Thư cuối tuần - 18/1/2025
Đây là Thư cuối tuần của Luật Khoa tạp chí. Thư tin này chỉ làm một việc đơn giản là
Nam Quỳnh – Năm 1988, cuốn tiểu thuyết “Những Vần Thơ của Quỷ Satan” (The Satanic Verse) của nhà văn Salman Rushdie được xuất bản. Các công dân Pháp theo đạo Hồi, cũng như những cộng đồng theo đạo Hồi tại nhiều quốc gia khác khi ấy, tỏ ra rất tức giận. Tên ông thậm chí còn có trong danh sách truy lùng của tổ chức khủng bố Al-Qaeda từ năm 2010.
Lưu ý: Bài viết có hình ảnh gây tranh cãi về tôn giáo, đề nghị bạn đọc cân nhắc trước khi đọc bài.
Cuốn tiểu thuyết “Những Vần Thơ của Quỷ Satan” (The Satanic Verse) của nhà văn Salman Rushdie bị đốt trong một cuộc biểu tình ở Bradford (Anh) năm 1989. Ảnh: Telegraph
Nguyên nhân là một chi tiết quan trọng trong cốt truyện của Rushdie kể về một giai đoạn trong cuộc đời Đấng tiên tri Mohammed khi Mohammed đưa ra những lời cầu nguyện có khuynh hướng tôn sùng ba nữ thần của vùng Mecca, đi ngược lại nguyên tắc cơ yếu của đạo Hồi là độc thần: thánh Allah là duy nhất. Các nhân vật khác trong tiểu thuyết của Rushdie đồng thời cũng có những lời nói và bình phẩm xấu về đạo Hồi và hình ảnh thánh Allah trong đạo Hồi.
Bài viết này nằm trong loạt bài “Giới hạn của sự báng bổ” do luật sư Nam Quỳnh (Anh Quốc) gửi tới Luật Khoa tạp chí.
Kỳ 1: Nhà nước phi tôn giáo và ‘nguyên tắc cơ hội’ của nước Pháp
Kỳ 2: Tranh cãi ở phòng xử án
Kỳ 3: Xúc phạm vô trách nhiệm xã hội và xúc phạm mang mục đích chính đáng
Dùng đúng những luận điểm trong hai vụ án điện ảnh đã nói ở kỳ 3 về giới hạn hình thức tiếp cận quần chúng và tùy thuộc vào lựa chọn của cá nhân người tiêu dùng đối với sản phẩm văn hóa, Tòa án Pháp cũng bác đơn kiện của các tín đồ Hồi giáo và cho phép “Những vần thơ của quỷ Satan” của Salman Rushdie được tiếp tục xuất bản tại Pháp vì những nội dung gây tranh cãi của nó không bị áp đặt lên công chúng và những tín đồ Hồi Giáo.
Chỉ những ai chọn mua sách và mở sách ra đọc mới chịu ảnh hưởng của nội dung cuốn tiểu thuyết và việc có thể bị xúc phạm đức tin là một rủi ro mà người mua sách có quyền tự do chấp nhận.
Việc xác định mức độ vô trách nhiệm xã hội của hành vi, ngôn luận, biểu hiện mang tính xúc phạm tôn giáo có thể được dựa trên không chỉ hình thức, cung cách tiếp cận công chúng, mà còn cả nội dung và mục đích của người hay tổ chức thực thi quyền tự do ngôn luận và biểu đạt. Ở đây, tiêu chuẩn đặt ra là mức độ đóng góp thực tế vào công luận vì lợi ích xã hội của hành vi, ngôn luận, biểu hiện mang tính xúc phạm tôn giáo.
Năm 2005, tổ chức Aides Haute-Garonne tổ chức sự kiện Đêm của Bao Cao Su Thần Thánh (La nuit de la Sainte-Capote) với mục đích tuyên truyền phòng ngừa bệnh AIDS. Để quáng bá cho sự kiện này, ban tổ chức cho phân phát tờ rơi quảng cáo có hình vẽ một người phụ nữ trần truồng (chỉ thấy vai trần – không lộ phần cơ thể bên dưới đó) mang khăn choàng đầu ma-sơ và dây chuyền có mề-đay thánh giá. Bên cạnh người phụ nữ này là bao cao su màu hồng và dòng chữ: “Bao cao su Thần Thánh phù hộ chúng ta” (‘Sainte Capote protège-nous’).
Tờ rơi quảng cáo “Bao cao su Thần Thánh phù hộ chúng ta” (‘Sainte Capote protège-nous’). Ảnh: citegay.com
Tổ chức Thiên Chúa giáo AGRIF đâm đơn khởi kiện tổ chức Aides Haute-Garonne vì họ cho là hình vẽ tuyên truyền này nhục mạ cộng đồng Thiên Chúa giáo.
Phiên tòa sơ thẩm và phúc thẩm đều có quyết định ủng hộ AGRIF. Các thẩm phán hai tòa này đều cho là việc phát tán hình vẽ tuyên truyền nói trên cấu thành tội nhục mạ các tín đồ Thiên Chúa giáo dựa trên tôn giáo của họ.
Tuy nhiên, vào tháng 2 năm 2006, Tòa thượng thẩm bác quyết định của Tòa phúc thẩm. Theo Tòa thượng thẩm, hình ảnh dùng trong tài liệu tuyên truyền của tổ chức Aides Haute-Garonne có nội dung gây sốc, thô lậu và xúc phạm cộng đồng Công giáo, nhưng không vượt quá các giới hạn hợp lý của tự do ngôn luận. Thẩm phán Tòa thượng thẩm cho rằng “sự nhạy cảm của một bộ phận nhỏ trong một cộng đồng sùng đạo không thể ngăn cản việc đưa ra công chúng hình ảnh một người phụ nữ theo đạo, đặt trong bối cảnh chiến dịch chống bệnh AIDS sử dụng khẩu hiệu ‘Bao Cao Su Thần Thánh phù hộ chúng ta’.”
Theo luật gia Esther Janssen (Đại học Amsterdam, Hà Lan), phán quyết này phản ánh mức độ ảnh hưởng sâu rộng của nguyên lý thế tục trong xã hội Pháp mà theo đó, sẽ là không thỏa đáng nếu toàn xã hội phải nhún nhường trước một nhóm nhỏ sùng đạo, những người tỏ ra quá nhạy cảm bất kể hoàn cảnh.
Trong bối cảnh bệnh dịch AIDS là vấn nạn lớn của xã hội, tuyên truyền sử dụng bao cao su giúp ngăn chặn vấn nạn này nhưng luôn vấp phải sự không đồng tình của nhiều nhóm Công giáo. Bản thân cộng đồng Công giáo ở Pháp cũng bất đồng nội bộ về vấn đề này. Với một hoàn cảnh xã hội như thế, các thẩm phán Tòa thượng thẩm Pháp đã ‘rửa tội’ cho tờ rơi có nội dung gây sốc của tổ chức Aides Haute-Garonne bằng cách đánh giá tờ rơi đó qua mục đích có thiện ý của tổ chức này: dùng sự hài hước, bông lơn để tuyên truyền việc phòng chống căn bệnh thế kỷ.
Năm 2005, một hình vẽ khác phối hợp tôn giáo, bệnh AIDS và việc sử dụng bao cao su lại trở thành đề tài gây tranh cãi. Nhật báo lớn Libération cho in một biếm họa của họa sỹ Willem cho thấy chúa Jesus ngồi trần truồng trên một đám mây với một chiếc bao cao su trên bộ phận sinh dục của mình. Bên dưới, giữa một nhóm giám mục Thiên Chúa giáo, một vị giám mục da trắng nói với một vị giám mục da đen: “Ngay cả ổng cũng phải dùng bao!” (‘Lui-même aurait sans doute utilisé un préservatif!’).
Bức biếm họa của họa sĩ Willem trên nhật báo Libération. Ảnh: idata.over-blog.com
Tổ chức Thiên Chúa giáo AGRIF lại một lần nữa thay mặt cộng đồng Thiên Chúa giáo Pháp đâm đơn khởi kiện.
Cả ba cấp tòa dân sự Pháp đều bác đơn kiện của tổ chức này, và cho là hình biếm họa của Willem không đi quá các giới hạn hợp lý của việc thực thi quyền tự do ngôn luận.
Tòa thượng thẩm xác nhận là Tòa phúc thẩm đã đưa ra quyết định đúng: hình biếm họa này gây sốc và xúc phạm một số (không phải toàn bộ) tín đồ Thiên Chúa giáo nhạy cảm nhưng, đặt trong bối cảnh mà bức biếm họa được vẽ và xuất bản cho công chúng, nó minh họa cho cuộc tranh luận đang diễn ra trong công luận Pháp giữa các đức hồng y về sự cần thiết phải dùng bao cao su để phòng ngừa bệnh AIDS. Đồng thời, chi tiết vị giám mục da trắng quay sang nói với vị giám mục da đen có thể được diễn dịch là nhắc nhở công chúng về sự nghiêm trọng của đại dịch AIDS ở lục địa đen châu Phi. Đây được xem là những đóng góp có ích cho công luận và vì thế là một biểu hiện tuy gây xúc phạm mang tính tôn giáo nhưng có mục đích chính đáng và theo đó không thể bị chế tài hay giới hạn.
Vụ ‘Bao Cao Su Thần Thánh’ và biếm họa của Liberation là hai vụ án có tình tiết và tính chất tương tự với vụ việc biếm họa xúc phạm Hồi Giáo của tờ báo biếm họa Charlie Hebdo mà chúng ta sẽ đi sâu tìm hiểu trong các kỳ sau.
Kỳ tới: Cuộc chiến ở Tòa Nhân quyền châu Âu (phần 1)
Tài liệu tham khảo:Limits to Expression on Religion in France, Esther Janssen, Agama & Religiusitasdi
Eropa, Journal of European Studies, Volume V –nr
. 1, 2009, p. 22-45. The Danish Cartoons Row:Re-drawing
the Limits of the Right to Freedom of Expression?, Aurel Sari, Law School, University of Exeter, Finnish Yearbook of International Law, Vol. 16, pp. 365-398, 2005 .