Luật Khoa tuyển phóng viên thực tập - Chương trình Đông Nam Á
* Hình thức làm việc: Toàn thời gian, tại văn phòng. * Địa điểm: Một tòa soạn đối tác của Luật Khoa
Nguyễn Hoài An (lược dịch từ New York Times) – Ngày 23/5, Ireland đã chính thức ghi tên mình vào lịch sử, trở thành đất nước đầu tiên công nhận hôn nhân đồng giới qua một cuộc trưng cầu dân ý. Cuộc trưng cầu dân ý không chỉ mang lại chiến thắng giòn giã cho phong trào đòi quyền cho người đồng giới, mà còn đưa một đất nước có truyền thống Công giáo lên vị trí tiên phong cho công cuộc chuyển đổi xã hội sâu rộng có quy mô toàn cầu.
Vượt lên trên truyền thống tôn giáo
Kết quả chung cuộc – 62% trên tổng số 3,2 triệu người bỏ phiếu ủng hộ hợp pháp hóa hôn nhân đồng giới, và chỉ có 1/43 quận bỏ phiếu phản đối – quả thật ấn tượng, đặc biệt là khi cách đây không lâu chẳng mấy ai dám nghĩ đến cuộc bỏ phiếu này. Ireland chỉ mới dỡ bỏ tội danh hình sự áp cho hành vi tình dục đồng giới năm 1993. Ở đất nước này, nhà thờ có ảnh hưởng sâu rộng, chi phối nhiều mặt đời sống, đặc biệt là hệ thống giáo dục, và việc phá thai vẫn bị coi là phạm pháp trừ khi mạng sống của người mẹ bị đe dọa. Kết quả cuộc trưng cầu dân ý đã thay đổi Hiến pháp Ireland, từ đây mọi cuộc hôn nhân giữa hai người “không phân biệt giới tính” sẽ đều được coi là hợp pháp.
“Ngày hôm nay Ireland đã làm nên lịch sử. Bằng việc bỏ phiếu kín, mọi người đã đưa ra một tuyên bố công khai”, Thủ tướng Enda Kenny phát biểu trong một cuộc họp báo.
“Quyết định này khiến cho mọi công dân đều bình đẳng, và tôi tin rằng nó sẽ củng cố định chế hôn nhân”, ông Kenny khẳng định.
Kết quả bỏ phiếu này là chương mới nhất trong cuộc xung đột văn hóa sâu sắc có quy mô rộng khắp toàn cầu. Trong khi hôn nhân đồng giới đang trỗi lên mạnh mẽ ở nhiều phương Tây, được công nhận là hợp pháp ở 19 quốc gia, thì ở phần lớn khu vực Trung Đông, tình dục đồng tính vẫn bị coi là phạm pháp và quyền của người đồng tính liên tục bị xâm phạm ở Nga và nhiều nước châu Phi.
Kết quả bỏ phiếu cũng khiến nhiều người bất ngờ. Không ít người từng dự đoán cuộc trưng cầu dân ý sẽ cho thấy sự chia rẽ thế hệ, thế nhưng những người ủng hộ lại đến từ nhiều lứa tuổi, giới tính, khu vực địa lý, mức thu nhập khác nhau.
Với những nhà hoạt động lớn tuổi, thời khắc này đánh dấu một bước phát triển có ảnh hưởng mạnh mẽ ở Ireland. Đối với thế giới, nó cho thấy phong trào đòi quyền cho người đồng giới đã vươn xa đến thế nào khi đạt được bước tiến có ý nghĩa lớn lao như vậy ở đất nước có lịch sử là một thành trì tôn giáo vững chắc.
“Suốt thời tuổi trẻ của tôi, hồi niên thiếu rồi thanh niên, là một người đồng tính có nghĩa là mang tội hình sự”, ông David Norris, thượng nghị sĩ 70 tuổi và cũng là một nhà hoạt động lâu năm cho biết.
“Có một sự im lặng đối với chủ đề này”, ông nói. “Nó không được nhắc đến trên mặt báo, không được nhắc đến trên các phương tiện truyền thông phát sóng. Rồi có cả nỗi sợ bị khởi tố hình sự, bị nhốt vào bệnh viện tâm thần, mất việc làm, bị hủy hoại về mặt xã hội. Đó là một tình huống kinh khủng”.
Hôn nhân đồng giới nhận được sự ủng hộ rộng khắp trong giới chính trị, trong đó phải kể đến sự ủng hộ của Thủ tướng Kenny của đảng trung hữu Fine Gael, đối tác của ông trong liên minh với đảng Lao động, và đảng đối lập Sinn Fein.
Alex White, Bộ trưởng Truyền thông Ireland, khẳng định: “Kết quả này không thay đổi Ireland, mà xác nhận sự thay đổi đó. Chúng tôi không còn bị coi là nhà nước chuyên chế như có lẽ từng bị cho là như vậy trước đây. Kết quả này cũng đánh dấu sự phân tách thật sự giữa nhà nước và nhà thờ”.
Các nhà hoạt động vì quyền cho người đồng tính trên khắp thế giới cũng khẳng định chiến thắng này là một cột mốc quan trọng.
“Tôi cho rằng đây là thời khắc tạo cho Ireland một thương hiệu mới. Ireland không còn là đất nước bị vướng mắc trong truyền thống, mà là một đất nước có một truyền thống có tính dung nạp”, Ty Cobb, giám đốc quốc tế của chiến dịch Nhân quyền, một nhóm vận động ở Washington, đánh giá.
Chiến thắng của một chiến dịch chuyên nghiệp
Sự chuyển đổi hệ hình của Ireland từ một nền chính trị thần quyền trở thành người đi đầu về quyền cho người đồng tính là kết quả của một chiến dịch vận động bền bỉ của các nhà hoạt động xã hội. Họ đã xây dựng các mạng lưới nhóm ủng hộ trên khắp cả nước và khuấy động một phong trào cơ sở bằng hoạt động truyền thông năng nổ trên các phương tiện truyền thông xã hội mang lại thêm ít nhất là 100.000 người bỏ phiếu ủng hộ kể từ tháng 11 năm ngoái. Các nhà hoạt động đã đi gõ cửa hàng ngàn ngôi nhà, tổ chức các chiến dịch phát tờ rơi trên diện rộng, và dán poster vận động ở khắp nơi.
“Các nhà bình luận dường như không thấy được đây là cao trào của một chiến dịch mười năm nhằm làm thay đổi thái độ ở đất nước này”, Colm O’Gorman, Giám đốc điều hành của tổ chức Ân xá Quốc tế (Ireland) và là một nhà vận động hàng đầu về quyền cho người đồng giới, nhận xét.
Trước chiến thắng này, tổ chức đại diện cho phong trào đối lập, Viện Iona, chúc mừng phe ủng hộ vì đã xây dựng một “chiến dịch hết sức chuyên nghiệp, diễn ra từ rất lâu trước khi chiến dịch chính thức bắt đầu”.
Nhưng Viện này cũng không quên nói thêm “chúng tôi sẽ tiếp tục khẳng định ý nghĩa quan trọng của sự gắn kết sinh học, của vai trò làm cha, làm mẹ” và hối thúc chính phủ “giải quyết lo ngại của người bỏ phiếu thuộc phe phản đối về những tác động [của kết quả này] đến tự do tín ngưỡng và tự do lương tâm”.
Nick O’Connell, một người đồng tính 42 tuổi, đã uống mừng chiến thắng của phong trào trong một quán bar ở Dublin.
“Ngày hôm nay tôi nghĩ đến tất cả những người trẻ suốt bao năm qua đã bị chèn ép và phải tìm đến cái chết vì xu hướng tính dục của mình. Kết quả này cũng là dành cho cả họ nữa”.
Anh cũng nói thêm: “Kết quả này khác với kết quả ở các nước khác vì người trao nó cho chúng tôi là người dân, chứ không phải một cơ quan lập pháp”.
Lược dịch từ “Ireland Votes to Approve Gay Marriage, Putting Country in Vanguard” New York Times