Chánh án Hong Kong: Tòa án không có chỗ cho chính trị


Trương Tự Minh
 – Ngày 12/1 vừa qua, Hong Kong chính thức bước vào năm pháp lý (legal year) mới. Như thông lệ, buổi lễ mở đầu một năm pháp lý mới được tổ chức ở tòa thị chính với sự tham dự của các thẩm phán, quan chức ngành tư pháp và đại diện giới luật sư. Tuy nhiên, tại sự kiện này năm nay, đã nổ ra một cuộc tranh luận gay gắt về vấn đề pháp trị khi có những ý kiến trái chiều về phong trào biểu tình kéo dài 79 ngày của giới sinh viên – học sinh Hong Kong hồi cuối năm ngoái.

"Khi nhắc đến pháp trị thì không thể có thỏa hiệp" - Chánh án Tòa Tối cao Hong Kong Geoffrey Ma Tao-li phát biểu hôm 12/1 vừa qua. Ảnh: South China Morning Post.

Việc thực thi công lý của tòa án không thể bị những yếu tố bên ngoài như tình hình chính trị hay quan điểm chính trị gây chi phối” – Chánh án Tòa Tối cao Hong Kong Geoffrey Ma Tao-li phát biểu hôm 12/1 vừa qua. Ảnh: South China Morning Post.

Chủ tịch Đoàn Luật sư: Pháp trị là tôn trọng quyền và tự do cá nhân

Paul Shieh Wing-tai, Chủ tịch Đoàn Luật sư Hong Kong, chỉ trích cách mà các quan chức địa phương diễn giải bản chất của một nền pháp trị. Ông nói: “Giới hành pháp ngày càng có xu hướng nhấn mạnh khía cạnh ‘tuân thủ pháp luật’. Đối với người không hành nghề luật hoặc không qua trường lớp đào tạo, điều này nghe có vẻ rất đúng với khái niệm pháp trị. Nhưng theo quan điểm của tôi và Luật sư Đoàn Hong Kong, lối diễn giải đó có thể phản tác dụng nếu làm công chúng hiểu sai”.

Ông lưu ý, tiến hành mọi việc theo quy định pháp luật khiến người ta tưởng lầm rằng nhiều hiện tượng trong xã hội là hệ quả tất yếu của việc làm đúng theo luật, thế nhưng vấn đề hoàn toàn không phải như vậy. “Luật pháp đã trở thành tấm khiên che chắn tiện lợi”.

Shieh nói pháp trị còn là sự tôn trọng các quyền và tự do cá nhân. Mở rộng bài phát biểu của mình, ông nhận định chương trình cải cách chính trị mà chính quyền Bắc Kinh áp đặt cho Hong Kong là “giới hạn quyền một cách vô lý”. Tuy nhiên, Chủ tịch Đoàn Luật sư của Đặc khu không ủng hộ sự vi phạm pháp luật.

Bộ trưởng Tư pháp: Không thể lấy cớ quyền tự do…

Phần nói của Chủ tịch Đoàn Luật sư tiếp nối bài phát biểu của Bộ trưởng Tư pháp Hong Kong Rimsky Yuen Kwok-keung. Người đứng đầu lĩnh vực tư pháp của ngành hành pháp lại có quan điểm trái ngược: “Nền pháp trị ở Hong Kong đang đối mặt với những thách thức lớn. Phong trào ‘Chiếm Trung tâm’ vừa qua đã mang đến những mối nguy cho nền pháp trị”.

Ông xác định pháp trị là “nền móng của dân chủ và chế độ bầu cử tự do”, đồng thời so sánh “thiết lập các cơ chế theo hiến pháp hay tiến hành bầu cử phổ thông đầu phiếu nhưng thiếu vắng yếu tố pháp trị thì không khác gì một căn nhà không có móng”.

Đối với những người bị kết án vì vai trò của họ trong các cuộc biểu tình mùa thu năm ngoái, vị bộ trưởng này nói không thể lấy mục đích theo đuổi chế độ bầu cử tự do hoặc công bằng xã hội để bào chữa cho các hành động gây hại đến nền pháp trị. Theo đó, ông cho rằng việc những người bị kết án khẳng định họ bị trả thù chẳng qua chỉ là để tạo lợi thế cho phe biểu tình.

Chánh án Tòa Tối cao: Tòa án phải phi chính trị

Phiên tranh luận còn có sự tham gia của Chánh án Tòa Tối cao Hong Kong. Mở đầu phần trình bày của mình, ông Geoffrey Ma Tao-li nói: “Khi nhắc đến pháp trị thì không thể có thỏa hiệp. Không có chuyện làm khác đi hay có chỗ cho việc thương lượng, mặc cả”.

Về tình trạng hỗn loạn trong một số cuộc biểu tình vào cuối năm ngoái, ông tin rằng người dân Hong Kong luôn tôn trọng tính chất “quyền tối thượng” của luật pháp, hiện tại cũng như trong suốt thời gian diễn ra biểu tình. Tuy đã có một nhóm nhỏ người biểu tình chống lại lệnh tòa án, nhưng Ma khẳng định: “Tôi không nghĩ sẽ có ý kiến phản đối khi tôi nói mọi người đã tuân thủ pháp luật trước cũng như sau thời điểm diễn ra phong trào”.

Bên cạnh đó, người đứng đầu ngành tư pháp của đặc khu còn nhấn mạnh, không được để yếu tố chính trị hiện diện trong phán quyết của các thẩm phán. “Việc thực thi công lý của tòa án không thể bị những yếu tố bên ngoài như tình hình chính trị hay quan điểm chính trị gây chi phối”.

Khi được hỏi về Sách Trắng – văn bản quy định chính sách quản lý Hong Kong do Hội đồng Nhà nước Trung Quốc ban hành tháng 6 năm ngoái, trong đó có yêu cầu các thẩm phán phải có tinh thần yêu nước – Chánh án Geoffrey Ma Tao-li đã bảo vệ tính độc lập của tòa án: “Đây không phải là quan điểm cá nhân của tôi, mà nó được thể hiện trong Luật cơ bản”.

lap_phap-HK_AP

Các nhà lập pháp thân dân chủ giương dù vàng và bỏ ra ngoài trong lúc Trưởng quan hành chính Hồng Kông Lương Chấn Anh đọc diễn văn, ngày 14/1/2014. Nguồn: AP/VOA Tiếng Việt

Trong một diễn biến khác vào hôm thứ tư, 14/1 vừa qua, khoảng 20 nhà lập pháp thân dân chủ ở Hong Kong đã giương những cánh dù màu vàng lên và bỏ ra khỏi phòng họp của Hội đồng Lập pháp, trong lúc Trưởng quan hành chính Hong Kong Leung Chun-ying [Lương Chấn Anh] đọc bài diễn văn thường niên về chính sách. Hai người khác đã bị lực lượng an ninh đuổi ra ngoài ngay từ trước khi ông Leung trình bày diễn văn, do họ hô: “Đả đảo Leung Chun-ying! Ủng hộ phổ thông đầu phiếu thực chất!”.

Chú thích

“Năm pháp lý” là khái niệm tồn tại ở các nước thuộc hệ thống thông luật, theo đó các thẩm phán chỉ xét xử trong thời gian diễn ra năm pháp lý. Theo thông lệ, năm pháp lý thường được chia thành các kỳ (term), mà khoảng thời gian giữa các kỳ là thời gian tòa án nghỉ, không làm việc.

Bạn đã đăng ký thành công!

Mừng bạn trở lại!

Bạn đã đăng ký thành công.

Vui lòng kiểm tra hộp thư để lấy link đăng nhập.

Thông tin thanh toán của bạn đã được cập nhật.

Thông tin thanh toán của bạn chưa được cập nhật.