Đọc ‘Chốn vắng’ của Dương Thu Hương
Dương Thu Hương là một trong những nhà văn nổi tiếng viết về chủ đề chiến tranh, đặc biệt là
Vụ Nguyễn Văn Chưởng là một trong 5 vụ án nghiêm trọng, có dấu hiệu oan sai, mà Ủy ban Thường vụ Quốc hội chất vấn Chánh án TANDTC vừa qua. Để bạn đọc tiện theo dõi, tìm hiểu vụ việc, Luật Khoa tạp chí sẽ cập nhật các diễn biến tại bài viết này. Lần cập nhật gần đây nhất là vào 16h30 ngày 14/8/2023.
14/7/2007
Vào khoảng 21h, trên đoạn đường vào nhà máy thép Đình Vũ (An Hải, Hải Phòng), xảy ra một vụ án mạng, trong đó Thiếu tá Nguyễn Văn Sinh – công an phường Đông Hải 2 (quận Hải An, TP. Hải Phòng) – bị chém, thương tích nặng. Ông Sinh được đưa đi cấp cứu, nhưng do vết thương quá nặng, đã chết vào 8h sáng hôm sau, 15/7/2007.
03/8/2007
Rạng sáng, Cơ quan điều tra bắt giữ Nguyễn Văn Chưởng, sinh năm 1983, trú quán thôn Trung Tuyến, xã Bình Dân, huyện Kim Thành, Hải Dương.
Tại thời điểm bị bắt, Chưởng là công nhân công ty TNHH Đại Phát ở Hải Phòng, đã có vợ, không tiền án, tiền sự. Ngoài ra, Chưởng còn làm chủ quán café Thiên Thần, ở phường Đông Hải 2, Hải An, Hải Phòng.
Bị bắt cùng ngày với Nguyễn Văn Chưởng là Đỗ Văn Hoàng và Vũ Toàn Trung.
04/8/2007
Em trai Chưởng là Nguyễn Trọng Đoàn, sinh năm 1987, xin giấy xác nhận của một số nhân chứng để khẳng định rằng Nguyễn Văn Chưởng đã gặp họ buổi tối 14/7 tại Kim Thành, Hải Dương, chứ Chưởng không có mặt tại hiện trường vụ án vào thời điểm xảy ra án mạng. Hai địa điểm cách xa nhau gần 40 km.
10/8/2007
Nguyễn Trọng Đoàn bị cơ quan điều tra bắt khẩn cấp vì tội “che giấu tội phạm”. Khi đó, Đoàn đang cầm đơn khiếu nại của mẹ và giấy xác nhận của các nhân chứng đến nộp tại Cơ quan Cảnh sát Điều tra – Công an TP. Hải Phòng.
Lệnh bắt và cáo trạng cho rằng Đoàn đã hướng dẫn các nhân chứng “viết đơn, giấy xác nhận để khai báo gian dối và cung cấp tài liệu sai sự thật, che giấu hành vi phạm tội để cho Chưởng được ngoại phạm”.
03/11/2007
Báo Tiền Phong đăng bài “Vụ sát hại một Thiếu tá Công an ở Hải Phòng: Những uẩn khúc cần làm rõ”, trong đó tổ phóng viên điều tra phỏng vấn và trích dẫn đơn thư của một số nhân chứng khẳng định rằng Nguyễn Văn Chưởng đã có mặt ở quê nhà (Hải Dương) thay vì hiện trường vụ án (Hải Phòng) vào buổi tối diễn ra vụ sát hại Thiếu tá Sinh.
Nhân chứng Trần Quang Tuất cho biết trước đó, anh bị áp lực từ cơ quan điều tra nên đã sợ hãi và viết lại lời khai là “không nhớ chính xác”.
27/01/2008
Cơ quan Cảnh sát Điều tra TP. Hải Phòng có bản kết luận điều tra, theo đó, Nguyễn Văn Chưởng đã khai nhận việc cùng hai đồng phạm là Vũ Toàn Trung và Đỗ Văn Hoàng chém chết Thiếu tá Nguyễn Văn Sinh, âm mưu cướp của để lấy tiền mua heroin.
12/6/2008
Tòa án Nhân dân TP. Hải Phòng, chủ tọa Lê Văn Trang, xét xử sơ thẩm vụ án hình sự đối với Nguyễn Văn Chưởng, Vũ Toàn Trung, Đỗ Văn Hoàng, Nguyễn Trọng Đoàn.
Chưởng, Hoàng, Trung bị kết tội “giết người” theo điểm e, g, Khoản 1 Điều 93, và tội “cướp tài sản” theo Khoản 1, Điều 133 Bộ luật Hình sự.
Nguyễn Trọng Đoàn, em trai Chưởng, bị kết án 2 năm tù về tội “che giấu tội phạm” theo Điều 313 Bộ luật Hình sự.
Chưởng, Hoàng, và Đoàn đều kháng cáo vào các ngày sau đó.
21/11/2008
Tòa án Nhân dân Tối cao, chủ tọa Nguyễn Văn Sơn, xét xử phúc thẩm. Tòa tuyên y án sơ thẩm: Nguyễn Văn Chưởng tử hình, Đỗ Văn Hoàng chung thân, Nguyễn Trọng Đoàn 2 năm tù.
Chưởng tiếp tục kháng cáo kêu oan, với lý do thời điểm xảy ra vụ án (tối 14/7/2007), Chưởng không có mặt ở Hải Phòng mà đang ở quê (xã Bình Dân, huyện Kim Thành, tỉnh Hải Dương).
Hoàng kháng cáo, kêu oan với lý do không tham gia cùng Chưởng, Trung.
Đoàn cũng kêu oan, với lý do việc xác nhận Chưởng có mặt ở quê là đúng sự thật.
07/4/2009
Từ trại giam Trần Phú ở Hải Phòng, tử tù Nguyễn Văn Chưởng gửi thư cho mẹ và gia đình, tường thuật lại toàn bộ vụ việc, khẳng định Chưởng đã bị tra tấn, ép cung nên mới phải nhận tội.
“Thế là họ đánh con tới tấp, không để cho con nói được câu nào nữa, họ thôi đánh thì con mới thở được và nói là sao các chú đánh cháu, cháu có làm gì đâu? Và họ nói “Không làm gì thì tao mới đánh chứ làm gì thì đã không bị đánh” và họ lại tiếp tục đánh con tiếp và dùng còng số 8 treo… chỉ có hai đầu ngón chân cái chạm xuống đất…”.
“Khi ở trên trại Kế – Bắc Giang, con đã nghĩ là mình không thể sống được đến lúc ra trước tòa để nói lên toàn bộ sự thật nên con đã thêu lên tất cả quần áo chữ Chưởng VT tức “Chưởng vô tội”. Cả vỏ gối con cũng thêu nữa, còn áo phông trắng con thêu bài thơ kêu oan…”.
18/4/2011
Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao có Kháng nghị giám đốc thẩm số 09/KN-VKSTC-V3, đề nghị Hội đồng Thẩm phán Tòa Tối cao xét xử theo thủ tục giám đốc thẩm, hủy bản án hình sự phúc thẩm đối với Nguyễn Văn Chưởng để xét xử phúc thẩm lại theo hướng giảm hình phạt cho Chưởng xuống tù chung thân.
07/12/2011
Hội đồng Thẩm phán Tòa án Nhân dân Tối cao gồm 11 thành viên, do Chánh án Trương Hòa Bình làm chủ tọa, mở phiên tòa giám đốc thẩm, bác Kháng nghị của Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao.
15/5/2012
5 văn phòng luật sư biện hộ cho Nguyễn Văn Chưởng cùng làm kiến nghị gửi Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, cho rằng kết án tử hình Nguyễn Văn Chưởng là xử oan, sai. Các luật sư đồng kiến nghị Chủ tịch nước cho dừng việc thi hành án tử hình đối với Chưởng và giao cho cơ quan điều tra, Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao xem xét trách nhiệm hình sự của những người tiến hành tố tụng.
18/4/2013
Nhân chứng Trần Quang Tuất – cùng quê với Nguyễn Văn Chưởng, ở xã Bình Dân, huyện Kim Thành, Hải Dương – làm đơn xác nhận tối xảy ra vụ án mạng, Chưởng có mặt ở quê nhà chứ không phải ở hiện trường vụ án.
Trong đơn, anh Tuất cũng phản ánh việc bị công an tra tấn, ép cung: “Tôi bị các anh công an dọa nạt, chửi bới, có lúc khóa tay vào ghế, đấm vào đầu, dọa bắt giam tôi… suốt cả ngày làm việc các anh công an luôn bắt ép tôi phải viết là: “Không nhớ rõ thời gian gặp Chưởng, và việc tôi làm giấy xác nhận để gửi cho cơ quan công an [trước đó] là do tôi nhớ nhầm”… Do lo sợ bị bắt giam, nên tôi đã không còn cách nào khác là phải viết theo yêu cầu của các anh công an…”.
10/9/2013
Nhân chứng Trịnh Xuân Trường (bạn của Chưởng) làm đơn gửi Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao, xác nhận anh chứng kiến Chưởng có mặt ở quê nhà Hải Dương vào tối 14/7/2007 khi vụ án xảy ra tại Hải Phòng.
Trong đơn, anh Trường cũng cho biết đã bị tra tấn, ép cung: “Chính công an tên Phong đã dùng thuốc lá đang hút châm bỏng hai bụng cánh tay tôi trước đó. Không chịu được đòn tra tấn quá dã man và ít hiểu biết về pháp luật nên tôi phải viết theo hướng dẫn của công an Hải Phòng”.
20/9/2014
Từ trại giam Trần Phú, tử tù Nguyễn Văn Chưởng tiếp tục làm đơn kêu oan.
12/12/2014
Hai luật sư Phạm Hoàng Việt và Hoàng Văn Quánh (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội), bào chữa cho Nguyễn Trọng Đoàn và Nguyễn Văn Chưởng, làm đơn kiến nghị cho rằng việc tuyên án tử hình với Nguyễn Văn Chưởng vì tội giết người là thiếu căn cứ, “có rất nhiều điểm còn chưa được cơ quan điều tra làm rõ, nhiều điểm mâu thuẫn và vi phạm tố tụng”.
13/3/2015
Trả lời chất vấn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao Trương Hòa Bình cho biết: “Chưởng là người cầm đầu, chủ mưu, hậu quả đến đâu thì người cầm đầu phải chịu trách nhiệm đến đó… Đây không phải là vụ án oan. Tất nhiên, nếu có kiến nghị của Quốc hội thì chúng tôi sẽ xem xét thận trọng”.
4/8/2023
Gia đình tử tù Nguyễn Văn Chưởng nhận được thông báo từ Tòa án Nhân dân TP. Hải Phòng về việc làm đơn xin nhận tử thi, tro cốt của người bị thi hành án tử hình. Thông báo không nói rõ ngày thi hành án hay Nguyễn Văn Chưởng đã bị xử tử hay chưa.
(Tiếp tục cập nhật)
Tổng hợp từ hồ sơ vụ án Nguyễn Văn Chưởng.