Thư cuối tuần - 18/1/2025
Đây là Thư cuối tuần của Luật Khoa tạp chí. Thư tin này chỉ làm một việc đơn giản là
Sự bất cẩn của một nhân viên đặc vụ của Quốc tế Cộng sản ở Singapore đã làm lộ hoàn toàn thông tin của Nguyễn Ái Quốc ở Hong Kong, mở ra một trong những vụ án chính trị nổi tiếng nhất trong lịch sử Việt Nam.
Sai lầm của Ducroix
Để có cái nhìn toàn cảnh về cuộc tranh đấu pháp lý của Nguyễn Ái Quốc ở Hong Kong, bạn đọc thể bắt đầu bằng bài viết của học giả Dennis Duncanson: ‘Hồ Chí Minh ở Hong Kong 1931-32’, đăng trên tạp chí nghiên cứu The China Quarterly số tháng 1-3 năm 1974 của Đại học London.
Theo Duncanson, toàn bộ vụ việc bắt nguồn từ sự bất cẩn của một nhân viên đặc vụ Quốc tế Cộng sản.
Năm 1931, nhận được chỉ đạo của Quốc tế Cộng sản, đặc vụ Joseph Ducroix tới Singapore để giúp thắt chặt tổ chức điều hành đảng Cộng sản Mã Lai, đồng thời tìm tung tích khoản tiền 50,000 đô-la tài trợ của Quốc tế Cộng sản cho đảng này.
Dùng hộ chiếu dưới cái tên giả là Serge Lefranc, đặc vụ Ducroix đặt chân xuống cảng Singapore ngày 27 tháng 4 năm 1931.
Ducroix không biết rằng Sở Liêm Phóng Pháp (French Sûreté) – cơ quan tình báo của Pháp – đã đọc trộm được chỉ đạo của Quốc tế Cộng sản gửi cho mình.
Tình báo Pháp nhanh chóng ‘rỉ tai’ tình báo Anh. Hai quốc gia này đều có chung lợi ích trong việc đàn áp các tổ chức cộng sản vốn luôn có khuynh hướng đấu tranh bạo động trong phạm vi lãnh thổ và thuộc địa của họ. Tình báo Anh theo dõi và lần ra tung tích của Ducroix tại Singapore.
Cảnh sát chính quyền thuộc địa Mã Lai ngay sau đó bắt gọn Ducroix cùng 16 thành viên tổ chức đảng Cộng sản Mã Lai với cáo buộc tổ chức một hội nhóm không đăng ký với chính quyền.
Ducroix đã bất cẩn khi không tiêu huỷ các tài liệu mà ông ta đã vứt bỏ trong thùng rác tại khách sạn nơi ông ta cư ngụ.
Các giấy tờ tìm được từ Ducroix nhanh chóng được trao cho tình báo Anh và họ không mất nhiều thời gian để lần ra ngay một tài liệu quan trọng là một tờ danh sách ghi các địa chỉ liên lạc ở Hong Kong – một thuộc địa khác của Anh. Đặc biệt, họ tìm thấy nhiều lá thư được viết từ một địa chỉ nằm trong danh sách nói trên, một địa chỉ ở khu dân cư đông đúc Cửu Long (Kowloon).
Địa chỉ ở Cửu Long này chính là nơi trú ngụ của Nguyễn Ái Quốc, khi ấy đang hoạt động ở Hong Kong với bí danh Tống Văn Sơ (Sung Man Cho).
Tình báo Anh ở Singapore lập tức báo tin cho tình báo Anh ở Hong Kong với những thông tin họ vừa có được.
Hai lần bị bắt ở Hong Kong
Hai giờ sáng ngày 06 tháng 06 năm 1931, cảnh sát chính quyền thuộc địa Hong Kong ập vào một căn nhà tại khu Cửu Long và bắt gặp một người đàn ông tự xưng là Tống Văn Sơ.
Dựa vào giấy tờ, thư từ thu được tại địa chỉ nơi bắt giữ, cảnh sát thuộc địa Hong Kong nhanh chóng xác định người bị bắt chính là Nguyễn Ái Quốc, bất chấp việc ông ta khẳng định mình là Tống Văn Sơ.
Tống Văn Sơ bị bắt giữ tại chỗ với nghi vấn tuyên truyền phản động chống chính quyền Anh quốc, viện dẫn Sắc lệnh cấm xuất bản tài liệu phản động (Seditious Publications Ordinance 1914) do chính quyền thuộc địa Hong Kong ban hành năm 1914.
Liên minh tình báo các nước phương Tây cả mừng là họ đã nắm trong tay nhân vật Nguyễn Ái Quốc khét tiếng, nhà hoạt động cộng sản lão luyện, người sáng lập ra đảng Cộng sản Đông Dương vốn đang làm đau đầu nhà chức trách Pháp. Bản thân Nguyễn Ái Quốc đã bị triều đình Huế xử tử hình vắng mặt trong phiên xét xử số 115 ngày 10 tháng 10 năm 1929, chưa rõ tội danh.
Duncanson ghi nhận là thực ra bản án tử này của triều đình Huế đã bị bác với sự tư vấn của các quan tòa người Pháp. Nếu Nguyễn Ái Quốc được đưa về Việt Nam, ông sẽ được xử lại bởi toà án của chính phủ thực dân Pháp tại Đông Dương. Bản án mà tòa án đó đưa ra có thể là một án tử hình khác, hoặc một án tù đủ dài để vô hiệu hóa các hoạt động cách mạng của ông ta mà theo đó lịch sử có thể đã thay đổi hoàn toàn theo một hướng khác.
Trong thực tế thì lúc này, liên minh tình báo phương Tây cũng kịp nhận ra một điều phiền toái: đạo luật Dẫn Độ năm 1870 (Extradition Act 1870) do Hạ viện Anh ban hành không cho phép dẫn độ các nghi can phạm các tội mang tính chính trị ra khỏi lãnh thổ và thuộc địa Anh . Giữa Anh và Pháp lúc đó cũng không có hiệp ước riêng nào cho phép họ lách đạo luật dẫn độ này.
Trong tay chính quyền thuộc địa Hong Kong lúc đó cũng chưa có bằng chứng rõ ràng là Tống Văn Sơ/Nguyễn Ái Quốc đã phạm một tội hình sự nào trong phạm vi lãnh thổ Hong Kong để nhà cầm quyền thuộc địa có thể xử phạt và bắt giam ông.
Bản thân cảnh sát chính quyền thuộc địa Hong Kong có lẽ cũng nhận ra là họ đã ‘dục tốc bất đạt’ khi tiến hành bắt giữ Tống Văn Sơ. Chiếu theo Sắc lệnh cấm xuất bản tài liệu phản động 1914, để có thể bắt giữ nghi can một cách hợp pháp, nghi can và các tài liệu nghi vấn phản động thu giữ được từ nghi can đó phải được đưa ra trước một vị thẩm phán Tòa Vi cảnh (Magistrate).
Trong sáu ngày sau khi bắt Tống Văn Sơ, chính quyền Hong Kong đã giam giữ ông không có lý do chính đáng. Các tài liệu tìm được tại địa chỉ ở Cửu Long được đem đi dịch thuật nhưng bản thân Tống Văn Sơ và những tài liệu nghi vấn phản động tìm được ở chỗ ông không hề được đưa ra trước một vị thẩm phán Tòa Vi cảnh theo đúng luật.
Hoặc là bản thân cảnh sát Hong Kong phạm lỗi nghiệp vụ, hoặc là họ đánh bài liều là thể nào cũng tìm được tài liệu phản động tại nơi ở của Nguyễn Ái Quốc khi tiến hành bắt ông. Họ đã hoàn toàn bị hố sau khi kiểm tra các tài liệu của Tống Văn Sơ và nhận ra là nội dung những tài liệu này không đủ để cấu thành tội phạm dưới Sắc lệnh cấm xuất bản tài liệu phản động 1914. Điều này có vẻ dễ hiểu vì bản thân Nguyễn Ái Quốc chống thực dân Pháp tại Việt Nam chứ không chống chính quyền Anh tại Hong Kong.
Bất kể vì lý do gì, ngày 12 tháng 06 năm 1931, cảnh sát Hong Kong lẳng lặng bắt giữ… lại Tống Văn Sơ và bắt đầu tạm giam ông với một cơ sở pháp lý mới. Lần này họ không nhắc gì đến tài liệu phản động mà viện dẫn Sắc lệnh Trục xuất năm 1917 của chính quyền Hong Kong (Deportation Ordinance 1917).
Khoản 4(5) của Sắc lệnh Trục xuất năm 1917 cho phép việc tạm giam các đối tượng mà Thống đốc Hong Kong có lý do xác đáng để tiến hành thẩm định xem có nên trục xuất – còn gọi là phóng trục (banishment) – ra khỏi lãnh thổ Hong Kong hay không.
Có vẻ là liên minh tình báo phương Tây nhận ra rằng họ không thể dẫn độ Nguyễn Ái Quốc/Tống Văn Sơ nên cách tốt nhất là cho chính quyền Hong Kong tiến hành trục xuất Nguyễn/Tống và, theo đúng thủ tục trục xuất thông thường, yêu cầu bắt buộc Nguyễn/Tống phải rời Hong Kong trên một chuyến tàu của Pháp với điểm đến là Đông Dương, nơi sinh của ông.
Kỳ tới: Thẩm vấn trục xuất
Tài liệu tham khảo:
“Ho-chi-Minh in Hong Kong, 1931-32” (Denis Duncanson), The China Quarterly, No. 57 (1974) at 96-97.Extradition Act 1870 – Section 3(1).Deportation Ordinance 1917.Seditious Publications Ordinance 1914 –Section 9.Danh mục:Đón đọc: Nguyễn Ái Quốc – Thoát nạn ở Hong KongKỳ 1: Nguyễn Ái Quốc bị bắtKỳ 2: Thẩm vấn trục xuấtKỳ 3: Luật sư vào cuộc và xung đột nội tâm của chính quyền AnhKỳ 4: Magna Carta (Đại Hiến Chương)Kỳ 5: Công cụ Habeas CorpusKỳ 6: Cuộc chạm trán lịch sử ở Tòa Thượng ThẩmKỳ 7: Tranh cãi về hai lệnh trục xuấtKỳ 8: Phản kháng lệnh trục xuất thứ haiKỳ 9: Kháng cáo lên Viện Cơ mật Hoàng gia AnhKỳ 10: Trở về MoscowKỳ 11: Hồ Chí Minh và nền tư pháp độc lập AnhKỳ 13: Giá trị của một nền tư pháp độc lập với Việt NamKỳ 14: Tư pháp độc lập – Để lưỡi dao không giải quyết mọi thứCùng tác giả: Giới hạn của sự báng bổ