Làm sếp ở Viện Y Dược học Dân tộc TP. HCM từ năm 34 tuổi, ông Huỳnh Nguyễn Lộc, người mới bị Bộ Công an bắt, là một cán bộ ngành y trưởng thành từ phong trào đoàn hội với biệt danh nổi tiếng là "bác sĩ công nhân".
Nguyễn Huyền Trang – Sau hàng chục năm che giấu các trường hợp xử oan sai, cuối cùng bộ máy tư pháp Trung Quốc cũng cho thấy những nỗ lực hạn chế tình trạng kết án oan. Tuy nhiên, đây có phải là bước đi nhằm hướng tới một cuộc cải tổ ngành hay không còn là chuyện cần bàn thêm. Ngành tư pháp Trung Quốc từ lâu tồn tại nhiều thông lệ cản trở khả năng thực thi công lý.
Hệ thống quy trách nhiệm giải trình yếu kém
Từ đầu những năm 1990, Trung Quốc đã bắt đầu thiết lập hệ thống quy trách nhiệm cho các bên hữu quan trong trường hợp kết án oan sai, như một nỗ lực để các tòa án tự tiến hành điều chỉnh. Đến năm 1998, Tòa án Nhân dân Tối cao Trung Quốc cũng xây dựng Bộ Quy định Trách nhiệm đối với Thẩm phán trong các phiên tòa vi phạm pháp luật, quy định rõ trong trường hợp kết án sai, ai sẽ là người phải chịu trách nhiệm.
Bà Zhang Huanzhi, mẹ của Nie Shubin, một người bị xử tử hình oan vào năm 1996 về tội hiếp dâm và giết người và được minh oan… 18 năm sau. Ảnh: China Daily.
Tuy nhiên, cũng như các nỗ lực cho phép các cơ quan bộ ngành tự cải cách khác, biện pháp trên không mang lại kết quả. “Một số tòa án địa phương coi các phiên tòa phúc thẩm, xét xử lại và điều chỉnh là thừa nhận đã kết án sai,” giáo sư Xu Xi, khoa Luật, Viện Công nghệ Bắc Kinh nhận định. “Vậy nên, chúng cản trở sự độc lập và làm giảm lòng nhiệt tình của các thẩm phán.”
“Để tránh bị quy tội kết án oan, các tòa án địa phương thường đẩy các vụ án lên cấp cao hơn,” giáo sư Xu nói thêm. Chính bởi thế, các thẩm phán thường dành phần lớn thời gian để thiết lập quan hệ hữu hảo với cấp trên, nhằm đảm bảo cho mình có được một cái lưới an toàn nếu vụ án bị kiểm tra đến.
Điều tra, xét xử theo giả định có tội
Mặc dù nguyên tắc xét xử dựa trên giả định vô tội đã được chính thức thức thông qua và đưa vào Bộ luật Tố tụng Hình sự Trung Quốc năm 1996, song trên thực tế hoạt động điều tra, xét xử của Trung Quốc vẫn dựa trên định kiến bị cáo là kẻ có tội. Cụ thể, đến nay vẫn có nhiều tranh cãi xoay quanh cấp độ tồn tại của nguyên tắc này trong các văn bản luật. Theo giáo sư Chen Guangzhong, trường Đại học Luật và Khoa học Chính trị Trung Quốc, những điều luật thể hiện nguyên tắc xét xử trên giả định vô tội có cách dùng từ mơ hồ, khiến các tòa án có thể diễn giải theo nhiều cách hiểu khác nhau. Chẳng hạn, Điều 12, Bộ luật Tố tụng Hình sự sửa đổi quy định “Không ai bị coi là có tội trước khi tòa án nhân dân đưa ra phán quyết.”
“Giả định có tội” – khái niệm trung tâm trong hệ thống pháp lý của Trung Quốc trước chế độ Cộng Sản – vẫn là một đặc điểm bất thành văn trong các vụ án hình sự của nước này. Nguyên tắc này không chỉ ăn sâu trong não trạng của lực lượng điều tra, dẫn đến hoạt động điều tra định kiến, phát triển theo hướng ép án, mà còn có ảnh hưởng mạnh mẽ lên các phán quyết của tòa án – cơ quan giữ nhiệm vụ cầm cán cân công lý.
Trong bài viết kêu gọi cần áp dụng mọi biện pháp để chấm dứt tình trạng kết án oan sai, Phó Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao Trung Quốc, ông Shen Deyong, thừa nhận, nguyên nhân để xảy ra án oan một phần là do sự tắc trách của tòa án, một phần là do bệnh thành tích của các nhà chức trách. Mong muốn đạt được tỷ lệ bắt giữ, truy tố cũng như kết án cao là một trong những động cơ khiến các cơ quan hữu quan bám lấy giả định có tội, thay vì giả định vô tội khi tiến hành điều tra, xét xử. Chính điều này đã dẫn tới việc thực thi sai công lý ngay từ giai đoạn bắt giữ.
Các tòa án Trung Quốc nổi tiếng vì những phiên tòa xét xử theo dư luận, những lời làm chứng định kiến, những chứng cứ yếu hoặc bị giả mạo, và màn bị can đọc bản nhận tội thu được bằng cực hình. Khi các vụ án, đặc biệt là các vụ án tử hình, bị phát giác là có dính đến một tình huống như vậy, các tòa án cấp cao hơn thường chọn đổi bản án tử hình thành tử hình có ân xá, hoặc tù chung thân để vừa giữ được tỷ lệ phá án, kết án, vừa tránh được việc thi hành án tử hình dù những có chứng cứ để nghi ngờ hợp lý.
Bóp méo, làm giả chứng cứ
Theo giáo sư Chen Guangzhong, bên phải chịu trách nhiệm lớn nhất trong trường hợp xảy ra án oan sai là lực lượng cảnh sát. Chính thông lệ sử dụng cực hình để có được các lời cung khai của lực lượng này là xuất phát điểm dẫn đến những bản án oan sai.
Với nhiều nhân viên điều tra, tra tấn nghi phạm là một việc làm chính đáng, họ đang tạo ra tác động tích cực lên các con số thống kê về tội phạm. Họ phải chịu áp lực phá án rất lớn, đặc biệt là trong các vụ án giết người. Vì vậy, họ thường bỏ qua các chứng cứ, và đơn giản nhắm mục tiêu vào một cá nhân và dùng các biện pháp cưỡng bức để có được lời khai từ cá nhân đó.
Cũng theo giáo sư Chen, khi một vụ như vậy được đưa ra xét xử, công tố và tòa án thường không thể tuân theo nguyên tắc bị can “vô tội cho đến khi được chứng minh là có tội.” Thay vào đó, họ hoặc là hoãn xử, hoặc là giảm bán án. Họ không tuyên vô tội, mà cũng không kết án tử hình, khiến bị can trở thành những người tù của hoàn cảnh, phải ngồi tù vô thời hạn.
Ông He Jiahong, giáo sư luật, trường Đại học Renmin, tin rằng, chính cách điều tra trong các vụ án hình sự ở Trung Quốc hiện nay là một rào cản đối với khái niệm xét xử công bằng. Các chứng cứ lờ mờ, còn nhiều nghi vấn được các cơ quan chức năng coi là đủ để kết án, trong khi các luật sư biện hộ nhận thấy, lời khai của nhân chứng thường không được coi trọng, các chứng cứ bị lờ đi, và bản thân họ không được tiếp cận với thân chủ cũng như các tài liệu của tòa án.
Các luật sư và chuyên gia luật học Trung Quốc hiện đang ủng hộ xây dựng dữ liệu pháp y có thể đánh giá, đặc biệt là một cơ sở ADN toàn diện. Tuy nhiên, các cơ quan hành pháp Trung Quốc không hào hứng lắm với khả năng chứng minh một cách chắc chắn sự vô tội hay có tội của nghi can của hệ thống chứng cứ này bởi lo ngại các con số thống kê thành tích triệt phá tội phạm sẽ sụt giảm. Điều này phản ánh rõ hai nhược điểm quan trọng trong hệ thống tư pháp của Trung Quốc: trước hết là thiếu vắng sự kiểm soát và cân bằng trong thủ tục tư pháp và hoạt động hành pháp; thứ hai là “sự mất hiệu lực thực tế” của các phiên tòa hình sự – các phiên tòa gần như chỉ mang tính hình thức, hầu hết các bản án đều là những kết luận được đưa ra từ trước.