Giới hạn của sự báng bổ – Kỳ 12 và hết: Tôn giáo có khả năng tự thay đổi?

Giới hạn của sự báng bổ – Kỳ 12 và hết: Tôn giáo có khả năng tự thay đổi?
Khả năng tự thay đổi của đạo Hồi sẽ ảnh hưởng lớn đến bức tranh của thế giới trong tương lai. Ảnh: grandpoohbah.net

Nam Quỳnh – Ở kỳ trước, chúng ta đã bàn về việc pháp luật nên thay đổi như thế nào để bảo vệ tốt hơn các cộng đồng tôn giáo trước các hành vi phỉ báng. Tới đây, chúng ta lại có thể phản tỉnh một lần nữa: liệu pháp luật có phải là thứ duy nhất phải thay đổi trước mâu thuẫn giữa quyền tự do ngôn luận và sự linh thiêng của tôn giáo hay không?

Khả năng tự thay đổi của đạo Hồi sẽ ảnh hưởng lớn đến bức tranh của thế giới trong tương lai. Ảnh: grandpoohbah.net

Khả năng tự thay đổi của đạo Hồi sẽ ảnh hưởng lớn đến bức tranh của thế giới trong tương lai. Ảnh: grandpoohbah.net

Bài viết này nằm trong loạt bài “Giới hạn của sự báng bổ” do luật sư Nam Quỳnh (Anh Quốc) gửi tới Luật Khoa tạp chí.

Kỳ 1: Nhà nước phi tôn giáo và ‘nguyên tắc cơ hội’ của nước Pháp
Kỳ 2: Tranh cãi ở phòng xử án
Kỳ 3: Xúc phạm vô trách nhiệm xã hội và xúc phạm mang mục đích chính đáng
Kỳ 4: Vận động sử dụng bao cao su bằng hình Thiên Chúa
Kỳ 5: Cuộc chiến ở Tòa Nhân quyền Châu Âu (phần 1)
Kỳ 6: Cuộc chiến ở Tòa Nhân quyền Châu Âu (phần 2)
Kỳ 7: Cuộc chiến ở Tòa Nhân quyền Châu Âu (phần 3)
Kỳ 8: Cuộc chiến ở Tòa Nhân quyền Châu Âu (phần 4)
Kỳ 9: Đan Mạch và nguồn cơn của vụ Charlie Hebdo
Kỳ 10: Charlie Hebdo chiến thắng ở tòa án
Kỳ 11: Sự bất lực của pháp luật?

Pháp luật trong một xã hội tự do dân chủ thật sự thường là tổng hòa ý chí của đa số thành viên trong xã hội đó.

Thế mạnh của một xã hội tự do dân chủ ôn hòa và khoan dung đó là nó có thể tự thay đổi dần dần để tiếp tục tồn tại. Nó chấp nhận thay đổi thay vì cứ khư khư với ý chí của một nhóm người đại diện cho một phần xã hội, dẫn đến sự chia rẽ, tiêu cực hóa những nhóm khác không có cùng ý chí. Sự bất đồng này có thể tồn tại âm ỷ trong nhiều năm, rồi khi gặp điều kiện thuận lợi, nó sẽ biến thành một cuộc cách mạng mà sự bạo lực của nó có thể dẫn đến sự điêu tàn, tan rã của xã hội.

Bằng cách tự thay đổi trong cởi mở và ôn hòa, thay vì dồn ép dẫn đến cách mạng, một xã hội tự do dân chủ sẽ tiếp tục tồn tại.

Tôn giáo, điển hình ở đây là Hồi giáo, có sức mạnh tự thay đổi để tồn tại đó không?

Cuộc tranh luận về việc giáo lý và truyền thống của đạo Hồi cấm việc tái hiện, miêu tả, thể hiện chân dung Muhammad tới đâu là một cuộc tranh luận dành cho những nhà thần học và sử học.

Tuy nhiên, phải chú ý là đã có những ý kiến có cơ sở cho rằng không phải người theo đạo Hồi nào cũng cảm thấy tôn giáo của mình bị xúc phạm chỉ vì đấng tiên tri của họ được vẽ ra.

Đã có những ý kiến có cơ sở ủng hộ quan điểm của ban biên tập của báo Bưu Điện Jutland khi họ lần đầu cho đăng những bức biếm họa Mohammed: các tín đồ đạo Hồi cuồng tín không thể mãi mãi từ chối sự tồn tại của xã hội thế tục hiện đại, không thể luôn luôn đòi có một vị trí đặc biệt, không thể lúc nào cũng đòi phải có sự quan tâm đặc biệt dành cho những cảm xúc tôn giáo của họ, đặc biệt khi những cảm xúc tôn giáo đó ngăn cản tiến bộ xã hội, nuôi dưỡng tinh thần toàn trị lấn át những quyền tự do khác tồn tại trong một xã hội dân chủ thế tục hiện đại.

Đây là những tranh luận mở mà chúng ta luôn có thể hướng đến.

Riêng người viết thì nhớ đến một cảnh rất thú vị trong bộ phim truyền hình “Văn phòng phía Tây” (“The West Wing”) của Mỹ.

Trong cảnh phim này, nhân vật Tổng thống Mỹ Jed Bartlet gặp một người dẫn chương trình phát thanh nổi tiếng vì quan điểm kỳ thị người đồng tính của cô ta. Người dẫn chương trình phát thanh này hay trích dẫn Kinh Thánh của đạo Thiên Chúa (vốn luôn có sẵn những lời răn chống lại những gì được xem là lệch lạc so với đạo đức truyền thống Thiên Chúa giáo) để lập luận cho quan điểm công kích của cô ta dành cho người đồng tính.

Đang sẵn cáu giận vì chuyện khác, ngài Tổng thống (một người theo tư tưởng tự do, khoan dung với sự khác biệt) bật ra một tràng hùng biện máu lửa chỉ ra cho cô dẫn chương trình thích trích Kinh Thánh kia thấy sự ngớ ngẩn và phản tiến bộ của việc khăng khăng áp đặt nội dung nghĩa đen của kinh sách tôn giáo:

Tổng thống: “Này, tôi thích chương trình của cô. Tôi thích cách cô gọi tình dục đồng giới là kinh tởm” –  Ngài tổng thống nói một cách chế nhạo.

Dẫn chương trình: “Tôi không nói tình dục đồng giới là kinh tởm, thưa ngài Tổng thống. Kinh Thánh nói thế”.

Tổng thống: “Ừ đúng vậy, Leviticus chương 18 dòng 22. Nhưng tôi muốn hỏi cô vài câu hỏi trong lúc có cô ở đây:

Tôi muốn bán đứa con gái út làm nô lệ theo sự cho phép của Exodus chương 21 dòng 7. Nó học năm nhất Đại học Georgetown, nói tiếng Ý chuẩn, lúc nào cũng biết dọn bàn sau khi ăn. Tôi bán nó được giá bao nhiêu?

Trong lúc cô suy nghĩ trả lời thì tôi hỏi câu khác được chứ?

Leo McGarry, Chánh văn phòng của tôi, cương quyết muốn làm việc trong dịp nghỉ lễ cầu nguyện Sabbath. Exodus chương 35 dòng 2 nói rõ là ông ta phải chịu tội chết. Tôi có bị bắt buộc về mặt đạo đức phải tự mình giết ông ta không hay có thể gọi cảnh sát?

Một cái nữa cũng quan trọng nè, vì chúng ta có nhiều người hâm mộ thể thao ở đây: chạm vào da lợn làm một người trở nên dơ bẩn – Leviticus chương 11 dòng 7. Nếu đội bóng bầu dục Washington Redskins hứa sẽ đeo găng tay, họ có được phép chơi bóng tiếp? Đội Notre Dame, đội West Point nữa? (ở đây Tổng thống Barlett sử dụng kiến thức dân gian là quả bóng dùng trong bóng bầu dục Mỹ thường được làm bằng da lợn).

Cả thị trấn có phải cùng nhau ném đá anh trai tôi John tới chết vì trồng xen kẽ nhiều giống cây? (bị cấm, theo Deuteronomy chương 22 dòng 9)

Tôi có phải thiêu chết mẹ tôi trong một buổi họp gia đình nhỏ vì bà ấy mặc quần áo thêu bằng hai loại chỉ khác nhau? (Leviticus chương 19 dòng 19)

Cô nghĩ về mấy câu hỏi này cô nhé. Và điều cuối cùng: có thể cô nhầm tưởng buổi họp mặt này là một trong những buổi họp mặt của cái câu lạc bộ bảo thủ chết tiệt và ngu dốt của cô, nhưng ở trong tòa nhà này khi tổng thống đứng, không ai được ngồi!”

Lời hùng biện của nhân vật tổng thống Bartlet nhuốm màu ngụy biện và không thực sự chính xác về chi tiết (bóng bầu dục của Mỹ dùng chất liệu nhìn giống da lợn nhưng thật sự chưa bao giờ được làm bằng da lợn) nhưng nó mở ra cho người viết một hình dung (hay ảo tưởng?) tươi sáng về khả năng tự thay đổi chính mình của một tôn giáo.

Nếu các tín đồ Thiên Chúa giáo có thể từ chối những luật lệ hà khắc và tín điều bảo thủ của quá khứ để trở nên ôn hòa, khoan dung hơn với khác biệt trong xã hội hiện đại, tại sao các tín đồ Hồi giáo không thể làm thế về lâu về dài?

Lời tòa soạn:

Đây là bài viết cuối cùng trong loạt bài “Giới hạn của sự báng bổ” do luật sư Nam Quỳnh gửi cho Luật Khoa tạp chí từ Anh quốc. Xuyên suốt 12 kỳ của loạt bài này, vấn đề phỉ báng tôn giáo đã được trình bày và phân tích chi tiết dưới lăng kính pháp lý, cung cấp một cái nhìn toàn cảnh về cách thức mà các hệ thống pháp luật tiên tiến ở châu Âu xử lý vấn đề nhạy cảm này. Chúng tôi hy vọng quý vị độc giả đã tìm được nhiều tri thức hữu ích và giải đáp được phần nào các thắc mắc của bản thân qua loạt bài này.

Luật Khoa tạp chí trân trọng cảm ơn nỗ lực của luật sư Nam Quỳnh trong việc truyền tải một cách có hệ thống khía cạnh pháp lý của vấn đề phỉ báng tôn giáo đến với độc giả Việt Nam.

Tài liệu tham khảo:Limits to Expression on Religion in France, Esther Janssen, Agama & Religiusitas

di

Eropa, Journal of European Studies, Volume V –

nr

. 1, 2009, p. 22-45. The Danish Cartoons Row:

Re-drawing

the Limits of the Right to Freedom of Expression?, Aurel Sari, Law School, University of Exeter, Finnish Yearbook of International Law, Vol. 16, pp. 365-398, 2005 .

Bạn đã đăng ký thành công!

Mừng bạn trở lại!

Bạn đã đăng ký thành công.

Vui lòng kiểm tra hộp thư để lấy link đăng nhập.

Thông tin thanh toán của bạn đã được cập nhật.

Thông tin thanh toán của bạn chưa được cập nhật.