Thư cuối tuần - 18/1/2025
Đây là Thư cuối tuần của Luật Khoa tạp chí. Thư tin này chỉ làm một việc đơn giản là
Trước khi trở lại với chiến dịch giải cứu Nguyễn Ái Quốc ở Hong Kong năm 1931-1932, chúng ta sẽ tìm hiểu chi tiết về công cụ pháp lý lừng danh mà các luật sư Anh quốc đã dựa vào để tranh đấu cho ông: Habeas Corpus.
Cuộc khủng hoảng của tòa án Anh thế kỷ 17
Thật sự là điều 39 của Magna Carta tuyên bố ra quyền không bị bắt giữ một cách tùy tiện nhưng hoàn toàn im lặng về vấn đề phương cách, phương tiện để bảo vệ quyền đó.
Cứ như thể một vị trọng tài bóng đá khơi khơi nói: “Không bên nào có thể bị bên kia chơi xấu!” rồi thản nhiên chạy ra một góc sân ngồi hút thuốc, không thèm định nghĩa cho hai đội đang chơi thế nào là ‘chơi xấu’ và nếu một bên bị phát hiện chơi xấu thì phải làm gì.
Có thể hoàn toàn thông cảm cho sơ suất này của vua John và các lãnh chúa. Họ chỉ là một đám võ biền không thể nhìn xa hơn cuộc chạm gươm lần tới, chứ không phải là những nhà lập pháp chuyên nghiệp.
Việc hình thành những cơ chế và phương tiện để phát hiện và xử lý khi một bên ‘chơi xấu’ bên còn lại tại Anh quốc chỉ có thể được diễn ra vào các thế kỷ sau, khi thời thế đã ít hỗn loạn hơn và công tác tư duy – phân tích luật chơi đã dần được trao cho những bộ óc pháp lý thông tuệ và sắc sảo nhất vương quốc.
Nhưng năm đầu thế kỷ mười bảy (1600s), Sir Edward Coke là một trong những bộ óc như thế. Ngài là một trong những pháp quan nổi bật nhất dưới triều vua James Đệ Nhất.
Các pháp quan dưới triều vua James Đệ Nhất lúc đó không còn phải bận tâm tới việc vua với lãnh chúa ‘chơi xấu’ nhau khi nào và phải xử lý việc ‘chơi xấu’ ra sao nữa[1].
Họ phải đối mặt với một vấn đề lớn khác. Tuy đất nước đã ổn định và uy quyền của vương triều vua Anh đã được tôn trọng, hệ thống tòa án của vương quốc lại là một mớ bòng bong: Rải rác trên khắp vương quốc có hàng trăm các tòa án khác nhau được vận hành bởi các cộng đồng, chính quyền hay nhà thờ địa phương[2].
Các tòa án địa phương và nhà thờ này thường áp dụng luật theo phong tục lề thói của địa phương họ hay theo giáo điều Công giáo, hơn là hệ thống thông luật bao gồm các đạo luật thành văn do Nghị Viện Anh (Parliament) tư vấn soạn thảo cho vua Anh ban hành, và các án lệ hình thành từ kinh nghiệm xét xử của các tòa án cao cấp được vua Anh ủy quyền thay mặt nắm cán cân công lý trên vương quốc[3].
Bên cạnh vấn đề ‘phép vua thua lệ làng’ này là bản thân sự tồn tại chồng chéo và phức tạp của hệ thống các tòa án của vua Anh, bao gồm Tòa Pháp Viện Tối Cao của Vua (Court of King’s Bench), Tòa Thường Vụ (Court of Common Pleas), Tòa Đại Chưởng Ấn (Court of Chancery), Tòa Tài Chánh Pháp Viện (Court of Exchequer), Tòa Hàng Hải (Court of Admiralty), Tòa Viện Cơ Mật (Court of Privy Council).
Các tòa án của vua Anh thời điểm đó hình thành qua các đời vua xuất phát từ nhu cầu thực tế thay vì hoạch định trung tâm, thế nên thực tế hoạt động của hệ thống tòa án này đã phát triển với một tốc độ làm chóng mặt chính các pháp quan của vua.
Mỗi tòa xử một kiểu, không ai nghe ai thì quả thật là đau đầu. Thêm nữa là nếu gặp phải cảnh các tòa dưới xử tầm bậy tầm bạ mà bản thân những người tối cao cầm cân nảy mực không can thiệp xử lý được thì đúng là họa cho cả hệ thống: quần chúng sẽ không còn tin tưởng nữa vào công lý của hệ thống này nữa.
Ngài Edward Coke cùng các pháp quan ngồi trong Tòa Pháp Viện Tối Cao của Vua vì thế phải tư duy để tìm ra một công cụ pháp lý thực tiễn và nhanh chóng để có thể giúp tòa Pháp Viện Tối Cao của Vua kiểm soát hệ thống tòa án phức tạp này.
Chính nỗ lực tìm một công cụ pháp lý như thế đã góp phần cho sự ra đời của Habeas Corpus.
Thách thức các lệnh bắt giữ
Habeas Corpus tiếng Latin có nghĩa là “giữ xác thân”, là một cơ chế pháp luật bảo hộ quyền nhân thân (quyền dân sự gắn liền với mỗi cá nhân) trong hệ thống thông luật cho phép một tòa Tối Cao có quyền triệu tập một cơ quan công quyền đang giam giữ một cá nhân phải đưa cá nhân đó ra trình diện trước tòa và đồng thời bắt buộc cơ quan công quyền đó cung cấp một lời giải thích lý do pháp lý cho việc bắt giữ và tạm giam cá nhân đó.
Quyền triệu tập của tòa ở đây về bản chất là một huấn lệnh hoàng gia (writ) chứ không phải là một lệnh tòa thông thường theo cách hiểu hiện đại (court order): Tòa thay mặt vua (được vua ủy quyền) triệu tập cơ quan công quyền lên gặp Tòa[4]. Có thể hình dung writ giống như cây thượng phương bảo kiếm huyền thoại trong phim Bao Công. Một vị quan tòa Anh có thể hành xử tương tự như Triển Chiêu với bảo kiếm trong tay dõng dạc mà nói “Có huấn lệnh hoàng gia ở đây sao còn không tuân thủ!”
Trước đời ngài Coke của thế kỷ mười bảy và trước cả đời vua John của thế kỷ mười ba, trên vương quốc Anh đã tồn tại những hình thức huấn lệnh hoàng gia do các tòa án thay mặt vua Anh ban hành để triệu tập tù nhân đang được giam giữ ở nơi khác dưới quyền quản giáo của một thế lực khác (có thể thuộc lãnh địa của một lãnh chúa nào đó chẳng hạn) lên tòa để tòa xử. Tuy nhiên các huấn lệnh này không thường nhắm vào bản thân nội dung và tính xác đáng của quyết định bắt giữ và tạm giam tù nhân. Chúng chỉ đơn giản là một lệnh triệu tập: “Anh có cái thân xác đó, vác nó lên đây!”
Khi phải đối mặt với vấn đề nhức nhối của hệ thống tòa án vương quốc Anh đầu thế kỷ mười bảy, ngài Edward Coke cùng các đồng nghiệp tại Tòa Pháp Viện Tối Cao của Vua đã quyết định cải tiến các huấn lệnh triệu tập thông thường này thành các huấn lệnh Habeas Corpus mạnh mẽ và bao quát hơn: Habeas Corpus không chỉ đơn thuần triệu tập, nó công khai thách thức tính hợp lý và hợp pháp của việc bắt giữ và giam giữ tù nhân[5].
Tranh biện ủng hộ cho cải tiến pháp lý của mình cả trước tòa lẫn trước Nghị Viện Anh, ngài Coke cùng các đồng nghiệp thường viện dẫn quyền tự do đã được nêu trong điều 39 của Magna Carta hơn bốn trăm năm trước đó: “Không người tự do nào có thể bị bắt hoặc cầm tù… trừ phi dựa trên quyết định hợp pháp từ đồng đẳng của người đó hoặc dựa trên pháp luật của đất nước.”
“Pháp luật của đất nước” nếu vào thời vua John còn là một khái niệm bao la mơ hồ thì vào thời ngài Coke đã có thể được thể hiện sắc nét bằng hệ thống thông luật đang ngày càng được hoàn thiện và công nhận rộng rãi.
Nhóm của ông đánh đồng “pháp luật của đất nước” với hệ thống thông luật hiện hành và dùng nó làm nguồn uy quyền pháp lý tối cao thách thức các quyết định bắt và giam giữ người của các tòa dưới và các cơ quan công quyền, đồng thời cũng thúc ép các tòa và cơ quan công quyền này phải tôn trọng hệ thống thông luật thay vì cứ tùy tiện theo lệ làng[6].
Ngài Coke và các đồng nghiệp cũng đã rất tinh tế khi lợi dụng quyền lực của nhà vua nhưng không phụ thuộc vào mong muốn cá nhân của nhà vua: họ thiết kế để tính chính đáng của Habeas Corpus bắt nguồn từ “pháp luật của đất nước” chứ không phải “pháp luật của nhà vua”. Việc này cho phép các quan tòa của Tòa Pháp Viện Tối Cao của Vua có thể thách thức cả những quyết định dính dáng sâu sắc đến bản thân nhà vua nhưng không phù hợp với “pháp luật của đất nước”, ví dụ như một số quyết định gây tranh cãi của Viện Cơ Mật – cơ quan chuyên tư vấn và quản lý hành chính giúp vua Anh.
Hệ thống tòa án trong thời đại của ngài Coke đang dần trưởng thành và nhận thức được vai trò độc lập của riêng họ. Việc cải tiến Habeas Corpus thể hiện phần nào nỗ lực xác định sự độc lập đấy: Tòa chỉ quyết định vụ việc dựa trên “pháp luật của đất nước” chứ không phải ý muốn của riêng nhà vua hay của một phe phái nào.
Magna Carta bị vua John và các lãnh chúa ruồng bỏ năm nào nay ở đầu thế kỷ mười bảy đã trở thành ‘Cửu Dương Thần Công’ truyền nội công cho các pháp quan của vua James Đệ Nhất để họ thi triển một tuyệt đỉnh công phu mới: Habeas Corpus.
Tận dụng Habeas Corpus, các quan tòa tối cao có thể triệu tập bất kỳ tù nhân nào bị các tòa hoặc cơ quan công quyền cầm tù, đồng thời bắt các tòa hay cơ quan công quyền này phải giải thích lý do pháp lý của việc bắt giữ và giam giữ người. Nếu các lý do này không đủ sức thuyết phục dựa trên luật, các quan tòa tối cao có thể ra lệnh thả tù nhân đồng thời ‘giáng long thập bát chưởng’ vào các quan tòa hoặc viên chức cơ quan công quyền đã cho giam giữ người trái luật này bằng cách phạt tiền hoặc bỏ tù họ.
Bắt nguồn từ thực tiễn với những huấn lệnh hoàng gia đơn lẻ, Habeas Corpus sau đó được đưa vào luật thành văn thông qua đạo luật Habeas Corpus 1679, chính thức cho phép các thần dân của toàn vương quốc Anh được phép đâm đơn lên các tòa án của vương quốc để thách thức cơ sở pháp lý cho việc bắt giữ và giam cầm họ. Nhận được đơn Habeas Corpus của một tù nhân, tòa án có quyền bắt buộc cơ quan đang giam giữ tù nhân phải dẫn tù nhân đứng đơn đến tòa án của vua (thường là ở thủ đô London) càng sớm càng tốt trong một khoản thời gian nhất định (thời ấy con người vẫn phải đi bộ hoặc cưỡi ngựa). Chi phí đi lại cho chuyến ‘lên kinh’ cùng các rủi ro kèm theo bao gồm việc bị tai nạn, cướp đường hay tù nhân trốn thoát, hoàn toàn do cơ quan đưa ra quyết định bắt giam phải chịu.
Habeas Corpus theo thời gian dần dần được ‘xã hội hóa’ và trở thành một công cụ hữu dụng rộng rãi cho bản thân các thần dân của vương quốc Ạnh mỗi khi họ bị bắt giữ và cầm tù theo cách mà họ cho là bất công, không thỏa đáng.
Sự ra đời của đạo luật Habeas Corpus 1679 là kết quả của cả một quá trình đấu tranh nghị trường và vận động dân chủ lâu dài của các quan tòa, các nhà luật học và các chính trị gia theo tư tưởng tiến bộ tại Anh trong các đời tiếp theo sau đời ngài Edward Coke.
Các vị vua Anh và các quần thần theo xu hướng bảo hoàng dĩ nhiên không dễ dàng gì chấp nhận một đạo luật cho phép một hệ thống tòa án đang ngày càng trở nên độc lập và ‘khó chịu’, thách thức cả những quyết định liên quan đến quyền lợi của vua và phe cánh ăn theo. Tuy nhiên, tiến trình lịch sử của vương quốc Anh càng về cuối thế kỷ 17 sang thế kỷ 18 là một tiến trình đi đến sự thay thế một nền quân chủ độc tài bằng một nền quân chủ lập hiến với quyền lực vua chúa ngày càng lép vế trước các nghị viên được quần chúng bầu chọn và tin tưởng.
Nhờ có sự thiết kế khéo léo dựa vào nguồn “pháp luật của đất nước”, đồng thời được luật hóa thành một cơ chế thống nhất dưới sự giám sát của hệ thống tòa án thông qua đạo luật Habeas Corpus 1679, mà khi hệ thống tòa án của vương quốc Anh chính thức trở nên độc lập với vương triều vua Anh sau Đạo Luật Dàn Xếp Năm 1701 (Act of Settlement 1701), Habeas Corpus vẫn có thể tồn tại và được phát triển tiếp như một công cụ pháp lý xuất phát từ uy quyền của tòa án độc lập chứ không còn từ uy quyền của nhà vua nữa.
Trải qua hành trăm năm tiến hóa tới những năm 1930 của thế kỷ trước, Habeas Corpus vẫn là công cụ pháp lý hữu hiệu nhất cho việc bảo vệ quyền nhân thân của người dân tại các nước trong hệ thống thông luật.
Và người đại diện cho Tống Văn Sơ/Nguyễn Ái Quốc là ngài luật sư Loseby biết rõ điều đó.
Kỳ tới: Cuộc chạm trán lịch sử ở Tòa Thượng Thẩm
Kỳ trước:
Tài liệu tham khảo:
[1] “Habeas Corpus: From England to Empire” (Paul D. Halliday) Belknap Press of Harvard University Press, 2010.[2] Tài liệu đã dẫn.[3] Tài liệu đã dẫn.[4] Tài liệu đã dẫn.[5] Tài liệu đã dẫn.[6] Tài liệu đã dẫn.