Thư cuối tuần - 18/1/2025
Đây là Thư cuối tuần của Luật Khoa tạp chí. Thư tin này chỉ làm một việc đơn giản là
Nam Quỳnh – Ở kỳ trước, độc giả đã tiếp cận với quan điểm xét xử truyền thống của Tòa Nhân quyền châu Âu qua vụ án I.A năm 2005 liên quan đến cuốn tiểu thuyết “Những vần cấm” bị cho là báng bổ đạo Hồi. Kỳ này sẽ đề cập đến một vụ án mở đầu cho xu hướng cởi mở hơn về quan điểm xét xử của tòa án này: vụ Paul Giniewski.
Giáo hoàng John Paul II (1920-2005) là một người Ba Lan, lãnh đạo Giáo hội La Mã từ năm 1978 cho đến khi qua đời. Ảnh: CNN
Năm 1994, Nhật báo Paris (Le quotidien de Paris) đăng bài báo “Bóng đêm của sai lầm” (‘L’obscurité de l’erreur’) của nhà báo, nhà xã hội học và sử gia Paul Giniewski (1926-2011). Giniewski. Nội dung bài báo đáp trả lá thư “Vẻ huy hoàng của sự thật” do Giáo hoàng John Paul II viết gửi các giám mục và tổng giám mục trên toàn thế giới nhằm giải thích các triết lý nền tảng của Thiên Chúa giáo. Giniewski lập luận là những giáo điều của triết lý Thiên Chúa giáo tạo điều kiện cho sự hình thành chủ nghĩa bài Do Thái và góp phần đưa đến thảm họa diệt chủng Do Thái, điển hình là tại Auschwitz trong Thế chiến thứ Hai.
Bài viết này nằm trong loạt bài “Giới hạn của sự báng bổ” do luật sư Nam Quỳnh (Anh Quốc) gửi tới Luật Khoa tạp chí.
Kỳ 1: Nhà nước phi tôn giáo và ‘nguyên tắc cơ hội’ của nước Pháp
Kỳ 2: Tranh cãi ở phòng xử án
Kỳ 3: Xúc phạm vô trách nhiệm xã hội và xúc phạm mang mục đích chính đáng
Kỳ 4: Vận động sử dụng bao cao su bằng hình Thiên Chúa
Kỳ 5: Cuộc chiến ở Tòa Nhân quyền Châu Âu (phần 1)
Kỳ 6: Cuộc chiến ở Tòa Nhân quyền Châu Âu (phần 2)
Giniewski đưa ra một kết luận là bản thân Giáo hoàng và những tín đồ Thiên Chúa giáo phải chịu trách nhiệm cho việc sáu triệu người Do Thái mất mạng trong thảm họa diệt chủng này.
Dựa trên việc nội dung bài viết của Giniewski làm ô danh bản thân cá nhân Giáo hoàng và cả cộng đồng những người theo Thiên Chúa giáo, tổ chức Thiên Chúa giáo AGRIF đâm đơn tố cáo yêu cầu khởi tố hình sự đồng thời khởi kiện dân sự đối với Giniewski.
Tòa hình sự tuyên trắng án cho Giniewski nhưng Tòa dân sự đồng ý với AGRIF là bài báo của Giniewski có nội dung phỉ báng người theo đạo Thiên Chúa khi lập luận là họ phải chịu trách nhiệm cho nạn diệt chủng Do Thái vốn do phát xít Đức gây ra.
Giniewski kháng án thành công tại Tòa phúc thẩm khi thẩm phán Tòa phúc thẩm đánh giá bài báo của Giniewski là một đóng góp có ích cho các tranh luận trong công luận về các nguyên do của Đại thảm họa diệt chủng này (Holocaust).
AGRIF kiện tiếp lên Tòa thượng thẩm. Tòa thượng thẩm tuyên bài báo có nội dung phỉ báng và bác quyết định của Tòa phúc thẩm nhưng bắt xử lại. Lần thứ hai xử thì Tòa phúc thẩm chấp nhận ý kiến của Tòa thượng thẩm.
Đơn kháng cáo lên Tòa thượng thẩm của Giniewski bị bác vì Tòa thượng thẩm cho là Tòa phúc thẩm đã đúng trong việc phán quyết rằng Giniewski không thực sự có thiện ý đóng góp cho công luận khi viết bài báo của ông.
Giniewski kiện nhà nước Pháp ra Tòa Nhân quyền châu Âu. Tháng 01 năm 2005, Tòa Nhân quyền châu Âu ra phán quyết:
“Bằng cách xem xét những hệ lụy của một giáo lý, bài báo trong vụ việc này đóng góp cho các thảo luận về những nguyên do có thể có đằng sau sự tận diệt người Do Thái tại châu Âu, một vấn đề lịch sử lớn được công luận quan tâm trong một xã hội dân chủ. Trong những vấn đề như thế này, bất kỳ giới hạn nào đối với quyền tự do ngôn luận đều phải được phân tích một cách thấu đáo.
Mặc dù vấn đề trọng tâm được đưa ra trong vụ việc này là một giáo lý được Giáo Hội Thiên Chúa giáo ủng hộ, và theo đó là một vấn đề tôn giáo, việc phân tích bài báo trong vụ việc này cho thấy là nó không tấn công tôn giáo, tín ngưỡng, mà thể hiện quan điểm riêng của tác giả viết với vai trò một nhà báo và nhà sử học.
Trong bối cảnh đó, Tòa cho rằng điều cốt yếu trong một xã hội dân chủ là phải cho phép diễn ra các cuộc tranh luận về nguyên nhân của những tội ác chống lại loài người… Thêm vào đó, Tòa cũng đã ghi chú trước đây là “một phần tất yếu của tự do ngôn luận là tìm kiếm sự thật lịch sử” và rằng “Tòa không có vai trò phân định những vấn đề lịch sử cơ bản”.
Tòa nhắc lại nguyên tắc quan trọng đã được Tòa áp dụng trong các vụ việc trước đó là phát ngôn hay biểu hiện bị cáo buộc phải có khả năng “gây sốc, xúc phạm và quấy rối“. Bài báo của Giniewski không phải là một biểu hiện mang tính xúc phạm vô trách nhiệm xã hội: nó không đi quá giới hạn tự do ngôn luận vì nó không có chủ ý nhục mạ hay phỉ báng và cũng không khiêu khích, xúi giục lòng căm thù, bạo lực hay sự thiếu tôn trọng.
Tòa phúc thẩm Pháp đã xử phạt Giniewski phải nộp 1 đồng Franc tiền bồi thường tượng trưng và bắt Giniewski phải trả chi phí cho việc xuất bản quyết định cuối cùng của Tòa phúc thẩm trên một tờ báo.
Tòa Nhân quyền châu Âu quyết định là bản án và hình phạt chính phủ Pháp dành cho Giniewski là xâm phạm quá đáng đến quyền tự do ngôn luận của ông. Giniewski có quyền yêu cầu Tòa Nhân quyền châu Âu bắt chính phủ Pháp bồi thường thiệt hại cho ông nhưng ông đã không áp dụng quyền này.
Theo luật gia Esther Janssen (Đại học Amsterdam – Hà Lan), giới luật sư đồng tình với nhau là phán quyết vụ Giniewski là bước ngoặt trong tư duy của Tòa Nhân quyền châu Âu trong việc xử lý các hành vi ngôn luận và biểu hiện có tính xúc phạm tôn giáo. Sau vụ Giniewski, ngày càng có nhiều vụ việc được Tòa Nhân quyền châu Âu quyết định theo hướng có lợi cho tự do ngôn luận.
Kỳ tới: Cuộc chiến ở Tòa Nhân quyền Châu Âu (phần 4)
Tài liệu tham khảo:
Limits to Expression on Religion in France, Esther Janssen, Agama & Religiusitas di Eropa, Journal of European Studies, Volume V – nr. 1, 2009, p. 22-45.
The Danish Cartoons Row: Re-drawing the Limits of the Right to Freedom of Expression?, Aurel Sari, Law School, University of Exeter, Finnish Yearbook of International Law, Vol. 16, pp. 365-398, 2005 .