‘Từ giờ thứ sáu đến giờ thứ chín’ - vết thương sâu hoắm của chiến tranh
Những con người bị cuộc chiến cuốn trôi.
Nguyễn Minh Đức Khi học luật ở Việt Nam, tôi vẫn được các giáo viên dạy: Ở các nước theo truyền thống common law thì án lệ là một nguồn của pháp luật, còn ở Việt Nam thì chúng ta không công nhận điều này.
Nguyễn Minh Đức
Khi học luật ở Việt Nam, tôi vẫn được các giáo viên dạy: Ở các nước theo truyền thống common law thì án lệ là một nguồn của pháp luật, còn ở Việt Nam thì chúng ta không công nhận điều này.
Khi tôi đi học luật tại một quốc gia common law, tôi có tranh luận vấn đề này với một vị giáo sư người Mỹ: “Tại sao Hoa Kỳ lại coi án lệ là một nguồn của pháp luật?” Ông ấy trả lời: “Thực ra chẳng có văn bản chính thức nào của nước Mỹ coi án lệ là nguồn của pháp luật, từ Hiến pháp cho đến tất cả các luật khác. Nhưng chúng tôi vẫn căn cứ vào án lệ để xét xử là bởi nguyên tắc stare decisis.”
Nguyên tắc stare decisis thì dân luật chúng tôi ai cũng hiểu, đó là việc các vụ án giống nhau thì tòa phải phán xét giống nhau. Ví dụ, trong vụ việc trước, tòa án công nhận một hợp đồng viết qua email là có hiệu lực. Nếu sau này gặp một vụ việc khác tương tự như vậy, tòa án buộc phải coi hợp đồng viết qua email là có hiệu lực.
Ông giáo sư nói: “Nguyên tắc này rất hiển nhiên”. Nếu hai vụ án giống nhau mà tòa án xét xử khác nhau thì tòa án trở nên tùy tiện, muốn xét xử thế nào cũng được. Hệ quả là, pháp luật trở nên hỗn loạn. Nếu tòa án muốn xét xử vụ việc sau khác đi, tòa sẽ phải làm một trong hai việc: (1) tòa phải chỉ ra và giải thích sự khác biệt căn bản của 2 vụ việc dẫn đến kết quả xét xử khác nhau; hoặc (2) đưa vụ việc lên tòa án cấp trên. Tòa án cấp dưới bị ràng buộc bởi các bản án trước đó của mình và của tòa cấp trên, trong khi tòa cấp trên chỉ bị ràng buộc bởi bản án của chính mình, chứ không bị ràng buộc bởi bản án của tòa cấp dưới. Riêng tòa án tối cao thì không bị ràng buộc.
Về Việt Nam làm việc trong lĩnh vực pháp luật, tôi được nghe một vị thẩm phán tâm sự. Trong một vụ án, ông được Chánh án chỉ đạo là phải xét xử cho bên nguyên thắng kiện. Ông đã đồng tình và làm theo. Sau đó ít lâu, ông được phân công xét xử một vụ việc khác có nội dung hoàn toàn tương tự với vụ việc trước, nhưng lần này được Chánh án chỉ đạo là xử cho bên bị thắng kiện. Vị thẩm phán này thấy nếu làm như vậy thì mình là người tiền hậu bất nhất nên đã cáo ốm để khỏi phải nhận vụ việc này.
Câu chuyện để lại cho tôi nhiều suy nghĩ, bởi số lượng thẩm phán hành xử một cách có liêm sỉ như vị thẩm phán trên rất ít. Chuyện các thẩm phán “tiền hậu bất nhất” diễn ra khá phổ biến.
Trong một cuộc trò chuyện khác, tôi ngồi với một thẩm phán người Pháp, một đất nước theo truyền thống civil law. Tôi hỏi: “Ở Pháp không có nguyên tắc stare decisis cứng nhắc như ở Mỹ, vậy có khi nào thẩm phán xét xử vụ việc sau tương tự nhưng lại phán quyết khác vụ việc trước đó không?” Vị thẩm phán đó trả lời: “Ở Pháp, các vụ án trước đó chia thành 2 loại. Một số bản án được công nhận và tất cả các thẩm phán sau này buộc phải tuân theo. Còn các bản án khác thì không bắt buộc như vậy.”
Vị thẩm phán đó nói tiếp: “Nhưng trên thực tế, dù không bắt buộc nhưng việc phán quyết khác đi là vô cùng hiếm. Bởi nếu làm như vậy, vị thẩm phán đó sẽ phải giải trình rất rõ lý do, nếu giải trình không thuyết phục thì sẽ phải đối mặt với nguy cơ không được tiếp tục làm thẩm phán.”
Nghị quyết 49 của Bộ Chính trị về Cải cách tư pháp, Luật Tổ chức tòa án 2014 đã khẳng định Việt Nam sẽ đi theo mô hình của Pháp. Tòa án tối cao sẽ lựa chọn một số bản án và biến nó trở thành tiền lệ bắt buộc áp dụng.
Nhưng điều tôi lo lắng không phải ở số đó, mà chính là ở số còn lại. Nếu các bản án không được tập hợp và công khai trong một cơ sở dữ liệu chung, nếu thẩm phán không viết rõ lập luận của mình trong bản án, và nếu không có cơ chế chịu trách nhiệm khi thẩm phán “tiền hậu bất nhất” thì những câu chuyện như của vị thẩm phán còn liêm sỉ trên vẫn chỉ là chuyện hiếm gặp.
Hệ thống pháp luật Việt Nam vẫn sẽ hỗn loạn.