Giới hạn của sự báng bổ – Kỳ 10: Charlie Hebdo chiến thắng ở tòa án

Giới hạn của sự báng bổ – Kỳ 10: Charlie Hebdo chiến thắng ở tòa án
Một người biểu tình giơ biểu ngữ “Tôi là Charlie” để ủng hộ tờ báo này sau cuộc khủng bố vào tòa soạn này ngày 7/1/2015 làm chết 12 người. Ảnh: dailycapital.

Nam Quỳnh – Ở kỳ trước, độc giả đã biết nguồn gốc của phong trào vẽ tranh biếm họa Hồi giáo ở phương Tây, cũng như việc tòa soạn báo Charlie Hebdo bắt đầu tham gia phong trào này từ năm 2007. Vào thời điểm đó, Charlie Hebdo xuất bản một tập san đặc biệt không chỉ đăng lại các hình biếm họa của Bưu điện Jutland mà còn đăng thêm các hình biếm họa Hồi giáo từ các họa sỹ biếm họa Pháp. Và rắc rối bắt đầu từ đây.

Lưu ý: Bài viết có hình ảnh gây tranh cãi về tôn giáo, đề nghị bạn đọc cân nhắc trước khi đọc bài.

Một người biểu tình ở Pháp giơ biểu ngữ “Tôi là Charlie” để ủng hộ tờ báo này sau cuộc khủng bố vào tòa soạn này ngày 7/1/2015 làm chết 12 người. Ảnh: salon.com

Nhà thờ Hồi Giáo Paris cùng một số tổ chức Hồi giáo lớn khác tại Pháp lập tức đâm đơn yêu cầu truy tố hình sự Tổng biên tập khi đó của báo Charlie Hebdo là ông Phillipe Val về tội nhục mạ các tín đồ Hồi giáo dựa trên tôn giáo của họ.

Bài viết này nằm trong loạt bài “Giới hạn của sự báng bổ” do luật sư Nam Quỳnh (Anh Quốc) gửi tới Luật Khoa tạp chí.

Kỳ 1: Nhà nước phi tôn giáo và ‘nguyên tắc cơ hội’ của nước Pháp
Kỳ 2: Tranh cãi ở phòng xử án
Kỳ 3: Xúc phạm vô trách nhiệm xã hội và xúc phạm mang mục đích chính đáng
Kỳ 4: Vận động sử dụng bao cao su bằng hình Thiên Chúa
Kỳ 5: Cuộc chiến ở Tòa Nhân quyền Châu Âu (phần 1)
Kỳ 6: Cuộc chiến ở Tòa Nhân quyền Châu Âu (phần 2)
Kỳ 7: Cuộc chiến ở Tòa Nhân quyền Châu Âu (phần 3)
Kỳ 8: Cuộc chiến ở Tòa Nhân quyền Châu Âu (phần 4)
Kỳ 9: Đan Mạch và nguồn cơn của vụ Charlie Hebdo

Bên Nhà thờ Hồi giáo Paris giới hạn phạm vi tố cáo của họ vào hai bức biếm họa Hồi giáo của Bưu điện Jutland và hình biếm họa trang bìa của số Charlie Hebdo đặc biệt. Hình bìa này cho thất một người râu dài khăn xếp lấy hai tay che mắt và hét lớn: “Bị bọn đần độn yêu quý thật là khổ!” (‘C’est dur d’être aimé par les cons’), phía trên tiêu đề ghi là “Muhammad bị đám cuồng tín áp đảo”(‘Muhammad débordé par les intégristes’).

C’est dur d’être aimé par les cons'

“Bị bọn đần độn yêu quý thật là khổ!”

Tháng 03 năm 2007, Tòa hình sự sơ thẩm Pháp tuyên Tổng biên tập Val vô tội.

Thẩm phán đánh giá hình Muhammad ngồi trên đám mây và Muhammad ôm mặt trên trang bìa có đối tượng châm biếm là những người Hồi giáo cực đoan, chứ không phải đạo Hồi hay toàn bộ cộng đồng Hồi giáo. Những biếm họa này vì thế không phải là những xúc phạm cá nhân trực tiếp dành cho người theo đạo Hồi tại Pháp.

Một hình vẽ trên Bưu điện Jutland tả một người râu dài đầu đội khăn xếp đứng trên một đám mây giơ tay ngăn cản một nhóm người được vẽ như những kẻ đánh bom khủng bố. Người râu dài đội khăn nói: “Dừng lại, dừng lại, chúng tôi hết trinh nữ rồi!” (hình 1). (Theo đạo Hồi, những người tử vì đạo sẽ được tưởng thưởng 72 trinh nữ trên thiên đàng)

Một hình vẽ trên Bưu điện Jutland tả một người râu dài đầu đội khăn xếp đứng trên một đám mây giơ tay ngăn cản một nhóm người được vẽ như những kẻ đánh bom khủng bố. Người râu dài đội khăn nói: “Dừng lại, dừng lại, chúng tôi hết trinh nữ rồi!” (hình 1). (Theo đạo Hồi, những người tử vì đạo sẽ được tưởng thưởng 72 trinh nữ trên thiên đàng)

Ngược lại, hình vẽ Muhammad đội khăn xếp hình quả bom nếu được đặt một mình sẽ có thể xem là có hàm ý nói khủng bố và bạo lực là những phẩm chất vốn có của cả cộng đồng Hồi giáo.

Tuy nhiên, đặt trong bối cảnh là số báo đặc biệt này của Charlie Hebdo nhằm hưởng ứng tiếp chiến dịch báo chí của Bưu điện Jutland nhằm góp một thêm tiếng nói vào cuộc tranh luận chính trị xã hội về sự tự kiểm duyệt và hình ảnh Hồi giáo trong xã hội phương Tây, hình biếm họa Muhammad với khăn xếp hình quả bom thực sự không có ý đồ nhục mạ người theo đạo Hồi.

Tòa hình sự phúc thẩm đồng ý với Tòa hình sự sơ thẩm nhưng dùng một lối tư duy khác: Thẩm phán Tòa hình sự phúc thẩm cho là ngay bản thân hình vẽ Muhammad đội bom nói trên cũng là nhắm đến một bộ phận nhỏ những kẻ cực đoan trong cộng đồng Hồi giáo, chứ không phải là toàn bộ cộng đồng này.

Một hình vẽ trên tờ Bưu điện Jutland tả một người râu dài đội khăn xếp nhưng khăn xếp của nhân vật được vẽ giống hình trái bom với dây kíp nổ đang cháy và hoa văn trang trí theo phong cách Hồi giáo.

Một hình vẽ trên tờ Bưu điện Jutland tả một người râu dài đội khăn xếp nhưng khăn xếp của nhân vật được vẽ giống hình trái bom với dây kíp nổ đang cháy và hoa văn trang trí theo phong cách Hồi giáo.

Tòa hình sự phúc thẩm cho là với bối cảnh sẵn có của vụ việc, hoàn toàn không nghi ngờ gì, các biếm họa này là một đóng góp chính đáng cho những chủ đề đang được công luận quan tâm và liên quan mật thiết đến lợi ích cộng đồng: chủ nghĩa khủng bố và những kẻ Hồi giáo cực đoan. Những bức biếm họa này không được các thẩm phán cho là cấu thành những ý kiến chủ quan có tính xúc phạm về bản chất của đạo Hồi và về toàn bộ cộng đồng Hồi giáo.

Hai cấp tòa hình sự của Pháp đã áp dụng hai tiêu chuẩn rõ ràng quyết định mức độ vi phạm hình sự của Tổng biên tập Val:

Chuẩn mực về nội dung trọng tâm, đối tượng của biếm họa: việc xuất bản các bức biếm họa Hồi giáo là để châm biếm thiểu số cực đoan trong cộng đồng Hồi giáo chứ không phải cả cộng đồng Hồi giáo. Cả cộng đồng Hồi giáo Pháp không phải là đối tượng cho sự công kích của Charlie Hebdo và vì thế về lý thì cả cộng đồng Hồi giáo Pháp không có tư cách nạn nhân.

Cho nên cộng đồng những người theo đạo Hồi tại Pháp (mà đại diện là Nhà thờ Hồi giáo Paris và các tổ chức cùng đứng tên trên đơn tố cáo) không có lý do chính đáng để phàn nàn.

Chuẩn mực về đóng góp thực tế vào công luận xã hội của biếm họa: các biếm họa này được xuất bản trong một hoàn cảnh cụ thể với chủ định đóng góp vào việc thảo luận những vấn đề khủng bố và chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan. Những vấn đề này quan trọng với công luận và thuộc về lợi ích cộng đồng. Những bức biếm hoạ của Charlie Hebdo vì thế không phải là thuần túy được vẽ vào một ngày đẹp trời chỉ để nhạo báng một cách vô trách nhiệm một cộng đồng tôn giáo ôn hòa.

Trong mắt các thẩm phán Pháp, các chủ đề khủng bố và chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan là những chủ đề được công luận quan tâm theo dõi và việc đóng góp cho các tranh luận về chủ để này (bằng cách tập trung sự chú ý và nâng cao mức độ quan tâm vào chúng) có thể tạo điều kiện cho xã hội tìm cách giải quyết chúng.

Tư duy này của Tòa hình sự Pháp, đặc biệt trong tiêu chuẩn (ii) là khá tương đồng với lối tư duy mới của Tòa Nhân quyền châu Âu thể hiện sau vụ Giniewski:

Nếu việc thực thi tự do ngôn luận, dù là có tính xúc phạm cảm xúc của cá nhân hay nhóm người theo tôn giáo, nhưng được trình bày trong một hình thức có giới hạn và có lợi cho công luận thông qua việc đóng góp cho các cuộc tranh luận trong những vấn đề quan trọng liên quan đến lợi ích cộng đồng và sự phát triển của cộng đồng – thì việc can thiệp, giới hạn sự thực thi tự do ngôn luận đó phải ở mức tối thiểu và tương xứng với mức độ ác ý của hành vi xúc phạm, phản ánh nhu cầu bức thiết của xã hội, và phản ánh sự cân bằng, được – mất về quyền trong thực tế vụ việc, chứ không phải là chỉ duy nhất tương xứng với mức độ cảm thấy bị xúc phạm của cá nhân hay nhóm người theo tôn giáo.

Người viết không có thông tin về việc Nhà thờ Hồi giáo Paris có kiện tiếp lên Tòa hình sự thượng thẩm Pháp và sau đó là Tòa Nhân quyền châu Âu hay không. Tuy vậy, dựa trên thực tế là báo Charlie Hebdo vẫn liên tục đăng các hình biếm họa Hồi giáo sử dụng hình ảnh nhà tiên tri Muhammad sau khi ra tòa năm 2007 cho đến khi tòa soạn của họ bị hai kẻ khủng bố tấn công ngày 7/1/2015 vừa rồi, và sau đó vẫn đăng thì có thể suy ra là cộng đồng Hồi giáo ở Pháp đã không thể dùng hệ thống tòa án Pháp để ngăn cản và trừng phạt báo Charlie Hebdo.

Couv

Hình biếm họa nhà tiên tri Muhammad cầm biểu ngữ “Tôi là Charlie” trên trang bìa của Charlie Hebdo ngày 14/1/2015, một tuần sau khi tòa báo này bị những kẻ khủng bố xả súng giết chết 12 người. Ảnh: Charlie Hebdo

Không rõ tại sao các tổ chức Hồi Giáo Pháp không mạnh dạn ‘đánh’ tiếp lên các tòa cao hơn của Pháp và cả Tòa Nhân quyền châu Âu, nhưng nếu có thể phỏng đoán dựa trên cách tư duy của Tòa sơ thẩm trong vụ này và của Tòa Nhân quyền châu Âu trong các vụ việc gần đây sau vụ Giniewski thì khả năng chiến thắng của các tổ chức Hồi Giáo Pháp trước Charlie Hebdo là không được bảo đảm vì:

(i) Pháp có truyền thống thế tục và không phải là nơi đa số dân cư theo Hồi giáo (vì thế không thể cãi theo hướng vụ I.A: có hành vi xúc phạm tôn giáo rõ ràng và có nhu cầu bức xúc của xã hội đòi hỏi phải kiểm soát và giới hạn các hành vi như thế.)

(ii) Charlie Hebdo có thể tự bào chữa thành công dựa trên ba yếu tố:

– Những biếm họa của Charlie Hebdo không nhục mạ tất cả cộng đồng tín đồ Hồi giáo tại Pháp dựa trên tôn giáo của họ: mục tiêu nhục mạ của Charlie Hebdo là thiểu số cực đoan và khủng bố trong cộng đồng người theo tôn giáo này;

– Những hình biếm họa của Charlie Hebdo có đóng góp nhiều vào các cuộc thảo luận xã hội của Pháp vốn đang quan tâm đến những vấn đề nhức nhối liên quan đến khủng bố và chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan;

– Bản thân việc thực hành tự do ngôn luận của Charlie Hebdo không hề làm tổn hại quyền tự do tôn giáo của các tín đồ đạo Hồi tại Pháp: tín đồ đạo Hồi tại Pháp vẫn được tự do thực hành tôn giáo của họ mà không gặp trở ngại gì từ nhà nước Pháp hay đa số người dân Pháp không theo đạo Hồi khác.

Theo tiêu chuẩn pháp luật Pháp và pháp luật châu Âu thể hiện qua các phán quyết tại tòa án, có thể kết luận một cách có cơ sở là việc báo Charlie Hebdo vẽ và cho phát hành một số những hình biếm họa sử dụng hình ảnh nhà tiên tri Muhammad ngay cả khi được xem là giễu nhại và nhục mạ đạo Hồi, vẫn phải được xem là hành vi thực hiện quyền tự do ngôn luận và tự do biểu đạt trong giới hạn hợp lý của pháp luật hiện hành.

Kỳ tới: Sự bất lực của pháp luật? 

Tài liệu tham khảo:

Limits to Expression on Religion in France, Esther Janssen, Agama & Religiusitas di Eropa, Journal of European Studies, Volume V – nr. 1, 2009, p. 22-45. 

The Danish Cartoons Row: Re-drawing the Limits of the Right to Freedom of Expression?, Aurel Sari, Law School, University of Exeter, Finnish Yearbook of International Law, Vol. 16, pp. 365-398, 2005 .

Bạn đã đăng ký thành công!

Mừng bạn trở lại!

Bạn đã đăng ký thành công.

Vui lòng kiểm tra hộp thư để lấy link đăng nhập.

Thông tin thanh toán của bạn đã được cập nhật.

Thông tin thanh toán của bạn chưa được cập nhật.