‘Từ giờ thứ sáu đến giờ thứ chín’ - vết thương sâu hoắm của chiến tranh
Những con người bị cuộc chiến cuốn trôi.
Nguyễn Anh Tuấn
Viết tặng ông Sự nhân dịp ông từ nhiệm.
Tuần qua trên các trang báo tràn ngập thông tin về việc từ nhiệm của ông Nguyễn Sự sau hơn 20 năm đứng đầu thành phố Hội An qua các chức danh chủ tịch rồi bí thư.
Người ta chú ý đến việc từ nhiệm của Nguyễn Sự, phần vì lúc nắm quyền ông có tiếng là liêm khiết, trong sạch và gần dân, phần vì chuyện từ chức trong văn hóa công quyền của Việt Nam quá hiếm hoi, nếu so với tình trạng chạy chức, ngược lại, rất phổ biến.
Tuy nhiên, việc ai nấy đều tỏ ra tiếc nuối khi một lãnh đạo có tiếng liêm khiết như ông Sự về hưu, gợi ý rằng cách đánh giá giới chính khách nước ta dường như vẫn chưa thoát khỏi khuôn khổ Nho gia về quan quyền, vốn đề cao đạo đức cá nhân hơn là hiệu quả chính sách.
Điều này đôi khi chưa hẳn đã tương xứng với khí khái dám làm dám chịu, có dáng dấp chính khách của ông Sự. Thật vậy, trả lời câu hỏi về kỳ vọng đối với người sẽ thay thế vị trí của mình, ông Sự rất sòng phẳng với di sản của ông đối với Hội An:
“Trong gánh nặng tôi để lại cho anh em lớp sau vàng có, thau có, thậm chí rác rưởi cũng có, bây giờ anh em tiếp tục sàng lọc. Tôi kỳ vọng anh em sẽ làm tốt hơn, đột phá hơn mình, nhưng mà vẫn là Hội An.”
Chính khách là một nghề nghiệp, mà sản phẩm cung ứng cho xã hội của nó là các chính sách công. Nguyễn Sự với tư thế chính khách của ông, hẳn sẽ rất buồn nếu người ta cứ đi bàn tán chuyện ông có nhận hối lộ hay không – vốn là chuẩn mực đạo đức căn bản của bất kì ai – mà phớt lờ đi sản phẩm chính từ nghề nghiệp của ông: các chính sách công đối với địa phương mà ông quản lí. (Như một Bá Nha sẽ buồn biết mấy nếu Tử Kỳ nghe đàn xong lại cứ chăm chăm bàn luận chuyện Nha có hành xử theo tam cương ngũ thường hay không, mà chẳng đoái hoài gì đến thứ ông ấy tâm đắc nhất là tiếng đàn.)
Nếu nhìn dưới góc độ đó thì rõ ràng bên cạnh những lời ngợi khen dành cho các quyết sách gìn giữ Hội An của ông như không dùng túi nilon, mở phố đi bộ, khuyến khích đi xe đạp… cũng cần đánh giá lại một số di sản khác từng gây tranh cãi của ông.
Chẳng hạn, Nguyễn Sự từng cấm massage với lời bộc bạch: “Thực ra mà nói thì massage bản thân nó không xấu. Nhưng vì nó biến tướng, có lúc dữ dội, nên tôi cấm. Đâu phải cái gì cũng quản lý được, không quản lý được tôi dứt khoát cấm.” Khi pháp quyền dần trở thành nguyên tắc hàng đầu chi phối mọi hoạt động của cơ quan công quyền, tư duy “không quản được thì cấm” của Nguyễn Sự rõ ràng là không thể nào còn phù hợp.
Hay lý giải cho quyết định cấm nữ cắt tóc nam ở Hội An, Nguyễn Sự nói: “Tôi vẫn nói đùa là đứng bên trái ngoáy tai bên phải, làm sao mà không sinh sự được…. Nên cấm.” Quản trị xã hội bằng những lệnh cấm nhất thiết cần dựa vào nhiều lập luận hơn là chỉ một suy diễn cảm tính như trên. Nhà nước, mà ông là một người đại diện, về bản chất, không gì khác hơn một công cụ bảo vệ các quyền tự do của người dân, trong đó có tự do theo đuổi nghề nghiệp, miễn sao không xâm phạm đến lợi ích của người khác một cách có thể chứng minh được.
Thực ra, cũng có báo đã dẫn chứng hai ví dụ trên nhưng nhanh chóng kết luận rằng, “lệnh cấm nào cũng bị dân phản đối nhưng rồi thực hiện lâu dần thành thói quen, người dân lại quay sang ủng hộ”. Trong một xã hội đa nguyên về quan điểm, cụm từ ‘nhân dân’ không nên được nhân danh một cách dễ dàng như vậy. Ngay cả khi toàn bộ dân cư Hội An, ngoại trừ những cô gái làm nghề hớt tóc, đồng tình với lệnh cấm ‘nữ cắt tóc nam’ đi chăng nữa cũng không thể giúp điều luật này hợp hiến và hợp lí, vì nguyên lí thiểu số phục tùng đa số bắt buộc phải dừng lại trước những quyền tự do bất khả xâm phạm của các cá nhân – dù đó chỉ là một cá nhân.
Diễn ngôn nhân danh ‘nhân dân’ như trên cùng với sự phổ biến của quan niệm quan-dân trong những thảo luận công cộng của chúng ta chứng tỏ khuôn khổ Nho gia, vốn từng đặt nền tảng cho cả ngàn năm khoa cử quan trường Việt Nam, vẫn còn ảnh hưởng sâu đậm đến văn hóa chính trị đương thời. Trong cái văn hóa chính trị đó, người dân được coi như một khối thống nhất chỉ có một quan điểm mà mất đi vẻ đa dạng phong phú về góc nhìn mà họ vốn có; trong khi những người nắm giữ quyền lực vẫn chưa được nhìn nhận như đang hành nghề chính trị chuyên nghiệp mà vẫn còn phảng phất bóng dáng quan quyền khanh tướng với những chuẩn mực khe khắt về đạo đức – dĩ nhiên không xấu, chỉ là chưa đủ, cho một thời đại đòi hỏi mỗi vị trí đều phải được chuyên nghiệp hóa như hiện nay.
Giờ thì ông Sự đã về hưu, ngày ngày tản bộ đạp xe quanh một Hội An có nhiều dấu ấn của ông. Dẫu sao thì nhiều người Hội An (và những nơi khác nữa) sẽ giữ trong lòng hình ảnh đẹp về một ông ‘quan’ vẫn thanh liêm cương trực, ‘lo trước vui sau thiên hạ’ trong thời buổi kim tiền lên ngôi, xáo trộn mọi chuẩn mực đời sống. Sẽ có chút luyến tiếc gì đó cho ‘những người muôn năm cũ’, tuy nhiên, cuộc sống thì vẫn phải đi tới. Hội An, và cả Việt Nam nữa, muốn đích đến của cuộc đi tới đó là thịnh vượng phồn vinh, cần một thế hệ chính khách mới mà những chuẩn mực đạo đức căn bản như không nhận phong bì chỉ nên được coi là điều kiện cần; biết tìm kiếm, lựa chọn, quyết định và thi hành những chính sách công tốt mới là điều kiện đủ.