Mỹ: Tử tù 28 năm được giải oan

Mỹ: Tử tù 28 năm được giải oan
Anthony Ray Hinton trong vòng tay người thân và bạn bè. Ảnh: New York Times

Trương Tự Minh – Anthony Ray Hinton là một tử tù của bang Alabama, Mỹ. Ông đã chờ ngày thi hành án trong 28 năm qua – một trong những người có thời gian chờ ngày thi hành án lâu nhất trong lịch sử tiểu bang này. Giờ đây, sau khi Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ yêu cầu xét xử lại vụ án, cùng lúc đó kết quả điều tra mới không thể tìm ra bằng chứng cho thấy Hinton là hung thủ giết người, người đàn ông da màu 58 tuổi cuối cùng đã tìm lại được công lý vào ngày 3/4 vừa qua.

Anthony-Ray-Hinton

Anthony Ray Hinton bước ra khỏi cửa tòa án lần đầu tiên như một người tự do, sau 28 năm chờ án tử hình. Ảnh: Mirrow

Bài liên quan:

Các diễn biến chính của vụ án Nguyễn Văn Chưởng (liên tục cập nhật)
Các diễn biến chính của vụ án Hồ Duy Hải (liên tục cập nhật)
Vụ Nguyễn Văn Chưởng: Công an có nghĩa vụ thu thập và cung cấp chứng cứ gỡ tội?
Tranh cãi về án tử hình

Nửa đời người mang án tử

Năm 1985, thành phố Birmingham của bang Alabama rúng động với hai vụ giết người – cướp của liên tiếp xảy ra. John Davidson và Thomas Wayne Vason, quản lý của hai cửa hàng thức ăn nhanh Mrs Winner’s và Captain D’s  đều bị bắn chết. Thật chẳng may, không có nhân chứng lẫn dấu vân tay lưu lại hiện trường. Cảnh sát không thể tìm ra một nghi can nào trong khi áp lực phải phá được án từ công chúng ngày càng lớn giữa lúc những vụ cướp có vũ khí tiếp tục hoành hành.

Ngày 25/7/1985, một vụ cướp nữa lại diễn ra, lần này tại một hàng ăn ở Bessemer, thành phố về phía Tây-Nam của Birmingham. Người quản lý cửa tiệm bị bắn nhưng không bị thương nặng. Nhờ vậy, cảnh sát đã dựa vào việc nhận diện của người quản lý để truy tìm thủ phạm. Một loạt những tấm ảnh chụp những người đàn ông trong thành phố được chọn ra. Thế rồi sau đó, Anthony Hinton bất ngờ bị bắt, cho dù vào thời điểm xảy ra vụ cướp người đàn ông này đang làm việc trong một nhà kho khóa kín cách đó 15 dặm.

Cảnh sát nhanh chóng tịch thu khẩu súng lục cổ của mẹ nghi phạm. Kết quả giám định từ cảnh sát cho thấy khẩu súng đã được dùng cho cả ba vụ cướp. Công tố viên giữ quyền truy tố trong vụ án, người trước đó từng có tiền sử kì thị sắc tộc, mạnh miệng khẳng định chỉ nhìn vẻ ngoài đã thấy bị cáo toát ra “cái thú tính” và ngập ngụa tội lỗi. Dẫu vậy, chứng cứ duy nhất liên hệ Hinton với hai vụ sát hại là những viên đạn mà theo lời cảnh sát là trùng khớp với khẩu 38 li của mẹ ông. Hồ sơ vụ án không hề có dấu vân tay hay nhân chứng để đối chiếu.

Anthony Hinton, lúc này 29 tuổi và không có tiền án phạm tội, một mực nói mình vô tội. Trước đó Hinton đã được đặt lên người máy phát hiện nói dối (polygraph) trong quá trình tra hỏi, với kết quả cho thấy ông không gian dối khi trả lời. Thế nhưng thẩm phán Hạt Jefferson lúc đó là James Garrett lại bỏ qua chi tiết này.

Anthony Ray Hinton thời trẻ. Ảnh: al.com

Anthony Ray Hinton thời trẻ. Ảnh: al.com

Bất lợi khác lại đến với Hinton khi luật sư được chỉ định bào chữa cho ông nhầm tưởng rằng bên bào chữa không được hỗ trợ đủ chi phí để thuê người giám định súng. Do đó vị luật sư đã phải nhờ đến sự giúp đỡ của một kỹ sư dân sự không có chuyên môn về kỹ thuật súng ống và thậm chí còn bị hư một bên mắt. Một số người trong bồi thẩm đoàn đã bật cười khúc khích khi giám định viên của bên bào chữa đánh vật với những câu hỏi đối chứng không thuộc lĩnh vực chuyên môn của mình. Chính người kỹ sư này sau đó thừa nhận anh ta không biết cách sử dụng kính hiển vi như thế nào để thẩm định tang vật.

Do không thể đưa ra kết quả giám định đủ thuyết phục nhằm phủ định cáo buộc từ phía cảnh sát và công tố, kết quả Anthony Hinton bị tuyên có tội và phải nhận án tử hình.

Bằng chứng vô tội bị bỏ qua

Sau gần 30 năm ngồi tù với án tử luôn treo trên đầu, khi mà mọi hi vọng tưởng chừng như đã tắt  với Hinton thì hồi tháng Hai năm ngoái, Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ ra phán quyết hủy bỏ bản án của các tòa cấp dưới, tuyên rằng luật sư biện hộ cho Hinton đã không “làm tròn trách nhiệm hiến định” của mình. Theo đò Tòa đã yêu cầu xét xử lại vụ án.

Tiếp nối diễn biến trên, hôm thứ Tư tuần trước, hai công tố viên của bang Alabama gồm Phó Trưởng Công tố Hạt Jefferson, John Bowers, cùng cấp dưới của mình đã đệ đơn xin rút truy tố đối với Hinton sau khi kết quả giám định mới không thể tìm ra sự liên hệ giữa khẩu súng của mẹ Hinton và những viên đạn lưu lại ở hiện trường. Dựa trên đề nghị của bên công tố, bà Laura Petro – thẩm phán tòa án Hạt Jefferson – đã đình chỉ vụ án và ra quyết định trả tự do cho Anthony Hinton.

Anthony Ray Hinton bị áp giải ra tòa. Ảnh: al.com

Anthony Ray Hinton bị áp giải ra tòa. Ảnh: al.com

Trả lời báo chí, công tố viên Bowers nói: “Không thể có câu trả lời chắc chắn là có hay không, bởi vì các giám định viên không nói rằng những viên đạn là từ khẩu súng đó bắn ra hay không”.

Tuy nhiên, trái ngược với phát biểu trên, luật sư bảo vệ quyền lợi cho Hinton trong suốt 15 năm qua là Bryan Stevenson lại không đồng tình với viên công tố này. Vị luật sư từng tốt nghiệp trường luật Harvard chỉ ra: “Hinton đã mất nhiều năm trời vô nghĩa ngồi tù chờ ngày thi hành án trong khi bằng chứng vô tội của ông ấy luôn luôn rõ ràng. Việc bên công tố từ chối điều tra lại vụ án mặc cho chứng cứ vô tội là đáng tin cậy và thuyết phục cho thấy một điều không chỉ đáng thất vọng mà còn là một chỉ dấu đáng lo ngại cho nền tư pháp.”

Trên thực tế, từ đầu những năm 2000 đến nay, Bryan Stevenson cùng tổ chức của ông là Equal Justice Initiative (EJI) đã nhiều lần yêu cầu các công tố viên bang Alabama xem xét lại chứng cứ trong vụ án. Năm 2002, các luật sư của EJI đã nhờ ba chuyên gia đứng đầu cả nước về giám định súng (trong  đó có cựu trưởng đơn vị súng và dấu vết hiện trường của FBI) để nghiên cứu các tang vật thu được trong vụ án. Cả ba đều kết luận các viên đạn thu được từ hiện trường ba vụ cướp không cùng một khẩu súng bắn ra, do đó cáo buộc cả ba vụ cướp đều sử dụng khẩu của bà Hinton là không có căn cứ. Đồng thời kết luận giám định cũng xác định những viên đạn tại hiện trường vụ cướp thứ ba ở Bessemer không phải là đạn từ súng của bà Hinton. Tuy nhiên, bất chấp kết quả giám định này, bên công tố vẫn khước từ yêu cầu điều tra lại lẫn không thừa nhận có sai sót nghiệp vụ.

Luật sư Bryan Stevenson đang trả lời báo chí về vụ án của cựu tử tù Anthony Ray Hinton ngày 3/4/2015, ngay sau khi Anthony được trả tự do. Ảnh: AP

Luật sư Bryan Stevenson đang trả lời báo chí về vụ án của cựu tử tù Anthony Ray Hinton ngày 3/4/2015, ngay sau khi Anthony được trả tự do. Ảnh: AP

Stevenson gọi bản án của Hinton là một “ví dụ điển hình” cho tình trạng bất công đang hiện hữu trong nền tư pháp Hoa Kỳ. Ông nói:

“Chúng ta đang duy trì một hệ thống mà nếu bạn có tội nhưng có tiền thì sẽ được đối xử tốt hơn là khi bạn vô tội và không có tiền. Vụ án này đã chứng minh cho điều đó. Chúng ta cũng đang duy trì một hệ thống đang bị lũng đoạn bởi sự kỳ thị màu da, và vụ án này đã chứng minh cho điều đó. Nền tư pháp chúng ta đang có từ chối thực thi công lý khi mà cái đúng và sai đã quá rõ ràng”.

“Mặt trời vẫn tỏa nắng”

Đó là câu nói đầu tiên khi Anthony Ray Hinton bước ra khỏi xà lim 5 mét vuông đã giam giữ ông gần nửa đời người. Gia đình và bạn bè đã đến để chào đón ông trở về trong nước mắt và vòng tay trìu mến.

Hơn 28 năm qua, thế giới bên ngoài đã trải qua nhiều đổi thay. Các con của ông đều đã lớn. Mẹ ông đã qua đời. Tóc ông giờ cũng bạc đi nhiều.

Nơi đầu tiên Hinton đến là nghĩa trang, ông muốn đến để đặt một bó hoa lên mộ người mẹ đã khuất của mình. Trên đường rời khỏi trại giam, ông nói sẽ vẫn tiếp tục cầu nguyện cho gia đình nạn nhân trong hai vụ cướp như ông đã làm gần 30 năm qua.

Anthony Ray Hinton trong vòng tay người thân và bạn bè. Ảnh: New York Times

Anthony Ray Hinton trong vòng tay người thân và bạn bè. Ảnh: New York Times

“Gia đình họ cũng đã phải chịu đựng sự bất công”, Hinton nói. Tuy nhiên, ông không dành nhiều lắm sự độ lượng với những ai đã khiến ông rơi vào cảnh oan sai:

“Khi ở trên cao và có quyền lực, người ta cho rằng họ đứng trên luật pháp và không phải chịu trách nhiệm với ai cả. Nhưng tôi có một tin cho họ đây: những ai đã buộc án tử cho tôi, rồi đây họ sẽ phải trả lời với Chúa”.

Hơn một phần tư thế kỷ cách ly với thế giới bên ngoài, đối với người đàn ông 58 tuổi này, sau nhà tù sẽ là quá trình thích nghi với cuộc sống hiện đại. Quả thật, luật sư của ông cũng có một chút lo lắng:

“Thế giới bây giờ đã rất khác so với 30 năm về trước. Trước đây không có Internet, cũng không hề có email. Sáng nay tôi đã tặng Hinton một chiếc iPhone, và ông ấy đã hoàn toàn ngỡ ngàng”, Stevenson nói.

Sắp tới, Bryan Stevenson vẫn còn việc phải làm với thân chủ của mình. Vị luật sư này cùng nhóm của ông tại EJI đang chuẩn bị thương thảo với chính quyền bang Alabama nhằm xác định mức bồi thường thiệt hại cho thời gian ngồi tù oan sai của thân chủ mình.

Trước đây, Alabama và một số tiểu bang khác đã từng ghi nhận các trường hợp án oan sai được bồi thường thiệt hại. Theo luật của Alabama, mức bồi thường sẽ có mức tối thiểu là 50 ngàn USD cho mỗi năm ngồi tù oan. Tuy nhiên, trước đó việc bồi thường phải được nghị viện bang thông qua. Hiện nhóm của Stevenson hi vọng chính quyền Alabama sẽ sớm thụ lý trường hợp của Hinton.

(Bài viết đã được cập nhật lúc 21:34 ngày 9/4/2015 giờ Việt Nam)

——-

Tổng hợp và lược dịch từ:

Alabama inmate free after three decades on death row. How the case against him unraveled (Washington Post)

Alabama man off death row after 28 years to jailers: You will answer to God (The Guardian)

Equal Justice Initiative wins release of Anthony Ray Hinton (EJI)

Alabama inmate free after three decades on death row. How the case against him unraveled (Washington Post)

Bạn đã đăng ký thành công!

Mừng bạn trở lại!

Bạn đã đăng ký thành công.

Vui lòng kiểm tra hộp thư để lấy link đăng nhập.

Thông tin thanh toán của bạn đã được cập nhật.

Thông tin thanh toán của bạn chưa được cập nhật.