Thư cuối tuần - 18/1/2025
Đây là Thư cuối tuần của Luật Khoa tạp chí. Thư tin này chỉ làm một việc đơn giản là
Đối với cảnh sát Trung Quốc, chẳng vấn đề gì khi người đàn ông họ bắt giữ vào tháng 8 năm 2013 nhiều tuổi hơn người họ đang truy nã gần 20 tuổi. Các viên chức cảnh sát này cũng chẳng buồn màng đến chi tiết số điện thoại và tên người đàn ông này khác hẳn với số điện thoại và tên đối tượng bị tình nghi, hay ông một mực khẳng định mình vô tội.
Một tuần sau khi bị bắt giữ, sau những cuộc thẩm vấn sử dụng hình thức trói gô tay rồi treo đối tượng lên, và đánh đập đến khi đối tượng bất tỉnh nhân sự, họ cũng có được điều mình muốn từ người đàn ông tên Chen Jianzhong, một người buôn rau củ không biết chữ ở tỉnh lân cận: dấu điểm chỉ của ông trên bản thú tội dài hàng trang viết sẵn.
“Tôi lúc đó nửa tỉnh nửa mê, nên gần như chẳng nhớ được điều gì”, ông Chen, 51 tuổi, phải ngồi tù hơn 17 tháng trước khi được minh oan và phóng thích, cho biết.
Ở một đất nước có tỷ lệ kết án cao nhất thế giới, các công tố viên và cảnh sát Trung Quốc hiếm khi để lọt vụ nào. Ở Wutinan, một cộng đồng làm nông có đời sống tương đối khấm khá, thuộc tỉnh ven biển Fujian, nơi ông Chen về nhà hồi tháng 2 và được chào đón như anh hùng, mọi người ai cũng tin mình biết nguyên do: Nhiều bản kết án ở Trung Quốc dựa trên lời khai nhận mà theo các luật sư, chuyên gia pháp lý và bị cáo, là được lấy thông qua hình thức bức cung.
Sự phổ biến của các bản khai cưỡng ép từ lâu đã là nỗi hổ thẹn của chính quyền Trung Quốc, nhất là sau khi chính quyền nước này đã ký Công ước quốc tế về Chống tra tấn vào năm 1988. Sau khi một loạt những vụ người vô tội bị tống giam và bỏ tù cho đến chết được vén mở, các nhà lãnh đạo Trung Quốc liên tục hứa hẹn sẽ cải thiện hệ thống tư pháp. Chủ tịch Trung Quốc Xi Jinping (Tập Cận Bình) thậm chí đã đưa cải cách pháp lý trở thành một thành phần trong “Giấc mơ Trung Quốc” của mình, nỗ lực củng cố thiện cảm của người dân dành cho Đảng Cộng sản thông qua việc nâng cao hiệu quả hoạt động của chính phủ.
Trong những năm trở lại đây, cơ quan lập pháp và tòa án tối cao của nước này đưa ra một số quy định cấm các tòa án sử dụng chứng cứ thu được bằng các hình thức bức cung. Các trại tạm giam phải lắp camera theo dõi để tránh tình trạng sử dụng nhục hình.
Tuy nhiên, theo các luật sư và nhà hoạt động nhân quyền Trung Quốc, những biện pháp này không mấy tác động đến một hệ thống cảnh sát vốn coi việc lấy lời khai là việc chính của mình.
“Trừ khi bị cáo bị chết hoặc bị thương nặng trong quá trình thẩm vấn, còn lại gần như cảnh sát chẳng phải chịu hậu quả gì”, Maya Wang, một nhà nghiên cứu người Trung Quốc ở tổ chức Human Rights Watch cho biết. Mới đây tổ chức này đã đưa ra một báo cáo ghi lại những vụ người tình nghi bị kết án dù cho biết đã bị dùng nhục hình trong quá trình thẩm vấn. “Ngoài ra, cảnh sát cũng ngày càng khéo léo hơn trong việc gây đau đớn mà không để lại những vết thương nghiêm trọng”.
Sử dụng những hồ sơ mới từ phía tòa án, Human Rights Watch thấy rằng trong quá trình xử án, các thẩm phán thường lờ đi các dấu hiệu tra tấn, dù “quy định loại bỏ” được thông qua năm 2012 đã yêu cầu các tòa án không được sử dụng những chứng cứ thu thập được bằng hình thức bức cung, nhục hình.
Báo cáo rà soát 432 bản kết án trong đó người bị tình nghi cho biết mình đã bị đối xử bất công trong thời gian một năm trở lại đây. Trong số các bản án này, thẩm phán chỉ gạt chứng cứ ở 23 vụ, và vẫn từ chối tuyên trắng án cho bị cáo.
“Hệ thống luật pháp Trung Quốc không làm tốt công tác sửa sai”, bà Wang nhận định.
Dù chính phủ đã thề hứa, song sự tồn tại dai dẳng của các cuộc thẩm vấn cưỡng ép và khai dối sẽ là một trong những thách thức cơ bản nhất mà Đảng Cộng sản Trung Quốc phải đối mặt khi đưa luật vào thực tế. Bộ máy an ninh quyền lực của đất nước này đang được hưởng thẩm quyền rộng khắp trong việc thực thi nhiệm vụ thúc đẩy sự ổn định xã hội.
Sự mong đợi kết quả “thực thi công lý” từ phía công chúng trong các vụ trọng án cũng gây áp lực buộc lực lượng hành pháp phải săn lùng và trừng phạt kẻ thủ ác. Năm 2013, theo số liệu của chính phủ, tỷ lệ tuyên trắng án ở các tòa án Trung Quốc chỉ ở mức 0,007%.
Guo Zhiyuan, giáo sư luật hình sự của trường Đại học Luật và Khoa học chính trị Trung Quốc, cho biết, luật loại bỏ chứng cứ đã làm giảm đáng kể các cuộc thẩm vấn sử dụng nhục hình. Tuy nhiên, theo bà, chính phủ Trung Quốc chưa sẵn sàng áp dụng nhiều hình thức bảo vệ pháp lý rộng hơn cho bị cáo, trong đó có quyền im lặng và cho phép luật sư tham gia buổi thẩm vấn.
Các luật sư phía bị cao cho biết những vụ bức cung, sử dụng nhục hình tồi tệ nhất là những vụ liên quan đến tội phạm có tổ chức, người bất đồng chính kiến, và người bị tạm giam ở Tibet (Tây Tạng) và Xinjiang (Tân Cương). Chiến dịch Quốc tế vì Tây Tạng đã lên danh sách 14 người được cho là đã chết khi bị cảnh sát giam giữ kể từ năm 2009 ở vùng đất này.
Trong phiên tòa cuối năm 2014 ở tỉnh Guangdong (Quảng Đông), toàn bộ 32 người bị tình nghi có liên quan đến một sới bạc trái phép khai trước tòa rằng cảnh sát đã tra tấn, buộc họ phải ký vào các biên bản khai nhận soạn sẵn. Thế nhưng, những lời khai này vẫn không lay chuyển được các thẩm phán.
Trong suốt phiên xử, Vincent Wu, một doanh nhân người Mỹ bị buộc tội là chủ sới, đã kể lại việc cảnh sát treo ông lên trần nhà thế nào, đánh đập ông bằng gậy, bắt ông chịu đói, và sốc điện ông ra sao. “Đến khi ký vào bản khai nhận, ông đã gần như mất ý thức rồi”, con gái ông, Anna Wu nói trong một cuộc phỏng vấn.
Theo các chuyên gia pháp lý, mấu chốt của vấn đề nằm ở hệ thống tư pháp do đảng điều hành của Trung Quốc. Trong hệ thống này, cảnh sát, công tố viên và thẩm phán cùng hợp tác với nhau để đảm bảo phá án thành công. Vì vậy, ngay cả khi có chứng cứ không thể chối cãi cho thấy bị cáo vô tội, các thẩm phán Trung Quốc sẽ vẫn ngồi lại với công tố viên tìm cách khép bị cáo vào một tội danh nào đó để không phải tuyên trắng án – một quyết định có thể làm cảnh sát phải bẽ mặt và mở ra cánh cửa để bị cáo đòi bồi thường.
Nhiều sở cảnh sát địa phương thiếu chuyên gia điều tra và chuyên gia pháp y thu thập chứng cứ, bởi phương pháp tiếp cận của Trung Quốc trong vấn đề giải quyết tội phạm từ lâu thường chuộng lời khai.
“Dùng lời khai để giải quyết vụ việc là cách đơn giản và thuận tiện nhất”, He Jiahong, giám đốc Viện nghiên cứu Luật Chứng cứ (Law of Evidence Research Institute) tại đại học Renmin Beijing (Bắc Kinh), cho biết. “Các cảnh sát còn truyền tai nhau rằng tra tấn giống như đậu phụ thối vậy, mùi thì rất kinh nhưng ăn thì rất ngon. Cứ dùng nó thôi và vụ án sẽ khép lại”.
Đây hẳn là những gì mà cảnh sát nghĩ khi họ bắt ông Chen. Khi ba cảnh sát tuyên bố ông bị truy nã vì sản xuất thuốc lá giả ở Raoping, một hạt ở tỉnh Guangdong, ông Chen bật cười.
“Chắc chắn là các anh bắt nhầm người rồi”, ông nói với họ và giải thích công việc khiến ông phải đi từ Việt Nam đến biên giới phía Bắc của Trung Quốc, nhưng ông mới chỉ đặt chân đến Raoping một lần – hồi những năm 1990.
Sau khi bị giải đi 1.300 dặm về phía Nam, ông Chen bị thẩm vấn suốt đêm trong tầng hầm ở đồn cảnh sát Raoping. Ông cho biết mình đã bị treo trong tư thế “máy bay treo” – hai tay bị dang dài, và buộc vào tường, chân cách sàn vài inch. Để ông biết thế nào là đau, những người thẩm vấn bắt ông mặc một chiếc áo có cát.
“Tôi cảm thấy như ngực và đầu mình nổ tung”, ông nhớ lại.
Quá đau đớn – và lại được hứa hẹn rằng ông sẽ được trả tự do – ông Chen đồng ý điểm chỉ vào một bản khai nhận đã được soạn sẵn. Ông ngồi tù bảy tháng tại một trại giam hôi hám, khiến hai cẳng tay không được chữa trị của ông bị nhiễm trùng nặng.
Bảy tháng sau, nhờ sự may mắn hiếm có, ông được dẫn ra một phiên tòa, tại đây hai người được cho là đồng lõa với ông nói họ đã bắt nhầm người. Sau lời xác minh rõ ràng này, không hiểu vì sao ông Chen vẫn bị giam giữ thêm gần một năm nữa. Đến bây giờ ông gần như vẫn không thể cầm nổi cốc vì đôi bàn tay đã thành tật của mình.
Từ khi được thả, ông Chen đòi cảnh sát phải xin lỗi và mở một cuộc điều tra những người đã tra tấn ông. Ông biết ông có rất ít cơ may đạt được điều mình muốn. “Tôi chỉ là một người bán rau”, ông nói. “Tôi có thể làm gì chứ?”
Trong một cuộc nói chuyện qua điện thoại, người hiện đang điều hành bộ phận điều tra hàng giả cho biết ông không biết nhiều về vụ việc này, những người tiền nhiệm đã đổi sang công việc khác. Văn phòng công tố ở Raoping thì kém nhiệt tình hơn. Người trả lời điện thoại thẳng thừng gạt phăng câu hỏi của phóng viên.
“Nếu các anh các chị muốn đặt câu hỏi”, ông ta chế nhạo, “thì đến đây”.
Lược dịch từ Conviction Rates Count More in Chinese Justice Than Innocence, New York Times