Thoát nạn ở Hong Kong – Kỳ 7: Tranh cãi về hai lệnh trục xuất

Thoát nạn ở Hong Kong – Kỳ 7: Tranh cãi về hai lệnh trục xuất
Nguyễn Ái Quốc và luật sư Frank Loseby năm 1931. Ảnh: dost-dongnai.gov.vn

Chính quyền Hong Kong đang tạm giữ Nguyễn Ái Quốc trên danh nghĩa chờ xem xét có nên trục xuất hay không chiếu theo điều 4 của Sắc lệnh Trục xuất  năm 1917[1].

Điều 4 của Sắc lệnh Trục xuất  năm 1917 cho phép Thống đốc Hong Kong quyết định trục xuất một người sau khi đã thẩm tra và xác định rõ là người đó phải và nên bị trục xuất theo luật. Phương thức thẩm tra được quy định rõ trong nội dung điều 4 bao gồm quy trình và nội dung cần thẩm vấn.

Chỉ đạo phải trục xuất Nguyễn Ái Quốc đến ngày 07 tháng 08 năm 1931 mới được Bộ Thuộc Địa Anh chính thức đưa ra và truyền đạt cho Ngài Thống đốc Hong Kong William Peel.

Tuy nhiên, vì lý do nào đó, trước đấy, ngày 06 tháng 08 bản thân ngài Peel đã quyết định đi ngược lại với đề xuất trả tự do Tống/Nguyễn do chính ông đưa ra ban đầu dựa trên lời khuyên của Chưởng lý Alabaster, và ban hành lệnh trục xuất Tống Văn Sơ/ Nguyễn Ái Quốc dựa theo điều 4 của Sắc lệnh Trục xuất  năm 1917, với chỉ định Tống/ Nguyễn phải lên một tàu Pháp về lại Đông Dương theo đúng ý muốn của nhà chức trách Pháp.

Hoặc là ngài Peel đã nhìn vào thời cuộc và đoán trước được việc Bộ Thuộc Địa Anh sẽ bị Bộ Ngoại Giao Anh thuyết phục ngả theo hướng giúp Pháp bắt Nguyễn Ái Quốc. Hoặc là Ngài Peel chỉ đơn thuần là không thể cứ mãi chờ chỉ đạo của Bộ Thuộc Địa khi mà luật sư của Nguyễn Ái Quốc đã đâm đơn Habeas Corpus lên tòa vào hôm 31 tháng 07 năm 1931.

Ngài William Peel - Thống đốc Hong Kong. Ảnh: Wikipedia

Ngài William Peel – Thống đốc Hong Kong. Ảnh: Wikipedia

Đơn Habeas Corpus này buộc ngài Thống đốc phải giải trình cho tòa thấy ngài có lý do chính đáng để bắt giữ và tạm giam Nguyễn Ái Quốc, mà lúc đó không có một lý do chính đáng nào khác có thể dùng để biện minh một cách có cơ sở trước tòa ngoài lý do là bắt giữ để trục xuất Nguyễn theo luật. Ngài thống đốc khó có thể chấp nhận muối mặt cử đại diện ra tòa chỉ để cúi đầu nói là Nguyễn Ái Quốc đáng ra phải được trả tự do. Hậu quả chắc chắn của lời thú nhận đó sẽ là việc Tống/ Nguyễn ngay lập tức được tòa ra lệnh trả tự do, trong khi chỉ đạo từ Bộ Thuộc Địa vẫn chưa tới.

Bất kể vì lý do gì thì khi bước vào tòa ngày 14 tháng 08 năm 1931, Chưởng lý Alabaster đại diện văn phòng Thống đốc Hong Kong cầm trong tay văn bản lệnh trục xuất Tống/ Nguyễn chiếu theo điều 4 Sắc lệnh Trục xuất năm 1917, và viện dẫn nó như là lý do chính đáng cho việc bắt giữ và tạm giam Tống/Nguyễn.

Như đã nói ở kỳ 2 – Thẩm vấn trục xuất, cuộc thẩm vấn Tống Văn Sơ/Nguyễn Ái Quốc diễn ra trước đó vào khoảng ngày 10 tháng 07 năm 1931. Cuộc thẩm vấn này có sự tham dự của một nhân viên cảnh sát thuộc địa Mã Lai là ông A. H. Dickinson. Khi thẩm vấn Tống/Nguyễn, Dickinson đã đặt ra nhiều câu hỏi nằm ngoài bản danh sách các câu hỏi được quy định trong phụ lục 2 của Sắc lệnh Trục xuất năm 1917.

Dickinson đã truy hỏi nhiệt tình để cố gắng xác định Tống Văn Sơ chính là Nguyễn Ái Quốc giả dạng, và theo đó đã vô tình biến một cuộc thẩm vấn trục xuất đơn thuần thành một cuộc hỏi cung chính trị xoáy sâu vào chính kiến cá nhân của Tống/Nguyễn thay vì các chi tiết nhân thân của người này để có thể quyết định có nên trục xuất ông ta hay không.

Luật sư Jenkin đã đưa ra phần tranh luận của mình với chính luận điểm nêu trên: những sai lạc trong quá trình thẩm vấn trục xuất Tống/Nguyễn cho thấy là nhà chức trách Hong Kong đã không đi theo đúng quy trình định sẵn trong điều 4 Sắc lệnh Trục xuất  năm 1917 và theo đó, lệnh trục xuất ngày 06 tháng 08 của Thống đốc Hong Kong là trái luật.

Tranh luận của luật sư Jenkin có vẻ là đã có sức thuyết phục với các quan tòa thượng thẩm Hong Kong. Sáng ngày 15 tháng 08, trong phiên tòa thứ hai, các quan tòa thượng thẩm nói bóng gió với Chưởng lý Alabaster là họ khó có thể quyết định có lợi cho ngài Thống đốc Hong Kong dựa trên lệnh trục xuất ngày 06 tháng 08.

Trước sức tấn công dồn dập của đội Nguyễn Ái Quốc, đội Hong Hong lúc này đã bất ngờ tung ra một đòn phòng ngự phản công hiểm độc: Họ xin tòa cho rút lại lệnh trục xuất ngày 06 tháng 08 và tống đạt cho đại diện pháp lý của Tống Văn Sơ/ Nguyễn Ái Quốc ngay tại tòa một lệnh trục xuất mới[2].

Có lẽ là đã nhìn ra những khiếm khuyết của lệnh trục xuất được đưa ra gấp gáp ngày 06 tháng 08 nên trước khi ra tòa, vào ngày 12 tháng 08, văn phòng Thống đốc Hong Kong đã soạn sẵn một lệnh trục xuất khác dựa trên điều 3(2) của Sắc lệnh Trục xuất  năm 1917.Nếu điều 4 của Sắc lệnh năm 1917 quy định một quy trình trục xuất thông thường lớp lang từ từ thì điều 3 của Sắc lệnh này lại quy định một quy trình trục xuất giản lược cho phép Thống đốc Hong Kong có thể ban hành một lệnh trục xuất ngay tức thì dành cho một số đối tượng đặc biệt.

Khoản 2 điều 3 Sắc lệnh năm 1917 cho phép Thống đốc Hong Kong, với sự tham vấn của Hội đồng Hành pháp (Executive Council), đưa ra quyết định trục xuất một đối tượng trong một tình huống mà Thống đốc Hong Kong xem là khẩn cấp và liên quan đến an ninh xã hội Hong Kong (“on any occasion which the Governor in Council may consider to be an occasion of emergency or public danger”), và (vẫn theo Thống đốc Hong Kong) việc trục xuất người đó làm lợi cho cộng đồng dân chúng Hong Kong (“to be conducive to the public good“).

Luật sư Francis Jenkin. Ảnh: Báo Đất Việt

Luật sư Francis Jenkin. Ảnh: Báo Đất Việt

Sắc lệnh năm 1917 đã mơ hồ một cách quá tiện lợi cho nhà chức trách Hong Kong. Sắc lệnh này để mở khái niệm “làm lợi cho cộng đồng” bằng cách không định nghĩa khái niệm này rõ ràng trong nội dung. Sắc lệnh đồng thời không áp đặt các tiêu chuẩn phải đạt được để chứng minh một tình huống có là khẩn cấp và liên quan đến an ninh xã hội Hong Kong hay không.

Sau cùng và có lẽ là quan trọng nhất, Sắc lệnh này không bắt buộc Thống đốc Hong Kong phải chứng minh việc trục xuất sẽ “làm lợi cho cộng đồng” hay tình huống đưa ra quyết định là khẩn cấp và liên quan đến an ninh xã hội Hong Kong.

Sự mơ hồ này đã tạo điều kiện cho Thống đốc Hong Kong ban hành một lệnh trục xuất đúng thủ tục pháp lý chiếu theo câu chữ của Sắc lệnh năm 1917, nhưng gây tranh cãi về tính công bằng của nó.

Nếu Sắc lệnh năm 1917 bắt buộc Thống đốc Hong Kong phải chứng minh quyết định của họ có lý nếu muốn có hiệu lực, các đại diện pháp lý của Nguyễn Ái Quốc đã hoàn toàn có thể cự cãi lại phía Thống đốc Hong Kong là tình huống của vụ việc không phải là khẩn cấp hay liên quan đến an ninh xã hội Hong Kong, đồng thời việc trục xuất Nguyễn Ái Quốc không hề “làm lợi cho cộng đồng” vì bản thân Tống Văn Sơ/Nguyễn Ái Quốc chưa hề làm gì bất lợi cho xã hội Hong Kong.

Việc chứng minh Tống Văn Sơ/Nguyễn Ái Quốc là một hiểm họa an ninh xã hội gây bất lợi cho xã hội Hong Kong sẽ là một công việc rất khó khăn cho văn phòng Thống đốc Hong Kong nhưng sự mập mờ của luật pháp trong tình huống này đã giúp họ không phải chứng mình gì cả.

Lúc này tại tòa thì luật sư Jenkin đứng lên phản đối kịch liệt lệnh trục xuất mới này của Thống đốc Hong Kong. Ông thẳng thừng lên án lệnh trục xuất này là một “thủ đoạn bất chính” (“sharp practice”)[3].

Phong cách tranh tụng của các luật sư người Anh thường phản ánh chính văn hóa ứng xử thông thường của họ: theo truyền thống, khi nói chuyện trong môi trường công sở, người Anh  thường rất ý tứ và không thích dùng các hình thái từ ngữ mạnh bạo hay cực đoan, ngay cả khi tranh luận một cách gay gắt. Việc luật sư Jenkin thốt ra giữa tòa rằng Thống đốc Hong Kong đang dùng “thủ đoạn bất chính” có lẽ đã làm nhiều người trong phòng xử án hôm đó chớp mắt nhướng mày.

Phiên tòa tạm dừng khi các tranh cãi vẫn chưa chấm dứt và sau đó tiếp tục diễn ra vào ngày 20 tháng 08 năm 1931.

Kỳ tới: Phản kháng lệnh trục xuất thứ hai

Kỳ trước:

Tài liệu tham khảo:

[1] Handley và Lemercier thì cho là cơ sở pháp lý của việc tạm giữ Nguyễn Ái Quốc ban đầu chính là điều 3(2) của Sắc Lệnh trục xuất năm 1917. Người viết, qua nghiên cứu trực tiếp Sắc Lệnh trục xuất năm 1917 (http://oelawhk.lib.hku.hk/items/show/1312), cho là Handley và Lemercier đã nhầm vì nội dung điều 3(2) không hề liên quan đến nội dung tranh luận tại tòa của các luật sư theo chính tường trình của Handley và Lemercier (có sự tương xứng với tường trình của Duncanson). Nội dung tranh luận tại tòa giữa các luật sư hai bên cho thấy là cơ sở pháp lý của việc tạm giữ và sau đó quyết định trục xuất Nguyễn Ái Quốc ban đầu chính là điều 4 của Sắc Lệnh trục xuất năm 1917. Xem “Ho Chi Minh and the Privy Council” (K.R.Handley & K.Lemercier) L.Q.R. 2008, 124(Apr), 318-330.[2]Ho Chi Minh and the Privy Council” (K.R.Handley & K.Lemercier) L.Q.R. 2008, 124(Apr), 318-330[3] Tài liệu đã dẫn.

Bạn đã đăng ký thành công!

Mừng bạn trở lại!

Bạn đã đăng ký thành công.

Vui lòng kiểm tra hộp thư để lấy link đăng nhập.

Thông tin thanh toán của bạn đã được cập nhật.

Thông tin thanh toán của bạn chưa được cập nhật.