Xã hội dân sự và phát triển quốc gia - Kỳ 1: Vốn xã hội
🎧Mời bạn nghe bản audio của bài này:Xã hội dân sự và phát triển quốc gia - Kỳ 1:
Nguyễn Huyền Trang – Từ những xã hội man rợ thời chiếm hữu nô lệ, nơi con người có thể bị ném cho thú dữ ăn thịt trước sự chứng kiến hả hê của đồng loại, đến chế độ phong kiến sưu cao thuế nặng, “quân xử thần tử, thần bất tử bất trung”. Từ những cuộc diệt chủng ở nước Đức thời phát xít, Campuchia thời Khmer Đỏ, đến những thảm họa ở Rwanda, rồi gần đây nhất là nội chiến Syria và sự hoành hành của Nhà nước Hồi giáo ISIS… Với tất cả những cái đó, nhìn lại, vẫn phải nói rằng xã hội loài người đã có những bước tiến rất dài trong sự hình thành và phát triển khái niệm nhân quyền.
Ngày Quốc tế Nhân quyền 10/12 là một dịp tốt để chúng ta cùng nhìn lại lược sử nhân quyền, qua những cột mốc lớn từ trước Công nguyên tới nay.
Trụ Cyrus (539 TCN)
Năm 539 TCN, Cyrus Đại đế, vị vua đầu tiên của đế chế Ba Tư cổ đại, chinh phạt thành Babylon. Thế nhưng đóng góp lớn của ông cho sự tiến bộ của nhân loại không phải là cuộc chinh phạt và hợp nhất này, mà là một loạt những quyết định sau đó. Ông giải phóng nô lệ, tuyên bố ai cũng có quyền tự do lựa chọn tín ngưỡng, và xác lập sự bình đẳng giữa các sắc tộc. Cùng với các chỉ dụ khác, những chỉ dụ này được viết bằng tiếng Akkad trên một trụ đất nung được gọi là trụ Cyrus.
Trụ Cyrus. Ảnh: Getty.edu
Được coi là hiến chương nhân quyền đầu tiên của thế giới, trụ Cyrus đã được dịch ra sáu thứ tiếng chính thức của Liên Hiệp Quốc. Dấu ấn của trụ Cyrus thể hiện rất rõ trong bốn điều đầu tiên của Tuyên ngôn Phổ quát về Nhân quyền: Tất cả mọi người sinh ra đều được tự do và bình đẳng về nhân phẩm và quyền; không phân biệt chủng tộc, màu da, giới tính, ngôn ngữ, tôn giáo, quan điểm chính trị; mọi người đều có quyền sống, tự do và an toàn thân thể; không ai phải làm nô lệ hay bị cưỡng bức làm việc như nô lệ.
Từ Babylon, ý tưởng nhân quyền nhanh chóng lan sang Ấn Độ, Hy Lạp, và La Mã. Ở đây, khái niệm “luật tự nhiên” bắt đầu nổi lên khi người ta thấy rằng con người có khuynh hướng tuân theo những luật bất thành văn nhất định, và luật La Mã đã ra đời dựa trên những lý lẽ xuất phát từ quy luật tự nhiên của vạn vật.
Các tài liệu khẳng định quyền cá nhân như Hiến chương Magna Carta (1215), Thỉnh nguyện quyền (1628), Hiến pháp Mỹ (1787), Tuyên ngôn về Nhân quyền và Dân quyền Pháp (1789) và Đạo luật Nhân quyền Mỹ (1791) là tiền thân của nhiều văn kiện về nhân quyền ngày nay.
Hiến chương Magna Carta (1215)
Hiến chương Magna Carta, hay còn gọi là Đại Hiến Chương, được cho là tài liệu đầu tiên có ảnh hưởng đáng kể nhất tới sự ra đời của quy tắc hiến định ở các nước nói tiếng Anh ngày nay.
Ảnh: Telegraph.co.uk
Tương truyền, các quần thần đã gây sức ép, buộc vua John nước Anh phải ký Đại Hiến Chương sau khi vị vua này vi phạm nhiều luật lệ và tập tục lâu đời. Hiến chương quy định quyền đi lễ nhà thờ mà không bị chính quyền can thiệp, quyền sở hữu và thừa kế tài sản của tất cả các công dân tự do và quyền không bị đánh sưu cao thuế nặng. Văn kiện cũng xác lập quyền tự do hôn nhân cho những góa phụ có tài sản, và xác lập các nguyên tắc tố tụng cũng như quyền bình đẳng của người dân trước pháp luật.
Được coi là một trong những văn kiện pháp lý quan trọng nhất trong tiến trình phát triển của nền dân chủ hiện đại, Hiến chương Magna Carta đánh dấu một bước ngoặt trọng yếu trong cuộc đấu tranh vì tự do.
Thỉnh nguyện quyền (1628)
Cột mốc tiếp theo trong lịch sử phát triển nhân quyền là sự ra đời của Thịnh nguyện quyền năm 1628. Văn kiện này được Nghị viện Anh thảo và trình lên vua Charles I như một tuyên bố về tự do dân sự.
Dựa trên các đạo luật và hiến chương trước đó, Thỉnh nguyện quyền xác lập bốn nguyên tắc cơ bản sau: (1) Không đánh thuế khi không có sự đồng thuận của Nghị viện; (2) Không bỏ tù thần dân khi không trình được nguyên nhân [tái khẳng định quyền bảo hộ nhân thân – habeas corpus – ND]; (3) Quân lính không được đóng chiếm nhà dân; và (4) Không áp thiết quân luật trong thời bình.
Tuyên ngôn Độc lập Mỹ (1776)
Ngày 4/7/1776, Quốc hội Mỹ thông qua bản Tuyên ngôn Độc lập. Không chỉ là văn kiện tuyên bố sự độc lập của 13 bang thuộc địa khỏi Anh, văn kiện này còn nhấn mạnh đến hai vấn đề quan trọng, đó là quyền cá nhân và quyền được tiến hành cách mạng.
Cụ thể, Tuyên ngôn Độc lập Mỹ tuyên bố: “Mọi người sinh ra đều bình đẳng, Tạo hóa đã ban cho họ những quyền tất yếu và bất khả xâm phạm, trong đó có quyền sống, quyền được tự do và mưu cầu hạnh phúc”.
Bản tuyên ngôn này có sức lan tỏa rất lớn, có ảnh hưởng đến Cách mạng Pháp (1789), và đã được nhắc lại trong tuyên ngôn độc lập của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa năm 1945.
Hiến pháp Mỹ (1787) và Tuyên ngôn Dân quyền Mỹ (1791)
Ra đời vào mùa hè năm 1787 ở Philadelphia, Hiến pháp Mỹ là bộ luật tối cao, đóng vai trò là nền tảng xác lập hệ thống chính quyền liên bang Mỹ, và được coi là văn kiện đánh dấu bước ngoặt cho sự tiến bộ của thế giới phương Tây. Là hiến pháp lâu đời nhất vẫn còn nguyên giá trị hiệu lực, văn kiện này không những định rõ quyền hạn của các cơ quan lập pháp, hành pháp và tư pháp trong chính phủ, mà còn nêu rõ những quyền công dân cơ bản.
Một bản in cổ (phát hành năm 1788) của Hiến pháp Mỹ, hiện lưu tại Bảo tàng Báo chí ở Washington DC. Ảnh: Đoan Trang
Ngày 15/12/1791, Tuyên ngôn Dân quyền, mười tu chính đầu tiên của Hiến pháp, chính thức có hiệu lực. Các tu chính này hạn chế quyền hạn của chính phủ liên bang, trong khi bảo vệ quyền của tất cả các công dân, người cư trú và khách thăm viếng trên lãnh thổ Hoa Kỳ. Trong những quyền được các tu chính này bảo vệ có quyền tự do ngôn luận, quyền tự do tín ngưỡng, quyền tự do hội họp, quyền tự do kiến nghị, v.v…
Ngoài việc bảo vệ các quyền như tự do ngôn luận, tự do tôn giáo, tự do sở hữu và mang vũ khí, Tuyên ngôn Dân quyền cũng nghiêm cấm các hình thức khám xét và tịch thu vô lý, các hình phạt độc ác và bất thường, và ép cung nhận tội. Đạo luật này cũng hạn chế quyền lực của Quốc hội và chính phủ liên bang. Theo đó, Quốc hội không được ban hành luật liên quan tới việc thành lập tín ngưỡng, tôn giáo, còn chính phủ liên bang không được tước quyền sống, quyền tự do hay quyền sở hữu tài sản của bất kỳ một cá nhân nào mà không thông qua tiến trình tố tụng pháp luật đúng chuẩn mực.
Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền Pháp (1789)
Cuộc cách mạng Pháp năm 1789 không chỉ giải phóng người dân Pháp hoàn toàn khỏi chế độ phong kiến mà còn đưa họ đến với một chính thể “nhân dân” đầu tiên với bản Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền – bước đi đầu tiên hướng tới hiến pháp cho nước Cộng hòa Pháp.
Tuyên ngôn này khẳng định tất cả các công dân đều được bảo đảm các quyền “tự do, sở hữu tài sản, được an toàn và kháng cự trước áp bức.” Bản tuyên ngôn cũng cho rằng nhu cầu luật pháp xuất phát từ thực tế “việc thực thi các quyền tự nhiên của mỗi người chỉ chịu những giới hạn đảm bảo rằng các thành viên khác trong xã hội cũng được hưởng các quyền tương tự”. Bản tuyên ngôn coi luật pháp là “sự biểu đạt ý chí chung,” và thúc đẩy tính bình đẳng của các quyền và chỉ cấm “những hành động phương hại đến xã hội.”
Công ước Geneva lần 1 (1864)
Năm 1864, 16 quốc gia châu Âu và một số quốc gia châu Mỹ đã tham dự một hội nghị được tổ chức tại Geneva theo lời mời của Hội đồng Liên bang Thụy Sĩ. Hội nghị ngoại giao này được tổ chức với mục đích thông qua một công ước về việc đối xử với các quân nhân bị thương trong chiến tranh.
Các nguyên tắc chính được phát biểu trong Công ước này và được duy trì trong các công ước Geneva về sau quy định nghĩa vụ chăm sóc không phân biệt đối với các quân nhân bị thương, và đau ốm, bao gồm cả tù binh và hàng binh.
Liên Hiệp Quốc (1945)
Sự khốc liệt của Chiến tranh Thế giới II khiến nhiều thành phố của châu Âu và châu Á trở thành đống hoang tàn, đổ nát. Hàng triệu người phải bỏ mạng, hàng triệu người khác rơi vào tình cảnh đói khát, không nhà cửa.
Trước tình hình này, tháng 4 năm 1945, các đoàn đại biểu từ 50 quốc gia đã nhóm họp tại San Francisco trong niềm lạc quan và hy vọng. Mục tiêu của Hội nghị Liên Hiệp Quốc về Tổ chức Quốc tế là nhằm thành lập một tổ chức quốc tế có nhiệm vụ thúc đẩy hòa bình và ngăn chặn các cuộc chiến trong tương lại. Lý tưởng của tổ chức này được phát biểu trong lời mở đầu và hiến chương đề nghị: “Chúng tôi, những dân tộc của Liên Hiệp Quốc, quyết tâm cứu các thế hệ mai sau khỏi thảm họa chiến tranh, đã xảy ra hai lần trong thế hệ của chúng tôi, gây ra nhiều đau thương cho nhân loại.”
Ngày 24/10/1945, Hiến chương Liên Hiệp Quốc chính thức có hiệu lực. Hàng năm ngày này được kỷ niệm như là Ngày Liên Hiệp Quốc.
Tuyên ngôn Phổ quát về Nhân quyền (1948)
Dưới vai trò chủ tọa năng nổ của cựu Đệ nhất Phu nhân Mỹ Eleanor Roosevelt, Ủy ban Nhân quyền mới của Liên Hiệp Quốc bắt đầu soạn thảo văn kiện mà về sau đã trở thành Tuyên ngôn Phổ quát về Nhân quyền. Được thông qua ngày 10/12/1948, bản tuyên ngôn này được ví như Hiến chương Magna Carta của toàn nhân loại.
Lời mở đầu và Điều 1 của bản tuyên ngôn này một lần nữa khẳng định lại những quyền vốn có của con người:
“Xét rằng: Hành vi xem thường và chà đạp nhân quyền đã dẫn đến những hành động man rợ, xúc phạm đến lương tâm nhân loại. Việc tiến đến một thế giới trong đó tất cả mọi người được hưởng tự do ngôn luận, tự do tín ngưỡng, không còn lo sợ hãi và nghèo khó, phải được tuyên xưng như là ước vọng cao nhất của con người.
Tất cả mọi người sinh ra đều được tự do và bình đẳng về nhân phẩm và quyền. Mọi con người đều được Tạo hóa ban cho lý trí và lương tâm, và cần phải đối xử với nhau trong tình bằng hữu”.
Các quốc gia thành viên Liên Hiệp Quốc cam kết cùng nhau thúc đẩy 30 điều nhân quyền được nêu rõ trong bản tuyên ngôn này. Lần đầu tiên trong lịch sử, các điều khoản nhân quyền được tập hợp và thống nhất lại trong một văn kiện chung, duy nhất. Về sau, nhiều quyền trong số này đã được đưa vào hiến pháp của nhiều quốc gia dân chủ dưới các hình thức khác nhau.
Tổng hợp và lược dịch từ A Brief History of Human rights (www.humanrights.com) và Wikipedia (các mục từ “United States Constitution”, “United States Declaration of Independence,” “Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền”.