Xã hội dân sự và phát triển quốc gia - Kỳ 1: Vốn xã hội
🎧Mời bạn nghe bản audio của bài này:Xã hội dân sự và phát triển quốc gia - Kỳ 1:
Hoàng Kim Phượng (dịch) – “As Technology Entrepreneurs Multiply in Vietnam, So Do Regulations” (tạm dịch: Việt Nam: Số doanh nghiệp công nghệ tăng vọt, và số quy định cũng thế) – đó là nhan đề bài báo của tác giả Mike Ives đăng trên tờ New York Times ngày 8/2/2015. Luật Khoa tạp chí xin giới thiệu bài viết này đến các bạn; tựa bài, tiêu đề phụ và phần chú thích là của người dịch, nhằm giúp bạn đọc dễ theo dõi.
Đang dạo bước trong khuôn viên mở của công ty Glass Egg Digital Media (một công ty gia công đồ họa game và phần mềm, trụ sở đặt tại TP.HCM – ND), ông Phil Trần dừng chân trước một căn phòng của người thiết kế game, và chỉ tay vào màn hình máy tính. Một nhân vật đang chạy rất nhanh trong một trong những sản phẩm mới nhất mà công ty của ông Trần cung cấp. Công ty này chuyên nội địa hóa các trò chơi video quốc tế để công bố online trên thị trường Việt Nam, và thiết kế đồ họa 3D cho các game của Sony, Microsoft và Electronic Arts.
“Ta phải chạy, chạy, chạy cho tới chừng nào đạt được cái gì đấy” – ông Trần nói. Ông là người sáng lập Glass Egg vào năm 1999, sau một thời gian ngắn làm việc cật lực cho một công ty game khởi nghiệp ở San Francisco.
Ông Trần và các doanh nhân khác trong lĩnh vực công nghệ ở Việt Nam đều có cùng hướng đi trong việc tạo dựng sự nghiệp: tăng trưởng với tốc độ chóng mặt và tuân thủ các quy định của nhà nước – mà theo họ là thường mơ hồ đến phát điên mỗi khi phải động tới.
Nhưng, khi mà chính phủ Việt Nam rà soát lại các chính sách về công nghệ thông tin, việc tăng trưởng nhanh cũng trở nên rủi ro hơn. Danh sách luật lệ, quy định ngày càng dài ra cho thấy các công ty sẽ phải hoạt động như thế nào, họ sẽ phải làm gì với những nội dung do họ cung cấp và thậm chí trình độ học vấn của chủ doanh nghiệp phải ra sao.
Một số người lo ngại rằng sáng kiến và đầu tư trong lĩnh vực đang tăng trưởng này có nguy cơ bị bóp nghẹt vì gánh nặng các quy định mới.
Tình hình thị trường lâu nay: đáng phấn khởi
Ở Việt Nam, công nghệ thông tin là một điểm sáng của nền kinh tế so với các ngành công nghiệp khác mà phần lớn đều do doanh nghiệp nhà nước nắm giữ. Một phép đo để hình dung tốc độ tăng trưởng: Doanh thu bán hàng trên mạng của các công ty cho người tiêu dùng ở Việt Nam đạt khoảng 2,2 tỷ USD trong năm 2013, và dự kiến con số này sẽ lên tới 4 tỷ USD vào năm 2015, theo một báo cáo năm 2013 của Bộ Công Thương.
Sự phát triển của công nghệ thông tin được tạo đà nhờ cơ sở hạ tầng Internet rất mạnh, doanh số dồi dào điện thoại thông minh, và một sự bùng nổ về mua bán trên mạng, bùng nổ những đội ngũ viết code và thiết kế rất có kỹ năng, lại sẵn sàng làm việc với mức lương thấp hơn nhân công ở các nơi khác trong khu vực.
Quá trình tăng trưởng bắt đầu từ cách đây khoảng 10 năm, và sau đó, Intel, Samsung, Microsoft đã xây nhà máy ở Việt Nam. Các công ty quốc tế cũng đẩy mạnh hoạt động thuê ngoài (outsourcing) tại Việt Nam, do bị thu hút bởi chính sách giảm thuế cũng như các hình thức khuyến khích đầu tư khác của chính phủ.
Việt Nam đang ở trong số những thị trường hứa hẹn nhất Đông Nam Á nhờ tốc độ tăng trưởng cao về công nghệ – theo ông Dung Nguyen (tức là ông Nguyễn Mạnh Dũng – ND), giám đốc tại Việt Nam và Thái Lan của quỹ CyberAgent Ventures, một công ty đầu tư mạo hiểm có trụ sở ở Tokyo, đã từng đầu tư vào 15 công ty khởi nghiệp ở Việt Nam tính từ năm 2009 đến nay. Ông cho biết, thương mại điện tử, các dịch vụ âm nhạc và trò chơi trên điện thoại thông minh là những lĩnh vực tăng trưởng nóng nhất hiện nay.
Tình hình luật pháp: nở rộ nghị định, dự luật
Nhưng một số công ty mạng và tập đoàn đa quốc gia ở đất nước này cho biết, số lượng quy định mới ban hành hoặc đang được xem xét ban hành cho thấy tư duy quản lý bằng các quy định đang ngày càng lỗi thời trong bối cảnh công nghệ phát triển bùng nổ.
Mùa hè năm ngoái, quản trị viên (admin) nội dung mạng xã hội và website tin tức được lệnh phải có bằng tốt nghiệp đại học, phải có giấy phép, và phải lưu trữ các nội dung được post trong ít nhất hai năm [1]. Một quy định khác, hiện vẫn còn ở dạng dự thảo, thì nhằm quản lý âm thanh trên Internet cũng như các dịch vụ tin nhắn qua mạng, bằng cách buộc nhà cung cấp phải ký hợp đồng với các công ty viễn thông Việt Nam [2]. Và một quy định khác đã được phê chuẩn, dự định có hiệu lực từ ngày 12/12/2015, sẽ buộc các nhà cung cấp dịch vụ game online phải có hệ thống thanh toán ở Việt Nam và phải chấp hành nhiều yêu cầu khác [3], theo một phân tích của công ty luật Tilleke & Gibbins, trụ sở ở Bangkok.
Các chuyên gia trong ngành còn cho biết, có một dự luật khác nữa đòi hỏi các công ty công nghệ nước ngoài cung cấp dịch vụ xuyên biên giới vào Việt Nam phải có đại diện ở Việt Nam [4]. Luật này sẽ áp dụng đối với các công ty như Google, tức là có kinh doanh trên thị trường Việt Nam nhưng chưa có văn phòng chính thức ở đây. Mùa xuân năm ngoái, Liên minh Internet châu Á (Asia Internet Coalition) – đại diện cho Google, Apple, Facebook, Yahoo, eBay, LinkedIn và Salesforce.com trong các vấn đề chính sách ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương – đã tỏ ý “rất lo ngại” về tác động tiềm tàng của quy định này.
Một số nhà cung cấp dịch vụ mạng xã hội còn non nớt ở Việt Nam đã bắt đầu cảm thấy ớn lạnh. Hồi tháng 10, một trang mạng xã hội tiếng Việt rất phổ biến là Haivl.com bất ngờ bị đóng cửa, sau khi họ đăng tải những nội dung bị Bộ Thông tin – Truyền thông cho là xúc phạm đến một nhân vật lịch sử. (Vài người dùng cho biết nhân vật đó là vị cha già dân tộc của Việt Nam, ông Hồ Chí Minh). Kể từ đó, hơn chục mạng xã hội đã bị phạt hoặc đình chỉ hoạt động vì những lý do tương tự, theo tiết lộ từ một số doanh nhân trong lĩnh vực công nghệ.
Họ bí mật cho biết rằng làn sóng những nghị định và dự luật mới là một nỗ lực tiếp theo của đảng Cộng sản cầm quyền nhằm kiểm soát quyền biểu đạt – vốn dĩ có thể gây bất ổn hoặc đe dọa sự độc quyền lãnh đạo của Đảng.
Trong vài năm qua, chính quyền đã bỏ tù hàng chục blogger. Luật Việt Nam cấm báo chí tư nhân, và theo nhận định của một số chuyên gia trong ngành, giới chức đóng cửa nhiều trang mạng xã hội là do những mạng đó đã vượt ra khỏi vòng kiểm soát của nhà nước, ít nhất ở một mức độ nào đó.
Hans Vriens, quản lý đối tác ở Vriens & Partners – một hãng tư vấn đặt trụ sở ở Singapore và có khách hàng gồm nhiều công ty công nghệ lớn – cho biết: “Khi nhìn vào những diễn biến chính sách trong hai năm qua, một số doanh nghiệp lo sợ rằng chính phủ đang coi mạng xã hội và các công ty mạng như một nguồn đe dọa mới đối với quyền lãnh đạo, hơn là một nguồn cơ hội mới cần tận dụng”.
Năm 2013, chính phủ ban hành Nghị định 72, một văn bản đặt ra những hạn chế chưa từng có tiền lệ lên quyền biểu đạt trên Internet. Diễn biến này làm các tổ chức nhân quyền phẫn nộ, và cũng chọc giận Đại sứ quán Mỹ. Tòa Đại sứ cảnh báo, những hạn chế như vậy sẽ vi phạm các cam kết quốc tế của Việt Nam về nhân quyền, đồng thời ngăn chặn các sáng kiến đổi mới và hoạt động đầu tư.
Tranh cãi xung quanh Nghị định 72 dần lắng xuống, và vào tháng 1 vừa qua, tờ báo quốc doanh Thanh Niên dẫn lời Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nói rằng “không thể” kiểm soát Facebook và các trang mạng xã hội khác. Nhiều năm qua, Facebook ở Việt Nam thỉnh thoảng lại không thể truy cập được, nhưng chính quyền chưa bao giờ nhận trách nhiệm về hành vi chặn mạng này.
Chính quyền đang bảo vệ doanh nghiệp nhà nước và quân đội?
Bà Nguyễn Thị Hạnh, đại diện Bộ Công Thương trong lĩnh vực thương mại điện tử ở TP.HCM, cho hay, các chính sách về Internet từ lâu vẫn nhằm vừa điều tiết vừa hỗ trợ doanh nghiệp công nghệ. Bà nói thêm rằng Bộ Công Thương rất ủng hộ thương mại điện tử, còn Bộ Thông tin – Truyền thông thì có thẩm quyền đối với mạng xã hội.
Theo nhiều giám đốc điều hành các công ty công nghệ, chính quyền đang cố gắng bảo vệ lợi ích kinh tế thâm căn cố đế của những doanh nghiệp quốc doanh hoặc quân đội. Những doanh nghiệp này lâu nay vẫn thống trị trên thị trường viễn thông của Việt Nam, song công việc kinh doanh trị giá hàng tỷ đôla của họ đã và đang bị đe dọa bởi sự nổi lên gây rất nhiều phiền phức của công nghệ Internet.
Vào tháng 11, tờ báo quốc doanh Vietnam News đưa tin, khoảng 26 triệu người Việt Nam, tương đương gần một phần ba dân số, đang sử dụng các ứng dụng điện thoại di động thông minh trên nền tảng Internet, như Viber, Line và sản phẩm của một đối thủ cạnh tranh người Việt là Zalo, để gọi điện và gửi tin nhắn, nhằm tránh phải trả mức cước cao hơn theo hình thức viễn thông truyền thống.
Theo ông Khoa Phạm, giám đốc phụ trách các vấn đề pháp lý và doanh nghiệp ở Microsoft Việt Nam, nước láng giềng Trung Quốc có thể hạn chế các công ty công nghệ của nước ngoài tiến chân vào lĩnh vực công nghệ thông tin của họ, như một cách để bảo vệ Baidu – công cụ tìm kiếm được ưa thích ở Trung Quốc – và các đấu sĩ hạng nặng khác trên thị trường nước này. Nhưng không biết liệu Việt Nam có đi theo mô hình đó được không, bởi vì công nghệ nội địa của Việt Nam không mạnh bằng Trung Quốc.
Ông Vũ Hoàng Liên, Chủ tịch Hiệp hội Internet Việt Nam – một tập hợp công ty mà thành viên có cả các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông quốc doanh – cho biết môi trường pháp lý dành cho các doanh nghiệp Internet đến nay vẫn tốt, và Đảng Cộng sản đã “dành ưu tiên” cho lĩnh vực công nghệ thông tin.
Mùa thu năm ngoái, ngay sau khi Haivl.com bị đóng cửa, vài doanh nhân Việt Nam đã cân nhắc việc đăng ký kinh doanh ở Singapore, nơi mà họ nhìn nhận là có độ ổn định về chính sách cao hơn. Ông Hung Dinh (tức Đinh Viết Hùng – ND) – một nhân vật kỳ cựu trên thị trường khởi nghiệp của Việt Nam và là CEO của JoomlArt.com, công ty quốc tế xây dựng hệ thống quản lý nội dung website – cho biết như vậy.
Ông Trần, sáng lập viên của Glass Egg, nhận định rằng mấy tháng gần đây, dường như có một cảm giác “an ninh được thắt chặt hơn” trong lĩnh vực nội dung Internet.
“Tôi không nghĩ điều này tệ đến mức chúng tôi phải dừng cuộc chơi” – từ văn phòng ở trên tầng 17 cao ốc, ông nói, đăm chiêu nhìn về phía chân trời. “Nhưng đối với những doanh nhân Việt Nam còn non trẻ thì chuyện này quả thật có một tác động khiến người ta nản lòng”.
Dịch từ bài As Technology Entrepreneurs Multiply in Vietnam, So Do Regulations (New York Times)
Chú thích của người dịch:
[1] Điều 3 và 4, Thông tư 9/2014/TT-BTTTT “Quy định chi tiết về hoạt động quản lý, cung cấp, sử dụng thông tin trên trang thông tin điện tử và mạng xã hội” của Bộ Thông tin-Truyền thông.
[2] Dự thảo Thông tư 2014/TT-BTTTT “Quy định về quản lý cung cấp, sử dụng dịch vụ thoại, nhắn tin trên nền Internet”, ngày 28/10/2014 của Bộ Thông tin-Truyền thông.
[3] Điều 13 và 22, Thông tư 24/2014/TT-BTTTT, “Hướng dẫn quản lý cung cấp và sử dụng dịch vụ trò chơi điện tử” của Bộ Thông tin-Truyền thông.
[4] Dự thảo Nghị định về dịch vụ công nghệ thông tin, năm 2012.