“Luật sư chân trần” – tự học luật và đấu tranh ở Trung Quốc

“Luật sư chân trần” – tự học luật và đấu tranh ở Trung Quốc

Nguyễn Hoài An – Luật sư chân trần là hồi ký mới ra mắt của Chen Guangcheng (Trần Quang Thành) – người luật sư mù, đấu tranh đòi công lý ở Trung Quốc. Câu chuyện về Chen có lẽ là một trong những câu chuyện lý thú nhất trong lịch sử gần đây của Trung Quốc. Khác với nhiều nhà hoạt động khác, Chen không chỉ trích những sai lầm trong quá khứ hay ý thức hệ xã hội chủ nghĩa của đất nước này. Anh nhắm đến một vấn đề quan trọng và thực tế: Nhà nước Trung Quốc không tuân thủ chính các quy định pháp luật mà mình đã đề ra.

china-chen-guangcheng 27.04.12

Chen Guangcheng tại tư gia ở Trung Quốc. Ảnh: Amnesty International

Có một tấm biển treo bên ngoài buồng giam ở quận Yinan, tỉnh Shandong (Sơn Đông), Trung Quốc năm 2006. Ngồi trong buồng giam đó là Chen Guangcheng. Anh không đọc được nội dung tấm biển vì bị mù, nhưng một bạn tù cho anh hay đó là danh sách những quy định của nhà tù. Dòm qua ô cửa bé con trên cánh cửa buồng giam, một bạn tù khác đọc to các quy đinh: Theo Quy định của Trung tâm Tạm giam, những người sau đây không bị giam giữ: (1) Người mù; (2) Phụ nữ có thai.

Phi lý nhưng lại rất thật, khoảnh khắc ngắn ngủi đó trở thành trọng tâm cho cuốn hồi ký mới ra, thu hút đông đảo sự chú ý của Chen về những điều anh kinh qua khi tham gia đấu tranh nhân quyền ở Trung Quốc. Điều mà Chen muốn không gì khác hơn là Trung Quốc phải tuân thủ quy định và luật pháp của chính mình, cuộc đấu tranh đó không chỉ cho anh mà cho những người cũng là nạn nhân của bất công và bạo ngược như anh. Cái giá khi đòi hỏi Trung Quốc làm việc này là một chuỗi bất tận những vụ đánh đập, quản thúc tại nhà và bỏ tù. Hết lần này đến lần khác, Chen nhận thấy, các quan chức Trung Quốc không tôn trọng luật pháp của chính mình. Quan trọng hơn là sự tùy tiện của đảng và hàng ngàn những người thi hành mệnh lệnh của đảng. Bằng giọng văn mạnh mẽ, dứt khoát, Chen không buộc tội hệ thống Trung Quốc vì những sai lầm trong quá khứ hay ý thức hệ xã hội chủ nghĩa của đất nước này, anh nhắm vào một vấn đề rất đỗi thực tế: hệ thống Trung Quốc không tuân thủ chính các quy tắc mà mình đề ra.

Chen-BarefootLawyer_978080509805-1.indd

Bìa sách “Luật sư chân trần”. Ảnh: Washington Post

Cuốn Luật sư chân trần của Chen thách thức những người nắm giữ quyền lực, từ các quan chức địa phương tới các nhà quản lý giáo dục, tới những người kiêm nhiệm nhiều chức vụ trong đảng, những người nổi điên vì sự kiên định trước sau như một của anh khi tuyên bố: luật là luật. Năm 2011, một quan chức đảng đặc biệt hiểm ác, Zhang Jian, thường xuyên dẫn các đội ma cô đột nhập vào nhà Chen tiến hành lùng sục và đánh đập, trong khi Chen bị quản thúc tại gia. Khi Zhang ùa vào, đòi Chen phải giao nộp chiếc điện thoại di động mà anh thường dùng để liên lạc với bạn bè bên ngoài, Chen hỏi anh ta làm sao hành động này lại có thể chính đáng về pháp luật được.

“Bọn tao không quan tâm đến luật – bọn tao muốn làm gì thì làm”, Zhang nói. “Mày làm gì được nào?” – Zhang đánh vợ Chen, khiến cô “nằm co quắp trên đất, yếu ớt kêu rên”, với phần xương trên hốc mắt bị rạn và xương sườn bị gãy. Zhang xông tới, tiếp tục giơ chân đá. “Đây không phải là ý của bọn tao – đây là lệnh trên”, anh ta nói.

Chen được đồng ý cho tị nạn ở Mỹ năm 2012, sau khi trốn ra khỏi nhà trong một đợt quản thúc tại gia, và tìm được đường tới đại sứ quán Mỹ ở Bắc Kinh. Trong cuốn hồi ký của mình, anh kể lại câu chuyện sống động và cuộc đấu tranh của mình và lý do tại sao anh lại chạy trốn. Chúng ta có thể đọc được những câu chuyện đau lòng về hành động bạo ngược trong một cuốn sách về Cách mạng Văn hóa, nhưng điều quan trọng ở câu chuyện này là tất cả mới vừa xảy ra, ngay trong thời đại này.

Các nhà lãnh đạo Trung Quốc thường phát đi hình ảnh về một đất nước ổn định, với thành tựu lớn lao, và chẳng có gì phải nghi ngờ về việc đất nước này đã trở thành một siêu cường kinh tế. Nhưng điều đặc biệt ở đây là tiếng nói đơn độc của Chen có thể sẽ làm chao đảo tận gốc nền tảng của đất nước này. Có thời gian, Chen và gia đình đã bị giam giữ chẳng khác gì con tin trong chính ngôi nhà của mình, có hàng chục lính gác giám sát họ 24/24, những tay này cũng đặt camera theo dõi và lắp thiết bị gây nhiễu sóng điện thoại, thuê thanh niên nông thôn đứng theo dõi, lắp bóng đèn an ninh dọc các bức tường quanh nhà, dùng tấm kim loại chặn cửa sổ, cắt điện và tự do xâm nhập. Chen không được phép gặp người anh đang hấp hối của mình, anh cũng không được đến thăm mộ khi người anh qua đời. Các quan chức chính quyền tìm mọi cách để người đàn ông mù lòa, thậm chí còn không thể nhìn ra tay lính gác vào nhà mình có mặc đồng phục hay không, phải khiếp sợ. “Việc của bọn tao là dồn mày vào chân tường”, một người nói với Chen. “Bọn tao muốn mày và gia đình mày phải khốn đốn, chẳng còn đường nào để đi, chẳng còn cách nào để sống, chẳng còn chỗ nào để bước tiếp. Chúng tao đang làm thế đấy”.

Chen Guangcheng activists in Hong Kong

Những người biểu tình ủng hộ Chen Guangcheng ở Hong Kong hồi tháng 4-2012. Ảnh: The Guardian

Sinh năm 1971, là con út trong một gia đình có năm người con đã sống nhiều thế hệ ở làng Dongshigu, tỉnh Shandong, Chen mang bệnh rồi bị mù khi mới chỉ 5 tháng tuổi. Anh đã kể một câu chuyện đau xót nhưng gợi dậy nhiều cảm hứng về việc lớn lên trong cảnh mù lòa ở vùng nông thôn Trung Quốc. Không thể nhìn thấy gì, nhưng bù lại anh lại có thính giác và xúc giác nhạy bén. Anh làm diều, trèo cây, bắt chim và bơi lội. Khi học ở một trường dành cho người khiếm thị ngoài thị trấn, Chen biết rằng Luật Bảo vệ của Trung Quốc quy định người mù được đi xe bus miễn phí.Thế nhưng một ngày anh sửng sốt khi bị buộc phải mua vé xe bus. Từ đó bắt đầu một chuỗi dài các cuộc đấu tranh chống lại những quyết định tùy tiện, không tuân thủ pháp luật của những người có chức có quyền.

Chen đại diện cho những người dân quê, công nhân, người khuyết tật và quan trọng nhất là nạn nhân của chính sách một con ở Trung Quốc. Năm 2006 Chen đã bị bỏ tù sau khi tổ chức một chiến dịch phản đối các vụ phá thai cưỡng ép được tiến hành theo chính sách một con của Trung Quốc. Anh làm tất cả những việc này như một “luật sư chân trần”, anh làm các công việc của một luật sư đúng nghĩa – thu thập chứng cứ, soạn thảo báo cáo, viết các kết quả tìm được – nhưng không có giấy phép hành nghề. Nhà nước “chẳng bao giờ hỗ trợ những luật sư chân trần, thực tế là họ còn bị quấy rầy”, anh viết. Anh cũng phải ngồi tù và bị quả thúc tại gia suốt nhiều năm.

CHEN-articleLarge

Chen được Đại học New York cấp học bổng ngay sau khi đến Mỹ năm 2012. Tại đây, anh học một khóa ngắn hạn về hệ thống pháp luật Hoa Kỳ. Ảnh: New York Times

Khi tình hình trở nên căng thẳng hơn, Chen đã liên hệ với những người Trung Quốc và những người nước ngoài ủng hộ việc làm chính nghĩa của anh. Hoạt động của những người bên ngoài – trong đó có bài viết của Philip Pan, người sau này đã viết về Chen trong cuốn sách “Out of Mao’s Shadow” (Thoát khỏi bóng Mao) xuất bản năm 2008 – đã tạo nên sự khác biệt quyết định cho số phận của Chen. Chen bí mật quay video và gửi tin nhắn. Có một phong trào đã nổi lên từ đây, người tham gia đăng lên mạng những bức ảnh đeo kính đen, giống đôi kính của Chen. “Người ta đã không đánh giá quá lời về sức mạnh của những hành động đơn giản nhưng hiệu quả này, đó là cái mà đảng không thể làm gì để trấn áp”, Chen viết.

Chen đã sống gần suốt cuộc đời trong bóng tối, nhưng anh đã rọi ánh sáng vào những vùng còn đang khuất bóng.

Bạn đã đăng ký thành công!

Mừng bạn trở lại!

Bạn đã đăng ký thành công.

Vui lòng kiểm tra hộp thư để lấy link đăng nhập.

Thông tin thanh toán của bạn đã được cập nhật.

Thông tin thanh toán của bạn chưa được cập nhật.