Xã hội dân sự và phát triển quốc gia - Kỳ 1: Vốn xã hội
🎧Mời bạn nghe bản audio của bài này:Xã hội dân sự và phát triển quốc gia - Kỳ 1:
Sự chủ động và bài bản của tổ chức Cứu Trợ Đỏ Quốc Tế trong chiến dịch giải cứu Nguyễn Ái Quốc đã giúp dàn xếp được cho Nguyễn Ái Quốc một luật sư giỏi và đặt chính quyền Hong Kong vào thế kẹt về mặt pháp lý. Hậu trường chính quyền Anh khi đó cũng không đơn giản với những xung đột nội bộ về phương cách xử lý vụ việc này.
Luật sư Loseby và sự dàn xếp của Cứu Trợ Đỏ Quốc tế
Không có nhiều thông tin từ các học giả Anh – Mỹ hay trên mạng Internet về luật sư Frank Loseby, người hùng thường được nhắc đến trong các bài viết trên truyền thông dòng chính ở Việt Nam về cuộc chiến pháp đình của Nguyễn Ái Quốc ở Hong Kong.
Chúng ta chỉ có thể tạm hài lòng với vài thông tin: Tên đầy đủ của ông là Francis Henry Loseby. Ông sinh ngày 25 tháng 6 năm 1883 tại thị trấn nhỏ Market Bosworth, thuộc vùng Leicestershire miền Trung nước Anh[1].
Tại một thời điểm nào đó giữa hai cuộc thế chiến, luật sư Loseby quyết định rời Anh quốc ra đi tìm đường cứu chính bản thân mình. Vào thời điểm tháng 7 năm 1931, khi ông bắt đầu tham gia bào chữa cho Tống Văn Sơ, ông đã là là một luật sư 45 tuổi an cư lạc nghiệp tại Hong Kong cùng gia đình nhỏ của mình gồm vợ là bà Rose và cô con gái Patricia 6 tuổi.
Có nhiều lý giải được đưa ra về cách mà Loseby đã nhận bào chữa cho Nguyễn Ái Quốc/Tống Văn Sơ, nhưng lý giải đáng tin và nhận được nhiều nhất sự ủng hộ của các học giả khác có lẽ là lý giải của học giả Duncanson.
Bằng việc nghiên cứu chính tài liệu của Đảng Cộng Sản Đông Dương, Duncanson khẳng định là chính Quốc Tế Cứu Trợ Đỏ đã trực tiếp liên lạc và thỏa thuận thù lao với luật sư Loseby[2]. Việc Loseby được chọn tham gia vụ việc của Nguyễn Ái Quốc hoàn toàn không phải là tình cờ hay dựa vào mạng lưới quan hệ của cá nhân Nguyễn Ái Quốc ở Hong Kong, mà là một sự triển khai bài bản phương thức đấu tranh pháp lý dưới sự điều hành của cơ quan Cứu Trợ Đỏ Quốc Tế (International Red Aid) để đồng thời vừa bảo vệ pháp lý cho tù nhân chính trị cộng sản, vừa gây dựng hình ảnh cho phong trào cộng sản quốc tế. Cứu Trợ Đỏ do Quốc tế Cộng sản thiết lập và nắm hầu bao, vốn là một trong những cánh tay cầm thực vực đạo cho Quốc tế Cộng sản trên toàn thế giới vào thời điểm đó. Khi bị bắt ở Singapore, bản thân vị đặc vụ đãng trí Ducroix cũng nhận được sự trợ giúp pháp lý qua Cứu Trợ Đỏ.
Không có học giả Anh- Mỹ nào xác nhận việc luật sư Loseby đã nói với Tống Văn Sơ/Nguyễn Ái Quốc rằng “Tôi biết ngài là nhà lãnh đạo của phong trào cách mạng Việt Nam. Tôi sẽ bào chữa cho ngài vì niềm vinh dự, chứ không phải vì tiền”, theo như chi tiết được một số bài viết trên truyền thông dòng chính Việt Nam nhắc đến[3]. Chi tiết này có lẽ chỉ là một sản phẩm tuyên truyền mà chính dư luận Việt Nam cũng có nhiều hoài nghi.
Nhận lời mời của Cứu Trợ Đỏ Quốc Tế, luật sư Loseby lập tức bắt đầu can thiệp vào vụ việc của Tống Văn Sơ/Nguyễn Ái Quốc. Ông viết thư cho văn phòng thống đốc Hong Kong thẳng thừng cáo buộc chính quyền Hong Kong muốn dẫn độ trái phép Tống Văn Sơ về Đông Dương. Báo chí Anh tại Hong Kong cũng đã vào cuộc bất chấp nỗ lực “đi nhẹ, nói khẽ, cười duyên” của chính quyền thuộc địa. Vụ việc của Tống Văn Sơ đã được đẩy ra công luận quốc tế.
Xung đột ‘nội tâm’ của chính quyền Anh
Một chi tiết đáng được nhắc đến tại thời điểm này đó là xung đột giữa các ý kiến trái chiều tồn tại trong nội bộ chính quyền Anh về phương cách xử lý Tống Văn Sơ.
Lục lọi lại hồ sơ, giấy tờ của Bộ Thuộc Địa Anh (Colonial Office – CO) trong Thư viện lưu trữ quốc gia Anh, hai nhà nghiên cứu đồng thời là luật sư K. R. Handley và K. Lemecier đã tìm ra và sau đó trình bày một cách mạch lạc trong bài viết của họ, đăng trên tạp chí chuyên ngành luật Law Quarterly Review số tháng 4 năm 2008 của nhà xuất bản Sweet & Maxwell, các bằng chứng về một cuộc đấu tranh ‘nội tâm’ của chính quyền Anh khi đối diện với vấn đề Tống Văn Sơ/Nguyễn Ái Quốc.
Từ những bằng chứng do Handley và Lemecier phát hiện có thể thấy là việc tưởng tượng liên minh tình báo phương Tây như một thế lực độc ác với vòi bạch tuộc tác oai tác quái dễ dàng sai khiến chính quyền Hong Kong trục xuất Tống Văn Sơ có lẽ là một cái nhìn quá đơn giản và một chiều.
Bản thân nhóm ‘interpol’ Anh – Pháp mà viên cảnh sát Dickinson kể đến ở kỳ trước chỉ là một nhóm các nhân viên nhà nước có vai trò an ninh, điều tra, tình báo. Họ không đại diện cho các cơ quan chính thức có quyền, tiếng nói hay ảnh hưởng mang tính quyết định trong việc trục xuất hay dẫn độ Tống Văn Sơ.
Ở Hong Kong, quyền đưa ra quyết định trục xuất thuộc về văn phòng Thống đốc Hong Kong khi ấy là Ngài (Sir – người được Hoàng gia Anh phong tước Hiệp Sỹ) William Peel. Bản thân Thống đốc Peel và nhiều trợ tá của ông xuất thân là nhân viên Bộ Thuộc Địa Anh (Colonial Office – CO) – cơ quan nhà nước có trách nhiệm xử lý các vấn đề thuộc địa.
Sắc lệnh Trục xuất năm 1917 quy định việc Thống đốc Hong Kong phải báo cáo cho CO nội dung thẩm vấn trục xuất và CO có quyền ra quyết định thả bất kỳ đối tượng nào đang bị chính quyền Hong Kong tạm giữ dưới Sắc lệnh này.
Như vậy, Thống đốc Peel, một nhân viên nhà nước mẫn cán, không thể tự tiện thả hay trục xuất Tống Văn Sơ mà không có ý kiến của CO.
CO đã nghe tin về Tống Văn Sơ trên báo chí từ hồi giữa tháng 6 năm 1931 và họ chủ động đề nghị Thống đốc Peel cập nhật diễn biến vụ việc.
Thống đốc Peel thư từ qua lại cho CO vừa để cập nhật tình hình, vừa đưa ra phương án giải quyết vụ việc của ông:
“Các tài liệu cho thấy Nguyễn Ái Quốc là một người cộng sản đang hoạt động tích cực. Người bị bắt từ chối việc ông ta là Nguyễn… Nhưng không nghi ngờ gì ông ta chính là Nguyễn… Ông ta chưa hề bị phát hiện phạm một tội nào theo luật địa phương và ngài Chưởng lý tư vấn là việc dùng biện pháp phóng trục (banishment) như một phương tiện để dẫn độ sẽ đi ngược lại với các nguyên tắc mà nhà nước Anh tuân thủ (principles observed by the British government) và vì thế không thể sử dụng trong trường hợp này… Tôi đề xuất là nếu hội đồng hành pháp (Executive Council) chấp thuận thì có thể đưa ra quyết định trục xuất Nguyễn rồi thả ông ta… từ nhà tù với chỉ dẫn là ông ta bắt buộc phải rời thuộc địa trong vòng bảy ngày. Các ngài có đồng ý?”[4]
Quả là một bất ngờ nho nhỏ: chính bản thân Thống đốc Hong Kong đ ã đề xuất trả tự do cho Tống Văn Sơ/Nguyễn Ái Quốc ngay khi chưa đụng tay đụng chân gì ngoài toà.
Ở đây, Thống đốc Peel nhắc đến ý kiến của một nhân vật mà các học giả Anh-Mỹ nghiên cứu về đề tài này chưa bao giờ để tâm đến: Ngài chưởng lý Hong Kong khi ấy, một Sir khác là Sir Chaloner Grenville Alabaster.
Chức vụ chưởng lý – attorney general trong truyền thống thông luật Anh – Mỹ, là người tư vấn và đại diện pháp lý cho chính quyền. Bình đẳng đứng trước pháp luật trong hệ thống thông luật, chính quyền có đại diện của riêng họ. Bản thân toà án trong hệ thống thông luật không có nghĩa vụ đại diện cho chính quyền. Quan toà trong hệ thống thông luật chỉ có nhiệm vụ trọng tài ngồi giữa nghe hai bên có quyền lợi trái ngược nhau (bất kể là nhà nước với thường dân hay thường dân với nhau), nghe họ tra hỏi, đối chất và tranh cãi với nhau, rồi sau đó quyết định vụ việc dựa trên luật, án lệ (nguyên tắc xử án kế thừa từ các vụ đã xử) và các bằng chứng mà hai bên đã đưa ra trước toà.
Với vai trò chưởng lý trong một môi trường pháp lý như thế, Ngài Alabaster có thể đưa ra những ý kiến quan trọng góp phần giúp Thống đốc Peel thực hiện vai trò quản lý và điều hành nhà nước thuộc địa một cách phù hợp nhất với luật pháp thuộc địa và luật pháp Anh, giảm thiểu khả năng các quyết định của ngài Thống đốc Hong Kong bị dân lôi ra tòa.
Ngài chưởng lý Alabaster đã đưa ra một ý kiến thuần pháp lý, không có dấu hiệu của lợi ích chính trị: theo đúng nguyên tắc của đạo luật Dẫn Độ năm 1870 thì nhà nước Anh không thể cho phép việc dẫn độ tù nhân phạm các tội chính trị. Việc trục xuất Nguyễn Ái Quốc bằng tàu của Pháp về Đông Dương chính là dùng biện pháp trục xuất như một phương tiện để dẫn độ gián tiếp cho chính phủ Pháp một tù nhân không phạm một tội nào ngoài việc anh ta mang một tư tưởng chính trị mà chính phủ Pháp căm ghét. Dùng biện pháp trục xuất để ‘lách luật’ như thế sẽ làm nhà nước Anh vi phạm những nguyên tắc của chính họ.
Ngài chưởng lý không nói ra những nguyên tắc này nhưng việc viện dẫn nó chính là viện dẫn đến những nguyên tắc đã được hình thành và trui rèn qua hàng trăm năm trong lịch sử nhà nước và lịch sử pháp luật vương quốc Anh.
Tới thời điểm này trong vụ việc, nếu đề xuất của Thống đốc Peel dựa trên ý kiến pháp lý của Ngài Chưởng lý Alabaster được CO chấp thuận thì câu chuyện pháp đình của chúng ta đã có thể được rút gọn đáng kể. Nhưng một thế lực khác xuất hiện: Bộ Ngoại giao Anh (Foreign Office – FO).
Ngày 28 tháng 07 năm 1931, FO chuyển cho CO tường trình của Đại sứ quán Pháp tại London. Ngài đại sứ Pháp tại Anh trịnh trọng nói rõ là việc trục xuất Nguyễn Ái Quốc “chắc chắn sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho ngài Toàn quyền Đông Dương thực hiện nhiệm vụ của mình“[5].
Handley và Lemercier không đi sâu vào bối cảnh lịch sử lúc đó nhưng học giả Duncanson đã bổ trợ những thông tin hữu ích: Thời điểm diễn ra những ‘tranh đấu nội tâm’ của chính quyền Anh[6]:
FO vì thế phải nhấn mạnh lợi ích của nhà nước Anh qua việc trục xuất người đang được xem là Nguyễn Ái Quốc. Họ muốn người Pháp hài lòng. Ngày 01 tháng 08, chính FO nêu ra ý kiến đề xuất với CO là Tống Văn Sơ/Nguyễn Ái Quốc phải bị trục xuất về Đông Dương. Phía CO không phải dễ dàng mà gật đầu với đề xuất này của FO.
Không chỉ Handley và Lemercier, hai học giả khác là William Duiker, người viết cuốn tiểu sử đồ sộ ‘Hồ Chí Minh – Một Cuộc Đời’ (‘Ho Chi Minh – A Life’) năm 2001, và Sophie Quinn-Judge, tác giả của ‘Hồ Chí Minh – Những Năm Tháng Chưa Biết Đến’ (‘Ho Chi Minh – The Missing Years’) năm 2003, cũng đều tìm thấy bằng chứng của những tranh cãi nội bộ giữa các viên chức CO. Nhiều người không đồng ý với đề xuất của FO, với lý do tương tự như Chưởng lý Hong Kong Alabastor đã đưa ra.
Một ví dụ của những ý kiến ủng hộ ngài Chưởng lý Hong Kong là ý kiến của nhân viên CO Walter Ellis (do học giả Sophie Quinn-Judge tìm thấy trong các tài liệu của CO). Ellis viết:
“Theo như tôi thấy, chúng ta không thể bắt ép ông ta [Nguyễn Ái Quốc] phải về Đông Dương vì nó tương tự như ra lệnh trục xuất một cựu quan chức chính quyền Sa Hoàng Nga và ép người đó phải về lại nước Nga Xô Viết.”
Ellis cũng nói thêm là nếu chính phủ Pháp thật sự có bằng chứng về việc Nguyễn Ái Quốc đã phạm một tội xứng đáng phải bị dẫn độ thì chính phủ Pháp đã đường hoàng gửi yêu cầu dẫn độ chính thức rồi.
Việc đi cửa sau của chính phủ Pháp làm các nhân viên CO phỏng đoán là chính phủ Pháp không có một căn cớ xác đáng nào cho việc tìm cách tóm Nguyễn Ái Quốc ngoài việc Nguyễn là một người cộng sản – và đó, theo cái nhìn của một số viên chức người Anh, là một chính kiến cá nhân chứ không phải là một tội phạm.
Tuy nhiên, việc chuyên viên pháp lý chính của CO là Harold Bushe đưa ra ý kiến tán đồng đề xuất của FO đã làm xoay chiều gió.
Quyết định chính thức của CO được chuyển cho Thống đốc Peel qua điện đài ngày 07 tháng 08 năm 1931: trục xuất Nguyễn Ái Quốc theo trình tự đã được đưa ra: tàu Pháp, về Đông Dương.
Quyết định này đã đẩy chính quyền Hong Kong tới việc dùng hình thức trục xuất để gián tiếp dẫn độ Nguyễn Ái Quốc về Đông Dương.
Thống đốc Peel không có lý do gì để hào hứng với chỉ đạo từ Anh quốc. Đề xuất ít phiền toái của ông đã bị bác bỏ. Ngoài ra thì ông cũng không có nhiều lựa chọn vì trước đó một tuần luật sư Loseby đã ‘tiên hạ thủ vi cường’ đưa chính quyền Hong Kong ra toà trước khi họ có một quyết định chính thức về việc trục xuất Tống Văn Sơ.
Ngày 31 tháng 07 năm 1931, trong một đơn kiện habeas corpus, bên nguyên Tống Văn Sơ yêu cầu Toà Thượng thẩm tối cao Hong Kong triệu tập bên bị Tổng đốc các nhà giam Hong Kong lên toà để tường trình lý do pháp lý của việc giam giữ Tống Văn Sơ/Nguyễn Ái Quốc mà không thông qua xét xử.
Pha tấn công chớp nhoáng của đội Nguyễn Ái Quốc đã buộc đội Hong Kong vào thế thủ.
Kỳ tới: Magna Carta và công cụ Habeas corpus
Kỳ trước:
Tài liệu tham khảo:
[1] http://www.williamdavidson.com/wc69/wc69_120.htm[2] “Ho-chi-Minh in Hong Kong, 1931-32” (Denis Duncanson) The China Quarterly, No. 57 (1974) at 92.[3] Ví dụ:: http://lsvn.vn/news/Ho-so/Lua-t-su-trong-vu-a-n-Nguye-n-A-i-Quo-c-o-Ho-ng-Kong-40/[4] “Ho Chi Minh and the Privy Council” (K.R.Handley & K.Lemercier) L.Q.R. 2008, 124(Apr), 318-330, at 318-319.[5] “Ho Chi Minh: A Life” (William Duiker) New York: Hyperion Press, 2000 at 203.[6] “Ho-chi-Minh in Hong Kong, 1931-32” (Denis Duncanson) The China Quarterly, No. 57 (1974) at 93-94.