Thư cuối tuần - 18/1/2025
Đây là Thư cuối tuần của Luật Khoa tạp chí. Thư tin này chỉ làm một việc đơn giản là
Trần Hà Linh – Có thể bạn chưa biết: constituteproject.org, một trang mạng được xây dựng trên nền tảng Google, hiện đang lưu trữ bản tiếng Anh của hiến pháp tất cả các nước trên thế giới, kể cả Việt Nam, để giúp bạn tra cứu, so sánh hiến pháp của từng nước với nhau và đặc biệt là có thể tự mình viết một bản hiến pháp, nếu muốn.
Hình chụp giao diện website constituteproject.org.
Tại một đại sảnh nguy nga, tráng lệ ở Philadelphia, 55 người đàn ông đại diện cho 12 bang của nước Mỹ (không tính bang Rhode Island không đề cử ai) đã tập hợp lại để thảo nên bản hiến pháp Hoa Kỳ. Trong suốt bốn tháng, họ tranh luận, viết và sửa cho đến khi có được một văn bản mà tất cả đều nhất trí với nhau về căn bản…
Đó là chuyện của 228 năm về trước ở Mỹ. Nếu chuyện xảy ra vào thời nay thì các nhà soạn thảo hiến pháp ấy thậm chí không cần ra khỏi nhà. Bởi vì đã có một trang web mới ra đời, trên nền tảng Google, có thể giúp cho bất kỳ chính trị gia tương lai nào viết hiến pháp qua mạng, thời gian thực.
Trang web ấy là Constitute và thật sự là một kho hiến pháp trên mạng. Nó lưu trữ hiến pháp của tất cả các nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam. (Tiếc là hiến pháp Việt Nam ở đây không được cập nhật – chỉ là bản 1992, sửa đổi năm 2001, bản dịch của Oxford University Press). Constitute được điều hành bởi tổ chức Dự án So sánh Hiến pháp (Comparative Constitutions Project), vào do Google Ideas và Indigo Trust tài trợ.
Thành lập năm 2013 và mới được tái thiết kế vào tháng 12 vừa qua, Constitute cho phép người dùng so sánh văn bản cũng như ý tưởng của các bản hiến pháp khác nhau, nhất là chỉ ra những điểm tương đồng giữa chúng. Tất cả các hiến pháp đều được dịch sang tiếng Anh, một số còn được chuyển ngữ sang tiếng Ảrập; và đều có thể được tìm thấy khi bạn sử dụng công cụ tìm kiếm (search).
Hội nghị Hiến pháp ở Hoa Kỳ năm 1787. Ảnh tư liệu.
Từ “cộng sản” được đề cập ở 8 hiến pháp
Cách tìm kiếm rất đơn giản, chỉ với một điều kiện là bạn phải dùng tiếng Anh. Bạn có thể tìm theo một danh sách các chủ đề có sẵn, ví dụ, “equality regardless of gender” (bình đẳng, bất kể giới tính) hoặc “right to bear arms” (quyền được mang vũ khí), hoặc những cụm từ phổ biến khác trong hiến pháp. Bạn sẽ thấy cụm từ “we the people” (chúng tôi, toàn thể người dân nước…), vốn là câu mở đầu của Hiến pháp Hoa Kỳ, xuất hiện ở 50 trong tổng số 194 hiến pháp trên toàn thế giới.
Người dịch đã thử tìm kiếm cụm từ “communist” (cộng sản) và thấy nó xuất hiện ở hiến pháp của 8 nước: Trung Quốc 1982 (sửa đổi 2004), Croatia 1991 (sửa đổi 2010), Cuba 1976 (sửa đổi 2002), Hungary 2011 (sửa đổi 2013), Bắc Triều Tiên 1972 (sửa đổi 1998), Lào 1991 (sửa đổi 2003), Nepal 2006 (sửa đổi 2010), và Việt Nam 1992 (sửa đổi 2001). Trong đó, lời mở đầu Hiến pháp Trung Quốc viết: “Chiến thắng của cả cuộc cách mạng tân dân chủ lẫn những thành công của sự nghiệp xây dựng xã hội chủ nghĩa đều là thành tựu của toàn thể nhân dân Trung Quốc, thuộc tất cả các dân tộc, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc và sự định hướng của chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Mao Trạch Đông”.
Hiến pháp Hungary thì viết: “Chúng tôi không công nhận bản hiến pháp cộng sản năm 1949, vì nó là cơ sở của ách độc tài; do đó chúng tôi tuyên bố rằng hiến pháp đó vô hiệu”. Điều 1 Hiến pháp Hungary nêu rõ: “Đảng Công nhân Xã hội Hungary, cùng với tất cả các tiền thân của nó và các tổ chức chính trị khác được thành lập để phục vụ nó theo ý thức hệ cộng sản, đều là các tổ chức tội phạm…”.
Muốn so sánh hiến pháp, chẳng hạn của hai nước Việt Nam và Trung Quốc, bạn có thể vào mục List View, đánh dấu chọn China và Vietnam, rồi kích vào Compare. Bạn sẽ thấy hai văn bản được xuất hiện, đặt cạnh nhau, rất dễ cho bạn so sánh và nhận ra các điểm tương đồng. Phần mở đầu của hai bản hiến pháp đều mô tả vài dòng về bề dày lịch sử và truyền thống của dân tộc, sau đó đi vào lịch sử hào hùng của đất nước trong thế kỷ 20 dưới sự lãnh đạo của đảng Cộng sản và của Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Việt Nam, Mao Trạch Đông ở Trung Quốc…
Phần mở đầu của Hiến pháp Trung Quốc còn dài hơn Việt Nam rất nhiều, với lời khẳng định “Đài Loan là một phần lãnh thổ thiêng liêng của nhà nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa. Nghĩa vụ cao quý của toàn thể nhân dân Trung Hoa, gồm cả những đồng bào ở Đài Loan, là thực hiện nhiệm vụ vĩ đại thống nhất tổ quốc…”.
Xô xát ở Quốc hội Nepal hôm 20/1 khi các dân biểu tranh cãi về việc thông qua hiến pháp mới. Nguồn ảnh: The Guardian.
“Cùng viết hiến pháp”
Ngoài việc giúp bạn tìm kiếm và so sánh hiến pháp, Constitute còn có tính năng hỗ trợ các bạn cùng soạn thảo hiến pháp với công cụ Google Docs. Bạn có thể đánh dấu một phần trong một bản hiến pháp nào đó, hoặc nhiều phần từ nhiều hiến pháp khác nhau của các nước, rồi xuất chúng sang Google Docs. Sau đó thì, cũng giống như bất kỳ tài liệu Google Doc nào, bản “hiến pháp mới” của các bạn có thể được soạn thảo bởi nhiều người cùng một lúc.
Trong một bài viết giới thiệu về trang web Constitute, đăng trên mạng tin tức Quartz hôm 16/2, tác giả Mike Murphy nhận xét: “Nếu James Madison và William Paterson sống vào thời nay thì hiện giờ các cụ có thể giải quyết bất đồng của mình về vấn đề tổ chức liên bang (federalism) qua Google Hangout. Và vào năm 2010, khi Iceland tổ chức cho toàn dân tham gia sửa đổi hiến pháp, nếu khi đó đã có Constitute thì tính năng này hẳn đã hữu dụng biết bao nhiêu”.
Trả lời phỏng vấn Mike Murphy, ông Zachary Elkins, Giám đốc của Constitute, cho biết gần đây, công cuộc soạn thảo hiến pháp ở Lybia, Myanmar, và Nepal đều đã sử dụng trang web Constitute. Nó cũng là một công cụ hữu ích đối với những người muốn tìm hiểu về vấn đề tổ chức chính quyền.
Theo ông Zachary Elkins, trang Constitute được truy cập khá rộng rãi từ tất cả các vùng địa lý khác nhau trên thế giới. Đáng chú ý là gần đây, lượng người vào trang tiếng Ảrập của Constitute tăng đột biến ở Ả-rập Xê-út, nơi mà vị vua mới vừa lên ngôi (vua Salmon, 79 tuổi, kế vị ngày 23/1) và hiện vẫn chưa có hiến pháp.
Bài báo của Mike Murphy kết luận: “Hy vọng là với những công cụ mang tính hợp tác cao như thế này, dân biểu trong các chính quyền mới hay các nước mới lập quốc sẽ có thể thảo luận ôn hòa với nhau về chính sách và vấn đề tổ chức chính quyền, hơn hẳn các thế hệ trước đây. Nhưng cũng có thể là sẽ chẳng có gì thay đổi”. Nghĩa là, họ hoàn toàn có thể vẫn “chí chóe” với nhau như cũ, như ở Quốc hội Nepal hôm 20/1 vừa qua, dân biểu của đảng mao-ít đối lập đã đứng lên ghế, ném giày và micro vào liên minh cầm quyền để ngăn chính phủ thông qua bản hiến pháp mới. Về sau, họ ném luôn cả ghế vào đối thủ.
Và tất nhiên, Constitute cũng không có ích gì ở những nơi không có thảo luận, tham vấn gì cả mà chỉ có một nhóm thiểu số nắm quyền quyết định những vấn đề trọng đại của quốc gia.
Lược dịch từ “A new Google-powered website lets you compare every constitution in the world and write your own” (Quartz)