Thư cuối tuần - 18/1/2025
Đây là Thư cuối tuần của Luật Khoa tạp chí. Thư tin này chỉ làm một việc đơn giản là
Vụ án Hồ Duy Hải dường như đã khơi mào cho cuộc tranh luận về án tử hình ở Việt Nam. Tuy nhiên, trên thế giới, án tử hình là một vấn đề gây tranh cãi từ lâu nay, ngay cả tại những quốc gia có nền luật pháp phát triển. Nhằm giúp bạn đọc có một cách tiếp cận rộng mở về vấn đề này, Luật Khoa tạp chí sẽ tóm lược các quan điểm của cả hai phía – ủng hộ và phản đối án tử hình. Dưới đây là các lập luận phản đối, phần tiếp theo kỳ trước.
Về căn bản, các ý kiến tranh luận về án tử hình tập trung vào các điểm chính sau đây: ý nghĩa đền tội vì công lý, tác dụng răn đe người khác, ngăn chặn tái phạm, v.v. Ngoài ra còn có các lý lẽ về mặt tâm linh – tôn giáo, hoặc tâm lý học.
Án tử hình – các lập luận ủng hộ
Án tử hình – các lập luận phản đối (phần 1)
Răn đe là một khái niệm sai về đạo đức
Ngay cả khi án tử hình có tác dụng răn đe thật đi chăng nữa, thì liệu có thể chấp nhận việc ai đó phải trả giá cho những tội ác tương lai của người khác không?
“Nếu chúng ta ra phố và tóm lấy ngẫu nhiên vài người rồi trừng phạt họ để làm gương chung, thì kết quả chắc chắn là tất cả mọi người đều sẽ sợ bước ra đường”. Quan điểm này rõ ràng là sai. Để làm cho việc răn đe được hiệu quả, sự răn đe cần phải được thực hiện thông qua một trình tự pháp lý phù hợp, và phải có bằng chứng để thuyết phục công chúng rằng kẻ bị trị tội kia đáng phải chịu hình phạt ấy.
Ở một vài xã hội, pháp luật chấp nhận bằng chứng ngụy tạo và những lời thú tội của bị cáo khi bị tra tấn, bức cung. Nhưng việc phản đối những hệ thống pháp luật như thế về mặt đạo đức là thừa đủ để làm cho luận điểm về “tính răn đe” mất sức thuyết phục.
Nuôi dưỡng sự tàn bạo trong xã hội
Thống kê cho thấy án tử hình khiến cho xã hội trở nên hung bạo và tỷ lệ giết người gia tăng. Ở Mỹ, các bang chấp nhận án tử hình lại có nhiều vụ giết người hơn. Theo báo cáo của FBI, vào năm 2010, tỷ lệ giết người ở những bang đã xóa bỏ án tử hình là 4,01% trên 100.000 dân. Còn ở bang vẫn duy trì án tử hình, con số này là 5%. Án tử hình cũng có liên quan đến số nhân viên cảnh sát bị sát hại – đang gia tăng.
Án tử hình ngầm cho thấy mối quan hệ giữa nhà nước với công dân. Cho nên, “sử dụng quyền lực nhà nước một cách cố ý để hủy hoại sinh mạng của những người vô hại (mặc dù có tội) là sự thể hiện một ý muốn ngấm ngầm, rằng nhà nước được phép làm tất cả những gì nó muốn, đối với sinh mạng con người” (George Kateb phát biểu năm 1992).
Án tử hình còn bị cho là tạo ra một mối liên quan không thể chấp nhận được giữa luật pháp và bạo lực. Tất nhiên, luật pháp không tránh khỏi việc phải có dính líu đến bạo lực – thông qua việc trừng phạt các tội ác nghiêm trọng và sử dụng những hình phạt chạn chế tự do của con người một cách bạo lực. Về mặt triết học, luật pháp luôn luôn liên quan đến bạo lực, theo nghĩa là nó có chức năng duy trì trật tự xã hội, không để xảy ra bạo lực.
Tuy nhiên, có thể khẳng định rằng bạo lực của pháp luật rõ ràng khác với bạo lực của tội ác; và khi pháp luật sử dụng bạo lực thì bao giờ cũng phải theo một cách mà mọi người đều thấy là công bằng và hợp logic.
Tử tù trước giờ hành quyết. Nguồn ảnh: Người Lao Động
Tử hình làm xã hội kém văn minh hơn
Các xã hội văn minh không chấp nhận hành vi tra tấn, ngay cả khi việc tra tấn đó có thể có tác dụng răn đe hoặc tạo ra nhiều kết quả tích cực khác. Cũng vậy, nhiều người thấy sẽ là không phù hợp với một xã hội văn minh, hiện đại nếu dùng án tử hình để xử lý tội ác, kể cả những tội ác rùng rợn nhất.
Hành vi giết người – trước đó được mô tả là dã man – nay lại được lặp lại một cách không thương xót, máu lạnh (Beccaria, C. de, Traité des Délits et des Peines, 1764)
Do hầu hết các nước, tuy không phải tất cả, không hành quyết tử tù công khai, nên việc thi hành án tử hình không đến mức trở thành hành vi làm nhục tử tù ở nơi công cộng. Nhưng dù sao việc tử hình một người nào đó vẫn được đưa tin trên truyền thông, thu hút sự chú ý của đông đảo dư luận, và công chúng vẫn biết được nhà nước đang thay mặt họ làm điều gì.
Tốn kém
Ở Mỹ, án tử hình gây ra rất nhiều phí tổn. Ví dụ, chi phí để kết tội và hành quyết Timothy McVeigh – thủ phạm vụ đánh bom ở thành phố Oklahoma – lên tới hơn 13 triệu USD.
Ở New York và New Jersey, phí tổn quá lớn của án tử hình là một nguyên nhân khiến hai bang này quyết định xóa bỏ án tử hình. Theo Trung tâm Thông tin về Án Tử hình, New York mất xấp xỉ 170 triệu USD trong 9 năm liền mà không có án tử hình nào. New Jersey mất 253 triệu USD trong 25 năm, cũng không thi hành án nào.
Tuy nhiên, tại các quốc gia mà thủ tục kháng cáo ít tốn kém hơn và nhanh chóng hơn, thì án tử hình dường như là biện pháp rẻ tiền hơn tù chung thân. Những người ủng hộ án tử hình phản bác lại quan điểm về phí tổn này bằng hai lập luận:
Khi những người bị tử hình không có khả năng chịu trách nhiệm
Lập luận này không chống lại án tử hình, nhưng phản đối việc áp dụng sai, tức là áp dụng án tử hình cả với những người không có khả năng chịu trách nhiệm về hành động của mình. Một số nước, trong đó có Mỹ, từng tử hình cả người đã được xác nhận là tâm thần.
Quan niệm chung là con người không nên bị trừng phạt vì hành động của họ, chỉ trừ phi họ có chủ đích phạm tội – tức là họ biết họ đang làm gì và biết việc đó là sai. Do vậy, người tâm thần không thể bị kết tội chứ đừng nói là bị tử hình. Điều này không ngăn cản được việc người tâm thần, nếu có những hành động gây hại, cần phải bị hạn chế trong các cơ sở chữa bệnh. Nhưng đó là một biện pháp phải áp dụng vì an toàn chung chứ không phải để trừng phạt người tâm thần.
Vấn đề đạo đức rắc rối hơn xảy ra trong trường hợp một người đầu óc bình thường vào thời điểm phạm tội nhưng lại có dấu hiệu tâm thần trước khi thi hành án.
Áp dụng không bình đẳng
Ở Mỹ, nhiều người lo ngại rằng những khiếm khuyết trong hệ thống tư pháp làm cho việc áp dụng án tử hình trở nên không công bằng.
Trong nhiều trường hợp, bồi thẩm phải là người “dám tuyên án tử hình”. Có nghĩa là, vị bồi thẩm trong tương lai phải sẵn sàng tuyên án tử hình cho bị cáo. Điều này dẫn đến việc hình thành một bồi thẩm đoàn ủng hộ án tử hình, bởi vì hiếm có ai phản đối án tử hình mà lại được chấp nhận làm bồi thẩm.
Đồng thời, hệ thống pháp lý ở Hoa Kỳ không phải lúc nào cũng đảm bảo luật sư tốt cho những bị cáo nghèo. Trong tổng số những người bị kết án tử hình, ba phần tư những người được chỉ định luật sư [có nghĩa là họ nghèo, không có tiền thuê luật sư nên được tòa chỉ định luật sư cho – ND] có thể thấy trước là họ sẽ bị tử hình. Tỷ lệ này chỉ là một phần tư nếu bị cáo đủ tiền tự mướn luật sư.
Tàn nhẫn, vô nhân đạo, xúc phạm nhân phẩm
Từ năm 2011, Việt Nam chuyển sang thi hành án tử hình bằng tiêm thuốc độc. Nguồn ảnh: Death Penalty Info Center
Có những ý kiến cho rằng tất cả các hình thức hành quyết đều gây rất nhiều đau đớn cho người bị kết án tử hình, đến mức chúng cấu thành hành động tra tấn, và vì thế, chúng sai.
Nhiều hình thức xử tử chắc chắn sẽ gây ra đáng kể đau đớn cho tử tù, như là tử hình bằng hơi độc, ghế điện, hay thắt cổ. Nhiều hình thức khác đã bị cấm vì quá dã man, hoặc vì chúng đòi hỏi đao phủ phải thao tác quá nhiều, như xử bắn hay chặt đầu.
Nhiều nước đã chuyển sang dùng biện pháp tiêm thuốc độc, vì hình thức này được cho là ít tàn nhẫn hơn đối với tử tù cũng như đỡ khó cho chính đao phủ. Mặc dù vậy, vẫn có người cho rằng tiêm thuốc độc có những vấn đề nghiêm trọng về đạo đức và cần phải bị cấm. Thứ nhất, nó đòi hỏi nhân viên y tế phải tham gia trực tiếp vào hành vi giết người và như thế là vi phạm đạo đức nghề y. Thứ hai, theo một nghiên cứu ban hành tháng 4/2005, tiêm thuốc độc cũng không “nhân văn” như mọi người có thể nhầm tưởng. Khám nghiệm tử thi cho thấy hàm lượng chất gây mê trong cơ thể tử tù có thể vẫn giữ cho tử tù ở trạng thái tỉnh táo và có khả năng cảm nhận sự đau đớn.
Không cần thiết
Đây là một luận điểm có tính chính trị hơn là đạo đức. Nó dựa trên nguyên tắc của chính trị học, cho rằng nhà nước nên thực hiện các chức năng của mình theo một cách ít gây hại, ít can thiệp và ít hạn chế quyền của dân hết mức có thể. Nhà nước quả thật có nghĩa vụ trừng phạt tội ác, như một cách để duy trì xã hội trật tự và thuận hòa, nhưng chỉ nên làm thế một cách ít gây hại nhất có thể.
Tử hình là hình phạt gây hại lớn nhất, vì thế, nhà nước chỉ nên sử dụng hình phạt này nếu không còn hình phạt nào khác ít gây hại hơn. Trên thực tế, luôn luôn tồn tại các hình phạt khác để giúp nhà nước thực hiện được chức năng trừng phạt tội ác. Do đó, nhà nước không nên dùng án tử hình.
Lập luận này có cái hay là chỉ tập trung chú ý vào một điểm gây tranh cãi chính: tính hiệu quả của những hình phạt khác, ngoài án tử hình, đối với tội giết người.
Cách giải quyết tranh cãi là tìm hiểu xem những quốc gia không dùng án tử hình có thể tìm ra các hình phạt khác để trừng trị tội phạm giết người và đảm bảo duy trì được trật tự xã hội hay không. Nếu có nước nào như vậy tồn tại, thì án tử hình quả thật là không cần thiết và nên bị xóa bỏ ngay, vì nó gây hại quá lớn.
Ý chí tự do
Quan điểm cho rằng chúng ta phải bị trừng phạt vì bất kỳ hành động sai trái nào, bất kể bản chất của hành vi phạm tội là gì, là quan điểm dựa trên một niềm tin vào ý chí tự do [tức là khả năng tự quyết – ND] và năng lực tự chịu trách nhiệm của con người.
Nhưng nếu ta không tin vào ý chí tự do, thì lại nảy sinh câu hỏi: Thi hành một hình thức trừng phạt (hoặc ngược lại, tưởng thưởng) nào đó có đạo đức hay không?
Theo Arthur Koestler và Clarence Darrow, con người chẳng bao giờ hành động theo ý chí tự do cả, và do đó, con người không nên bị trừng phạt, kể cả khi phạm phải những tội ác kinh khủng nhất.
Lược dịch từ tài liệu của BBC, Ethics Guide: Arguments against Capital Punishment