Thư cuối tuần - 18/1/2025
Đây là Thư cuối tuần của Luật Khoa tạp chí. Thư tin này chỉ làm một việc đơn giản là
Nam Quỳnh – Năm 2005, Tòa Nhân quyền châu Âu tuyên phạt một nhà xuất bản ở Thổ Nhĩ Kỳ vì đã xuất bản cuốn tiểu thuyết “Những vần cấm” miêu tả nhà tiên tri Muhammad với những va chạm xác thịt, nhưng không yêu cầu nhà xuất bản này phải thu hồi cuốn sách.
Lưu ý: Bài viết có hình ảnh gây tranh cãi về tôn giáo, đề nghị bạn đọc cân nhắc trước khi đọc bài.
Thành lập năm 1959 và có trụ sở ở Strasbourg, Pháp, Tòa Nhân quyền châu Âu là một trong những thiết chế quan trọng nhất trong việc bảo vệ nhân quyền ở châu Âu. Ảnh: aljazeera.com
Bài viết này nằm trong loạt bài “Giới hạn của sự báng bổ” do luật sư Nam Quỳnh (Anh Quốc) gửi tới Luật Khoa tạp chí.
Kỳ 1: Nhà nước phi tôn giáo và ‘nguyên tắc cơ hội’ của nước Pháp
Kỳ 2: Tranh cãi ở phòng xử án
Kỳ 3: Xúc phạm vô trách nhiệm xã hội và xúc phạm mang mục đích chính đáng
Kỳ 4: Vận động sử dụng bao cao su bằng hình Thiên Chúa
Kỳ 5: Cuộc chiến ở Tòa Nhân quyền Châu Âu (phần 1)
Tòa Nhân quyền châu Âu lập luận là quyền của người theo tôn giáo bị xâm hại ngay trong một số trường hợp mà “việc miêu tả, thể hiện một cách khiêu khích những chủ thể được tôn kính trong tôn giáo… có thể được xem là sự xâm phạm ác ý vào tinh thần khoan dung, một phẩm chất của xã hội dân chủ“ (phán quyết vụ Otto Preminger).
Nhà nước được phép “cung cấp sự bảo vệ chống lại những công kích mang tính xúc phạm nghiêm trọng trong các vấn đề được xem là linh thiêng với người theo đạo Thiên Chúa giáo” (phán quyết vụ Wingrove).
Quan điểm truyền thống này được Tòa Nhân quyền châu Âu thể hiện lần gần đây nhất là qua vụ I.A. năm 2005. Trong vụ này, Tòa được yêu cầu xem xét quyết định của nhà nước Thổ Nhĩ Kỳ trong việc truy tố hình sự và phạt tiền chủ của một nhà xuất bản, với cáo buộc đã cho xuất bản một cuốn tiểu thuyết ‘Những Vần Cấm’ chứa đựng những hình ảnh báng bổ đạo Hồi.
Yếu tố báng bổ của ‘Những Vần Cấm’ là việc miêu tả nhà tiên tri Muhammad tìm thấy những xác tín tôn giáo của mình thông qua những va chạm xác thịt và cảm giác nhục dục.
Tòa quyết định công nhận kết quả nghiên cứu chuyên môn chống lại nguyên đơn bao gồm hai bản báo cáo – bản thứ nhất từ một giáo sư thần học và bản thứ hai từ một nhóm ba giáo sư thần học khác – để đi đến kết luận là nội dung cuốn tiểu thuyết này có khả năng “gây sốc, xúc phạm và quấy rối” đối với cảm xúc tôn giáo của người theo đạo Hồi.
Sau đó Tòa xem xét xem việc chế tài, giới hạn xuất bản những nội dung “gây sốc, xúc phạm và quấy rối” trong trường hợp cụ thể này có phải là cần thiết, là đáp ứng một “nhu cầu cấp thiết của xã hội” hay không, và nếu có thì biện pháp chế tài bằng án hình sự và phạt tiền nhà xuất bản đã cho phát hành những nội dung này có phải là một biện pháp giới hạn tự do ngôn luận phù hợp với mục đích và tương xứng với nhu cầu xã hội hay không.
Tòa cho là câu trả lời cho tất cả các câu hỏi này là có và án hình sự và phạt tiền là phù hợp và cần thiết để thể hiện nhu cầu bức thiết của một xã hội có đa số dân là người Hồi giáo. Nội dung cuốn tiểu thuyết được phán quyết là cấu thành những hành vi xúc phạm nặng nề chống lại nhà tiên tri Muhammad của đạo Hồi. Tòa ghi chú là mặc dù ‘trong xã hội Thổ Nhĩ Kỳ có một mức độ khoan dung nhất định với những phê bình dành cho giáo lý tôn giáo… tín đồ đạo Hồi hoàn toàn có thể cảm thấy bản thân họ là mục tiêu của những công kích mang tính xúc phạm và không có lý do xác đáng” từ nội dung cuốn tiểu thuyết.
Tòa cũng nói là việc nhà xuất bản chỉ chịu án hình sự và phạt tiền nhưng bản thân cuốn tiểu thuyết không bị nhà nước Thổ Nhĩ Kỳ cấm lưu hành cũng cho thấy là quyền tự do ngôn luận và biểu hiện trong trường hợp này không bị giới hạn quá nghiêm trọng. Tòa cho rằng án phạt tiền là đủ và cần thiết để thể hiện nhu bức thiết của xã hội Thổ Nhĩ Kỳ mong muốn “bảo vệ chống lại những công kích mang tính xúc phạm nghiêm trọng trong các vấn đề được xem là linh thiêng với người theo đạo Hồi”.
Trong vụ Otto Preminger, Tòa cũng lập luận là:
“Các trách nhiệm của mỗi quốc gia thành viên – trong bối cảnh ý kiến tôn giáo và tín ngưỡng – có thể được xem một cách chính đáng là bao gồm cả nghĩa vụ ngăn chặn những biểu hiện có thể có mang tính xúc phạm vô trách nhiệm xã hội đối với những công dân khác và theo đó xâm phạm quyền của họ, và vì vậy không đóng góp gì cho bất kỳ tranh luận xã hội nào có khả năng đẩy mạnh sự tiến bộ trong các vấn đề của nhân loại…“
Luận điểm này thể hiện một tư duy gần giống với tư duy của các tòa án Pháp trong việc phân biệt giữa các hành vi, ngôn luận, biểu hiện mang tính xúc phạm vô trách nhiệm xã hội, đối nghịch với các hành vi, ngôn luận, biểu hiện mang tính xúc phạm nhưng với mục đích chính đáng.
Tòa Nhân quyền châu Âu phân biệt giữa “những xác tín riêng tư” (tôn giáo) và “những vấn đề thuộc lợi ích không thể chối cãi của cộng đồng trong một xã hội dân chủ“. Nhóm đầu tiên được Tòa xem xét bảo vệ đặc biệt, nhóm thứ hai được Tòa xem là những chủ đề cần thiết phải được cho phép thể hiện hay đưa ra trong công luận để quần chúng được tham gia góp ý, phê bình.
Cũng giống các Tòa án Pháp, Tòa Nhân quyền châu Âu dựa vào việc xác định mức độ vô trách nhiệm xã hội của hành vi, ngôn luận, biểu hiện mang tính xúc phạm tôn giáo dựa trên bản chất của hình thức, cung cách tiếp cận quần chúng và mức độ đóng góp thực tế vào công luận vì lợi ích xã hội của các hành vi, ngôn luận, biểu hiện này để tìm biện pháp kiểm soát và chế tài tương ứng.
Tuy nhiên, so sánh các quyết định vụ việc, có thể thấy là Tòa Nhân quyền châu Âu trong các vụ việc vào cuối thế kỷ trước không thoải mái và dễ dãi bằng các Tòa án Pháp trong việc áp dụng các tiêu chuẩn này.
Lý do mà Tòa Nhân quyền châu Âu cấm phim “Hội Đồng Tình Yêu” của viện Otto Preminger là vì qua quảng cáo, nội dung nhục mạ cảm xúc tôn giáo của bộ phim đã phát tán ra công chúng. Như vậy bất kể cung cách, hình thức khép kín của việc chiếu phim cho người mua vé xem phim, Tòa Nhân quyền châu Âu vẫn chọn phương án bảo vệ công chúng một cách tuyệt đối thay vì chỉ giới hạn như Tòa án Pháp đã làm với phim ‘Kính mừng Maria đầy ơn phúc’.
Phim “Hội đồng tình yêu” (Das Liebeskonzil) của Viện Otto Preminger có tình tiết là Chúa yêu cầu quỷ sứ cho phát tán bệnh giang mai trong cõi người để trừng phạt những tội lỗi của họ. Tòa Nhân quyền châu Âu đã cho phép nhà nước Áo cấm chiếu phim này theo một phán quyết vào năm 1994. Ảnh: ulrikeschanko.de
Yếu tố làm phức tạp vấn đề ở đây có lẽ là mức độ đóng góp thực tế vào công luận xã hội vì tiêu chuẩn này tùy thuộc vào những gì đang diễn ra trong công luận xã hội, mà công luận xã hội mỗi quốc gia lại có những chủ đề và mức độ quan tâm riêng, không quốc gia nào giống nhau.
Trong một hoàn cảnh như vậy, người viết phỏng đoán là các thẩm phán Tòa Nhân quyền châu Âu trong quan điểm truyền thống của họ đã tư duy đại khái theo cách là: thà chúng ta quá đáng thì cũng là quá đáng trong việc bảo vệ quyền cá nhân những con người sùng đạo, thay vì cởi mở quá dựa trên ý kiến công luận và những quan tâm về lợi ích xã hội vốn bất định và thay đổi năm này sang năm khác.
Janssen ghi chú là bản thân các vị thẩm phán của Tòa Nhân quyền châu Âu cũng không phải dễ dàng mà đi đến kết luận phải giới hạn tuyệt đối quyền tự do ngôn luận trong một số trường hợp. Trong vụ Otto Preminger, quyết định được đưa ra với 6 thẩm phán tuyên cấm và 3 thẩm phán tuyên thả. Tỷ lệ này trong vụ Wingrove là 7:2 và trong vụ I.A. là 4:3.
Riêng một vụ việc nổi bật có các thẩm phán Tòa Nhân quyền châu Âu đồng lòng đứng về phía quyền tự do ngôn luận đó là vụ Giniewski. Vụ việc cũng được xem là khởi điểm cho một sự thay đổi quan điểm của Tòa Nhân quyền châu Âu, từ bảo thủ sang cởi mở hơn trong việc đánh giá tiêu chuẩn đóng góp thực tế vào công luận xã hội của một hành vi, ngôn luận hay biểu hiện gây tranh cãi.
Độc giả sẽ được tiếp cận với vụ án này trong kỳ tới của loạt bài.
Kỳ tới: Cuộc chiến ở Tòa Nhân quyền Châu Âu (phần 3)
Tài liệu tham khảo:Limits to Expression on Religion in France, Esther Janssen, Agama & Religiusitasdi
Eropa, Journal of European Studies, Volume V –nr
. 1, 2009, p. 22-45. The Danish Cartoons Row:Re-drawing
the Limits of the Right to Freedom of Expression?, Aurel Sari, Law School, University of Exeter, Finnish Yearbook of International Law, Vol. 16, pp. 365-398, 2005 .