Xã hội dân sự và phát triển quốc gia - Kỳ 1: Vốn xã hội
🎧Mời bạn nghe bản audio của bài này:Xã hội dân sự và phát triển quốc gia - Kỳ 1:
Từ tháng 1 này, Luật Khoa tạp chí sẽ đăng tải một loạt bài với chủ đề “Triết học chính trị dành cho luật sư”, tổng hợp những kiến thức phổ quát về triết học chính trị. Các bạn sẽ tìm thấy ở đây những định nghĩa, kiến giải và phân tích về các khái niệm căn bản nhất những cũng là những điều người Việt Nam nói chung ít được tiếp cận: tự do, công lý, dân chủ, bình đẳng, nhân quyền, tính chính danh của nhà nước và nghĩa vụ chính trị của công dân trong xã hội, v.v. Bài đầu tiên giới thiệu với các bạn khái niệm tự do.
Một trong các nguyên nhân khiến nhiều cuộc thảo luận, tranh luận của người Việt, trên mạng hoặc ngoài đời, thường bị “tắc tị”, là do các bên tham gia không hiểu và/hoặc không thống nhất được với nhau về các khái niệm cơ bản, tức là vấn đề định nghĩa.
Một trong nhiều chủ đề gây tranh cãi là tự do. Và chủ đề này không chỉ gây tranh cãi mà đôi khi còn là nguồn gốc của những căng thẳng, mâu thuẫn về chính trị trong xã hội, khi có những người đấu tranh đòi hỏi “tự do cho Việt Nam” và có những người không hiểu tại sao lại phải “đòi tự do” ở một đất nước ổn định chính trị, không có chiến tranh, không phải thuộc địa, như Việt Nam.
Muốn thảo luận một cách nghiêm túc, có chất lượng khoa học, thì trước hết các bên phải thống nhất được với nhau về một số điểm, như quy tắc tranh luận, tức là “luật chơi”, và các thuật ngữ hay khái niệm chung.
Vậy, tự do là gì?
Xưa nay đã có nhiều triết gia định nghĩa về tự do. Ví dụ, độc giả Việt Nam hẳn là đã quen thuộc với định nghĩa này của Friedrich Hegel (1770-1831): “Tự do là cái tất yếu được nhận thức”. Nó được đưa hẳn vào chương trình giáo dục công dân hay có thể coi như chương trình triết học căn bản phổ thông trong các trường học ở Việt Nam.
Để làm cho định nghĩa của Hegel trở nên dễ hình dung hơn, giáo viên có thể giải thích: “Đây nhé, các em là học sinh, nghĩa vụ của các em là đến trường, đi học. Khi đi học thì phải làm bài đầy đủ, thi cử nghiêm túc. Đó là những nghĩa vụ tất yếu. Các em ý thức được đó là cái tất yếu thì các em sẽ học hành chăm chỉ, không trốn tiết, bỏ thi, và cứ làm đúng như thế là các em có tự do. Nếu không làm đúng như thế thì các em sẽ bị trừng phạt, tức là bị kỷ luật, bị thầy cô giáo và cha mẹ nhắc nhở và mất tự do. Như thế nghĩa là tự do là nhận thức cái tất yếu”.
Có thể bạn sẽ thấy với định nghĩa này, tự do vẫn có cái gì đó hạn hẹp quá, trong khuôn khổ quá. Tóm lại, nó không thỏa đáng.
Một triết gia khác, John Locke (1632-1704), đưa ra định nghĩa: “Tự do là khả năng con người có thể làm bất cứ điều gì mà mình mong muốn mà không gặp bất kỳ cản trở nào”.
Căn cứ vào định nghĩa của Locke, rõ ràng là nếu ai cũng có thể làm bất cứ điều gì mình mong muốn mà không gặp bất kỳ cản trở nào, thì cuối cùng tự do của người này sẽ xâm phạm và cản trở tự do của người kia; hay nói cách khác, tự do của người này đồng thời lại là sự mất tự do của người kia. Có thể nào như vậy chăng? Định nghĩa này xem ra cũng không thỏa đáng lắm.
Năm 1958, có một triết gia người Do Thái, sinh ra tại Nga nhưng di tản sang Anh, đã có một bài giảng nổi tiếng nhan đề “Hai khái niệm tự do” [Two Concepts of Liberty]. Ông cho rằng, tồn tại hai loại, hay nói đúng hơn, hai cách hiểu về tự do: Tự do âm và tự do dương. Định nghĩa của ông về hai khái niệm tự do này chưa được biết đến nhiều ở Việt Nam, nhưng có lẽ nó lại giúp chúng ta có hình dung về tự do một cách đầy đủ và rõ ràng nhất. Ông là Isaiah Berlin (1909-1997).
Đây là cách hiểu chung của Thomas Hobbes, John Locke, Friedrich von Hayek và Ludwig von Mises về tự do, theo đó, tự do là khả năng một người có thể làm bất cứ điều gì mình muốn mà không chịu sự can thiệp nào từ bên ngoài. Từ gốc trong tiếng Anh là “negative freedom”, trong đó từ “negative” có thể được dịch sang tiếng Việt là âm tính, phủ định, tiêu cực, thụ động. Tuy nhiên, tự do âm hoàn toàn không mang nghĩa tiêu cực, mà chỉ hàm ý là không có sự can thiệp từ bất cứ ai/cái gì bên ngoài. Hiểu như vậy thì chính tự do âm mới là tự do tuyệt đối.
Trong tác phẩm “Hiến pháp của tự do” [The Constitution of Liberty], cho rằng hình thức can thiệp phá vỡ tự do nhất là sự cưỡng chế, cưỡng ép [coercion] – tức là những hành động có chủ ý của một/các cá nhân khác nhằm khống chế/ kiểm soát môi trường hoặc hoàn cảnh của một người nào đó, buộc người ấy phải hành động (hoặc không hành động) không theo ý chí thống nhất của mình mà là theo ý muốn của một/các cá nhân khác đó.
Định nghĩa của Hayek về sự cưỡng chế, cưỡng ép có hai điểm quan trọng là “hành động có chủ ý” và “của cá nhân khác”. Ví dụ, nếu bạn bị rơi xuống hang và bị kẹt trong đó, không ra được, thì như thế không phải là mất tự do. Chỉ khi có kẻ nào đó đẩy bạn vào hang và/hoặc nhốt bạn trong hang (có chủ ý) thì khi ấy bạn mới mất tự do. Ngay cả nếu kẻ kia chỉ vô tình khóa bạn lại trong một căn buồng (không chủ ý) thì cũng không thể nói bạn mất tự do được.
Ngoài ra, nếu bạn bị cản trở hành động bởi những nguyên nhân bên trong bạn (không phải các tác nhân bên ngoài) thì đó cũng không phải là sự can thiệp làm mất tự do. Một người tàn tật, ốm yếu chẳng hạn, không thể đi bộ băng qua đường nếu không có ba-toong hay xe lăn, thì cũng vẫn được coi là tự do: Anh/chị ta có quyền tự do sang đường.
Từ việc tự do âm hàm ý không có sự can thiệp, có thể suy luận rằng tự do dương là thứ tự do có điều kiện. Tự do dương [positive freedom] là việc một người có thể và thực sự có khả năng hành động theo ý nguyện của mình. Nói cách khác, cá nhân có tự do (dương) khi anh/chị ta làm chủ chính mình và có thể tự chịu trách nhiệm về hành động của bản thân.
Như vậy, một người tàn tật, ốm yếu, không thể đi bộ băng qua đường dù muốn lắm, thì là người mất tự do. Anh/chị ta bị hạn chế tự do bởi vì không làm chủ được cơ thể mình, đôi chân của mình. Những người nghèo, dù được toàn quyền mua nhà ở, thức ăn nước uống, quần áo, nhưng không có nổi tiền để mua những thứ đó dù rất muốn, thì cũng là không có tự do. Anh/chị ta bị hạn chế tự do bởi vì không có đủ năng lực (tài chính) để hành động theo ý nguyện cá nhân.
Một triết gia đại diện cho cách hiểu này về tự do là Jean Jacques Rousseau (1712-1778).
Từ hai khái niệm về tự do nói trên, bạn có thể thấy: Theo quan điểm của những người ủng hộ “tự do âm”, nhà nước tôn trọng “tự do âm” của người dân là nhà nước tối thiểu, ít can thiệp nhất có thể [minimal state]. Còn đối với những người theo quan niệm về “tự do dương”, nhà nước tôn trọng “tự do dương” của người dân là nhà nước có những biện pháp để thúc đẩy xã hội theo hướng họ muốn, ví dụ xóa đói giảm nghèo để tăng năng lực cho một bộ phận dân chúng, đánh thuế để điều chỉnh thu nhập của người giàu và chia cho người nghèo, v.v.
Isaiah Berlin cho rằng cách hiểu về tự do theo nghĩa “tự do dương” thật ra rất nguy hiểm vì nó gợi ý khả năng một hoặc một số người tự cho mình quyền phán xét xem ai đang tự do, ai đang không tự do. Trên bình diện xã hội, nó mở đường cho việc nhà nước can thiệp, định hướng, và kịch bản tồi tệ nhất là trở thành chuyên chế.
Còn bạn, bạn ủng hộ kiểu tự do nào?
Dựa theo cuốn “Political Philosophy: A Complete Introduction”, Phil Parvin & Clare Chambers, 2012.