Xã hội dân sự và phát triển quốc gia - Kỳ 1: Vốn xã hội
🎧Mời bạn nghe bản audio của bài này:Xã hội dân sự và phát triển quốc gia - Kỳ 1:
Hoàng Kim Phượng (dịch) – Ở Việt Nam, cả nước vừa bước vào tuần làm việc đầu tiên sau Tết Nguyên đán với ít nhiều uể oải, khi mà không khí Tết vẫn còn và tinh thần “tháng giêng là tháng ăn chơi” vẫn rất nặng trong tập quán, suy nghĩ của người Việt. Vậy mà, bạn biết không, trong khi đó thì ở Nhật Bản, chẳng bao lâu nữa, làm việc nhiều mà không chịu nghỉ phép sẽ trở thành trái luật.
Chính phủ Nhật Bản đang có kế hoạch đệ trình một dự thảo luật lên Quốc hội, theo đó, người lao động bắt buộc phải lấy ít nhất 5 ngày phép một năm, vẫn trả lương.
Động thái này phản ánh mong muốn của chính quyền Shinzo Abe. Thủ tướng Abe vẫn muốn kiềm chế thứ văn hóa vốn rất nổi tiếng và tai tiếng của Nhật Bản nơi công sở: Nhân viên được ghi nhận là làm việc hàng giờ đồng hồ, thường xuyên làm ngoài giờ không phụ cấp. Áp lực công việc quá tải được cho là nguyên nhân của xấp xỉ một phần ba số vụ tự tử ở Nhật Bản năm 2011.
Theo luật, hiện nay người lao động Nhật Bản có quyền nghỉ 18,5 ngày mỗi năm (vẫn hưởng lương), tức là chỉ ít hơn 2 ngày so với mức trung bình của toàn cầu. Tuy nhiên, một khảo sát năm 2013 của Bộ Lao động Nhật Bản cho thấy người lao động chỉ lấy 9 trên tổng số 18,5 ngày nghỉ phép. Theo một cuộc thăm dò dư luận khác, cứ 6 công nhân Nhật Bản thì có 1 người không bao giờ lấy phép năm.
Nhiều công nhân Anh coi việc nghỉ hè hai tuần là một quyền không thể thiếu được. Nhưng công nhân Nhật thì xem chuyện đi nghỉ bốn đêm ở Hawaii là cực kỳ xa xỉ, nuông chiều bản thân thái quá.
Khoảng 22% người Nhật làm việc hơn 49 giờ một tuần. Con số này ở Mỹ là 16% và ở Pháp, Đức cùng là 11% – theo số liệu của Chính phủ Nhật Bản.
So với người Nhật, người Mỹ cũng khá nổi tiếng về tinh thần làm việc quyết liệt. Một nghiên cứu năm 2014 cho thấy 40% người lao động Mỹ bỏ nghỉ phép, và điều đó góp phần tạo thành một hội chứng tâm lý gọi là “mặc cảm tử vì đạo”. Trong số các nước công nghiệp phát triển, cả Nhật Bản và Mỹ đều xếp cuối bảng về việc đảm bảo ngày nghỉ phép vẫn trả lương cho người lao động.
Song, tại Nhật Bản, tình hình còn tồi tệ hơn Mỹ, với chứng loạn thần kinh chức năng phổ biến, gắn với môi trường công việc. Văn hóa lao động ở Nhật căng thẳng, nhiều sức ép đến mức trong tiếng Nhật đã có một từ riêng, “karoshi”, để chỉ hiện tượng chết vì làm việc quá tải. Theo một bài báo đăng trên tờ The Post (Bưu điện) năm 2008, từ “karoshi” xuất hiện vào “những năm bùng nổ kinh tế vào cuối thập niên 1970, khi mà số người làm việc hơn 60 tiếng một tuần tăng vọt”. Kể từ hồi ấy, hình ảnh “người làm công ăn lương” – chăm chỉ, mẫu mực, cổ cồn trắng – đã trở thành một biểu tượng quốc gia, gắn với thành công về kinh tế của Nhật Bản. Nhưng rồi dần dần, thay đổi thế hệ cùng những quan điểm được khai sáng hơn về vai trò của nam và nữ giới đã làm xói mòn quan niệm truyền thống này.
“Chúng ta cũng phải cải tổ tư duy đặt nặng chuyện dành thời gian cho công việc – một khuynh hướng do đàn ông tạo ra” – Thủ tướng Abe phát biểu trong một bài diễn văn tháng 5/2014.
Năm ngoái, Bộ Y tế Nhật Bản đã đề nghị các nhân viên văn phòng nên ngủ lấy 30 phút vào đầu giờ chiều. Nhiều công ty Nhật cũng khuyến khích nhân viên nghỉ giữa ngày, ví dụ Hugo Inc. – một hãng tư vấn về Internet, đóng trụ sở ở Osaka – cho phép người lao động chợp mắt 30 phút vào bất kỳ lúc nào trong khoảng thời gian từ 1h đến 4h chiều.
Nhưng thói quen cũ vẫn còn rất mạnh. Nghiên cứu cho thấy người Nhật ngủ đêm trung bình 6 tiếng 22 phút, ít nhất thế giới. (So sánh: Người Anh 6 tiếng 49 phút, người Canada, Đức và Mexico đều hơn 7 tiếng). Bên cạnh thói quen ngủ ít là truyền thống không nghỉ phép và sức ép của xã hội buộc người ta phải thật tận tụy với công việc.
Tất cả những cái đó nặng nề đến mức chắc chỉ có một đạo luật do chính phủ ban hành mới có thể thuyết phục người lao động Nhật Bản nghỉ ngơi.
Tổng hợp từ “In Japan, it soon may be against the law to not take a vacation” (Washington Post) và “Clocking off: Japan calls time on long-hours work culture” (The Guardian)