Xã hội dân sự và phát triển quốc gia - Kỳ 1: Vốn xã hội
🎧Mời bạn nghe bản audio của bài này:Xã hội dân sự và phát triển quốc gia - Kỳ 1:
Chúng ta tạm rời thương cảng Hong Kong năm 1931 để xuyên thời gian trở về một buổi trưa hè nóng nực ngày 15 tháng 06 năm 1215, trên cánh đồng cỏ Runnymede bao la bên bờ sông Thames của nước Anh. Ngồi trên chiếc ngai dựng tạm giữa đồng không mông quạnh của mình, vua John ngán ngẩm ngáp dài.
Đời không thể đen được hơn với vua John. Lãnh địa của ngài đang mất dần về tay gã hàng xóm của vua nước Pháp – Philip Đệ Nhị. Trong nỗ lực giữ vững bờ cõi, ngài lại không có một đội quân tập trung lớn mạnh nào mà phải dựa vào các đạo sứ quân của các vị lãnh chúa trên lãnh thổ vương quốc Anh. Ngài không chỉ dựa dẫm các vị lãnh chúa này về nhân lực mà còn dựa trên nguồn trợ giúp tài chính từ họ. Bản thân là người có quyền lực nhất vương quốc, vua John vẫn không thể thoát khỏi một thực tế của cuộc sống trung cổ Anh: không có tiền thì chắc phải lấy đất chọi nhau lúc ra trận.
Bản thân ngài John chưa bao giờ làm hài lòng con dân trong cõi vì thói quen điều hành độc đoán. Đã thế, ngài lại liên tục thất bại trong các chiến dịch quân sự của mình.
Chiến dịch năm 1214 thất bại thảm hại chỉ là giọt nước làm tràn ly. Những vị lãnh chúa sẵn đã ghét ngài nay không ngần ngại dùng vũ lực thể hiện sự bất tuân với nhà vua. Các sứ quân của những lãnh chúa bất tuân này nổi loạn, ra yêu sách bắt vua John phải tôn trọng hơn các quyền lợi của họ đã được hình thành và công nhận qua các triều vua trước.
Tiền không có, tình không có, ngồi trong xó, vua John bị dồn vào thế phải xem xét thương lượng với các sứ quân nổi dậy để bảo toàn vương triều của mình. Thua nhưng vẫn phải làm vua.
Đó là lý do ngài ngồi ngáp giữa cánh đồng hè tháng Sáu năm 1215.
Quá trình thương lượng đã diễn ra được năm ngày kịch liệt mà chưa có kết quả. Một phần cũng vì thực tế hỗn loạn bên phía các sứ quân: ngồi lại với nhau rồi họ mới phát hiện ra giữa họ gần như không có điểm chung nào ngoài việc họ ghét cay ghét đắng vua John.
Phải nhờ có sự can thiệp trợ giúp của giới tăng lữ lắm chữ là các vị giám mục Công giáo Anh, thoả thuận giữa hai bên mới dần thành hình và được ghi lại bằng tiếng Latin vào một miếng giấy da.
Thoả thuận bao gồm 64 điều này được sử sách gọi là Magna Carta (tiếng Latinh của từ Đại Hiến Chương) – văn bản được nhiều người xem là một trong những hình mẫu đầu tiên cho những bản hiến pháp quốc gia sau này của loài người.
Thoả thuận chính thức xác nhận một thực tế: nhà vua Anh, cụ thể là vua John, không có quyền lực tuyệt đối trên vương quốc của mình. Bản thân vua phải tuân theo thông tục và luật lệ lãnh thổ đã được hình thành và tôn trọng qua bao đời như bản thân các vị lãnh chúa. Bên cạnh việc giới hạn quyền hành của vua bằng các quy định về tài chính, ví dụ không cho phép vua ban hành thêm các loại thuế khoá mới mà không có sự đồng thuận của các vị lãnh chúa, Đại Hiến Chương khẳng định quyền của giới tăng lữ và quyền của bản thân các vị lãnh chúa.
Chắc hẳn ám ảnh về rủi ro một ngày không xa khi vương triều vua Anh vững mạnh trở lại và có thể ra tay trả thù cá nhân từng người trong số họ, các vị lãnh chúa đã nhấn mạnh các quyền cá nhân của mình trong Đại Hiến Chương. Các quyền cá nhân này chỉ dành cho người tự do (liber homo – freemen) là các vị lãnh chúa chứ không dành cho người làm công hay nô lệ, vốn là đa số dân chúng thời đó.
Nổi bật trong các quyền này là quyền không bị bắt bớ cầm tù một cách bất hợp pháp, được nêu trong điều khoản thứ 39:
“39. Nullus liber homo capiatur, vel imprisonetur, aut disseisiatur, aut utlagetur, aut exuletur, aut aliquo modo destruatur, nec super eum ibimus, nec super eum mittemus, nisi per legale judicium parium suorum vel per legem terre.”
Tạm dịch: “39. Không người tự do nào có thể bị bắt hoặc bị cầm tù hoặc bị tước đoạt tài sản, cấm đoán, lưu đày, hoặc bằng bất kỳ cách nào khác bị tước đoạt phẩm giá, chúng ta đồng thời cũng sẽ không trấn áp hay cử người trấn áp bất kỳ người nào trừ phi dựa trên quyết định hợp pháp từ đồng đẳng của người đó hoặc dựa trên pháp luật của đất nước”.
Bản thân Magna Carta trong thời đại của nó chưa bao giờ được nhìn nhận là một bản hiến pháp hoàn chỉnh – một tập hợp tất cả các quy tắc hoặc tiền lệ được hoạch định và soạn thảo bài bản mà một chính quyền nhà nước phải tuân theo. Trong bối cảnh lịch sử như đã nêu, nó chỉ đơn giản là một nhánh ô-liu giữa rừng gươm đao, một bản hòa ước giữa một vị vua thất thế và một tập hợp các lãnh chúa nổi loạn.
Với vai trò một bản hòa ước, Magna Carta không bao giờ hoàn thành sứ mạng của nó. Cả hai bên chưa bao giờ thực sự tin tưởng lẫn nhau. Không đầy ba tháng sau khi ký bản hòa ước, nhánh ô-liu lụi tàn, nội chiến nổ ra giữa vương triều vua John và các sứ quân lãnh chúa.
Không đủ trình bằng Đinh Bộ Lĩnh, vua John bó tay trước các sứ quân và uất ức mà chết trong một cơn bạo bệnh hơn một năm sau cuộc họp trên đồng cỏ Runnymede. Magna Carta đã chưa bao giờ được tuân thủ.
Tuy nhiên, tính cách mạng của Magna Carta nằm ở chỗ nó là văn bản quy tắc/luật thành văn đầu tiên trong lịch sử vương quốc Anh. Hai phe đặt bút ký có thể đã không tuân theo nó nhưng việc họ đồng ý với nội dung của Đại Hiến Chương khi nó được soạn thảo cho thấy những nội dung đó nhận được sự đồng thuận lớn nhất từ những thế lực mạnh nhất trên lãnh thổ vương quốc Anh khi ấy.
Những nội dung đó có thể đã được đồng thuận và công nhận trong thực tế từ bao đời vua và lãnh chúa trước, nhưng chúng chưa bao giờ được ghi thành văn bản và được xác nhận công khai với sự đồng thuận được ghi nhận trên văn bản giữa những phe phái quyền lực nhất trong vương quốc. Nhiều nội dung trong Magna Carta vì thế vẫn tồn tại và được các thế hệ vua quan và lãnh chúa đời sau của Anh quốc công nhận và áp dụng.
Đặt bút ký và đóng dấu ấn chương của mình lên mảnh giấy da, có lẽ vua John đang bận bịu lo nghĩ làm cách nào để lật kèo sau khi đám lãnh chúa xuống nước, hơn là nhận ra rằng ông đã đặt một nền tảng nhất định cho sự ra đời và hình thành của một quyền con người quan trọng có ý nghĩa lịch sử to lớn. Nền tảng này vài thế hệ sau sẽ góp phần “truyền nội công” để hoàn thiện một công cụ pháp lý lừng danh tại Anh vốn hàng trăm năm sau đó sẽ giúp cứu mạng một nhà hoạt động của một đất nước châu Á xa xôi: Nguyễn Ái Quốc.
Kỳ tới: Công cụ Habeas Corpus
Kỳ trước: