Thư cuối tuần - 18/1/2025
Đây là Thư cuối tuần của Luật Khoa tạp chí. Thư tin này chỉ làm một việc đơn giản là
Nam Quỳnh – Thảm kịch 12 người bị bắn chết tại tòa soạn tờ báo châm biếm của Pháp Charlie Hebdo tại Paris ngày 07 tháng 01 vừa qua đã làm sống lại các tranh luận gay gắt vốn có từ trước trong xã hội các nước phương Tây về sự va chạm giữa chủ nghĩa tự do và sự linh thiêng tôn giáo. Bắt đầu từ hôm nay, 5/2/2015, Luật Khoa tạp chí sẽ bắt đầu đăng tải loạt bài chuyên đề về vụ việc Charlie Hebdo qua góc nhìn của tác giả Nam Quỳnh, một luật sư đang hành nghề tại Anh quốc.
Lời tựa: Việc vẽ và xuất bản họa hình châm biếm sử dụng hình ảnh đấng thiêng liêng của một tôn giáo là việc thực thi một quyền tự do cơ bản vốn được xã hội các nước phương Tây tôn trọng qua nhiều thế hệ: quyền tự do ngôn luận và tự do biểu đạt mà không bị cấm đoán, đàn áp, kiểm soát hay giới hạn một cách vô lý bởi nhà nước hay một cá nhân, tổ chức nào khác.
Việc tôn thờ một đấng thiêng liêng theo đúng truyền thống của một tôn giáo lại cũng là việc thực thi một quyền tự do cơ bản có truyền thống lâu đời trong xã hội phương Tây: quyền tự do tín ngưỡng và tôn giáo – sự cho phép việc tôn thờ và thực hành tín ngưỡng tôn giáo mà không bị cấm đoán, đàn áp, kiểm soát hay giới hạn một cách vô lý bởi nhà nước hay một cá nhân, tổ chức nào khác.
Trong bối cảnh cụ thể là châu Âu, cả hai quyền nói trên đều được công nhận trên văn bản pháp luật với sự đồng thuận của toàn bộ các nước là thành viên Ủy hội châu Âu (EC) thể hiện qua Công ước châu Âu về Nhân quyền 1953. Trong đó, quyền tự do ngôn luận và tự do biểu đạt được quy ước trong điều 10, và quyền tự do tín ngưỡng và tôn giáo được quy ước trong điều 9.
Cả hai quyền như thế đều được tôn trọng và thể chế hóa tại châu Âu. Vậy chuyện gì sẽ xảy trong thực tế khi hai quyền này lâm vào tình huống xung khắc và va chạm với nhau? Các nhà chức trách tại châu Âu đã, đang và có thể làm gì để dung hòa sự tồn tại của hai quyền đang có vẻ là ngày càng có xu hướng đối nghịch nhau này? Liệu một quyền có phải hy sinh cho sự tồn tại của quyền còn lại?
Người viết muốn tìm hiểu cách mà các hệ thống pháp luật Pháp và châu Âu trong lịch sử đã cố gắng trả lời các câu hỏi trên.
Tìm hiểu các tranh luận về cán cân giữa tự do ngôn luận và sự linh thiêng tôn giáo thông qua lăng kính pháp lý, thay vì thuần đạo đức, thuần văn hóa hay thuần triết học, sẽ cho người đọc thêm những kiến thức hữu ích và thực tế nhất có thể để hình thành một cách đầy đủ quan điểm của riêng họ về tự do, nhân quyền và mâu thuẫn thực tế giữa các quyền con người trong bối cảnh xã hội dân sự phương Tây.
Sự hiểu biết thêm về những đề tài này là cần thiết trong bối cảnh mà các giá trị tự do và nhân quyền phương Tây đang càng ngày được công nhận và tranh luận rộng rãi trong cộng đồng người dùng mạng internet ở Việt Nam.
* Tác giả tốt nghiệp đại học ngành Luật năm 2012 và hiện đang hành nghề luật sư tại Anh.
Tôn vinh nguyên lý thế tục
Pháp có một xuất phát điểm là một quốc gia quân chủ theo đạo Thiên Chúa.
Sự độc lập giữa nhà nước và nhà thờ tại Pháp không được hình thành từ một quá trình tiến hóa xã hội lâu dài và ôn hòa mà khai sinh từ một cuộc cách mạng bạo lực đẫm máu lật đổ cả quân quyền lẫn thần quyền. Cuộc cách mạng Pháp 1789 kéo dài 10 năm đã lật đổ vương triều vua Louis và phá tan vòng kiềm tỏa của Giáo hội Thiên Chúa giáo lên xã hội dân sự Pháp.
Bài liên quan: Chuỗi tràng hạt của Thủ tướng và nguyên lý nhà nước thế tục
Một bức họa nổi tiếng về cuộc Cách mạng Pháp 1789. Ảnh: mysticpolitics.com
Nền tảng trọng tâm cho pháp luật Pháp là nguyên lý thế tục – tách tôn giáo khỏi chính quyền và không gian xã hội dân sự của Pháp, tiếng Pháp gọi là la laïcité. Nguyên lý này được các phe cách mạng thống nhất đưa ra trong Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền (Déclaration des droits de l’Homme et du citoyen) – văn bản được xem là nền tảng của Cách mạng Pháp 1789.
Nước Pháp hiện đại đã kế thừa và xác nhận rành mạch sự kế thừa nguyên lý này trên các bản hiến pháp năm 1946 và sau đó là năm 1958. Trong Hiến pháp 1958 của Pháp, nguyên lý thế tục đường hoàng nằm ngay điều đầu tiên:
“Nhà nước Pháp là một Nhà nước Cộng hoà thống nhất, phi tôn giáo, dân chủ và xã hội. Mọi công dân đều có quyền bình đẳng trước pháp luật không phân biệt nguồn gốc xuất thân, sắc tộc, tôn giáo. Mọi tín ngưỡng đều được tôn trọng…”
Không có một quốc gia phương Tây nào khác đi xa tới mức này trong việc tôn vinh nguyên lý thế tục như một triết lý nhà nước và nguyên tắc chính trị.
Quyền tự do ngôn luận tại Pháp cũng được khai sinh từ Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền 1789 và được xác định, phát triển thêm bởi các bộ luật do nhà nước ban hành về sau. Bộ luật ngày 29 tháng 7 năm 1881 về quyền tự do báo chí đưa ra các tội vi phạm ngôn luận công có thể xem là các giới hạn hình sự cho tự do báo chí và tự do ngôn luận.
Nhờ cuộc cách mạng Pháp, quyền tự do ngôn luận tại Pháp thoát khỏi ách kìm kẹp của tội báng bổ tôn giáo rất sớm, từ năm 1791, khi tội này bị loại bỏ hoàn toàn.
Trong khi đó bên kia eo biển Manche, các thẩm phán của hệ thống thông luật Anh phải mất hơn ba trăm năm mới thoát ra khỏi được cái bóng quá lớn của án lệ Nhà Vua kiện Taylor (Rex v. Taylor) năm 1676. Quyết định này ráp nối tội báng bổ xúc phạm đấng linh thiêng với tội xúc phạm, xem thường luật pháp, nhà nước và chính phủ, đồng thời tuyên bố là “Thiên Chúa giáo là một phần tất yếu của pháp luật Anh.“. Phải đến năm 2008 sau nhiều thập kỷ tranh luận kiện tụng, án báng bổ tôn giáo mới bị bãi bỏ ở Anh.
Từ năm 1791, các thẩm phán tại Pháp đã được thoải mái và công khai đánh giá và phân định mâu thuẫn giữa các quyền trong xã hội dân sự Pháp dựa trên nền tảng của nguyên lý thế tục. Theo đó, theo truyền thống lịch sử, các thẩm phán Pháp không phải quá chú tâm đến việc tôn trọng tín điều, giáo lý tôn giáo khi đưa ra các quyết định của họ.
Bộ luật ngày 29 tháng 7 năm 1881 có chế tài xử phạt các hành vi nhục mạ, phỉ báng, khiêu khích hay xúi dục phân biệt đối xử, lòng căm ghét hoặc bạo lực chống lại cá nhân con người. Các hành vi phạm tội nói trên có thể nghiêm trọng hơn nếu có dính dáng tới các yếu tố chủng tộc, tôn giáo, quốc gia, màu da, giới tính hay tật nguyền.
Đáng chú ý là:
Điều 33 khoản 3 của Bộ luật này áp dụng chế tài đối với hành vi nhục mạ cá nhân hay nhóm người dựa trên tôn giáo của họ với mức phạt tiền lên tới €22,500.00 và án tù lên tới sáu tháng.
Điều 32 khoản 2 chế tài hành vi phỉ báng cá nhân hay nhóm người dựa trên tôn giáo của họ với mức phạt tiền lên tới €45,000.00 và án tù lên tới một năm.
Điều 24 khoản 8 quy định mức phạt tương tự mức phạt nói trên cho hành vi khiêu khích hay xúi giục phân biệt đối xử, lòng căm ghét hoặc bạo lực chống lại cá nhân con người dựa trên tôn giáo của họ.
Các thẩm phán Pháp sẽ xác định đầu tiên là có hành vi vi phạm hay không trước khi tính tới việc có các tình tiết tăng nặng của vi phạm hay không.
Hình luật Pháp yêu cầu để cấu thành tội phạm hình sự phải chứng minh bên có hành vi xúc phạm cá nhân hay tổ chức tôn giáo phải thực sự chủ động muốn xúc phạm các cá nhân hay tổ chức tôn giáo này. Mục đích và ý định chủ quan của nghi can tội xúc phạm có yếu tố tôn giáo như thế được xem là yếu tố quyết định.
Sự tích hợp nội dung Công ước châu Âu về Nhân quyền 1953 vào hệ thống luật văn bản Pháp được thực hiện thông qua Bộ luật ngày 15 tháng 6 năm 2000. Qua đó, Bộ luật ngày 15 tháng 6 năm 2000 thể chế hóa tại Pháp các quyền tự do ngôn luận và tự do tôn giáo này và những giới hạn kèm theo. Những giới hạn của quyền tự do ngôn luận được quy định tại khoản 2 điều 10 Công ước châu Âu về Nhân quyền 1953:
“2.Việc thực thi những tự do này có kèm theo những nghĩa vụ và trách nhiệm, vì thế những tự do này phải chịu ràng buộc bởi các hình thức, điều kiện, giới hạn và hình phạt theo đúng quy định luật pháp và cần thiết phải có trong một xã hội dân chủ, vì lợi ích an ninh quốc phòng, giữ gìn lãnh thổ và an ninh xã hội, nhằm ngăn ngừa loạn lạc hay tội phạm, nhằm bảo vệ sức khỏe hay đạo đức, nhằm bảo vệ danh tiếng và quyền của người khác, nhằm ngăn ngừa sự tiết lộ thông tin riêng tư và nhằm duy trì uy quyền và sự vô tư của nền tư pháp.”
Như vậy, bản thân quyền tự do ngôn luận tại Pháp phải chịu những giới hạn nhất định chứ không phải là một quyền tuyệt đối.
Bộ luật ngày 15 tháng 6 năm 2000 cũng đặt ra quy tắc và giới hạn cho việc tố tụng hình sự liên quan đến báo chí và ngôn luận. Một trong các giới hạn đó là việc quy trình tố tụng các tội dựa trên Bộ luật ngày 29 tháng 7 năm 1881 phải được tiến hành trong vòng 3 tháng tính từ ngày diễn ra hành vi bị cáo buộc nếu muốn có hiệu lực. Đây là một giới hạn khá ngặt nghèo khi so sánh với thời hiệu khởi kiện thông thường cho các tội khác là 3 năm.
Nguyên tắc cơ hội: cơ quan công tố tùy nghi khởi tố vụ án
Một nguyên tắc khác đóng vai trò trọng tâm trong hệ thống luật kiểm soát tự do ngôn luận của Pháp là nguyên tắc cơ hội (le principe de l’opportunité), biểu hiện qua Điều 40, khoản 1, Bộ luật Tố tụng Hình sự Pháp. Nguyên tắc này có ý nghĩa là cơ quan công tố có quyền tự quyết định có khởi tố vụ án hay không chứ không bị bắt buộc phải khởi tố tất cả các vi phạm pháp luật.
Giống với hệ thống thông luật Anh từ nửa sau thế kỷ XX, thường là người dân hay tổ chức tôn giáo nào cảm thấy bị xúc phạm bởi một hành vi, phát ngôn hay biểu hiện của một cá nhân hay tổ chức bất kỳ sẽ đâm đơn tố cáo lên cơ quan công tố nhà nước.
Cơ quan công tố thụ lý đơn tố cáo sẽ quyết định có tiến hành tố tụng hay không. Nếu cơ quan công tố từ chối tiến hành tố tụng, họ sẽ phải giải trình lý do với bên đâm đơn và bên này có quyền yêu cầu Tổng chưởng lý (procurer general) xem xét lại vụ việc. Tổng chưởng lý có quyền bắt buộc cơ quan công tố thụ lý hồ sơ và tiến hành tố tụng.
Cơ quan công tố cũng có quyền độc lập trong việc tiến hành khởi tố bên có dấu hiệu xúc phạm cá nhân hay tổ chức tôn giáo mà không cần phải có đơn tố cáo từ một nạn nhân hay nhóm nạn nhân nào
Những người dân hay tổ chức tôn giáo nào cảm thấy bị xúc phạm bởi một hành vi, phát ngôn hay biểu hiện của một cá nhân hay tổ chức bất kỳ cũng có thể tự tiến hành khởi kiện dân sự mà không cần cơ quan tố tụng nhà nước. Những trường hợp này bắt buộc phải chứng minh được thiệt hại bắt nguồn trực tiếp từ hành vi thực thi tự do ngôn luận xúc phạm cá nhân hay tổ chức tôn giáo.
Nếu hành vi xúc phạm cá nhân và tổ chức tôn giáo cùng thiệt hại gây ra cho các cá nhân và tổ chức này được chứng minh và tòa án công nhận, bên nguyên sẽ được nhận bồi thường thiệt hại dân sự và tòa án sẽ áp đặt chế tài cấm, kiểm soát hay giới hạn lại việc thực thi tự do ngôn luận hay biểu hiện gây xúc phạm đó.
Việc cá nhân hay tổ chức tôn giáo có quyền tự khởi kiện dân sự cộng với sự vận hành của nguyên tắc cơ hội thường dẫn đến việc là cơ quan tố tụng nhà nước ‘nhường’ việc tiến hành tố tụng các hành vi xúc phạm cho các cá nhân và tổ chức dân sự hơn là chủ động tiến hành tố tụng.
Tuy nhiên, nếu các hành vi bị cáo buộc phạm luật nói trên có yếu tố nghiêm trọng, ví dụ dựa trên tôn giáo thì thường là cơ quan tố tụng chủ động tiến hành tố tụng mà không cần có tố cáo từ nạn nhân. Có một số vụ việc tại Pháp mà bên bị cáo buộc xúc phạm cùng lúc vừa bị kiện dân sự vừa bị khởi tố hình sự.
Kỳ tới: Giới hạn của sự báng bổ – kỳ 2: Tranh cãi ở phòng xử án
Tài liệu tham khảo:
Limits to Expression on Religion in France, Esther Janssen, Agama & Religiusitasdi
Eropa, Journal of European Studies, Volume V –nr
. 1, 2009, p. 22-45. The Danish Cartoons Row:Re-drawing
the Limits of the Right to Freedom of Expression?, Aurel Sari, Law School, University of Exeter, Finnish Yearbook of International Law, Vol. 16, pp. 365-398, 2005 .