Vì sao đại biểu Quốc hội Việt Nam không có quyền lực?
Một số lượng lớn các đại biểu Quốc hội hiện đang đảm nhiệm các nhiệm vụ khác.
Trịnh Hữu Long – Nếu nhà văn Nguyễn Quang Lập bị khởi tố ở Thái Lan thì liệu ông có bị giam giữ không? Câu trả lời rất có thể là “Không”. Bài viết dưới đây bàn về một chuyện rất bình thường ở nhiều nền tư pháp trên thế giới và trong khu vực, nhưng lại là điều xa lạ với Việt Nam.
Ông cựu Bộ trưởng đi xe hơi đến hầu tòa
Ngày 15/10/2014, tôi theo chân một nhóm quan sát viên của Ủy ban Luật gia Quốc tế (ICJ) đến tham dự một phiên tòa quân sự (military trial) ở Bangkok, Thái Lan, xét xử một nhân vật nổi tiếng: cựu Bộ trưởng Giáo dục Chaturon Chaisaeng. Thái Lan lúc này đang bị đặt dưới sự kiểm soát của chính quyền quân sự và hồ sơ nhân quyền của họ ngày một xấu đi.
Cựu Bộ trưởng Giáo dục Chaturon bị quân đội bắt giữ ngay khi đang tổ chức một cuộc họp báo ở Bangkok ngày 27/5/2014. Ảnh: The Guardian.
Chaturon là một trong những chính trị gia nổi bật nhất ở Thái Lan và từng giữ chức Phó Thủ tướng dưới thời Thaksin hồi năm 2004 – 2005. Ông bị bắt gần 5 tháng trước đó và bị cáo buộc chống lệnh trình diện của chính quyền quân sự, kích động gây rối và lưu trữ tài liệu bí mật quốc gia hoặc tài liệu khủng bố trong máy tính, tổng hợp hình phạt có thể lên tới hơn 14 năm tù giam.
Phòng xử án chỉ là một căn phòng nhỏ đặt trong khuôn viên của Bộ Quốc phòng Thái Lan, vừa đủ cho khoảng 30 người dự khán. Mặc dù là tòa án quân sự, tôi vẫn thấy sự có mặt của nhiều tùy viên chính trị của các đại sứ quán, phóng viên báo chí và giới hoạt động nhân quyền ở Thái Lan. Không có hàng rào cảnh sát hay quân đội nào được lập ra để hạn chế công chúng tiếp cận phiên tòa.
Điều sẽ làm bất kỳ người Việt Nam nào cũng sẽ ngạc nhiên là sự xuất hiện của Chaturon tại phiên tòa. Ông bước vào phòng xử án trong bộ complet và được hộ tống bởi luật sư cùng thân nhân. Chaturon không bị còng tay hay bị áp giải bởi bất kỳ nhân viên công lực nào, vì đơn giản là ông không bị giam giữ. Ông đang hưởng quy chế tại ngoại hầu tra và có tài xế riêng đưa đón đi dự phiên tòa. Điều này hoàn toàn xa lạ với công chúng Việt Nam, đặc biệt là trong các vụ án chính trị.
Trở lại với trường hợp của nhà văn Nguyễn Quang Lập. Ông bị Công an TP. Hồ Chí Minh bắt khẩn cấp và bị giam giữ từ ngày 6/12/2014 theo Điều 258, Bộ luật Hình sự về tội “lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân”. 11 ngày sau, ông bị khởi tố bị can với một tội danh khác, “tuyên truyền chống Nhà nước”, theo Điều 88 Bộ luật Hình sự.
Mặc dù Điều 79, Bộ luật Tố tụng Hình sự Việt Nam quy định các biện pháp ngăn chặn khác ngoài tạm giữ, tạm giam, bao gồm cấm đi khỏi nơi cư trú, bảo lĩnh, đặt tiền hoặc tài sản có giá trị để bảo đảm; tuy nhiên, thực tế tố tụng cho thấy biện pháp giam giữ vẫn bị lạm dụng và hình ảnh người bị cáo buộc trở nên rất tiêu cực, hoàn cảnh của họ trở nên rất nặng nề. Bất chấp nhiều lời kêu gọi từ gia đình và bạn bè cho ông Lập được tại ngoại, nhà văn nổi tiếng này vẫn tiếp tục bị tạm giam thêm ít nhất ba tháng nữa.
Nhà văn Nguyễn Quang Lập. Ảnh: BBC Tiếng Việt
Ở Thái Lan, trong trường hợp tương tự, ông Lập có thể yêu cầu luật sư hoặc nhờ người thân làm thủ tục bảo lãnh để được trở về nhà ngay trong ngày đóng tiền bảo lãnh. Ông Chaturon đã được tòa cho phép tại ngoại trong quá trình điều tra sau 11 ngày bị giam giữ, với việc chấp nhận đóng cho tòa một khoản tiền bảo lãnh là 400 nghìn bath (tương đương với khoảng 260 triệu đồng Việt Nam). Trong số 19 vụ án chính trị nổi bật của Thái Lan vào thời điểm đó, có đến 9 vụ án có bị cáo được tại ngoại hầu tra.
Thông thường, chỉ mất 3-6 tiếng sau khi đóng tiền bảo lãnh, bị can, bị cáo sẽ được trở về nhà. Khoản tiền bảo lãnh không bị mất đi, mà chỉ được coi là một khoản ký quỹ nhằm đảm bảo bị can sẽ trở lại phiên tòa theo tiến trình xét xử. Nếu bị can không đến hầu tòa, họ sẽ không được hoàn lại khoản tiền bảo lãnh đó nữa.
Mỹ: hơn 96% bị cáo có cơ hội tại ngoại
Tại ngoại hầu tra được áp dụng rất phổ biến ở Mỹ. Báo cáo năm 2009 của Bộ Tư pháp nước này cho thấy, có đến 62% các bị cáo trong các vụ án nghiêm trọng (felony defendants) ở 75 quận hạt lớn nhất được tại ngoại trong giai đoạn tiền xét xử. Trong số 38% còn lại, cứ 10 người thì có đến 9 người được phép tại ngoại nhưng không đủ khả năng đóng tiền bảo lãnh. Như vậy, có đến hơn 96% số bị cáo trong các vụ án nghiêm trọng ở 75 quận hạt này có cơ hội tại ngoại.
Đặc biệt, thống kê cũng cho thấy trong số các bị cáo được tại ngoại nêu trên thì có đến hơn 1/3 được thả chỉ trong vòng một ngày sau khi bị bắt. Đặt phạm vi khảo sát là một tuần sau khi bị bắt, con số này lên đến 3/4. Trong số các bị cáo được tại ngoại có cả nghi phạm giết người.
Về cơ bản, một người bị bắt ở bất cứ bang nào của Mỹ đều có bốn cách để được tại ngoại hầu tra: trả tiền bảo lãnh, thế chấp tài sản, sử dụng dịch vụ bảo lãnh từ các công ty thương mại (buy a bail bond) và ký cam kết sẽ trở lại hầu tòa đúng lịch xét xử (getting released on your own recognizance – O.R.).
Dịch vụ bảo lãnh nở rộ ở Mỹ do nhiều người bị bắt không có đủ tiền đóng tiền bảo lãnh, vốn dao động từ vài chục USD đến 100 nghìn USD. Người bị bắt phải mua một phiếu bảo lãnh (bail bond) từ các công ty này với giá tương đương 10% khoản tiền bảo lãnh và công ty đó sẽ đứng ra đảm bảo với tòa rằng nếu bạn bỏ trốn, họ sẽ trả toàn bộ số tiền bảo lãnh cho tòa.
Một công ty kinh doanh dịch vụ bảo lãnh tại ngoại ở Mỹ. Ảnh: The New Yorker.
Ví dụ, bạn phải đóng 10 nghìn USD tiền bảo lãnh, thì thay vì đóng toàn bộ khoản tiền, bạn chỉ việc mua phiếu bảo lãnh với giá 1.000 USD từ một nhà cung cấp dịch vụ và phần việc còn lại họ sẽ thu xếp với tòa án. Nếu bạn bỏ trốn, công ty sẽ phải đóng 10 nghìn USD cho tòa, và trong mọi trường hợp, bạn đều mất khoản tiền 1.000 USD đã dùng để mua phiếu bảo lãnh.
Theo luật sư Vi K. Tran, thành viên Ban điều hành Hiệp hội Luật sư Tranh tụng hạt Santa Clara (California, Mỹ), “khái niệm ‘nhân thân tốt’ ở Việt Nam cũng được áp dụng ở Mỹ trong việc xem xét có cho phép tại ngoại hầu tra hay không. Trong nhiều trường hợp, ‘nhân thân tốt’ có thể giúp người bị bắt được tại ngoại mà không cần đóng bất kỳ khoản tiền nào, ngoài việc ký cam kết với một lời hứa sẽ trở lại hầu tòa đúng lịch”.
Các yếu tố nhân thân bao gồm:
Theo thống kê đã dẫn, có 23% số hồ sơ tại ngoại năm 2009 thuộc diện O.R. và không phải đóng tiền bảo lãnh.
* * *
Trong một chuyến công tác tại Philippines hồi tháng 9/2014, tôi có dịp được đến thăm một trại tạm giam (detention center) ở thủ đô Manila. Điều gây ấn tượng nhất cho tôi trong chuyến thăm đó là được tham dự một buổi thuyết trình của một luật sư thiện nguyện dành cho những người bị tạm giam (detainee) về việc làm thế nào để được tại ngoại hầu tra. Hệ thống tư pháp Philippines rất chú trọng vấn đề này và tạo những điều kiện cần thiết để cho bị can, bị cáo được tại ngoại, không chỉ vì lý do nhân quyền hay nhân đạo, mà còn vì hệ thống trại giam ở đây đã quá tải.
Dĩ nhiên, cơ quan điều tra hay công tố ở quốc gia nào cũng thường có xu hướng cổ súy cho biện pháp tạm giam vì sẽ dễ điều tra và dễ gây áp lực thể chất cũng như tinh thần cho bị can, bị cáo hơn. Trên một khía cạnh nào đó, việc lạm dụng biện pháp tạm giam đã dẫn đến tình trạng tra tấn bị can, bị cáo và là một trong những nguyên nhân chính của hiện tượng án oan vốn rất phổ biến ở Việt Nam hiện nay.
Tài liệu tham khảo:
Getting Out of Jail after You Have Been Arrested (Findlaw)Felony Defendants in Large Urban Counties, 2009 – Statistical Tables, U.S. Department of Justice, 2013.