Xã hội dân sự và phát triển quốc gia - Kỳ 1: Vốn xã hội
🎧Mời bạn nghe bản audio của bài này:Xã hội dân sự và phát triển quốc gia - Kỳ 1:
Nhờ hầu bao dư dả của tổ chức Cứu Trợ Đỏ Quốc tế, Nguyễn Ái Quốc có được hai luật sư danh tiếng của Hong Kong trợ giúp. Còn ở bên kia trận tuyến chính là Ngài Chưởng lý Hong Kong, người được cho là một viên công tố thượng thừa.
Loseby không phải luật sư trực tiếp biện hộ cho Nguyễn Ái Quốc
Trước hết, có lẽ cần phải giải thích sơ qua cho bạn đọc biết một đặc trưng của hệ thống tư pháp Anh, đó là sự phân tách chuyên môn trong nghề luật sư thành hai nhánh:
– Luật sư chuyên tư vấn (Solicitor);
– Luật sư chuyên tranh tụng (Barrister).
Sự phân chia này tồn tại từ khi nền pháp luật Anh mới chỉ phôi thai hình thành và nó có tính thực tiễn: cả hai loại luật sư Solicitor và Barrister đều được đào tạo pháp lý bài bản, nhưng sau đó Solicitor đi chuyên sâu hơn vào công việc tư vấn và soạn thảo giấy tờ trong khi Barrister đi chuyên sâu vào công việc tranh tụng trước tòa.
Theo đó, theo truyền thống, Solicitor có thể tư vấn trực tiếp cho thân chủ nhưng không thể đại diện thân chủ đứng trước tòa tranh tụng, còn Barrister có thể đại diện thân chủ tranh tụng trước tòa nhưng không thể tư vấn trực tiếp cho thân chủ mà không thông qua trung gian là Solicitor.
Thông thường trong một vụ tranh tụng trước tòa, theo nghi thức nghề nghiệp, một Solicitor sẽ chỉ đạo (instruct) một Barrister trong vụ việc. Solicitor sẽ cung cấp cho Barrister các thông tin về vụ việc, đồng thời nghiên cứu pháp lý, soạn thảo biên bản, lời khai, báo cáo, thu thập và sàng lọc bằng chứng từ thân chủ với sự góp ý chuyên môn của các Barrister. Khi các Barrister ra tòa, họ sẽ đem theo một hoặc nhiều tập hồ sơ dầy bao gồm các tài liệu liên quan đến vụ việc mà các Solicitor đã soạn sẵn cho họ.
Khi tranh tụng trước tòa, các Barrister sẽ trình bày vụ việc, các luận điểm của bên thân chủ, tra hỏi các nhân chứng của vụ việc và phản bác các luận điểm của Barrister phe đối diện. Các Solicitor thường ngồi ngay phía sau băng ghế của các Barrister và sẵn sàng “quân sư quạt mo” khi cần thiết.
Sự phân chia này trong thời hiện đại đã không còn cứng nhắc nữa khi luật pháp Anh đã cho phép các Barrister, sau khi đăng ký và đào tạo, có thể làm việc trực tiếp với quần chúng. Các Solicitor cũng có thể tham gia một khóa đào tạo để lấy bằng Solicitor-Advocate cho phép họ tranh tụng trực tiếp trước tòa.
Trong những năm 1930 thì sự phân chia này vẫn tồn tại rõ nét. Vì thế, một nhân vật khác tham gia đội Nguyễn Ái Quốc bên cạnh luật sư tư vấn Francis Loseby: Luật sư tranh tụng Francis Charles Jenkin K.C.
Ký tự K.C. hay Q.C. đặt phía sau tên của các luật sư trong hệ thống thông luật Anh là viết tắt cho danh hiệu King’s Counsel hay Queen’s Counsel (Luật Sư của Vua hay Luật Sư của Hoàng Hậu – tùy vào người đứng đầu vương quốc Anh khi luật sư nhận danh hiệu này là ông vua hay là bà hoàng). Danh hiệu cao quý Luật Sư của Vua (hay Hoàng Hậu) này được ban cho những luật sư danh tiếng có chuyên môn cao, thâm niên hoạt động lâu dài và tư cách đạo đức tốt. Một luật sư thường chỉ có thể được bổ nhiệm làm quan tòa sau khi đã nắm danh hiệu K.C. hay Q.C. được ít nhất vài năm.
Như vậy đội Nguyễn Ái Quốc, với hầu bao lớn của tổ chức Cứu Trợ Đỏ (International Red Aid), đã thuê hẳn một luật sư tranh tụng danh tiếng để giúp tranh cãi với chính quyền Hong Kong trước tòa.
Cuộc chạm trán giữa các luật sư lừng danh
Như đã nêu, Tống Văn Sơ/Nguyễn Ái Quốc bị bắt ngày 06 tháng 06 năm 1931 với cáo buộc tội tuyên truyền phản động chống chính quyền Anh quốc. Đến ngày 12 tháng 06, ông được chuyển sang tạm giam chờ được thẩm vấn chiếu theo Sắc lệnh trục xuất năm 1917 của Hong Kong.
Cuộc thẩm vấn trục xuất diễn ra trong khoảng trước hoặc sau ngày 10 tháng 07 năm 1931. Sau đó, quy trình là văn phòng thống đốc Hong Kong sẽ xem xét và ra quyết định có trục xuất Tống/Nguyễn hay không.
Trong lúc nội bộ Bộ Thuộc Địa Anh còn đang tranh cãi gay gắt về việc có trục xuất Tông/Nguyễn về Đông Dương hay không thì đến ngày 31 tháng 07 năm 1931, trong một đơn kiện habeas corpus, bên nguyên Tống Văn Sơ yêu cầu Toà Thượng Thẩm Tối Cao Hong Kong triệu tập bên bị Tổng Đốc Các Nhà Giam Hong Kong lên toà để tường trình lý do pháp lý cho việc giam giữ không xét xử Tống/Nguyễn.
Đơn Habeas Corpus của Tống/Nguyễn được đâm thẳng lên Tòa Thượng Thẩm – Tòa án cao nhất trong hệ thống tư pháp Hong Kong. Phiên tòa được chủ tọa bởi chánh tòa Thượng Thẩm Hong Kong với hai phiên xử đầu tiên diễn ra trong các ngày thứ Sáu 14 tháng 08 và thứ Bảy 15 tháng 08 năm 1931.
Đối mặt với ông Francis Charles Jenkin K.C. tại tòa chính là Ngài Chưởng lý Chaloner Grenville Alabaster K.C., người đã tư vấn cho Thống đốc Hong Kong trả tự do cho Nguyễn Ái Quốc nhưng không thành.
Duncanson bình luận là cuộc chạm trán này giữa hai vị luật sư thượng thừa công phu của làng luật sư Hong Kong trong bối cảnh một phiên tòa chỉ đơn thuần liên quan đến việc tạm giam và trục xuất một người ngoại quốc là chưa từng có trong lịch sử Hong Kong[1].
Nội dung của các phiên tòa xử Tống Văn Sơ/ Nguyễn Ái Quốc không còn được lưu giữ (có lẽ là đã thất lạc hoặc bị tiêu hủy khi Hong Kong rơi vào tay quân đội Nhật cuối năm 1941).
Khi đi sâu vào nội dung xét xử của vụ việc này chúng ta buộc phải hài lòng với các tường trình gián tiếp của Duncanson[2] và Handley cùng Lemercier[3]. Các tác giả này chủ yếu dựa trên nội dung các bài báo trong cùng thời kỳ ghi chép lại nội dung xét xử tại tòa. Sự chắp vá về chi tiết của phiên tòa này để mở nhiều khoảng trống cho suy đoán của người đọc.
Kỳ tới: Tranh cãi về hai lệnh trục xuất
Kỳ trước:
Tài liệu tham khảo:
[1] “Ho-chi-Minh in Hong Kong, 1931-32” (Denis Duncanson) The China Quarterly, No. 57 (1974) at 94.[2] “Ho-chi-Minh in Hong Kong, 1931-32” (Denis Duncanson) The China Quarterly, No. 57 (1974).[3] “Ho Chi Minh and the Privy Council” (K.R.Handley & K.Lemercier) L.Q.R. 2008, 124(Apr).