Thư cuối tuần - 18/1/2025
Đây là Thư cuối tuần của Luật Khoa tạp chí. Thư tin này chỉ làm một việc đơn giản là
Cho dù bạn đang đắn đo với những lựa chọn hướng nghiệp hay muốn củng cố kiến thức pháp lý trên lớp, đi thực tế ở các tòa án sẽ giúp bạn thỏa mãn cả hai việc trên.
Cho dù bạn đang đắn đo với những lựa chọn hướng nghiệp hay muốn củng cố kiến thức pháp lý trên lớp, đi thực tế ở các tòa án sẽ giúp bạn thỏa mãn cả hai việc trên.
Khi còn là một sinh viên luật ngồi trên giảng đường, cuộc sống của bạn xoay quanh những bài giảng và giáo trình vốn tiếp cận từ góc độ lý thuyết. Vô hình trung, môi trường học thuật thường khiến bạn dễ quên đi rằng luật không chỉ là các học thuyết, nguyên tắc trên sách vở hay các văn bản luật trên giấy.
Nhưng xét cho cùng, đối tượng điều chỉnh của pháp luật là các quan hệ xã hội có thực trong đời sống. Hơn nữa, nếu đã xác định học luật để trở thành luật sư, sớm hay muộn bạn cũng sẽ tiếp cận các vấn đề pháp lý từ góc độ của một người thực hành luật trong những trường hợp thực tế và cụ thể. Thế nên lời khuyên mà các giáo sư và giảng viên luật thường dành cho sinh viên của mình là hãy đến dự khán ở các phiên tòa.
Ở Việt Nam, trừ án chính trị hoặc những án được cho là nhạy cảm khác, tòa thường mở cửa công khai đối với công chúng. Bạn có thể đến dự các phiên tòa sơ thẩm ở cấp quận, huyện, tòa sơ thẩm và phúc thẩm cấp tỉnh, thành phố, tòa phúc thẩm Tòa án tối cao trong những tranh chấp dân sự, lao động, hôn nhân – gia đình, thương mại và vụ án hình sự.
Vậy đi đến tòa án sẽ mang đến những lợi ích gì?
Lựa chọn nghề nghiệp tương lai
Chọn thi vào trường luật, tất nhiên ít hay nhiều bạn đã có suy nghĩ về một công việc trong lĩnh vực pháp lý. Dẫu vậy, có thể bạn chưa chắc chắn liệu có nên trở thành luật sư hay không, hoặc còn đang phân vân không rõ việc tư vấn hay tranh tụng sẽ hợp với mình hơn.
Những trải nghiệm và quan sát tích lũy được từ những lần đi thực tế tại tòa sẽ giúp bạn tìm ra câu trả lời cho mình. Từ kinh nghiệm bản thân, Linda Jacobs – một luật sư tranh tụng của hãng Cloisters, Anh – chia sẻ: “Có nhiều điều thấy được ở tòa án sẽ giúp bạn quyết định chọn làm việc trong mảng tranh chấp hay tư vấn, hoặc là trở thành luật sư hình sự hay dân sự”.
Mặt khác, đến tòa án bạn sẽ có dịp làm quen với không gian và cách bố trí trong phòng xử án, đồng thời ghi chú vào sổ tay những người tham gia phiên tòa. Bên cạnh thẩm phán và luật sư, biết đâu bạn nhận ra công việc của thư ký tòa án hay kiểm sát viên là thú vị và phù hợp với mình. Chứng kiến những người tiến hành tố tụng thực hiện chức năng của mình trong một phiên tòa thực tế sẽ cho bạn cơ hội mở rộng lựa chọn nghề nghiệp, qua đó giúp quyết định cuối cùng của mình phản ánh sát thiên hướng và khả năng bản thân hơn.
Luật sư tư vấn vẫn nên đến tòa
Với những ai đã xác định sẽ vào các hãng luật làm công việc tư vấn, đến tòa dự khán vẫn có những lợi ích riêng. Ở Herbert Smith Freehills, hãng luật quốc tế có trụ sở tại London thuộc top 10 các hãng luật danh giá nhất thế giới (theo đánh giá của Global Elite Brand Index 2013), tất cả các thực tập sinh được yêu cầu đến tòa dự khán để hiểu rõ hơn những hồ sơ mà họ đã chuẩn bị trước đó sẽ tác động ra sao tại phòng xử.
Theo Rupert Lewis, một luật sư chuyên giải quyết tranh chấp thương mại của hãng, có nhiều thứ để các thực tập sinh quan sát – từ cách các luật sư tư vấn và nhân viên pháp lý (paralegal) hỗ trợ luật sư tranh tụng tại tòa, đến cách họ thu thập chứng cứ, tóm tắt các kết luận giám định tư pháp, chuẩn bị lời khai nhân chứng (witness proofing) hay lựa chọn lập luận có lợi cho thân chủ.
Còn với Mark Bardell, một luật sư mảng doanh nghiệp chuyên tư vấn các thương vụ sáp nhập và mua lại (mergers and acquisitions) của Herbert Smith Freehills, việc tiên liệu trước những tình huống xấu có thể xảy ra tại tòa khi một thương vụ bất thành cũng là một kỹ năng quan trọng ở các luật sư chuyên về hợp đồng. Bardell ví công việc của mình như chiến thuật trong bóng đá: “Bạn chỉ có thể phòng thủ tốt khi đã tính trước những đợt tấn công để kịp phản ứng với chúng.”
Tính thực tiễn của luật pháp
Tuy nhiên, việc đi đến tòa án không chỉ dừng lại ở những ích lợi về mặt nghề nghiệp. Quá trình tiếp cận các lập luận của luật sư hai bên, từ bên công tố cũng như phán quyết cuối cùng của tòa trong một vụ việc thực tế có thể giúp bạn hiểu rõ hơn các nguyên tắc và quy định pháp luật, theo đó củng cố kiến thức đã học trên lớp.
Catherine Dance là một sinh viên luật đang theo học tại trường Đại học Oxford. Cô đã đến dự hai phiên tòa – một vụ về quấy rối tình dục, vụ còn lại về cướp xe và vận chuyển ma túy. Về cảm nhận sau những chuyến thực tế, Catherine bày tỏ: “Tôi bắt đầu suy nghĩ nhiều hơn ở góc độ áp dụng vào thực tế những điều đã học, thay vì chỉ đơn thuần là lý thuyết như trước kia.” Cô nói thêm những trải nghiệm ở tòa án cũng giúp cô đưa ra đánh giá toàn diện hơn về các đạo luật và án lệ.
Sinh viên luật ở Anh, Mỹ và Hong Kong có thêm một lý do nữa để đến dự các phiên tòa, là nhiều tòa án không cho phép quay phim, chụp ảnh để tránh gây gián đoạn phiên tòa và để bảo vệ quyền riêng tư của các bên liên quan. Chính vì thế, không thể tiếp cận phiên tòa qua video hay hình ảnh thực, mà phải tới tận nơi hoặc xem qua các tranh minh họa phiên tòa (courtroom sketch). Ảnh trên là tranh minh họa một phiên tòa ở Tòa án Tối cao tiểu bang New York tháng 1.2001 xét xử một vụ xả súng. Ảnh: New York Daily News.
Đồng quan điểm với bạn mình ở Oxford, Holly Anderson thừa nhận nhờ đi đến tòa mà các lập luận của cô trong những tiết tranh luận trên lớp hay bài thi cuối kỳ được đánh giá cao hơn. Mùa hè năm ngoái, Holly đến xem tòa ở Oxford xét xử một vụ án xâm hại tình dục phức tạp. Từ trải nghiệm này, cô nói: “Không những có cơ hội trải nghiệm mặt thực tiễn của luật pháp, điều thường dễ bị quên lãng trong không gian học thuật ở trường, bạn còn được học hỏi chiến thuật tranh tụng tại tòa của các luật sư.”
Bên cạnh mặt lý trí, những chuyến thực tế tại tòa đôi khi còn mang đến cho bạn những trải nghiệm cảm xúc mạnh mẽ. Đó là điều Sharzad Shini nhận định sau khi cô dự khán một phiên tòa ở Cambridge, nơi bị cáo là người từng có tiền án đang bị truy tố vì một tội liên quan đến hành vi điều khiển phương tiện giao thông.
Cô nữ sinh đang theo học trường luật Kaplan ở London kể lại trải nghiệm của mình: “Trong khi nghe các thẩm phán đọc phán quyết, tôi tranh thủ quan sát bị cáo thì thấy anh ta vô cùng lo lắng và hồi hộp. Thế là các thẩm phán phải trấn tĩnh anh ta và bảo anh ta ngồi xuống.”
So sánh với việc học trên giảng đường, Sharzad nói: “Bạn không thể có được sự tương tác trực tiếp để cảm thấy được sức nặng của pháp luật đặt lên người bị cáo ở những giờ phút như vậy trong không gian lớp học”.
Nên đi đâu? Làm gì?
Trả lời cho câu hỏi trên, Linda Jacobs khuyên nên đến dự nhiều phiên tòa và vụ việc đa dạng. Nữ luật sư chuyên mảng luật hình sự nói: “Tôi khuyến khích các bạn sinh viên đi đến các tòa ở nhiều cấp và lĩnh vực khác nhau – từ tòa tối cao đến tòa cấp quận, hạt; tòa hình sự lẫn tòa dân sự và lao động.”
Dù chọn tòa nào, hãy đến sớm khi phiên xử vừa bắt đầu. Như vậy, bạn sẽ nắm được nội dung tranh chấp hay cáo trạng ở phần mở đầu. Có thể tham khảo lịch xét xử trong ngày và trong tháng tại tòa án. Tại cổng, bạn được yêu cầu xuất trình giấy tờ tùy thân hoặc đôi khi phải có giấy giới thiệu từ trường. Bạn cũng nên lưu ý những quy định về âm thanh điện thoại, ghi âm, chụp hình và quay phim trong phòng xét xử.
Lược dịch từ: You’re a law student, but when did you last visit a courtroom? (The Guardian)