Thư cuối tuần - 18/1/2025
Đây là Thư cuối tuần của Luật Khoa tạp chí. Thư tin này chỉ làm một việc đơn giản là
Sự xuất hiện của các đảng chính trị theo cách hiểu như của chúng ta về đảng chính trị hiện nay, chỉ được biết đến sau những năm cuối của thế kỷ XVII.
Cho đến nay, những tài liệu lịch sử không cho chúng ta biết gì về đảng chính trị thời kỳ Hy – La. Những người Hy lạp cổ xưa là những người tiên phong trong việc phát triển dân chủ nhưng họ cũng không có tổ chức nào giống như các đảng chính trị hiện nay.
Nghị viện của người La mã cổ đại có hai nhóm đại diện cho lợi ích của hai nhóm dân cư là Patricians và Plebeians, nhưng cũng không phải là đảng chính trị. Trong nhiều thế kỷ, sau sự sụp đổ của đế chế La mã ( năm 476 sau Công nguyên), người dân châu Âu cũng có bàn luận về các vấn đề chính trị, nhưng không phải thứ chính trị như bây giờ.
Bài viết này nằm trong tiểu luận “Tương lai nào cho luật về đảng chính trị ở Việt Nam?” được Luật Khoa tạp chí đăng tải dài kỳ kể từ ngày 30/1.
Kỳ trước: Đảng chính trị là gì?
Sự xuất hiện của đảng chính trị đầu tiên trên thế giới có lẽ bắt đầu từ nước Anh, trong thời kỳ được gọi là Popish Plot năm 1678, với hai đảng đầu tiên được biết đến với cái tên là đảng Whig và đảng Tory.
Cái tên Whig và Tory bắt đầu xuất hiện ở nước Anh từ cuối những năm 1670[1], Whig là một từ cổ trong tiếng Scotland chỉ những người đối lập với chính quyền. Còn Tory là chỉ những người Ailen theo Thiên chúa giáo La mã, là những người ủng hộ nhà vua.
Những người theo đảng Whig muốn có một định chế để kiểm soát quyền lực của Vua Anh, nhưng những người của đảng Tory lại muốn duy trì quyền lực tuyệt đối của chế độ quân chủ.[2] Đảng Tory thì muốn có một vị vua mạnh mẽ, đầy quyền lực để cai trị đất nước trong khi đảng Whig thì muốn người dân có nhiều quyền hơn trong việc kiểm soát các hoạt động của chính quyền.
Về sau, Nghị viện Anh đã nắm quyền kiểm soát vương quyền, còn đảng Whig và đảng Tory đã trở thành những đảng được tổ chức chặt chẽ. Giai đoạn từ năm 1832 – 1846 là giai đoạn hình thành hệ thống chính trị lưỡng đảng ở Anh quốc. Năm 1830 đảng Whig đổi tên là đảng Bảo thủ và có một số thay đổi mới[3].
Tuy nhiên, một nhánh của đảng Whig đã tách ra và phát triển theo một hướng khác và hình thành nên đảng Tự do (Liberal). Đến năm 1918 thì đảng Tự do suy thoái dần dần. Và một đảng mới xuất hiện thay thế vai trò của đảng Tự do, đó chính là Công đảng.[4] Hiện nay, hệ thống chính trị Anh quốc có hai đảng thay nhau cầm quyền (nên các nhà nghiên cứu gọi là hệ thống chính trị lưỡng đảng ) là Công đảng và đảng Bảo thủ.
Còn tại Mỹ, Hamilton và một số người ủng hộ muốn xây dựng một chính quyền trung ương mạnh, cho nên, năm 1787, họ đã thành lập một liên minh chính trị và gọi đó là đảng Người liên bang (the Federalists), đây chính là đảng chính trị đầu tiên ở Hoa Kỳ.[5] Năm 1796, một nhóm đối lập với quan điểm của Người liên bang đã tập hợp lại dưới sự lãnh đạo của Thomas Jefferson, họ muốn hạn chế quyền lực của chính quyền liên bang. Các thành viên trong nhóm này đã gọi tên đảng của họ là đảng Cộng hoà – Dân chủ.
Các doanh nhân, chủ ngân hàng, các thương nhân ở phía Bắc thì ủng hộ cho đảng Người liên bang, còn các chủ trang trại nhỏ, các nông dân và thợ thủ công thì ủng hộ cho đảng Cộng hoà – Dân chủ. Về chính sách đối ngoại thì đảng Người liên bang nghiêng về ủng hộ nước Anh, trong khi đảng Cộng hoà – Dân chủ lại ủng hộ cho cuộc cách mạng Pháp. Lãnh đạo đảng Người liên bang đầu tiên là John Adams, người đã nối tiếp George Washington giữ chức vụ Tổng thống Hoa Kỳ. Tuy nhiên, từ năm 1800 đảng Người Liên bang đã bị giành mất chính quyền bởi đảng Cộng hoà – Dân chủ. Đảng Người liên bang đã chỉ còn một số lượng đảng viên ít ỏi trong giai đoạn từ năm 1800 đến năm 1820.[6]
Kể từ 1820 trở đi, đời sống chính trị Hoa Kỳ đã có những sự thay đổi đáng kể, xuất hiện thêm nhiều quan điểm đối chọi nhau của các chính khách trên khắp đất nước. Chính điều đó đã dẫn tới cuộc nội chiến Hoa Kỳ. Các chủ trang trại ở miền Bắc, các nông dân ở biên giới phía Tây, các chủ ngân hàng và các nhà buôn ở miền Bắc muốn chính quyền liên bang thực hiện một số chính sách, trong đó có việc duy trì chế độ nô lệ.
Năm 1828, một đảng viên của đảng Cộng hoà – Dân chủ là Andrew Jackson đã tham gia ứng cử Tổng Thống. Ông ta đã thành lập một đảng của riêng mình, tách ra từ đảng Cộng hoà – Dân chủ và đặt tên là đảng Dân chủ (Democrats). Những người thuộc đảng Người Liên bang trước đây đã tập hợp cùng những người chống lại đảng Dân chủ đã thành lập một liên minh gọi là Quốc gia Cộng hoà. Đảng này cũng còn được gọi là đảng Whig.[7]
Năm 1854, sự tranh cãi về vấn đề nô lệ đã phủ một bóng đen lên nền chính trị Hoa Kỳ. Với sự chia rẽ quan điểm trong vấn đề duy trì hay không duy trì chế độ nô lệ đã khiến lực lượng của cả hai đảng Cộng hoà và đảng Whig bị phân rã. Cũng trong năm này, lực lượng chống lại việc duy trì chế độ nô lệ đã liên minh với lực lượng gọi là Đất tự do để thành lập một đảng lấy tên là Đảng Cộng hoà (Republican Party).[8]
Lúc này Hoa Kỳ gồm rất nhiều đảng chính trị, lịch sử ghi nhận giai đoạn này Hoa Kỳ có 6 đảng chính trị khác nhau, tuy nhiên sau cuộc Đại suy thoái 1929 – 1933, Hoa Kỳ đã chuyển sang giai đoạn lưỡng đảng chi phối toàn bộ nền chính trị Hoa Kỳ dù vẫn còn có những đảng chính trị khác cùng tồn tại. Cho đến nay, mặc dù có nhiều đảng chính trị cùng tồn tại, nhưng thực chất Hoa Kỳ chỉ là hệ thống chính trị lưỡng đảng, với hai đảng thay nhau và cạnh tranh với nhau để cầm quyền là đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa.
Còn tại Đức, quá trình xuất hiện đảng chính trị bắt đầu từ thế kỷ XIX[9]. Khởi đầu, các đảng chính trị ở Đức thuộc về bốn nhóm, bao gồm: Tự do, Bảo thủ, Xã hội và Thiên chúa giáo. Sau này cùng với quá trình công nghiệp hóa và phát triển đô thị, dẫn tới sự lớn mạnh của giai cấp công nhân ở Đức. Dưới sự ảnh hưởng của học thuyết Marx và bối cảnh ra đời của nhiều đảng xã hội ở các nước châu Âu lúc đó, một đảng xã hội với tên gọi là Đảng Xã hội Dân chủ của Công nhân (Social Democratic Workers Party) được thành lập năm 1869[10], đây là đảng chính trị đầu tiên ở Đức. Tuy vậy, cho đến nay, hệ thống chính trị của Đức đang có 7 đảng chính trị, bao gồm: Liên minh Dân chủ Thiên chúa giáo; đảng Dân chủ xã hội; đảng Dân chủ tự do; đảng Xanh; đảng Cánh tả; Liên minh Xã hội Thiên chúa giáo; đảng Hải tặc[11].
Sau đó, ảnh hưởng của nền dân chủ phương Tây cùng với việc thực hiện các chương trình bầu cử đã lan rộng đến nhiều nơi trên thế giới. Từ Tây âu cho tới Bắc Mỹ, cũng như nhiều quốc gia tại châu Mỹ La tinh và châu Á, nền dân chủ được tổ chức thực hiện dựa trên sự cạnh tranh của các đảng chính trị đã trở thành một khuôn mẫu cho các thể chế chính trị khác học tập và xây dựng. Nhưng ở một số nước tại khu vực Đông Âu cùng với Nga và Trung Quốc đã thay đổi từ một quốc gia quân chủ tuyệt đối sang một hệ thống chính trị dựa trên một đảng duy nhất cầm quyền.
Trong quá trình công nghiệp hóa và hiện đại hóa phát triển mạnh mẽ trên thế giới, các hệ thống chính trị độc đảng ở Đông Âu đã thất bại trong việc duy trì phát triển kinh tế quốc gia, trong khi đó các hệ thống chính trị lưỡng đảng và đa đảng của các nước phương Tây lại đạt được nhiều thành tựu lớn trong quá trình phát triển. Cho đến cuối những năm 1980, trước sự thất bại của mô hình chính trị độc đảng, sau sự kiện bức tường Berlin sụp đổ năm 1989, nhiều quốc gia Đông Âu đã phải chuyển từ chế độ độc đảng sang chế độ đa đảng để kiến tạo và phát triển nền dân chủ. Cũng trong thời gian này, nhiều quốc gia châu Á cũng như châu Phi đã phải chịu nhiều áp lực trong việc dân chủ hóa hệ thống chính trị của họ.
Kỳ tới: Luật về đảng chính trị trong nền dân chủ và thể chế pháp quyền
Tài liệu tham khảo:
[1] Eric J. Evans, Political Parties in Britain 1783 – 1867: 2001, trang 7
[2] Eric J. Evans, sđd, trang 7
[3] Eric J. Evans, sđd, trang 35
[4] Eric J. Evans, sđd, trang 50
[5] Michael Gizzi, Tracey Gladstone-Sovell, William Wilkerson, The Web of Democracy: An Introduction to American Politics, trang 191.
[6] Michael Gizzi, Tracey Gladstone-Sovell, William Wilkerson, sđd, trang 191.
[7] Michael Gizzi, Tracey Gladstone-Sovell, William Wilkerson, sđd, trang 193
[8] Michael Gizzi, Tracey Gladstone-Sovell, William Wilkerson, sđd, trang 193
[9] Geoffrey Roberts, Party Politics in the New Germany, trang 5
[10]Geo ffrey Roberts, sđd, trang 6
[11] http://www.spiegel.de/international/germany/guide-to-german-political-parties-a-886188.html