Xã hội dân sự và phát triển quốc gia - Kỳ 1: Vốn xã hội
🎧Mời bạn nghe bản audio của bài này:Xã hội dân sự và phát triển quốc gia - Kỳ 1:
Kể từ hôm nay, 30/1, Luật Khoa tạp chí sẽ bắt đầu trích đăng tiểu luận “Tương lai nào cho luật về đảng chính trị ở Việt Nam?” của nhà nghiên cứu độc lập Hoàng Sơn, gửi cho chúng tôi từ Hà Nội. Tiểu luận này tập trung làm rõ các khái niệm cơ bản về đảng chính trị cũng như lịch sử và vai trò của đảng chính trị trong xã hội, từ đó khảo sát về các mô hình và xu hướng của pháp luật về đảng chính trị trên thế giới hiện nay. Luật Khoa tạp chí hy vọng việc đăng tải tiểu luận này sẽ giúp ích cho các cuộc thảo luận về vấn đề việc xây dựng luật về đảng chính trị, vốn đang là một đòi hỏi của xã hội nhằm luật hóa hoạt động của loại hình tổ chức đặc biệt này.
***
Kỳ 1: Đảng chính trị là gì?
Kỳ 2: Đảng chính trị ra đời từ khi nào?
Kỳ 3: Luật về đảng chính trị trong nền dân chủ và thể chế pháp quyền
Kỳ 4: Các mô hình luật về đảng chính trị trên thế giới
Kỳ 5: Luật về đảng chính trị quy định những gì?
Cho đến nay, chưa thể có một định nghĩa nào hoàn hảo về đảng chính trị mà được tất cả mọi người chấp nhận. Những khác biệt về nhận thức, quan điểm, và mong muốn của mỗi người đối với đảng chính trị đã dẫn tới những định nghĩa khác nhau về đảng chính trị.
Hiểu một cách đơn giản thì đảng chính trị là một dạng đặc biệt của tổ chức xã hội. Nó không giống các hiệp hội, liên đoàn hay các nghiệp đoàn xã hội ở cách thức tổ chức và đặc biệt là các hoạt động mang đậm tính chính trị.
Các ứng cử viên Tổng thống trong cuộc bầu cử năm 2012 ở Hàn Quốc. Mỗi ứng viên đại diện cho một đảng chính trị khác nhau. Bà Park Geun-hye (ngoài cùng bên trái), đại diện cho Đảng Saenuri đã giành chiến thắng. Ở Hàn Quốc có tới hàng chục đảng phái và bốn trong số đó đang chia sẻ phần lớn quyền lực chính trị tại đất nước này. Ảnh: Julio Martinez/FlickrĐảng chính trị không chỉ đơn thuần đấu tranh để tham gia vào việc thể hiện các quan điểm chính trị mà còn đấu tranh để giành quyền đại diện cho người dân trong quốc hội. Thông thường, các đảng chính trị đều giành quyền lực thông qua việc bỏ phiếu của người dân. Trách nhiệm của đảng chính trị đối với người dân thể hiện qua việc thực hiện các cam kết mà đảng chính trị đã đưa ra trong chiến dịch tranh cử. Ý chí của người bỏ phiếu có ý nghĩa rất quan trọng đối với một đảng chính trị.
Cho đến nay, có rất nhiều định nghĩa khác nhau về đảng chính trị, một nhà khoa học chính trị nổi tiếng người Mỹ là Anthony Downs có đưa ra định nghĩa: “Một đảng chính trị là một đội ngũ, gồm nhiều người, tìm kiếm việc kiểm soát chính quyền một cách chính danh, thông qua việc thực hiện một cuộc bầu cử”.[1]
Một người khác là Neumann thì cho rằng đảng chính trị là: “Một tổ chức công khai của các nhà hoạt động chính trị trong xã hội có liên quan đến việc kiểm soát quyền lực của nhà nước, những người này cạnh tranh với nhau trong việc tìm kiếm sự ủng hộ từ một hay nhiều nhóm khác nhau. Thông thường, đảng chính trị đóng vai trò trung gian để kết nối giữa các lực lượng trong xã hội với các hệ thống giá trị từ các định chế nhà nước và liên quan đến đảng chính trị đó thông qua các hành động chính trị trong một cộng đồng chính trị rộng hơn”.[2]
Nói một cách đơn giản, đảng chính trị là các tổ chức thường trực của các công dân, bao gồm các đảng viên tham gia một cách tự do, có những chương trình hoạt động cụ thể nhằm tổ chức thực hiện quyền lực chính trị mà đảng đó nắm giữ, thông qua các hoạt động quản lý và giải quyết các vấn đề của nhà nước và xã hội. Việc thực hiện việc tổ chức quyền lực của đảng chính trị đó bắt đầu với việc đảng giành được quyền lực thông qua những cuộc bầu cử dân chủ.[3]
Các đảng chính trị được phân loại bởi tính chất tranh đấu của nó. Tính chất tranh đấu ở đây được hiểu là sự sẵn sàng thực hiện các hành động chính trị, phát động các phong trào đối kháng và khát vọng trong việc giành và giữ chính quyền. Các cuộc tranh đua này giữa các đảng chính trị có tác dụng như một phương tiện để giành quyền lực chính trị, và toàn bộ tổ chức của một đảng sẽ đóng vai trò thực hiện kế hoạch này. Chỉ các đảng thành công trong cuộc đua tranh này mới giành được chức năng đại diện để tham gia vào các tiến trình chính trị. Đó chính là phần thưởng để khiến các đảng nỗ lực hành động, bởi vì khi một đảng chính trị thành công trong cuộc tranh đua sẽ được tham gia vào bộ máy nhà nước của quốc gia đó.
Các đảng chính trị luôn là trung tâm cho các cuộc thảo luận và tranh luận về việc đổi mới nền chính trị cũng như thực hiện các thay đổi chính trị. Các lợi ích cho chính thể sẽ được tìm thấy qua các quyết sách sáng suốt của đảng chính trị cầm quyền đó. Những lợi ích như vậy, không chỉ tìm thấy trong đảng cầm quyền mà còn ở trong các các đảng chính trị đối lập. Trong một thể chế dân chủ, đảng đối lập thường có chức năng như là một “cơ quan giám sát” đối với các chính sách của chính phủ hoặc cho các lựa chọn chính trị trong tương lai. Các đảng chính trị đối lập thường là đối thủ đáng ngại cho đảng cầm quyền, nhưng chính vì vậy, sự tồn tại của các đảng đối lập là hết sức cần thiết trong một thể chế dân chủ.
Đối lập với các nhóm lợi ích, một đảng chính trị luôn được mong chờ sẽ thể hiện các hoạt động của đảng thông qua các hoạt động liên quan của chính phủ. Các hoạt động này bao gồm cả các hoạt động đối nội và đối ngoại, các chính sách kinh tế và xã hội, các chính sách giáo dục hay chính sách liên quan thiết thực đến đời sống công dân. Để đáp ứng các yêu cầu của xã hội, mỗi một đảng sẽ có những chương trình hoạt động riêng, và đảng đó sẽ phải tổ chức thực hiện các chương trình hoạt động đó.
Kỳ tới: Đảng chính trị ra đời từ khi nào?
Tài liệu tham khảo:
[1] Anthony Downs, An Economic Theory of Democracy,
New York: Harper & Brothers, 1957,trang
25.[2] Moshe Maor, Political Parties and Party Comparative approaches and the British experience, Routledge, 1997,trang
5.[3] Thông thường, những cuộc bầu cử được coi là dân chủ và công bằng phải được thực hiện trong sự cạnh tranh giữa ít nhất là hai đảng trở lên trong một hệ thống chính trị.