Thư cuối tuần - 18/1/2025
Đây là Thư cuối tuần của Luật Khoa tạp chí. Thư tin này chỉ làm một việc đơn giản là
Thất bại tại Tòa Thượng thẩm Hong Kong năm 1931, Nguyễn Ái Quốc kháng cáo lên Viện Cơ mật Hoàng gia Anh, nơi có thẩm quyền tối cao đối với các vụ án xảy ra tại các xứ thuộc địa của Anh.
Viện Cơ mật kiểm soát luật pháp thuộc địa
Các hệ thống lập pháp và tư pháp của thuộc địa Hong Kong là riêng biệt với các hệ thống lập pháp và tư pháp tại mẫu quốc Anh, nhưng vẫn phải chịu một hình thức kiểm soát từ mẫu quốc Anh thông qua một cơ quan gọi là Ủy ban Luật pháp thuộc Viện Cơ mật (Judicial Committee of the Privy Council)[1].
Nghi thức thời ấy ở các thuộc địa là các cơ quan lập pháp được thành lập tại chính các xứ thuộc địa này khi nào soạn sửa luật thì phải trình lên cho Hoàng gia Anh (với vai trò chính thức là chủ của các thuộc địa) chuẩn y rồi mới ban hành.
Hoàng gia Anh theo truyền thống ủy nhiệm cho cơ quan tư vấn chuyên trách các vấn đề luật pháp của họ là Ủy ban Luật pháp thuộc Viện Cơ mật để cơ quan này kiểm tra đánh giá các soạn thảo luật thuộc địa do các thuộc địa trình lên.
Trong một hệ thống như thế, Ủy ban Luật pháp thuộc Viện Cơ mật trở thành cơ quan tại mẫu quốc Anh có quyền quyết định tối cao về luật pháp các xứ thuộc địa.
Bộ luật Kháng cáo lên Viện Cơ mật năm 1909 (Rules for Appeals to the Privy Council 1909) quy định cơ chế của việc kháng cáo lên Viện Cơ mật Hoàng gia Anh một số quyết định đã được các tòa án tối cao xứ thuộc địa đưa ra.
Điều 2(b) của Bộ luật này cho phép tòa án thuộc địa được tùy nghi cho phép một vụ việc được kháng cáo lên Viện Cơ mật nếu tòa án thuộc địa thấy là vấn đề mấu chốt trong vụ việc được kháng cáo là một vấn đề quan trọng nói chung, hay quan trọng với công chúng (public importance), hoặc vì lý do nào khác nên được trình cho Vua (hay Hoàng Hậu) xem xét[2].
Nguyễn Ái Quốc kháng cáo
Ngày 02 tháng 09 năm 1931, có vẻ là đã đoán trước được quyết định từ chối đơn habeas corpus của Tống Văn Sơ/Nguyễn Ái Quốc, luật sư Jenkin ngay lập tức đâm đơn xin Tòa Thượng thẩm Hong Kong xem xét cho phép kháng cáo vụ việc lên Viện Cơ mật .
Ngày hôm sau 03 tháng 09, trong phiên xét đơn kháng cáo trước Tòa thượng thẩm Hong Kong, Jenkin ban đầu sử dụng lại luận điểm đã không thành công khi tranh tụng trước đó là lệnh trục xuất dành cho Tống/Nguyễn thể hiện“một sự lạm dụng quyền hành pháp” (“a misuse of executive power”). Khi luận điểm nàyvẫn không được chấp nhận, Jenkin mới tranh luận là vụ việc trục xuất Tống/Nguyễn có một tầm quan trọng với công chúng chiếu theo điều 2(b) của Bộ luật Kháng cáo lên Viện Cơ mật 1909 và vì thế phải được trình lên cho vua Anh khi ấy là vua George Đệ Ngũ để ngài xem xét[3].
Có thể thấy là việc xử án Tống Văn Sơ/Nguyễn Ái Quốc được giới báo chí Anh tại Hong Kong quan tâm đã góp phần làm cho luận điểm về “tầm quan trọng đối với công chúng” này của luật sư Jenkin có sức mạnh. Dư luận Hong Kong nói riêng và thế giới nói chung thật sự nóng lòng theo dõi vụ việc và muốn biết điều gì sẽ xảy đến với nhân vật được xem là nhà cách mạng Nguyễn Ái Quốc.
Tòa Thượng thẩm Hong Kong đồng ý cho phép Tống/Nguyễn kháng cáo lên Viện Cơ mật Hoàng gia Anh với điều kiện bên Tống/Nguyễn phải đóng tiền bảo chứng kèm đảm bảo với Tòa là họ sẽ không dây dưa chậm trễ trong việc kháng cáo[4].
Lịch làm việc của Ủy ban Luật pháp thuộc Viện Cơ mật cho phép xử vụ việc của Tống/Nguyễn sớm nhất là vào quý pháp lý thứ tư của năm sau, tức là một năm sau đó vào khoảng tháng 6 hay tháng 7 năm 1932.
Vì quyết định trục xuất của chính quyền thuộc địa Hong Kong vẫn phải chịu thách thức pháp lý, chính quyền Hong Kong bắt buộc phải tiếp tục tạm giữ Nguyễn Ái Quốc trong địa phận Hong Kong. Vì ông không phạm tội hình sự nào, chính quyền Hong Kong không có căn cứ để giữ ông trong nhà giam. Theo Duncanson, chính quyền Hong Kong vì thế quyết định chuyển Nguyễn Ái Quốc đến giam lỏng tại một bệnh viện ở Hong Kong là bệnh viện Bowen Road.
Theo tác giả Trần Dân Tiên (được nhiều người cho là một bút danh của Hồ Chí Minh) kể lại trong cuốn “Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch” thì Nguyễn Ái Quốc được chuyển đến bệnh viện vì bị bệnh và khi đến đó ông phải ở trong điều kiện kém tiện nghi, chỉ nhận được sự chăm sóc tận tình từ những người thuộc giai cấp cần lao như y tá trong bệnh viện, và chỉ được gia đình của luật sư Frank Loseby ghé thăm thường xuyên.
Hoc giả Duncanson phỏng vấn bà Rose vợ ông Loseby thì được bà kể là Nguyễn Ái Quốc được sắp xếp ăn ở đầy đủ và thoải mái. Những người đến thăm Nguyễn ngoài gia đình Loseby ra có cả gia đình một vị thư ký Bộ Thuộc địa và nhiều người Châu Âu khác quan tâm đến vụ việc của Nguyễn thông qua vận động của luật sư Loseby[5].
Nguyễn hoàn toàn có thể tìm cách lẩn trốn khỏi Hong Kong nhưng ông đã không làm điều đó. Duncanson cho là Nguyễn đã không trốn thoát vì ông thực hiện đúng chỉ đạo của Quốc tế Công sản là phải tiếp tục cuộc đấu tranh pháp lý đang góp phần tạo tiếng vang, gây dựng hình ảnh cho các phong trào cộng sản các xứ thuộc địa của mình[6].
Trong khi đó, đội ngũ tư vấn pháp lý của Nguyễn Ái Quốc bắt đầu công việc chuẩn bị cho việc ra tòa tại Viện Cơ mật .
Vì không tiện đích thân trở về Anh quốc để tiến hành chuẩn bị giấy tờ hồ sơ và liên hệ chỉ đạo luật sư tranh tụng, luật sư Loseby quyết định chuyển hồ sơ vụ việc Nguyễn Ái Quốc cho một công ty luật có kinh nghiệm trong các vụ kháng cáo lên Viện Cơ mật là văn phòng luật Light và Fulton có trụ sở nằm ngay trung tâm London bên bờ sông Thames.
Tương tự, chính phủ Hong Kong mời văn phòng luật Burchells giúp họ chuẩn bị hồ sơ và chỉ đạo luật sư tranh tụng.
Light và Fulton quyết định chỉ đạo luật sư tranh tụng Denis Nowell Pritt K.C., một luật sư kinh nghiệm đồng thời là một đảng viên kỳ cựu của Công Đảng Anh (Labour Party) – có thể được xem là đảng cánh tả với xu hướng dân chủ xã hội có tầm ảnh hưởng nhất tại Anh thời đó.
Bản thân luật sư Pritt sau này trở thành một người ủng hộ chính quyền Liên Xô của Stalin bất chấp những cuộc thanh trừng nội bộ tàn khốc của vị độc tài này. Pritt bị Công Đảng Anh khai trừ đảng năm 1940 khi ông lên tiếng ủng hộ quyết định xâm lược Phần Lan của chính quyền Liên Xô.
Bên phía chính quyền Hong Kong, văn phòng luật Burchells vì sơ suất nên nước đến chân mới nhảy. Họ chỉ đạo luật sư tranh tụng rất muộn, ngay sát ngày ra tòa họ mới bắt đầu tìm luật sư tranh tụng để chỉ đạo và chuyển hồ sơ[7]. Một cách gấp rút, họ tìm đến luật sư tranh tụng Sir Richard Stafford Cripps K.C.
Việc ngài Cripps được chọn có vẻ dễ hiểu vì thời gian thì hạn hẹp trong khi ngài có tiếng là người nắm vấn đề nhanh và có kinh nghiệm dầy dặn trong việc đại diện cho Bộ Thuộc địa Anh (Colonial Office) [8]. Trước đó trong các năm 1930-1931, ngài Cripps đảm trách cương vị Phó Chưởng lý (Solicitor General) tư vấn và đại diện pháp lý cho chính phủ Anh quốc. Xuất thân dòng dõi quý tộc Anh, ngài Cripps lại vừa gia nhập Công Đảng Anh trước đó ba năm. Bản thân ngài Cripps vào thời điểm đó chưa thật sự thể hiện rõ lập trường chính trị của mình.
Tuy nhiên ngay trong buổi họp đầu tiên bàn về vụ việc với luật sư chỉ đạo và đại diện phòng pháp lý Bộ Thuộc địa, ngài Cripps đã thể hiện rõ là ngài có một sự đồng cảm với người đang được xem là Nguyễn Ái Quốc hơn là với Bộ Thuộc địa.
Sau khi đọc hồ sơ vụ việc bao gồm cả ý kiến pháp lý ban đầu khuyên thả Nguyễn của Chưởng lý Hong Kong Alabaster lẫn tường trình của Đại sứ quán Pháp tại Anh và đề xuất của Bộ Ngoại giao Anh khuyên trục xuất Nguyễn, ngài Cripps thản nhiên nói:
“Vụ này chỉ là một trò bịp (ramp) của chính quyền thuộc địa Hong Kong thôi phải không?”[9]
Người đáng lẽ ra phải tham gia làm việc với ngài Cripps thay mặt chính phủ Hong Kong lúc đó là trưởng phòng pháp lý Bộ Thuộc địa Harold Bushe – người đã tư vấn cho Bộ Thuộc địa đồng ý với đề xuất trục xuất Nguyễn Ái Quốc về Đông Dương của Bộ Ngoại Giao Anh và chính phủ Pháp. Ông Bushe đúng hôm đó lại đang nghỉ phép. Người thay thế ông ta là một viên phó phòng pháp lý.
Vị phó phòng này đã tỏ ra ngạc nhiên và e dè trước lời nói có phần kém lịch duyệt và thái độ rõ ràng là thiên vị của ngài Cripps trong buổi họp đó nhưng không dám chỉ đạo một luật sư tranh tụng khác khi không có chỉ dẫn của cấp trên là ông Bushe, và cũng không còn nhiều thời gian để thay đổi luật sư tranh tụng[10].
Ngài Cripps tư vấn cho chính phủ Hong Kong là việc trục xuất Nguyễn Ái Quốc về Đông Dương sẽ tạo dư luận xấu về chính quyền Anh và về chính phủ Hong Kong. Ngài tư vấn là chính phủ Hong Kong nên chủ động dàn xếp ngoài tòa để tránh việc quyền trục xuất chiếu theo Sắc lệnh Trục xuất 1917 của họ phải chịu thách thức pháp lý trước tòa Viện Cơ mật . Theo ngài Cripps, phía Nguyễn Ái Quốc có khả năng thành công trong việc thuyết phục các quan tòa Viện Cơ mật là việc trục xuất Nguyễn về Đông Dương thực ra là một hành vi dẫn độ trá hình và trái luật[11].
Bộ Thuộc địa và chính phủ Hong Kong bây giờ đứng trước một quyết định khó khăn: dàn xếp hay không với nhân vật đang được xem là Nguyễn Ái Quốc.
Kỳ tới: Trở về Moscow
Kỳ trước:
Tài liệu tham khảo:
[1] Nội Các Anh (Cabinet of the United Kingdom) – cơ quan chuyên trách điều hành nhà nước Anh – xuất thân cũng chỉ là một ủy ban của Viện Cơ Mật, sau đó được tách ra và có quyền lực gồm thâu hơn.[2] http://oelawhk.lib.hku.hk/items/show/1051[3] “Ho-chi-Minh in Hong Kong, 1931-32” (Denis Duncanson) The China Quarterly, No. 57 (1974) at 96.[4] Tài liệu đã dẫn.[5] Tài liệu đã dẫn.[6] Tài liệu đã dẫn. Cũng theo lời kể của bà Rose Loseby, Nguyễn Ái Quốc dành khoảng thời gian nhàn hạ này của ông để viết một cuốn sách về triết lý của riêng ông, có mang hơi hướm triết lý Thiên Chúa Giáo. Cuốn sách này sau được trao lại cho nhà Loseby và bị đánh mất trong những năm thế chiến thứ hai.[7] Tài liệu đã dẫn at 97.[8] “Ho Chi Minh and the Privy Council” (K.R.Handley & K.Lemercier) L.Q.R. 2008, 124(Apr).[9] Tài liệu đã dẫn.[10] Xem Duncanson supra note 3.[11] Tài liệu đã dẫn.