Xã hội dân sự và phát triển quốc gia - Kỳ 1: Vốn xã hội
🎧Mời bạn nghe bản audio của bài này:Xã hội dân sự và phát triển quốc gia - Kỳ 1:
Hoàng Kim Phượng – Quan chức cao cấp nhất Trung Quốc trong lĩnh vực tư pháp – Zhou Qiang [Chu Cường] – vừa khuyến cáo đảng Cộng sản phải chống lại “những quan niệm sai lầm” của phương Tây, kể cả nguyên tắc tam quyền phân lập. Tuyên bố của ông Zhou Qiang thật sự đã giáng một đòn mạnh vào niềm hy vọng cải cách tư pháp ở Trung Quốc.
Báo chí quốc doanh Trung Quốc đưa tin, Tòa án Nhân dân Tối cao đề nghị các quan chức đảng tránh xa khuynh hướng tư pháp độc lập “kiểu phương Tây” và loại bỏ “các tư tưởng lệch lạc của phương Tây”. Phát biểu của cơ quan tư pháp cao nhất nước được đưa ra hôm 25/2, trong bối cảnh chính quyền đang thắt chặt kiểm soát và đàn áp báo chí, giới bất đồng chính kiến cũng như mạng Internet.
Phát biểu ấy là đòn công kích mới nhất của Bắc Kinh vào ý thức hệ Tây phương, đồng thời là một dấu hiệu nữa bộc lộ đường lối chính trị bảo thủ của Chủ tịch Tập Cận Bình.
Đảng Cộng sản Trung Quốc đã thể hiện ý định không tiến hành cải cách chính trị, dù người ta từng hy vọng rằng ông Tập – vốn là con trai của một vị phó thủ tướng có tư tưởng thông thoáng – có thể sẽ nới lỏng dần ách kiểm soát của trung ương.
Chánh án TANDTC Trung Quốc Zhou Qiang (Chu Cường) trong một kỳ họp Quốc hội năm 2013. Ảnh: Stringer/ Reuters.
Chống tư pháp độc lập, kiên định đường lối XHCN
Tin từ Thông tấn xã cho biết, một cuộc họp của ban chấp hành đảng Cộng sản ở Tòa án Nhân dân Tối cao Trung Quốc vào hôm 25/2 đi đến kết luận là Trung Quốc sẽ vạch rõ giới hạn đối với những quan niệm của phương Tây về “tư pháp độc lập” và “tam quyền phân lập”.
“Quyết tâm chống lại ảnh hưởng từ những tư tưởng sai lầm và quan điểm lệch lạc của phương Tây” – trang web của Thông tấn xã trích nghị quyết cuộc họp.
Cũng theo bản tin của Thông tấn xã, Chánh án Tòa Tối cao Trung Quốc Zhou Qiang “nhấn mạnh sự cần thiết phải kiên định theo con đường chủ nghĩa xã hội mang màu sắc Trung Quốc”. Bản tin một lần nữa nhắc lại lập trường của Bắc Kinh rằng đó là cách tốt nhất để quản lý đất nước đông dân nhất thế giới này.
Lâu nay, đảng Cộng sản Trung Quốc vẫn lên án các giá trị phương Tây, kể cả những quan niệm về dân chủ đa đảng và nhân quyền phổ quát. Giọng điệu phê phán trở nên gay gắt hơn nữa dưới thời Tập Cận Bình. Họ Tập đã yêu cầu các trường đại học phải tăng cường “định hướng ý thức hệ” cũng như học tập chủ nghĩa Mác. Bên cạnh đó, hồi tháng 1 vừa qua, Bộ trưởng Giáo dục phát biểu cho rằng Trung Quốc phải loại bỏ khỏi trường sở tất cả những giáo trình, tài liệu học tập cổ súy cho “các giá trị phương Tây”.
Ông Tập tán thành đường lối mao-ít cũ kỹ, bởi ông muốn lấy lòng các nhân tố bảo thủ có thế lực trong đảng. Giống như nhiều quan chức tiền nhiệm, Tập hoàn toàn tin một niềm tin đã ăn sâu trong đảng, rằng nới lỏng kiểm soát nhanh quá, thậm chí thả hết, sẽ chỉ đẩy đất nước đến hỗn loạn và tan vỡ.
Hy vọng nào cho cải cách tư pháp?
Năm ngoái, sau một kỳ họp kéo dài bốn ngày, đảng Cộng sản Trung Quốc đã ra một nghị quyết hứa hẹn xúc tiến ban hành luật để chống tham nhũng và hạn chế việc quan chức hành pháp can thiệp vào hệ thống tư pháp. Tuy thế, đảng vẫn nhấn mạnh việc phải kiểm soát toàn diện các tòa án.
Ngày 26/2 vừa qua, Tòa án Nhân dân Tối cao Trung Quốc thông báo trên trang web rằng Tòa đặt ra hạn định 5 năm cho việc cải cách tư pháp để bảo vệ nhân quyền, ngăn chặn oan sai cũng như làm cho hệ thống tư pháp được chuyên nghiệp hơn. Thông báo đưa ra thời hạn cụ thể cho từng nhiệm vụ, kể cả tạo điều kiện cho “không khí xã hội công bằng” vào năm 2018.
He Xiaorong, chủ nhiệm ủy ban cải cách của Tòa án Nhân dân Tối cao, cho biết tòa “sẽ buộc các quan chức phải chịu trách nhiệm về việc không làm tròn nhiệm vụ” trong những vụ án có ảnh hưởng lớn. “Chỉ có thông qua xây dựng một cơ chế như thế, chúng ta mới có thể vững tin rằng chúng ta đảm bảo được công bằng xã hội và công lý trong mọi vụ án” – ông He phát biểu tại một cuộc họp báo.
Chân dung Chủ tịch Tập Cận Bình trên một tấm biển quảng cáo. Ảnh: Greg Baker/ AFP.
Chủ trương của Tòa Tối cao phản ánh nỗi lo ngại về tình hình xã hội ngày càng bất ổn. Bất mãn về nạn cưỡng chế đất đai, tham nhũng và ô nhiễm môi trường – những vấn đề mà tòa án thường xuyên không giải quyết – đã dẫn đến bạo lực giữa công an và người dân trong những năm gần đây, đe dọa trật tự xã hội.
Tòa Tối cao cho biết sẽ cấm bị cáo trong các vụ án hình sự mặc vest và jumpsuits (áo liền quần) tại tòa, xóa bỏ triệt để lối tư duy “giả định có tội” vốn rất phổ biến ở Trung Quốc. Tòa cam kết tăng cường ngăn chặn nạn tra tấn để bức cung và “ngăn ngừa hữu hiệu oan sai”. Tòa cũng sẽ thiết lập một hệ thống đánh giá chất lượng công việc đối với các thẩm phán, “kiện toàn cơ chế bảo vệ quyền của luật sư” và xây dựng cơ sở dữ liệu cho truyền thông tại các tòa án, đối với những phiên tòa nhất định.
Tòa án Tối cao còn hứa nâng cao tính minh bạch, cung cấp thông tin nhiều hơn, đồng thời, hạn chế khả năng người của địa phương bảo vệ nhau, bằng cách thay đổi thẩm quyền của các tòa cấp dưới.
Cải cách tư pháp sẽ có ảnh hưởng tới đâu là điều chưa ai biết. Luật pháp ở Trung Quốc thường không được thực thi và bị công an lạm dụng. Bên cạnh đó, cho dù những cải cách về tư pháp có thế nào thì chính phủ của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cũng tỏ ra chẳng thích thú gì một sự thay đổi về chính trị. Chính quyền đã bắt giam hàng chục người đối kháng, trong đó có cả luật sư.
Bản thân Tòa án Nhân dân Tối cao Trung Quốc cũng nhấn mạnh rằng một trong 5 nguyên tắc của cải cách tư pháp là phải tuân theo đường lối lãnh đạo của đảng và “đảm bảo giữ vững định hướng chính trị đúng đắn”.
Tổng hợp từ “China’s top court rejects judicial independence as erroneous thought” (The Guardian) và “China’s top court unveils deadlines for legal reform” (Reuters)