Thư cuối tuần - 18/1/2025
Đây là Thư cuối tuần của Luật Khoa tạp chí. Thư tin này chỉ làm một việc đơn giản là
Luật Khoa tạp chí – Một mẩu tin được đưa vào đêm 15/1/2015 gây xôn xao cộng đồng người Việt và giới IT ở vùng Ashburn, bang Virginia (Mỹ): Ông Minh D. Nguyen, 38 tuổi, một chuyên gia công nghệ người gốc Việt, đã bị bắt ngay tại hiện trường sau khi bắn chết chồng mới cưới của cô vợ cũ trong nhà của họ. Vụ việc một lần nữa làm dấy lên những câu hỏi về tình trạng bạo hành trong gia đình và nhận thức của người Việt về vấn đề này. Dưới đây là những suy nghĩ của luật sư Vi Katerina Tran xoay quanh các quan niệm của xã hội Việt Nam về bạo hành gia đình.
Vi Katerina Tran – Minh D. Nguyen vốn là đồng sáng lập viên của hãng Plaxo ở vùng Silicon Valley từ năm 2002, cùng với Sean Parker (chủ tịch tập đoàn đầu tiên của Facebook). Trước đó, năm 1997, Minh D. Nguyen tốt nghiệp Đại học George Mason, ngành thiết kế đa phương tiện (multimedia design).
Hồ sơ của Minh D. Nguyen trên LinkedIn.com cho thấy ông là một thương gia thành đạt, từng làm cố vấn chuyên nghiệp cho nhiều công ty đìện tử và kỹ thuật công nghệ cao, cũng như được nhiều công ty khởi nghiệp (start-up) tìm đến. Nguyen còn được cả cơ quan về an ninh quốc gia của Mỹ mời làm cố vấn cho một số vấn đề.
Thậm chí sau khi nghe tin ông bị bắt giữ vì tội mưu sát cấp 1 và không được tại ngoại hầu tra, những người quen biết của Nguyen – đa số là người làm việc trong cộng đồng công nghệ kỹ thuật của vùng Ashburn, Virginia – đã có ý định gây quỹ để giúp ông có tiền trả chi phí pháp lý. Tuy nhiên, trang mạng được lập ra để gây quỹ cho Minh D. Nguyen đã bị tháo xuống sau 1 ngày.
Pháp luật Mỹ coi bạo hành gia đình là hành vi xâm hại của một thành viên gia đình với thành viên khác về mặt thể chất, tinh thần, kinh tế hay tình dục, bất kể họ có sống chung với nhau hay không. Tuy đã ly hôn, nhưng Minh D. Nguyen vẫn là cha của ba đứa con với vợ cũ – những người đã trực tiếp chứng kiến vụ giết người này.
Câu hỏi mà nhiều người đặt ra là tại sao một người thành đạt và được mọi người yêu mến như vậy lại có thể gây ra một hành động thiếu kiểm soát khi nổ súng bắn chết người chồng mới của vợ cũ, trước sự có mặt của cô vợ cũ và những đứa con chung, gây ra nỗi khiếp sợ và gánh nặng tinh thần không dễ gì nguôi ngoai cho họ?
Đối với tôi, hành vi của Minh D. Nguyen tuy rất đáng tiếc, nhưng không có gì đáng ngạc nhiên. Vụ án này có thể là kết quả của bất kỳ vụ bạo hành trong gia đình nào ở Mỹ, nếu những thủ tục pháp lý nhằm bảo vệ nạn nhân của bạo hành không được sử dụng và những kẻ có hành vi bạo hành không bị pháp luật can thiệp kịp thời bằng những biện pháp trừng phạt về mặt hình sự. Những kẻ đó cũng cần cả sự giúp đỡ về tâm lý để có thể sửa đổi hành vi và tạo cho bản thân một cơ hội thay đổi.
“Chắc tại nạn nhân làm gì sai…”
Tuy nhiên, nói riêng về cộng đồng người Việt, có một quan niệm mà tôi thường thấy ở cả nạn nhân của bạo hành trong gia đình lẫn công luận, đó là tâm lý phán xét: Chắc hẳn nạn nhân (phụ nữ) phải “làm gì đấy” thì mới khiến người chồng của họ phải hành xử như thế (!)
Ngay trong vụ án của Minh D. Nguyen, không chỉ riêng cộng đồng người Việt mà ngay cả bạn bè, người quen của anh ta trong công việc cũng có ý cho là vợ cũ của anh ta và nạn nhân – tức là người chồng mới của cô vợ – hẳn phải có hành vi gì đó khiêu khích, khiến Minh D. Nguyen quá giận và mất kiểm soát.
Đó là tâm lý oán trách nạn nhân (blaming the victim) mà tôi luôn gặp khi giải quyết hồ sơ về các vụ bạo hành trong gia đình, hay khi làm cố vấn cho những nạn nhân của tội cưỡng hiếp hoặc quấy rối tình dục.
Nếu không có một nhận thức đúng đắn về bạo hành trong gia đình thì rất dễ có suy nghĩ như trên vì những người có hành vi bạo hành không theo một kiểu mẫu hay công thức chung nào. Có một số như Minh D. Nguyen: là công dân gương mẫu, là người đàn ông thành đạt, được bạn bè và đồng nghiệp yêu mến. Cuộc sống hôn nhân mà họ hay thể hiện trước xã hội thường là những lát cắt đẹp và hạnh phúc. Không có một dấu hiệu nào cho người ngoài có thể biết được sự thật về bạo hành trong gia đình, cho đến khi nạn nhân đủ tin tưởng để nói cho chúng ta biết.
Rất nhiều phụ nữ nạn nhân của bạo hành trong gia đình cũng cho rằng cuộc hôn nhân của họ hạnh phúc và luôn tự trách bản thân mỗi khi hành vi bạo hành xảy ra, vì họ cho rằng lỗi là do họ. Do họ đã có những hành vi, cử chỉ và lời nói khiến cho người chồng mất kiểm soát mà ra tay bạo hành.
Biếm họa của LEO. Nguồn: An Ninh Thủ Đô
Phụ nữ với tâm lý “lỗi tại tôi”
Tôi từng phải cố gắng bình tĩnh khi nghe một phụ nữ trung niên, thân chủ của tôi, vừa khóc vừa bảo rằng chị muốn hủy hồ sơ về vụ bạo hành, vì không muốn ông chồng đã sống với nhau hơn 20 năm phải ngồi tù vì chị. Người phụ nữ đó đã tốt nghiệp đại học ở Mỹ và làm việc cho chính phủ, vậy mà vẫn không thể có can đảm và nghị lực để vượt qua bản thân và quan niệm trên.
Tôi phải liên tục nhắc với chị rằng hồ sơ của chị khá nghiêm trọng. Người chồng đã uống rượu say rồi cầm dao đe dọa chị. Khi chị khóa cửa phòng ngủ để gọi điện cho cảnh sát, anh ta đã đâm hơn 20 nhát vào cánh cửa, cố phá cửa trước khi cảnh sát đến. Tôi ngồi rất nhiều giờ trước người phụ nữ đó, nhìn thật sâu vào mắt chị và cố gắng giải thích cho chị hiểu răng tôi rất lo lắng cho chị. Chị có thể đã bị thương tích nghiêm trọng hoặc mất mạng nếu cảnh sát không đến kịp thời và bắt giữ người chồng vũ phu. Tôi biết đó không phải là lần đầu anh ta ra tay với vợ, dù đó là lần hành vi của anh ta nghiêm trọng hơn cả và có thể gây ra án mạng.
Đạo đức nghề nghiệp buộc tôi không thể tiếp tục làm luật sư cho người phụ nữ ấy nếu chị kiên quyết làm theo ý mình. Là luật sư của chị, tôi có trách nhiệm phải đảm bảo cho sự an toàn của thân chủ. Muốn làm được việc đó, tôi không thể nào làm theo ý của chị mà xin rút lại lệnh cách ly của tòa án dành cho chồng chị được. Tôi đã may mắn được con trai của thân chủ tôi giúp đỡ: Cậu ta cùng ngồi lại giải thích là, muốn chấm dứt tình trạng bạo hành hơn 20 năm, người phụ nữ nạn nhân cần có sự bảo vệ của pháp luật và người chồng cũ cần phải được giúp đỡ để chấm dứt bạo hành.
Bảo vệ nạn nhân bằng pháp luật
Luật của tiểu bang California cho phép các nạn nhân của bạo hành gia đình được xin sự bảo vệ bởi một lệnh cách ly tạm thời từ tòa mà không cần thông báo với người bị cáo buộc đã có hành vi bạo hành. Lệnh cách ly tạm thời (ex parte temporary domestic violence restraining order, hay được gọi tắt là DVRO) được dùng trong những trường hợp mà thẩm phán cảm thấy tính mạng của nạn nhân và người nhà của nạn nhân đã và đang bị đe dọa, và sự bảo vệ, cách ly là cần thiết.
Nếu nạn nhân có con nhỏ, những đứa trẻ cũng lập tức được sự bảo vệ của lệnh cách ly tạm thời cho đến ngày tòa có phiên xử chính thức, thường là khoảng 15-30 ngày sau khi lệnh này được ký, tùy theo lịch xử án của từng tòa.
Thông thường, những hồ sơ yêu cầu lệnh cách ly tạm thời sẽ được giải quyết trong vòng 24 tiếng kể từ khi nộp hồ sơ cho đến khi thẩm phán ký lệnh cho phép. Tất cả các hồ sơ về bạo hành trong gia đình đều được mở miễn phí cũng như được miễn các loại án phí khác của tòa án. Ngoài ra, nạn nhân còn được sự giúp đỡ của nhân viên tòa án trong việc điền đơn mở hồ sơ; nạn nhân có thể tìm kiếm sự trợ giúp từ các tổ chức bảo vệ nạn nhân của bạo hành gia đình tại quận hạt nơi họ cư ngụ cũng như được các tổ chức này giúp đỡ tìm luật sư đại diện miễn phí.
Các thủ tục ở tòa gia đình song song, nhưng độc lập với các thủ tục ở tòa hình sự trong trường hợp phía công tố của quận hạt quyết định khởi tố đương sự của cùng một hồ sơ. Tòa gia đình bảo vệ nạn nhân theo luật gia đình của tiểu bang California ngay cả trong trường hợp công tố của quận hạt không khởi tố.
Biếm họa của LEO. Nguồn: An Ninh Thủ Đô
Sau phiên xử chính thức, vị thẩm phán có thẩm quyền của từng vụ sẽ quyết định xem nạn nhân và luật sư có chứng minh được đương sự đã bạo hành và cần phải bị cách ly với nạn nhân trong một thời gian dài hơn hay không. Nếu đủ chứng cứ, thẩm phán sẽ ký lệnh cấm dài hạn trong vòng 3-5 năm, không cho phép đương sự được đến gần, sách nhiễu hay liên lạc với nạn nhân dưới mọi hình thức, đồng thời buộc người đã phạm tội bạo hành phải tham gia các khóa học về tâm lý liên tục trong 16 tuần để biết kiểm soát cơn giận của bản thân, cũng như phải tham gia các khóa học về bạo hành gia đình trong vòng một năm. Và trong những trường hợp nghiêm trọng, họ có thể bị mất quyền nuôi dưỡng con cái tạm thời cho đến khi các chuyên gia xác định là họ đã biết và đã có cố gắng sửa đổi những hành vi sai lầm của bản thân.
Trong hồ sơ của vị thân chủ mà tôi kể ở trên, lệnh cách ly dài hạn và những khóa điều trị bắt buộc của tòa án đã buộc cả hai – thân chủ của tôi và người chồng cũ – phải xem xét lại cuộc hôn nhân của họ với sự giúp đỡ của nhiều chuyên gia. Không rõ trong tương lai, họ có hàn gắn lại được hay không, nhưng tôi biết, đã không có thêm sự việc đáng tiếc nào xảy ra nữa.
Về vụ án của Minh D. Nguyen, tôi nghĩ rằng, nếu Minh D. Nguyen tham gia kịp thời những khóa điều trị về tâm lý một cách nghiêm túc để có thể khống chế cơn giận dữ của ông thì sự việc đã không trở nên đáng tiếc như vậy. Bạo hành trong gia đình và những căn bệnh về tinh thần là điều có thật, và nó tạo ra những vết thương, đôi khi khó có thể lành, cho tất cả người trong cuộc. Đọc bài báo về Minh D. Nguyen, tôi lo sợ nhất cho tương lai của các con anh. Một cuộc sống đầy đủ vật chất chưa chắc sẽ làm lành được những tổn thương về tâm hồn của những đứa trẻ. Mà nếu tổn thương không được chữa lành, có khi nào quá khứ sẽ lặp lại ở tương lai?