‘Ông lớn’ truyền hình VTC dừng phát sóng; TP. HCM, Hà Nội ‘chữa cháy’ cho Nghị định 168
Các sự kiện nổi bật: * VTC từ biệt khán giả * TP. HCM, Hà Nội “giải cứu” giao thông sau Nghị
Vũ Quí Hạo Nhiên
Vụ án tham nhũng tại FIFA bùng nổ cuối tháng 5 vừa qua không những tạo nên cơn địa chấn ngay trước thềm bầu cử của tổ chức bóng đá lớn nhất hành tinh, mà còn là cơ hội cho thế giới hình dung một cách rõ nét về một số khía cạnh quan trọng của hệ thống pháp luật Hoa Kỳ.
Với 14 quan chức cấp cao bị truy tố, trong đó có 7 người bị cảnh sát bắt, cuộc khủng hoảng tại FIFA còn sâu sắc hơn khi Chủ tịch Sepp Blatter phải từ chức chỉ vài ngày sau khi tái đắc cử.
Bài liên quan: Hoa Kỳ bắt giữ các quan chức FIFA bằng cách nào?Nhưng chưa hết, ngay hôm sau, ngày 3 tháng 6, Mỹ công bố một biên bản tòa án từ năm 2013, trong vụ án truy tố ông Chuck Blazer, cựu thành viên Ủy ban Điều hành FIFA, cựu Tổng thư ký CONCACAF, cựu Phó chủ tịch điều hành Liên đoàn Bóng đá Hoa Kỳ – U.S. Soccer Federation.
Trong biên bản, ông Blazer, 68 tuổi, khai nhận đã ăn hối lộ để bỏ phiếu cho Nam Phi tổ chức World Cup 2010 và nhiều điều khác, gói trong 10 tội danh. Ở phương diện pháp luật, điều này có nghĩa là đây không phải là văn bản đầu tiên của vụ án, và cũng không phải văn bản cuối cùng vì chưa có án. Tuy nhiên, biên bản này phản ánh nhiều nét đặc thù của một phiên tòa hình sự ở Mỹ, và là một thí dụ hay để tìm hiểu thêm về hệ thống luật pháp này. Biên bản có thể tải từ đây.
Đây không phải là một biên bản tóm tắt, mà là một transcript, tức là bản ghi từng chữ những gì được nói ra trong phiên tòa. Bất kỳ ai nói gì trong tòa đều được ghi lại trong transcript này. Hầu hết tất cả các phiên tòa ở Mỹ đều có một nhân viên đánh máy tốc ký (1), gọi là court reporter, dùng máy ghi lại mọi điều nghe được. Máy này gọi là máy stenography, nên khi được dùng trong những trường hợp không phải liên quan đến tòa án, người đánh máy tốc ký (2) được gọi là stenographer.
Biên bản đề ngày 25 tháng 11, 2013, có hai phần. Phần đầu là khi thẩm phán xét đơn của cả hai bên công tố và biện hộ, đề nghị được xử kín (trang 1 tới trang 6 dòng 3, ký hiệu là 6:3). Phần này là một phiên xử công khai. Đến khi tòa đã đồng ý khóa kín rồi (6:7-7:1), lúc đó mới vào phần thứ nhì là việc nhận tội của ông Blazer.
Hiện diện trong tòa hôm đó có thẩm phán Raymond J. Dearie, ba công tố viên Evan Norris, Darren LaVerne, và Amanda Hector, cùng bốn luật sư biện hộ là Eric Corngold, Mary E. Mulligan, Elizabeth Losey, và Stuart Friedman. Ngoài ra còn có nhân viên tòa án và cô Perez (không rõ tên) thuộc Pretrial Services, một cơ quan thuộc tòa.
“Tôi và một số người khác nhận hối lộ”
Trước tiên hết, hãy xem ông Blazer thú nhận những gì. Ông nhận 10 tội danh (21:11-12). Tội danh 1, vi phạm luật RICO, một đạo luật nguyên thủy được dành cho các tổ chức tội phạm như mafia. Tội danh 2, tội dự mưu (conspiracy). Tội danh 3, rửa tiền. Tội danh 4 tới 9 là 5 tội danh cho 5 năm trốn thuế. Tội danh 10 là tội không khai báo một tài khoản ngân hàng ở nước ngoài. Tất cả 10 tội danh này đều nảy sinh từ việc ông ăn hối lộ trong việc tổ chức World Cup và Cúp Vàng CONCACAF.
Ông thú nhận, “Tôi đồng ý với một số người khác vào khoảng năm 1992 để giúp nhận hối lộ liên quan tới việc chọn quốc gia đăng cai World Cup 1998” (30:23-25), và “bắt đầu khoảng năm 1993 và kéo dài tới đầu thập niên 2000, tôi và một số người khác đồng ý nhận hối lộ và tiền lại quả liên quan tới quyền phát hình và những quyền khác cho Cúp Vàng CONCACAF 1996, 1998, 2000, 2002, và 2003” (31:1-4). Những hành vi này, ông nói, “có chung những người tham gia và có chung kết quả” (31:9)
Ngoài ra, ông thú nhận cụ thể, “Bắt đầu khoảng 2004 và kéo dài tới 2011, tôi và một số người khác trong ủy ban điều hành FIFA đồng ý nhận hối lộ liên quan tới việc chọn Nam Phi làm nước đăng cai World Cup 2010” (31:4-8)
Số tiền nhận được không được tiết lộ, nhưng ông thú nhận là số tiền này được chuyển ra vào nước Mỹ và một tấm ngân phiếu (check) được cầm qua sân bay John Fitzgerald Kennedy (JFK) ở New York (31:21-23, 32:12-13). Tiền được đặt vào ngân hàng ở vùng Caribe bên ngoài nước Mỹ (32:4-7). Cụ thế, ngân hàng này ở Bahamas (33:10)
Trong biên bản, có thể thấy ông thú nhận một số điều có vẻ ngớ ngẩn và ngoài lề, nhưng thật ra không phải vậy. Mỗi tội danh có những yếu tố cấu thành tội phạm (elements). Nếu không có đủ các yếu tố cấu thành tội phạm thì người ta không có tội. Cho nên, khi ông Blazer nhận tội, ông phải nhận đầy đủ các yếu tố cấu thành, nếu không thì ông nhận chưa đủ tội và ông không có tội. Các yếu tố cấu thành một số tội danh trong vụ này sẽ được xem xét trong phần cuối của bài, nhưng ngay sau đây tác giả sẽ trả lời câu hỏi tại sao trong 10 tội danh không có tội nhận hối lộ.
Đơn giản là vì ông Blazer không phải là một chủ thể của tội ăn hối lộ. Luật tham nhũng, 18 U.S.C. §§ 201-227, chỉ hướng tới việc hối lộ quan chức chính quyền hoặc một số ít trường hợp nhân viên ngân hàng cho vay tiền. Ông Blazer là quan chức FIFA, CONCACAF, cũng như của U.S. Soccer. Tất cả những tổ chức đó đều là tổ chức tư nhân, nên ông không phải là quan chức chính quyền. Điều luật gần nhất tới vụ này là điều 18 U.S.C. § 224, liên quan tới việc hối lộ trong một cuộc tranh tài thể thao. Tuy nhiên, điều này chỉ liên quan tới kết quả tranh tài (thí dụ, bán độ, hối lộ trọng tài) chứ không liên quan tới việc chọn địa điểm tổ chức sự kiện.
Vì đây là lúc ông Blazer nhận tội, chắc chắn nhiều điều đã xảy ra trước đó. Chúng ta vẫn chưa được cho biết điều gì chính xác đã xảy ra, nhưng chúng ta có thể so sánh với một vụ án đại hình (felony) liên bang tiêu biểu. Lưu ý, thủ tục tố tụng hình sự trong các tòa tiểu bang có thể khác.
Một vụ án hình sự cấp liên bang diễn ra như thế nào?
Khi một vụ án xảy ra, thí dụ một ngân hàng bị cướp, thì cảnh sát hay FBI bắt đầu điều tra. Hoặc khi có nghi vấn một tội ác đã xảy ra, như trong trường hợp này báo chí phanh phui FIFA ăn hối lộ, FBI cũng bắt đầu điều tra. Trong quá trình điều tra, có khi nghi can biết được mình đang bị điều tra, có khi không, tùy thuộc FBI có muốn giữ bí mật hay không, và cũng tùy vào việc FBI có giữ bí mật được hay không. Nếu nghi can biết được mình đang bị điều tra, người ta có thể thuê luật sư để bảo vệ quyền lợi cho nghi can ngay.
Nếu có đủ bằng chứng, công tố mang những bằng chứng đó ra Đại Bồi thẩm đoàn Liên bang (Grand Jury) tại địa phương. Đại Bồi thẩm đoàn Liên bang được tuyển từ công chúng, có từ 16 tới 23 người. Công tố sẽ xin Đại Bồi thẩm đoàn quyết định khởi tố (indict). Nếu Đại Bồi thẩm đoàn cho rằng công tố có đủ bằng chứng để “có khả năng cao có lý do” (probable cause) để tin rằng nghi can phạm tội, Đại Bồi thẩm đoàn sẽ ra quyết định khởi tố. Nếu công tố không thuyết phục được Đại Bồi thẩm đoàn trong khâu này, sẽ không ai bị truy tố cả. Công tố có thể kiếm thêm bằng chứng rồi quay lại, v.v., nhưng trong hệ thống tòa liên bang (các tiểu bang thì khác), chỉ có Đại Bồi thẩm đoàn mới có quyền khởi tố, chứ công tố tự họ không quyết định được. Điều này được ghi vào Hiến pháp Hoa Kỳ, Tu Chính Án thứ Năm.
Nếu Đại Bồi thẩm đoàn quyết định khởi tố, họ sẽ đưa ra một văn bản khởi tố (indicting hay charging document) gọi là Information. Văn bản Information liệt kê tất cả những tội danh và những dữ kiện đủ để thỏa mãn các yếu tố cấu thành tội phạm. Sau đó, văn bản Information được tống đạt cho người bị truy tố, và đối với nhiều bị cáo, tới lúc này họ mới biết họ bị tình nghi và truy tố.
Bình thường, người bị cáo sẽ thuê luật sư, hoặc nếu không đủ tiền, bị cáo sẽ được tòa cung cấp luật sư. Người luật sư này có quyền nhân danh tòa điều tra vụ án để biện hộ cho thân chủ. Ngoài ra, bên công tố bị bắt buộc phải cung cấp cho luật sư tất cả những chứng cứ có thể giải oan (exculpatory evidence). Quyền này được tòa Tối cao ấn định trong án lệ Brady v. Maryland nên bây giờ nhiều người gọi là “chứng cứ Brady” (Brady evidence hay Brady materials).
Đại đa số các vụ án hình sự ở Mỹ, dù ở cấp tiểu bang hay liên bang, thường không đi đến ngày xử. Bình thường, hai bên công tố và bị cáo sẽ đạt được một thỏa thuận nào đó. Thí dụ bên công tố đồng ý giảm bớt tội danh từ sản xuất và phân phối ma túy xuống còn phân phối ma túy thôi, và đổi lại bên bị cáo sẽ đồng ý nhận tội. Đó là hơn 90% các vụ án đều như vậy.
Chỉ có chưa đến 10% các vụ án là được đưa ra xử (trial). Tu chính án thứ 6 và thứ 14 cho bị cáo có quyền được xét xử công khai. Quyền này bao gồm cả những phiên tòa trước ngày xét xử. Ngoài ra, báo chí và công chúng có quyền, theo Tu chính án thứ nhất, được tham dự các phiên tòa công khai này. Quyền này của báo chí và công chúng, không phải của bị cáo và công tố, nên ngay cả khi hai bên đồng ý xử kín, chưa chắc tòa đã chấp thuận.
Tại trial, bị cáo có quyền được bồi thẩm đoàn xử, theo Tu chính án thứ 6. Nhưng bị cáo có thể từ bỏ quyền này. Mục tiêu của trial là đi đến kết luận bị cáo có tội hay không.
Nếu bị cáo bị xử có tội hay bị cáo nhận tội, thì sau đó bị cáo sẽ bị tuyên phạt (sentencing). Thẩm quyền tuyên phạt, nói chung, thuộc về quan tòa, không thuộc về bồi thẩm đoàn. Trong hệ thống liên bang, một cơ quan là Probation Department sẽ điều tra các yếu tố liên quan đến hình phạt, và hai bên công tố và biện hộ có quyền tham gia vào quá trình điều tra này. Thí dụ, luật có thể ghi rằng bị cáo hợp tác với công tố sẽ được giảm án từ 3 tới 5 năm, thì Probation Department sẽ xem xét coi bị cáo đã hợp tác với công tố nhiều hay ít. Probation Department là một cơ quan phục vụ cho tòa án, tức là thuộc ngành tư pháp, không phải hành pháp. Báo cáo của Probation cũng như những lời phản đối của công tố hay biện hộ sẽ được nộp cho quan tòa, và theo đó quan tòa sẽ quyết định mức cao hay thấp trong khung hình phạt.
Khác với các tiểu bang, tại tòa liên bang, hai bên công tố và bị cáo chỉ có thể đồng ý việc nhận tội hay không nhận tội, chứ không có quyền đồng ý mức phạt (tù hay tiền). Thí dụ, công tố với bị cáo có thể đồng ý là “Công tố sẽ ủng hộ yêu cầu của bị cáo xin được tuyên phạt ở mức thấp nhất”. Nhưng tòa có đồng ý hay không là tùy.
Vụ án Blazer chưa qua Đại Bồi thẩm đoàn
Một chi tiết trong biên bản vụ Blazer là ông này đồng ý từ bỏ quyền được khởi tố bởi Đại Bồi thẩm đoàn (waiver of indictment) (11:8-14:17). Vì đây là một quyền hiến định, Thẩm phán Dearie dành nhiều thì giờ giải thích cho ông Blazer quyền được khởi tố bởi Đại Bồi thẩm đoàn, và mỗi lúc lại hỏi Blazer là ông hiểu không, ông có hiểu ông đang từ bỏ những quyền gì không. Tòa giải thích thế nào là Đại Bồi thẩm đoàn và hỏi ông có hiểu không, ông nói có (11:20-12:14). Rồi tòa nhắc lại lần nữa, “nói đơn giản nhất là, nếu có cơ hội, đại bồi thẩm đoàn có thể hoặc có thể không khởi tố ông…. Ông hiểu không?” Và ông Blazer lại trả lời, “Tôi hiểu” (12:15-12:19) Và cứ thế tòa tiếp tục trong hơn ba trang giấy.
Chưa có đại bồi thẩm đoàn nào khởi tố ông Blazer, thì làm sao ông bị truy tố? Đây có thể là một trường hợp giống như nhiều vụ án khác mà trong đó có nhiều nghi can từ cấp thấp lên tới cấp cao.
Trong một vụ như thế, FBI sẽ nhắm vào một nhân vật nào đó yếu nhất, gom rất nhiều bằng chứng đối với người đó, rồi dùng những bằng chứng đó để áp lực người này phải hợp tác với FBI nhằm điều tra những người còn lại, đổi lại, người này được giảm tội danh và hy vọng được giảm án.
Dựa trên những vụ như vậy, chúng ta có thể dự đoán chuyện rất có thể đã xảy ra với ông Blazer: FBI phát hiện được tài khoản của ông Blazer ở Caribe. Họ so sánh số tiền khổng lồ trong đó với số tiền khai thuế của ông này. Dùng trát tòa, họ xem được hồ sơ tài khoản, và họ biết ông đã để tiền vào đấy rồi lấy tiền ra chuyển về Mỹ chi tiêu như thế nào. Có đươc mớ bằng chứng này rồi, họ tìm đến ông Blazer. Họ bảo với ông ấy, này, chúng tôi có chừng này bằng chứng này, ông không còn cách nào trốn đâu, ông già rồi, lại đang bị ung thư, bị tiểu đường (10:4-11), nên chúng tôi khuyên ông có khôn thì nghe chúng tôi đi. Ông Blazer đi kiếm luật sư. Sau khi xem xét hồ sơ thì luật sư cũng bó tay, và khuyên ông Blazer nên hợp tác với FBI.
“Hợp tác” với FBI, trong những vụ như này, có nghĩa là người đó đồng ý làm mật vụ chỉ điểm cho FBI (confidential informant, thường gọi tắt là CI). Rất có thể, ông Blazer đã có nhiều cuộc gặp mặt, nhiều cuộc gọi điện thoại, nhiều tin nhắn, nhiều email với các nhân vật cấp cao khác trong FIFA và tất các các cuộc hội thoại đó đã bị FBI ghi lại làm bằng chứng. Việc ông Blazer nhận tội, do đó, là một tin rất nguy hiểm đối với giới quan chức FIFA.
Tại sao phiên tòa không công khai?
Phiên tòa mà đến bây giờ mới được công bố biên bản là một phiên tòa kín. Như đã nói trong phần II ở trên, Hiến pháp quy định bị cáo được xử công khai, ông Blazer muốn từ bỏ quyền này, là tùy ông. Nhưng công chúng cũng có quyền hiến định được xem xử công khai, tại sao phiên tòa này lại xử kín?
Đây là thí dụ của một nguyên tắc gần như căn bản nhất của luật pháp Mỹ: Có rất nhiều loại người và mỗi loại người có rất nhiều loại quyền. Gần như luôn luôn, các quyền này trước sau sẽ mâu thuẫn với nhau. Vậy bằng cách nào giải quyết mâu thuẫn?
Thí dụ, tôi có quyền sử dụng phần đất của tôi để xây một nhà máy phân bón. Nhưng hàng xóm tôi có quyền được sử dụng phần đất của họ để sống yên lành với gia đình mà không bị ngửi mùi phân suốt ngày. Vậy thì sao? Thêm một thí dụ nữa, mọi người có quyền tự do ngôn luận, nhưng hầu như tất cả các địa phương trên nước Mỹ đều có luật giới hạn độ ồn của loa nhất là về đêm. Vậy sao không vi phạm quyền tự do ngôn luận?
Và gần như luôn luôn, cách giải quyết là xét phần lợi hại của hai quyền này. Cùng một hành động có thể có lợi cho quyền của A nhưng lại có hại cho quyền của B, thì tòa sẽ đo mức độ có lợi cho A và mức độ có lợi cho B. Cái nào lớn hơn cái đó thắng.
Nguyên tắc này có thể thấy ở phần đầu của biên bản. Cả hai bên công tố và biện hộ nộp đơn xin bảo mật toàn bộ vụ án, không chỉ riêng gì phiên tòa này. Ngay cả tên tuổi ông Blazer cũng xin được giữ kín. Tuy nhiên, vì Hiến pháp quy định các phiên tòa phải công khai, nên phiên làm việc của tòa về việc xét đơn xin xử kín vẫn được công bố trên lịch làm việc hàng tuần của tòa (3:23-4:3). Tòa xét đơn và đồng ý với hai bên rằng việc công bố chi tiết vụ án, ngay cả tên của bị cáo, sẽ gây hại cho cuộc điều tra, trong khi bảo mật thì chẳng làm hại gì cho quyền được biết của công chúng (5:4-16). Nhưng ông nói thêm, quyết định này sẽ có giới hạn về thời gian, và bắt buộc hai bên phải thông báo cho ông biết nếu tình hình thay đổi (5:17-24).
Cho tới lúc thẩm phán Dearie rút ra kết luận này, tòa vẫn công khai và cửa vẫn mở, mặc dù, như hầu hết các vụ án ở Mỹ, không ai buồn đến xem (3:4-6). Sau khi thẩm phán Dearie quyết định bảo mật vụ án, cảnh sát tòa (court security officer) mới khóa cửa phòng (6:8-13).
Quyền của người nhận tội
Theo luật Mỹ, người nghi can khi nhận tội phải là một hành vi tự giác, tự quyết định, không bị ép buộc, và đã được sự tư vấn, giúp đỡ đầy đủ của luật sư.
Vì vậy, Thẩm phán Dearie hỏi ông Blazer nhiều lần về bản nhận tội 19 trang. Thư ký tòa đưa bản gốc cho ông Blazer (19:3-4) và sau đó Thẩm phán Dearie hỏi, “Câu hỏi thứ nhất là, ông đọc chưa?” (19:6). Ông nói có, và tòa lại hỏi, “Ông đọc kỹ chưa?” (19:8). Rồi tòa hỏi tiếp, “Ông có đồng ý rằng đây là 19 trang rất quan trọng trong đời ông không?” Ông Blazer trả lời, “Cực kỳ quan trọng” (19:10-12). Tòa hỏi tiếp, “Vậy ông có đọc nó với độ kỹ lưỡng tương xứng không?” (19:13-14). Nói cách khác, việc nghi can phải biết và hiểu những tội họ nhận rất quan trọng, vì mức hình phạt sẽ cao thấp tùy theo những gì họ thú nhận.
Thẩm phán Dearie hỏi tiếp về mức độ giúp đỡ của luật sư, và tất nhiên là không thể hỏi đến những gì luật sư và thân chủ nói với nhau vì đó là quyền bí mật tuyệt đối (absolute privilege) của thân chủ. Ông hỏi, “Ông đã đọc với luật sư không?” (19:16), “Họ có giúp ông thỏa đáng và trả lời mọi thắc mắc của ông không?” (19:18-19), “Có điều gì ông muốn hỏi tôi không?” (19:21-22), “Ông có thấy rằng ông hiểu hết mọi điều trong văn bản này không?” (19:24-25).
Để bảo đảm việc nhận tội hoàn toàn tự giác, án lệ của Tối cao Pháp viện bắt buộc thẩm phán phải trực tiếp giải thích cho bị cáo những tội danh cũng như mức tuyên phạt tối đa có thể, quyền không nhận tội, và những quyền hiến định bị mất khi nhận tội. Thẩm phán Dearie đã làm những điều này ở đoạn 21:11 – 23:18 (giải thích các tội danh), 23:19-28:9 (giải thích mức phạt tối đa), 14:22-15:6 (quyền không nhận tội và cho tới lúc này vẫn rút lại lời nhận tội được), 15:7-18:10 (các quyền sẽ bị mất vì nhận tội).
Các yếu tố cấu thành tội phạm của Blazer
Tất nhiên, vì mỗi tội danh có các yếu tố cấu thành, nên để nhận tội, bị cáo phải thú nhận tất cả các yếu tố cấu thành. Phần này sẽ xét đến một số tội danh, để giải thích tại sao ông Blazer lại có những câu thú tội hơi lạ.
(a) Tội danh 1
Tội danh 1, RICO, là một đạo luật nhắm vào các tổ chức tội phạm như mafia, và được sử dụng cho nhiều loại tội khi một nhóm đồng lõa cùng nhau gây nhiều tội ác. Tên đầy đủ là Racketeer Influenced and Corrupt Organizations Act, RICO có lợi là phần hình phạt cao và, khi áp dụng trong dân sự, tiền thiệt hại được nhân ba lần. RICO có 4 yếu tố cấu thành: (1) Hành vi (2) của một tổ chức (enterprise) (3) lập lại nhiều lần (pattern) (4) các hành động làm giàu bằng tội ác (racketeering).
Khi ông Blazer thú nhận đã ăn hối lộ (xem phần I), đoạn ông nói “tôi và một số người khác” là để thỏa mãn yếu tố “enterprise” trong luật RICO. Ông liệt kê những lần ăn hối lộ “có chung những người tham gia và có chung kết quả” (31:9) là để thỏa mãn yếu tố “pattern”.
(b) Tội danh 2 và 3
Trong phần nhận tội cho tội danh 2 và 3, ông Blazer nói ông đã “dùng email, điện thoại, chuyển ngân vào và ra khỏi Hoa Kỳ” và một tấm check được “mang qua sân bay JFK (New York)” (31:19-23, 32:4-13)
Lý do ông phải nhận những điều này cũng là một đặc điểm của luật Mỹ. Hoa Kỳ là một quốc gia liên bang, với quyền hạn của liên bang bị giới hạn. Chính phủ liên bang chỉ có thẩm quyền truy tố những tội ác có yếu tố liên bang thôi. Những tội ác chỉ xảy ra trong nội bộ một tiểu bang, không vượt qua ranh giới tiểu bang, thì không thuộc thẩm quyền của liên bang.
Về khía cạnh này, những công cụ như bưu điện liên bang, các phương tiện truyền thông điện tử, hệ thống ngân hàng, là những công cụ có yếu tố liên bang, và vì vậy ông Blazer phải thú nhận những điều này thì tòa án liên bang này mới có thẩm quyền xét xử.
(c) Tội danh 10
Tội danh 10 là tội không khai báo tài khoản trong ngân hàng ngoại quốc. Tuy nhiên, quy định (dưới luật) của sở thuế IRS chỉ bắt khai báo nếu tổng số tiền trong các tài khoản lên quá $10,000.
Vì vậy, trong tội danh 10, ông Blazer nhận ông “có tài khoản ở Bahamas với tổng trị giá trên $10,000” (33:9-11). Điều này không có nghĩa là tài khoản của ông chỉ có $10,000. Chắc hẳn tài khoản có đến hàng triệu, nhưng để thỏa mãn yếu tố cấu thành, công tố chỉ cần trên $10,000, nên khi ông Blazer nhận tội ông chỉ cần nói “trên $10,000”.
Kết luận
Vụ án FIFA không chỉ lôi kéo dư luận vì tính “ăn khách” của nó. Chính vì nó đang ăn khách, nên nhiều báo chí, các phương tiện truyền thông, đăng tải nguyên văn các tài liệu của tòa. Điều này là lợi điểm cho những ai quan tâm đến luật Mỹ, vì các tài liệu này cho thấy nhiều đặc điểm của luật Mỹ mà có thể khác với luật các nước khác.
Cập nhật ngày 12/6:
(1) “thư ký tòa” sửa thành “nhân viên đánh máy tốc ký”.
(2) “người thư ký tòa” sửa thành “người đánh máy tốc ký”.
Tác giả Vũ Quí Hạo Nhiên tốt nghiệp trường luật, Đại học California – Los Angeles (UCLA), Hoa Kỳ. Hiện ông viết báo và dạy học. |