‘Ông lớn’ truyền hình VTC dừng phát sóng; TP. HCM, Hà Nội ‘chữa cháy’ cho Nghị định 168
Các sự kiện nổi bật: * VTC từ biệt khán giả * TP. HCM, Hà Nội “giải cứu” giao thông sau Nghị
Trương Tự Minh – Tử tù Nguyễn Văn Chưởng có thể đã có một số phận hoàn toàn khác, nếu các cơ quan tiến hành tố tụng Việt Nam thu thập, cung cấp và xem xét đầy đủ các chứng cứ gỡ tội.
Có nhân chứng cho rằng, Nguyễn Văn Chưởng không có mặt tại hiện trường lúc xảy ra vụ án giết hại Thiếu tá Nguyễn Văn Sinh (Hải Phòng) mà ở nhà người quen cách đó 40 km. Ảnh: VietNamNet
Lật lại vụ việc của tử tù Nguyễn Văn Chưởng, luật sư Hoàng Văn Quánh, người bào chữa cho Chưởng ở phiên tòa phúc thẩm, cho biết ở giai đoạn điều tra, ông có yêu cầu cơ quan điều tra khôi phục lại nội dung cuộc gọi vào ngày xảy ra án mạng (14/7/2007) trong điện thoại của Chưởng để chứng minh bị can có chứng cứ ngoại phạm, tuy nhiên yêu cầu này không được tiến hành. Các tang vật thu giữ tại hiện trường như dép, khẩu trang và thanh đoản kiếm cũng không được cơ quan điều tra làm rõ thuộc về ai[1]. Nếu các yêu cầu này từ phía bị cáo được thực hiện đến nơi đến chốn, Nguyễn Văn Chưởng có thể đã có được những bằng chứng gỡ tội cần thiết, và bản án dành cho người đàn ông 31 tuổi này có thể đã có một kết quả khác.
Đến đây, một câu hỏi được đặt ra: liệu cơ quan điều tra có quyền từ chối thực hiện các yêu cầu liên quan đến chứng cứ có lợi cho bị cáo? Mở rộng hơn, cơ quan điều tra và viện kiểm sát có nghĩa vụ thu thập, cung cấp chứng cứ gỡ tội cho bị can, bị cáo trong một vụ án hình sự hay không?
Việt Nam: có luật, nhưng không thi hành
Xét hệ thống văn bản pháp luật tố tụng hình sự trong nước, Điều 3 Pháp lệnh tổ chức điều tra hình sự năm 2004 (sửa đổi, bổ sung năm 2006, 2009) quy định: “Hoạt động điều tra phải […] làm rõ những chứng cứ xác định có tội và chứng cứ xác định vô tội”. Thông tư 28/2014 của Bộ Công An về công tác điều tra hình sự trong công an nhân dân cũng ghi nhận một trong những nguyên tắc hoạt động điều tra là “phát hiện làm rõ những chứng cứ xác định có tội và chứng cứ xác định vô tội”. Như vậy cơ quan điều tra Công an thành phố Hải Phòng trong vụ án của Nguyễn Văn Chưởng đã không thực hiện đúng theo tinh thần của hai văn bản trên.
Thu thập chứng cứ xác định có tội là công việc hiển nhiên đối với cơ quan điều tra, bởi đó gần như là bản năng của lực lượng được trao nhiệm vụ phát hiện và xử lý tội phạm. Mặt khác, chiếu theo nguyên tắc xác định sự thật vụ án ở Điều 10 Bộ luật Tố tụng Hình sự[2] (BLTTHS), việc làm rõ chứng cứ xác định vô tội cũng là đòi hỏi có sức nặng ngang bằng đặt ra cho cơ quan điều tra. Tuy nhiên, trên thực tế, trước áp lực hoàn thành nhiệm vụ và tâm lý sợ bỏ lọt tội phạm, vô hình trung hoặc có chủ ý, hầu hết người làm nhiệm vụ điều tra thường lệch về hướng đi tìm chứng cứ buộc tội, để rồi ít chú ý hoặc thậm chí bỏ qua chứng cứ có lợi cho bị can.
Song song đó, theo khoản 2 Điều 65 BLTTHS, người tham gia tố tụng “có thể đưa ra tài liệu, đồ vật và trình bày những vấn đề có liên quan đến vụ án”. Điều này có nghĩa bị can, bị cáo và luật sư đại diện có quyền đưa ra chứng cứ gỡ tội trong trường hợp bên điều tra bỏ sót. Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy quyết định đưa hay không đưa vào hồ sơ vụ án các chứng cứ đó lại hoàn toàn phụ thuộc cơ quan điều tra. Hiện tại chưa có cơ chế ràng buộc cơ quan điều tra phải thu thập chứng cứ xác định vô tội cũng như xem xét cẩn trọng bằng chứng do bên bị can cung cấp. Xét trong điều kiện tố tụng hình sự Việt Nam vốn theo mô hình thẩm vấn – tức hoạt động xét xử của tòa chủ yếu dựa trên hồ sơ vụ án do cơ quan điều tra và viện kiểm sát xây dựng – rõ ràng bị can, bị cáo đang phải chịu một bất lợi lớn.
Còn đối với viện kiểm sát, với chức năng công tố, khi tham gia vào quan hệ tố tụng cơ quan này đại diện cho nhà nước thực hiện quyền truy tố tội phạm trước tòa án. Nếu xem một vụ án hình sự là cuộc đấu pháp lý trước tòa án giữa bên công tố và bào chữa trong mục tiêu tìm ra sự thật, với tư cách là chủ thể đại diện thực hiện quyền lực nhà nước, dễ dàng nhận thấy kiểm sát viên có những quyền hạn mà luật sư bào chữa không thể so sánh được. Viện kiểm sát có toàn quyền quyết định sẽ truy tố ai với tội danh gì, chưa tính đến đằng sau viện kiểm sát còn là một lực lượng điều tra với nguồn lực dồi dào, chuyên môn và quyền hành trong việc thu thập chứng cứ, xác minh sự việc. Chỉ cần chỉ ra hai yếu tố đã có thể thấy bị cáo và luật sư bào chữa luôn ở thế bị động và kém ưu thế hơn nhiều trong quá trình chuẩn bị hồ sơ ra tòa.
Sự mất cân đối về nguồn lực và quyền hạn giữa cơ quan tiến hành tố tụng và bên bị buộc tội vốn đã mặc định sẵn trong cấu trúc tố tụng hình sự cho dù là mô hình thẩm vấn hay tranh tụng. Do đó, với tư cách đại diện quyền lực nhà nước thực thi công lý, cơ quan điều tra lẫn cơ quan công tố cần có trách nhiệm đảm bảo quy trình tố tụng công bằng nhằm giảm thiểu tính chất bất đối xứng cố hữu trong quan hệ với cá nhân bị buộc tội. Trong pháp luật tố tụng hình sự Việt Nam, trách nhiệm này thể hiện ở việc làm rõ chứng cứ xác định có tội lẫn chứng cứ xác định vô tội theo Điều 10 BLTTHS. Tuy nhiên, hiện tại nó mới chỉ dừng lại ở nguyên tắc, chưa có những nghĩa vụ pháp lý cụ thể ràng buộc trách nhiệm trên. Điều này dẫn đến xu hướng chú trọng chứng cứ buộc tội và xem nhẹ chứng cứ gỡ tội của cơ quan điều tra và cơ quan công tố. Hậu quả là tình trạng bỏ qua bằng chứng có lợi cho bị can, bị cáo với trường hợp của Nguyễn Văn Chưởng là một ví dụ.
Đức: quyền yêu cầu bổ sung chứng cứ gỡ tội và cơ chế rà soát chứng cứ tiền xét xử
Khác với Việt Nam, pháp luật nhiều nước đặt lên vai công tố viên và cơ quan điều tra một nhóm các nghĩa vụ cụ thể để hỗ trợ và đảm bảo tốt hơn tính công bằng cho bên bị buộc tội.
Lấy ví dụ ở Đức, quốc gia có mô hình tố tụng thẩm vấn gần gũi với Việt Nam.
Hồ sơ vụ án do cơ quan công tố cung cấp đóng vai trò định hướng cho nội dung phiên tòa, thẩm phán sẽ dựa chủ yếu vào hồ sơ để chất vấn các nhân chứng và bị cáo. Do tính chất quan trọng của hồ sơ vụ án, pháp luật tố tụng của Đức quy định công tố viên có nghĩa vụ nghiên cứu, điều tra một cách thấu đáo và khách quan trong quá trình xây dựng hồ sơ, đồng thời hồ sơ phải bao gồm chứng cứ buộc tội lẫn gỡ tội[3]. Nghĩa vụ này cũng áp dụng tương tự cho cảnh sát trong giai đoạn điều tra[4]. Tuy nhiên, quan trọng hơn cả, sau khi nhận được hồ sơ vụ án từ phía công tố, bên bị buộc tội và luật sư bào chữa có quyền yêu cầu phía công tố xem xét những lập luận và bằng chứng gỡ tội mà cảnh sát và cơ quan công tố đã bỏ sót[5].
Trường hợp vẫn có lỗi vô tình hoặc cố ý bỏ qua chứng cứ có lợi cho người bị truy tố, pháp luật tố tụng hình sự Đức hỗ trợ bên bị buộc tội bằng cơ chế rà soát chứng cứ tiền xét xử của tòa án, gọi là Zwischenverfahren. Trong các phiên làm việc này, bị cáo và luật sư bào chữa có quyền cung cấp chứng cứ có lợi cho bên mình để thẩm phán xem xét bổ sung vào hồ sơ vụ án[6]. Pháp luật một số nước châu Âu lục địa khác như Pháp, Bỉ hay các nước thuộc hệ thống thông luật như Mỹ, Anh, New Zealand cũng có cơ chế tiền xét xử tương tự nhằm sàng lọc các quyết định truy tố thiếu cơ sở, qua đó bảo vệ tốt hơn quyền được xét xử công bằng của người bị buộc tội.
(Còn nữa)
Tài liệu tham khảo:
[1] “Thêm một tử tù kêu oan”: http://tuoitre.vn/tin/phap-luat/20141223/them-mot-tu-tu-keu-oan/689115.html
[2] Cụ thể Điều 10 Bộ luật tố tụng hình sự quy định:
Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát và Toà án phải áp dụng mọi biện pháp hợp pháp để xác định sự thật của vụ án một cách khách quan, toàn diện và đầy đủ, làm rõ những chứng cứ xác định có tội và chứng cứ xác định vô tội, những tình tiết tăng nặng và những tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự của bị can, bị cáo.
Trách nhiệm chứng minh tội phạm thuộc về các cơ quan tiến hành tố tụng. Bị can, bị cáo có quyền nhưng không buộc phải chứng minh là mình vô tội.
[3] Điều 160 (II), Bộ luật tố tụng hình sự Đức, Strafprozeßordnung, StPO (1977); xem toàn bộ nội dung văn bản bằng tiếng Anh tại: http://www.gesetze-im-internet.de/englisch_stpo/englisch_stpo.html
[4] Điều 136 (II), StPO (1977)
[5] Điều 147, StPO (1977)
[6] John H. Langbein và Lloyd L. Weinreb, Continental Criminal Procedure: “Myth” and Reality, The Yale Law Journal (tháng 7/1978), ghi chú 51.