‘Ông lớn’ truyền hình VTC dừng phát sóng; TP. HCM, Hà Nội ‘chữa cháy’ cho Nghị định 168
Các sự kiện nổi bật: * VTC từ biệt khán giả * TP. HCM, Hà Nội “giải cứu” giao thông sau Nghị
Vũ Quí Hạo Nhiên –
Bản thỏa thuận nhận tội năm 2013 của Chuck Blazer được (bị) Thẩm phán Raymond J. Dearie công bố ngày 15/6/2015 mặc dù phía công tố xin được giữ kín. Bản nhận tội tiết lộ nhiều chi tiết trong vụ án tham nhũng FIFA, và đây cũng là một dịp tốt để bạn đọc Việt Nam tìm hiểu thêm một số khái niệm của luật Mỹ.
Thỏa thuận nhận tội và hợp tác với công tố có thể tải từ đây.
Bản thỏa thuận này chính là văn bản 19 trang được nhắc đến trong phiên tòa nhận tội tháng 11, 2013, đã phân tích trên Luật Khoa tạp chí. Trong văn bản này, ông Chuck Blazer nhận 10 tội danh: RICO, dự mưu lừa đảo, rửa tiền, 5 tội danh trốn thuế trong 5 năm, và không khai báo tài khoản ở nước ngoài.
Chính trong tội danh trốn thuế, văn bản này mới tiết lộ số tiền ăn hối lộ của ông Blazer. Khi nói về số tiền thuế bị thiếu, ông Blazer nhận rằng số tiền thuế thiếu sẽ được tính trên tổng số tiền ăn hối lộ chưa khai báo là “hơn 11 triệu đô-la Mỹ”. (đoạn 3(f), ký hiệu ¶3(f)).
Trong tội danh không khai báo tài khoản nước ngoài, ông Blazer sẽ bị phạt tịch thu nửa số tiền trong đó, và ông thú nhận số tiền này trong năm 2010 lên tới 975.751,48 đô-la (¶3(g)).
Nhận tội thì được gì?
Tại nhiều tiểu bang, hai bên bị cáo và công tố có thể thỏa thuận về hình phạt và tòa sẽ tuyên án theo đó. Thí dụ, nếu hai bên đồng ý hình phạt sẽ là tù 9 tháng thì tòa sẽ tuyên án tù 9 tháng. Tuy nhiên, trong hệ thống liên bang, hai bên có thỏa thuận gì thì thỏa thuận, tòa vẫn sẽ tự quyết định.
Trong vụ này, phía công tố đồng ý sẽ nộp đơn với tòa xin cho ông Blazer được giảm án vì ông đã hợp tác với công tố. Theo bộ hướng dẫn hình phạt mang tên U.S. Sentencing Guidelines (thường gọi tắt là Guidelines và viết tắt U.S.S.G.), một bị cáo sẽ bị tính “điểm” tội. Điểm càng lớn thì khung hình phạt càng cao, và cuối cùng thì tòa tuyên án dựa trên khung đó. Theo Guidelines § 3E1.1(a), nếu bị cáo chịu nhận tội và có những hành xử tương xứng, bị cáo được giảm 2 điểm. Và theo Guidelines § 3E1.1(b), nếu tội đặc biệt cao và bị cáo hợp tác với công tố, thì được giảm thêm 1 điểm nữa.
Trong thỏa thuận nhận tội, công tố đồng ý sẽ xin tòa cho giảm án vì ông Blazer đã nhận tội và hợp tác; thậm chí tòa có thể cho án thấp hơn khung hình phạt dựa trên Guidelines. (¶6) Điều này dẫn tới một câu hỏi khác.
Tại sao tòa có thể tuyên án thấp hơn khung hình phạt?
U.S. Sentencing Guidelines là một bộ công thức cực kỳ dài, in thành cả một bộ sách lớn, trong đó có rất nhiều chi tiết chi li để tăng nặng hoặc giảm nhẹ tội bằng cách tính điểm, điểm cao thì tù lâu, điểm thấp thì tù ngắn.
Thí dụ, đối với tội rửa tiền, U.S.S.G. § 2S1.1 quy định bị can sẽ bị số điểm bắt đầu là (a) số điểm của tội gốc (underlying offense), nếu có; hoặc, nếu không (b) 8 điểm.
(Trong vụ này, tội rửa tiền có 4 yếu tố cấu thành: (1) Bị cáo dùng một phương tiện giao dịch tài chính xuyên bang; (2) Số tiền là kết quả của một hoạt động phi pháp; (3) Bị cáo biết tiền đó là tiền phi pháp; và (4) Bị cáo sử dụng phương tiện giao dịch này với mục đích che giấu nguồn gốc phi pháp của món tiền. “Underlying offense”, vì vậy, là hoạt động phi pháp dẫn đến món tiền — đó là tội RICO và tội dự mưu lừa đảo.)
Từ số điểm khởi đầu, số điểm có thể tăng lên (thí dụ, lừa đảo số tiền lớn thì bị nhiều điểm hơn lừa đảo số tiền nhỏ) hoặc giảm xuống, và thường thì lý do để giảm là vì bị cáo đã hợp tác với công tố. Ngoài ra, bị cáo còn bị xếp hạng tùy theo tiền án.
Sau khi cộng trừ ra thành một con số, con số đó sẽ được so với một khung hình phạt. Thí dụ, 12 điểm với 0 hoặc 1 tiền án, mức tù sẽ từ 10 đến 16 tháng, trong khi 12 điểm với 2 hay 3 tiền án sẽ bị tù 12 tới 18 tháng. Tuy nhiên, còn một số điều kiện khác, thí dụ như chủ mưu sẽ bị khác với các đồng phạm khác.
Bộ hướng dẫn Guidelines được thiết lập từ thập niên 1980. Bộ hướng dẫn này do một ủy ban độc lập của ngành tư pháp mang tên United States Sentencing Commission làm ra và sửa đổi thường xuyên dựa trên thay đổi về luật hoặc qua kinh nghiệm áp dụng. Theo luật, ủy ban gồm 7 người, do Tổng thống bổ nhiệm, Thượng viện phê chuẩn, và mỗi người có nhiệm kỳ 6 năm (lệch nhau, các nhiệm kỳ không chấm dứt cùng năm). Trong số 7 người, Bộ trưởng Tư pháp đương nhiên là một người, và tối thiểu 3 người phải là thẩm phán liên bang. Để cho ủy ban được khách quan, luật chỉ cho phép tối đa 4 người trong ủy ban được thuộc về cùng một đảng chính trị. Giúp việc cho ủy ban có khoảng 100 chuyên gia.
Ủy ban phải là một cơ quan thuộc ngành tư pháp thay vì lập pháp, vì việc tuyên án thuộc thẩm quyền ngành tư pháp. Một ủy ban lập ra để hướng dẫn các quan tòa tuyên án thì phải thuộc về ngành tư pháp. Trong bộ luật lập ra Guidelines và ủy ban này, có điều khoản bắt buộc các quan tòa phải tuân thủ khung hình phạt tính ra theo Guidelines.
Tuy nhiên, năm 2005, Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ trong án lệ United States v. Booker cắt bỏ điều khoản bắt buộc. Từ sau đó trở đi, các thẩm phán phải bắt đầu với Guidelines nhưng sau đó có thể xem xét tới những yếu tố khác. Đó là lý do vì sao trong bản thỏa thuận của Blazer có phần nói về khả năng tuyên án thấp hơn khung hình phạt của Guidelines.
Blazer đã làm chỉ điểm cho FBI trong nhiều năm
Trong phần quan trọng nhất đối với các quan chức FIFA, thỏa thuận 19 trang này tiết lộ ông Blazer đã hợp tác và làm chỉ điểm (confidential informant, thường gọi tắt CI) cho FBI ít nhất là từ năm 2011 và đã gặp công tố hàng chục lần để báo cáo. Điều này được nói phớt qua trong bản thỏa thuận, nhưng chắc chắn đang làm cho một số quan chức FIFA toát mồ hôi.
Đó là đoạn số 19, liệt kê một loạt văn bản “proffer agreements” đề ngày từ 29/12/2011 đến 13/11/2013. Từ khóa ở đây là “proffer agreements”. Động từ “to proffer” đồng nghĩa với “offer” và có nghĩa là “đưa ra để người ta chấp thuận”.
Trong luật hình sự, một “proffer agreement” được đưa ra trong bối cảnh như sau:
Có một người, thí dụ, một thiếu niên trong băng đảng, bị cảnh sát hay FBI áp lực, dọa sẽ truy tố thật nặng nếu không khai hết những điều mình biết. Thiếu niên này (có thể sau khi tham khảo luật sư) đồng ý hợp tác. Cũng như Blazer, em sẽ gặp công tố, cảnh sát, để khai hết những điều mình biết. Một cuộc phỏng vấn như vậy được gọi là proffer, và hai bên đồng ý một cách không chính thức là nếu phía công tố tin rằng thiếu niên nọ đã nói hết những điều em biết, phía công tố sẽ đồng ý giảm tội danh v.v. Bình thường, một bị cáo chỉ trải qua một hai lần phỏng vấn là đã nói hết chuyện, và nếu có phỏng vấn nhiều lần thì cũng chỉ nội trong cùng một tuần.
Với ông Blazer, khi có tới 19 buổi phỏng vấn cách nhau nhiều tháng, gần như chắc chắn chuyện đã xảy ra là sau buổi phỏng vấn đầu tiên, ông tiếp tục liên hệ với các quan chức FIFA và CONCACAF, rồi quay lại để được/bị tiếp tục phỏng vấn, cứ như thế 19 lần. Ngoài ra, gần như chắc chắn các cuộc hội thoại giữa ông Blazer và các quan chức FIFA đã bị ghi âm, theo dõi, chụp hình. Nếu có một ngày 19 bản proffer agreements này được công bố, chắc chắn những vụ tham nhũng động trời ở FIFA sẽ bị đưa ra ánh sáng.
Tác giả Vũ Quí Hạo Nhiên tốt nghiệp trường luật, Đại học California – Los Angeles (UCLA), Hoa Kỳ. Hiện ông viết báo và dạy học.