tư cách nhà lãnh đạo, sẽ đem đến cho bang West Virginia này”.
Chương trình hành động của dân biểu 18 tuổi
Blair đã chi gần 4.000 USD cho việc vận động. Trong quá trình tranh cử, Blair nhấn mạnh yếu tố “trẻ” của cô, coi tuổi trẻ như một tài sản quý giá. Cô cũng mong rằng tiếng nói của những cử tri trẻ sẽ được lắng nghe ở quốc hội bang.
Ông Craig, cha của Blair, là thượng nghị sĩ của tiểu bang và là nhà quản lý chiến dịch tranh cử của con gái. Ông cho biết Blair muốn làm người đại diện cho thế hệ của cô trong một tiến trình chính trị vốn dĩ thường xuyên nằm trong tay những người già nua tóc bạc.
Saira Blair trong một cuộc phỏng vấn. Ảnh: UPI.
Giải thích trong một cuộc phỏng vấn với tạp chí Teen Vogue hồi tháng 6, Blair tuyên bố: “Độ tuổi trung bình trong Hạ viện là 57 và tuổi trung bình trong Thượng viện Mỹ là 62. Với tất cả các kinh nghiệm đó, chúng ta đã chỉ gánh thêm nợ nần và có ít công ăn việc làm hơn”.
Vì thế, chiến dịch tranh cử của cô tập trung một phần vào việc những người trẻ tuổi có ăn học phải di cư ra khỏi bang để kiếm việc. Cô nói với tạp chí Newsweek, một trong những mục tiêu cấp bách nhất là phải tạo ra công ăn việc làm và làm cho West Virginia trở thành một bang ủng hộ quyền lao động, nghĩa là người lao động ở đây có thể quyết định xem họ có thể tham gia hoặc ủng hộ công đoàn hay không. Cô cũng muốn bãi bỏ Đạo luật Thực hành Thương mại Không Công bằng, vốn khiến giá khí đốt của West Virginia khó cạnh tranh với những tiểu bang giáp biên giới.
Tuy nhiên, xem trang web tranh cử của Blair thì thấy lập trường của cô không đồng thuận với thế hệ của cô về một số vấn đề nóng như việc phá thai và hôn nhân đồng tính. Đa số người thuộc lứa tuổi Blair ủng hộ cả hai, nhưng Blair thì lại viết trên trang web của mình rằng cô thuộc phái không chấp nhận phá thai. Cô tin cuộc sống của một con người bắt đầu vào thời điểm thụ thai, do đó, phá thai là hành động tương đương với giết người. Blair chủ trương rằng tiền thuế không nên được sử dụng để tài trợ cho những việc như thế.
Mặc dù vậy, Blair bảo thật ra, nhiều bạn trẻ thuộc thế hệ cô hoàn toàn đồng ý với cô về việc chống hôn nhân đồng tính và phá thai, nhưng ngần ngại, không dám bày tỏ quan điểm của mình. “Nói chung vấn đề mang tính vùng miền, tùy thuộc vào nơi bạn lớn lên”. Điều quan trọng nhất, theo cô, là phải giữ quan điểm càng gần gũi với cử tri trong khu vực bầu cử của mình càng tốt.
Ngoài ra, Blair cũng ủng hộ quyền sở hữu súng đạn, ủng hộ giới doanh nhân, ủng hộ việc yêu cầu người nhận phúc lợi xã hội phải xét nghiệm ma túy. Cô bảo, cô thấy mình bảo thủ hơn nhiều so với phần lớn bạn đồng trang lứa.
Một trong những mục tiêu mà cô đề ra cho mình trên trang web tranh cử, là “chứng minh cho những người trẻ tuổi khác rằng chúng ta không nên chờ đến khi 40, 50 hay 60 tuổi mới hiểu ra rằng các giá trị và nguyên tắc truyền thống là con đường đi đến thịnh vượng và thành công”.
Từ giờ cho tới khi bắt đầu nhiệm kỳ, Blair mong muốn được tiếp xúc với các đại biểu mới được bầu khác và chuẩn bị cho kỳ họp lập pháp đầu tiên của Hạ viện khóa này, vào mùa xuân năm tới. Cô có thể sẽ phải làm việc với các chính trị gia có độ tuổi gấp 2-3 lần tuổi mình, nhưng cô không lo gì về việc sẽ không được đối xử nghiêm túc.
“Tôi không định coi chính trị là sự nghiệp của đời mình. Tôi chẳng muốn trèo lên nấc thang chính trị. Tôi làm những việc này chỉ vì tôi muốn giúp bang West Virginia; tôi muốn giúp cộng đồng của tôi. Tôi sẽ không cố trở thành tổng thống đâu” (Saira Blair trả lời phỏng vấn Teen Vogue, tháng 6/2014).
* Tổng hợp từ Newsweek, Teen Vogue, WSJ.