Hiến pháp Việt Nam Cộng hòa nói gì về đảng phái? – Kỳ 2 và hết

Cũng có “Điều 4”…nhưng chống chủ nghĩa cộng sản.

Hiến pháp Việt Nam Cộng hòa nói gì về đảng phái? – Kỳ 2 và hết

Bài viết này nằm trong số báo tháng Mười Một năm 2022 của Luật Khoa tạp chí, được phát hành trên ấn bản PDF đề ngày 3/11/2022.


Ở kỳ trước, độc giả đã tìm hiểu về thể chế chính trị đa đảng hướng tới thể chế lưỡng đảng của nền Đệ nhị Cộng hòa ở miền Nam trước năm 1975. Phần này sẽ bàn về các quy định khác của bản Hiến pháp 1967 liên quan đến đảng phái chính trị: quân đội và chủ nghĩa cộng sản.

Quân đội phi đảng phái

Hiến pháp Việt Nam Cộng hòa năm 1956 không quy định gì về mối quan hệ giữa quân đội và đảng phái, nhưng bản Hiến pháp 1967 thì nói rất rõ tại khoản 2, Điều 23: “Quân nhân tại ngũ không được sinh hoạt đảng phái”.

Quy định này, một mặt xuất phát từ những học thuyết tách rời quân đội khỏi chính trị, mặt khác có căn nguyên từ một nỗi ám ảnh chính trị khác ở Sài Gòn: chế độ quân quản sau Diệm.

Đó là thời kỳ kéo dài 4 năm, từ 1963 đến 1967, bắt đầu từ cuộc đảo chính quân sự lật đổ Ngô Đình Diệm ngày 1/11/1963. Trong 4 năm sau đó, lần lượt 5 chính phủ được các phe quân đội và dân sự dựng lên rồi đạp xuống liên tục với liên tiếp các cuộc đảo chính và chỉnh lý khác.

Chỉ đến khi Nguyễn Văn Thiệu lên nắm giữ quân đội từ năm 1965 và thiết lập chính phủ dân sự do tướng Nguyễn Cao Kỳ làm Thủ tướng thì tình hình mới bắt đầu ổn định. Cả hai người này, sau khi Hiến pháp 1967 được thông qua, đã liên minh tranh cử vào vị trí Tổng thống và Phó Tổng thống, và thành công.

So sánh với các bản Hiến pháp của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, Hiến pháp 1967 cho ta thấy sự khác biệt đáng kể trong quan điểm lập hiến về quân đội.

Ngoại trừ Hiến pháp năm 1946 của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa không đề cập đến quân đội, các bản hiến pháp sau đó đều quy định quân đội phải “bảo vệ thành quả cách mạng” (Hiến pháp 1959, 1980, 1992) hay “tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, Nhân dân, với Đảng và Nhà nước, có nhiệm vụ bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, an ninh quốc gia và trật tự, an toàn xã hội; bảo vệ Nhân dân, Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa, cùng toàn dân xây dựng đất nước và thực hiện nghĩa vụ quốc tế” như Hiến pháp 2013.

Điều 4: “Chống lại chủ nghĩa cộng sản dưới mọi hình thức”

Mặc dù thừa nhận chế độ chính trị đa đảng và đối lập, bản Hiến pháp Việt Nam Cộng hòa năm 1967 lại có một điều khoản gây tranh cãi, đó là Điều 4.

Nếu như Điều 4 ở các bản Hiến pháp của Việt Nam thống nhất sau này, cũng gây rất nhiều tranh cãi, nổi tiếng với sự hiến định hóa quyền lãnh đạo nhà nước và xã hội của đảng Cộng sản Việt Nam, thì Điều 4 trong Hiến pháp Việt Nam Cộng hòa 1967 lại chống chủ nghĩa cộng sản đến cùng.

Điều 4.- 1.– Việt Nam Cộng hòa chống lại chủ nghĩa cộng sản dưới mọi hình thức.

2.– Mọi hành vi nhằm mục đích tuyên truyền hay thực hiện chủ nghĩa cộng sản đều bị cấm chỉ.

Không phải đến năm 1967, Hiến pháp của Việt Nam Cộng hòa mới hiến định hóa điều cấm này. Điều 7 của Hiến pháp 1956 cũng ghi rõ:

Những hành vi có mục đích phổ biến hoặc thực hiện một cách trực tiếp hay gián tiếp chủ nghĩa cộng sản dưới mọi hình thức đều trái với các nguyên tắc ghi trong Hiến pháp.

Điều này có nghĩa là, chế độ đa đảng ở miền Nam Việt Nam không có chỗ cho bất kỳ đảng phái nào cổ súy cho chủ nghĩa cộng sản. Nói cách khác, không thể có một đảng cộng sản ở phía Nam vĩ tuyến 17.

vi_tuyen_17
Cuộc đấu cờ ở khu vực vĩ tuyến 17. Tình trạng chiến tranh với miền Bắc theo chủ nghĩa cộng sản là nguyên nhân chính dẫn đến quy định tại Điều 4 Hiến pháp Việt Nam Cộng hòa năm 1967. Ảnh: Tạp chí Life.

Rõ ràng, sự tồn tại của quy định này là rất dễ hiểu trong bối cảnh đối đầu một mất một còn giữa chủ nghĩa cộng sản và chủ nghĩa tư bản trên thế giới trong thời kỳ đó, mà Việt Nam chính là chiến trường đẫm máu nhất. Nhưng mặt khác, đây cũng là quy định hạn chế tự do ở một chế độ lấy các giá trị tự do, dân chủ làm căn bản như Việt Nam Cộng hòa.

So sánh với các nước khác trong cùng thời kỳ, có thể thấy các đảng cộng sản ở Mỹ và Tây Âu vẫn được hoạt động. Đảng cộng sản Hoa Kỳ thậm chí còn nắm vai trò lớn trong phong trào đòi quyền dân sự thập niên 50 và 60 của thế kỷ XX, đồng thời đã từng nắm giữ các vị trí khác nhau trong các cơ quan lập pháp của nước này. Tuy dần thoái trào ở nửa sau thế kỷ XX, các đảng cộng sản vẫn có thể được thành lập và hoạt động hợp hiến, hợp pháp tại những quốc gia được cho là thù địch với chủ nghĩa cộng sản này.

Trở lại với miền Nam Việt Nam thời Đệ nhị Cộng hòa, mặc dù Điều 4 của Hiến pháp cấm đoán tuyên truyền chủ nghĩa cộng sản, nhưng nó lại tỏ ra kém hiệu lực trên thực tế.

Sài Gòn trước năm 1975 vẫn có những chuyên gia về chủ nghĩa cộng sản. Một trong những đại diện tiêu biểu là học giả Nguyễn Ngọc Lan với tạp chí Đối Diện, một tạp chí được cho là “thân Cộng”. Bên cạnh đó, các tập bài giảng về chủ nghĩa Mác – Lênin của Giáo sư Nguyễn Văn Trung, Đại học Văn khoa Sài Gòn, vẫn được in ấn và tự do lưu hành, các lớp học về chủ nghĩa Mác – Lênin của ông vẫn được tổ chức bình thường như mọi lớp học khác.

Điều đặc biệt nữa là trong nhiều luận văn cao học của Học viện Quốc gia Hành Chánh của miền Nam trước 1975, hiện còn đang lưu trữ trong thư viện của học viện này ở TP. Hồ Chí Minh, khi bàn đến vấn đề hòa giải dân tộc và thống nhất đất nước, các tác giả vẫn có thể đề xuất giải pháp “bỏ Điều 4” ra khỏi Hiến pháp năm 1967 và được bảo vệ quan điểm đó trước hội đồng thẩm định.

Nói cách khác, khi Điều 4 của Hiến pháp 1967 bị lấn át bởi các quyền tự do ngôn luận, tự do học thuật, tự do báo chí và quyền tự trị của các trường đại học, chính quyền Việt Nam Cộng hòa có xu hướng làm ngơ và ngầm thừa nhận các luồng quan điểm về chủ nghĩa cộng sản như một phần của xã hội đa nguyên.

Hiến pháp Việt Nam Cộng hòa nói gì về đảng phái? Kỳ 1Kỳ 2

Tài liệu tham khảo

Hiến pháp Việt Nam Cộng hòa năm 1967, đăng trong tác phẩm Luật Hiến pháp và Chính trị học, Nguyễn Văn Bông, Sài Gòn, 1967 (in lần thứ nhất), 1969 (in lần thứ hai), 2013 (bản điện tử do pro&contra thực hiện).

1954-1975: Quốc tế đã công nhận hai nhà nước Việt Nam như thế nào
Thể chế nào mới thật sự đại diện cho Việt Nam? Câu chuyện vốn không hề ngã ngũ vào thời điểm Hiệp định Geneva được ký kết.
Cải Cách Ruộng Đất, Cải Cách Điền Địa và Người Cày Có Ruộng
Hiển nhiên dải đất hình chữ S Việt Nam hiện đại không chỉ chứng kiến duy nhất một cuộc cải cách ruộng đất. Tại hai đầu đất nước, mỗi quốc gia đều có những định hướng và chính sách đất đai riêng biệt nhằm hướng đến những mục tiêu chính trị, kinh tế và xã […]

Bạn đã đăng ký thành công!

Mừng bạn trở lại!

Bạn đã đăng ký thành công.

Vui lòng kiểm tra hộp thư để lấy link đăng nhập.

Thông tin thanh toán của bạn đã được cập nhật.

Thông tin thanh toán của bạn chưa được cập nhật.