Lần đầu ra tòa

Lần đầu ra tòa
Luật sư Lê Công Định. Ảnh: Chưa rõ nguồn.

Lê Công Định – Tốt nghiệp trường luật năm 1989, tôi trải qua nhiều công việc khác nhau trong ngành luật, sau đó mới tham gia Đoàn Luật sư Sài Gòn năm 1996. Khoảng vài tuần trở thành luật sư tập sự, tôi nhận vụ án hình sự đầu tiên, biện hộ theo sự chỉ định của tòa án (gọi nôm na là ‘cãi chỉ định’), một dạng Pro Bono Work ở các nước Tây phương.

Theo luật, trẻ vị thành niên phạm pháp và bị cáo có khả năng bị truy tố đến mức án chung thân và tử hình phải được luật sư biện hộ dù họ hoặc gia đình không thuê luật sư. Ở Việt Nam thời đó, luật sư thực thụ và luật sư tập sự đều phải đảm nhận các vụ cãi chỉ định như thế. Tất nhiên, luật sư tập sự thường tranh thủ tham gia nhiều hơn để học nghề và nâng cao kỹ năng tranh tụng trước tòa.

Trong vụ án đầu tiên của mình, tôi biện hộ cho một cậu bé 15 tuổi bị cáo buộc hiếp dâm một bé gái 5 tuổi. Cậu bé có vẻ mắc bệnh liên quan đến tâm thần, trông ngờ nghệch khác thường, phần do thiếu ăn, nên hình dáng bên ngoài giống như đứa trẻ tầm 7 tuổi. Cả hai cháu, nạn nhân và bị cáo, đều ngây thơ và đáng thương.

Tôi đọc hồ sơ ở tòa xong, làm thủ tục xin gặp bị cáo tại trại giam Chí Hòa. Khi đang ngồi trong phòng chờ, cậu bé xuất hiện sau cánh cửa, bộ dạng đầy sợ sệt, nép người vào cán bộ quản giáo đứng giám sát gần lối ra vào. Tôi đứng dậy chào thân chủ của mình và tự giới thiệu là luật sư bảo vệ cậu, nhưng cậu bé không hiểu luật sư là ai, thậm chí còn nghi ngờ tôi có thể gây phương hại đến mình. Tôi từ tốn giải thích thế nào là luật sư, lý do tôi đến là để hỏi về hoàn cảnh và sự việc lúc diễn ra hành vi bị cáo buộc hiếp dâm.

Cậu bé hoàn toàn ngơ ngác trước mọi câu hỏi và lời giải thích của tôi. Sau hơn một giờ bất lực thuyết phục thân chủ có chút ý niệm nào đó về mình và ý định của mình, tôi đành ra về, nhưng trong đầu đã định sẵn lập luận biện hộ. Tôi cẩn thận ghi lại ý chính của các lập luận trong một tờ giấy, cùng những trích dẫn từ các bút lục của hồ sơ vụ án.

Diễn biến tại phiên tòa, tuy nhiên, hoàn toàn bất ngờ so với hình dung ban đầu của tôi. Nguyên do chính là vì các thẩm phán thật ra chỉ cần sự hiện diện của luật sư nhằm đáp ứng yêu cầu luật định về biện hộ bắt buộc dành cho trẻ vị thành niên phạm pháp. Mặc cho tôi đề nghị phải giám định tình trạng tâm thần của bị cáo, mà tôi chưa thấy có trong hồ sơ, tòa dứt khoát không chịu dừng buổi thẩm vấn lại và vẫn tiếp tục xét xử.

Tôi liền tỏ thái độ nghi ngờ về những lời khai đó, vì có khả năng cơ quan điều tra viết sẵn rồi ép cậu bé chấp nhận. Do thất học, cậu bé không biết ký tên mình, nên trên tất cả các bản cung đều có dấu hai ngón tay trỏ in vào phần chữ ký của người khai. Với sự ngờ nghệch và hiền lành của bị can, các điều tra viên khôn ngoan không khó đạo diễn mọi tình tiết của hoàn cảnh và hành vi “hiếp dâm” như ghi nhận trong những bản cung. Khi tôi đề nghị điều tra lại, vị thẩm phán chủ tọa thẳng thừng bác bỏ, với lý do “không có cơ sở nghi ngờ công tác điều tra”.Do ngờ nghệch và chẳng hiểu những gì đang diễn ra, cậu bé gật đầu đáp lại mọi câu hỏi thiên về luận tội của hội đồng xét xử, chứ không riêng của công tố viên. Khi tôi phản đối cách đặt câu hỏi theo hướng “suy đoán có tội” của thẩm phán và hội thẩm nhân dân, mà lẽ ra họ phải giữ vai trò trung lập lúc điều hành phiên xử, thì được trả lời rằng họ chỉ hỏi theo những gì bị cáo đã khai nhận tại cơ quan điều tra căn cứ các bản cung trong hồ sơ vụ án.

Tôi cũng yêu cầu triệu tập nạn nhân, người giám hộ và nhân chứng độc lập (nếu có) tại phiên tòa để chính tôi thẩm vấn về các tình tiết không rõ ràng của vụ án. Tuy nhiên, tòa án đã không làm vậy và cũng không sẵn lòng dừng buổi xét xử để triệu tập họ một cách hợp lệ vào ngày khác. Cuối cùng, với tất cả những thiếu sót về thủ tục tố tụng như thế, tôi đề nghị tòa ra lệnh điều tra lại vụ án, hoặc nếu không phải tuyên bố cậu bé vô tội và trả tự do.

Mọi nỗ lực của tôi tất nhiên trở nên vô dụng và vô vọng, vì hội đồng xét xử hầu như bỏ ngoài tai tất cả lời yêu cầu và trình bày của luật sư. Đây là bài học lớn của tôi ngay khi bước vào nghề “thầy cãi”. Kết quả của “án tại hồ sơ” (tức xét xử chỉ dựa theo kết luận điều tra của công an và cáo trạng của viện kiểm sát) là cậu bé chịu mức án 6 năm tù giam, chỉ vì đã bị cha mẹ của nạn nhân tố cáo sờ soạng con gái của họ trong bối cảnh được mô tả là bị cáo đứng ôm nạn nhân ngồi trên bệ hồ nước phía sân sau nhà, dù quần áo của cả hai vẫn còn mặc nguyên vẹn trên người.

Bước ra khỏi phòng xử án, mặc cho cảm giác buồn rầu từ thất bại ngay trong lần đầu tiên hành nghề luật sư, lòng tôi lại nặng trĩu suy nghĩ làm sao phải thay đổi cách thức điều tra, truy tố và xét xử hình sự của hệ thống này, nếu không sự phỉ báng công lý như vậy vẫn còn diễn ra. Lúc kể lại diễn biến sự việc ở tòa cho một luật sư đàn anh nhiều kinh nghiệm về án hình sự trong đoàn luật sư, tôi nhận được lời an ủi mà nghe xong còn chán hơn: “Luật sư chúng ta chỉ ngồi cho đủ tụ để tòa án chơi hợp lệ ván bài sắp đặt sẵn mà thôi!”

Đấy là lần đầu ra tòa của tôi.

LeCongDinh-3Tác giả Lê Công Định là cựu luật sư và cựu Phó Chủ nhiệm Đoàn luật sư TP. Hồ Chí Minh. Ông là luật sư sáng lập và từng điều hành hãng luật DC Law. Ông còn là một giảng viên luật và là tác giả của nhiều bài báo về pháp luật và dân chủ. Các bài viết và hoạt động tranh tụng của ông cho một số nhà hoạt động nhân quyền khiến ông bị chính quyền Việt Nam bắt giữ năm 2009 và chỉ được trả tự do vào năm 2013.

Chia sẻ câu chuyện nghề luật tại

editor@luatkhoa.org

Bạn đã đăng ký thành công!

Mừng bạn trở lại!

Bạn đã đăng ký thành công.

Vui lòng kiểm tra hộp thư để lấy link đăng nhập.

Thông tin thanh toán của bạn đã được cập nhật.

Thông tin thanh toán của bạn chưa được cập nhật.