‘Từ giờ thứ sáu đến giờ thứ chín’ - vết thương sâu hoắm của chiến tranh
Những con người bị cuộc chiến cuốn trôi.
Nguyễn Quốc Tấn Trung
Hiện nay, phiên xét xử tranh chấp lợi ích hàng hải với bên khởi kiện là Philippines và bên bị kiện là Trung Quốc, được tổ chức bởi Tòa Trọng Tài Thường Trực của Liên Hiệp Quốc, vẫn đang diễn ra tại Hague, Hà Lan. Thông tin về vụ việc có lẽ đã phổ biến trên nhiều phương tiện truyền thông, nhưng lại có phần chủ quan khi chỉ phân tích tính hợp lý của cáo buộc từ Philippines, một điều không nên khi chúng ta nói về luật pháp. Vì vậy, Luật Khoa tạp chí xin được tổng hợp thêm thông tin về vụ kiện từ góc nhìn của Trung Quốc, cũng như cách mà pháp luật quốc tế, cụ thể hơn ở đây là Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (“UNCLOS”) ghi nhận về phiên tòa này.
Đối tượng khởi kiện và cách tiếp cận của Trung Quốc
Trước tiên, đối tượng khởi kiện của vụ án chắc chắn không phải về vấn đề xác định chủ quyền tài phán của các quốc gia hữu quan tại Biển Đông (hay còn gọi biển Hoa Nam), nói nôm na là giải quyết vấn đề “ai sở hữu cái gì?”, như nhiều người lầm lẫn. Vụ kiện của Philippines đơn giản chỉ là xác định “quyền lợi hàng hải” bị xâm phạm theo UNCLOS.
Cụ thể hơn, quốc gia này mong muốn bảo vệ vùng đặc quyền kinh tế hai trăm (200) hải lý của mình được bảo vệ bởi UNLCOS với sự công nhận của 163 quốc gia thành viên Liên Hợp Quốc, kể cả Trung Quốc. Philippines không nhằm, và cũng là không thể đưa ra yêu cầu vô hiệu đối với quyền chiếm hữu de facto (quyền chiếm hữu thực tế) một số khu vực mà Trung Quốc đã đơn phương chiếm/xây dựng (như đảo Chữ Thập); mục tiêu của họ đơn thuần chỉ là yêu cầu tòa tuyên vô hiệu những phần trong khu vực đường chín đoạn do Trung Quốc đưa ra chồng lấn vào phần đặc quyền kinh tế của mình.
Nói cách khác, Philippines chưa hề có giải pháp nào thật sự đối với sự nắm giữ, thay đổi hiện trạng bất hợp pháp các đảo, bãi đá ngầm mà Trung Quốc đang thực hiện, vốn đã nắm trọn Hoàng Sa và lan mạnh xuống phía Nam Trường Sa.
Và đó cũng chính là phương thức Trung Quốc tiếp cận vấn đề.
Khi mà trong vụ án đang được xét xử, Manila tìm cách khẳng định chủ quyền đối với “khu vực” đặc quyền kinh tế, Trung Quốc tìm cách khẳng định chủ quyền của mình tại bất kỳ “bãi đá ngầm, rạn san hô, đảo san hô hoặc đảo” nào; và sau đó, họ mới bắt đầu tính từ đường cơ sở để xác định số hải lý thuộc phạm vi ảnh hưởng của mình.
Một hòn đảo, theo UNCLOS sẽ cho phép tạo ra quyền lợi hàng hải trong vòng 200 hải lý, trong khi bãi đá ngầm hay rặng san hô giới hạn là 12 hải lý.
Cả hai cách tiếp cận đều có thể xem là hợp pháp nếu so sánh với quy định của UNCLOS, nhưng điều đáng buồn là với số lượng đảo, bãi đá ngầm họ thực quyền nắm giữ, Trung Quốc khá thành công trong việc chuẩn bị cho luận điểm của mình.
Từ chối thẩm quyền tòa và luận cứ mà Trung Quốc đưa ra
Ngay từ tháng tháng 12 năm ngoái, Bộ Ngoại Giao Trung Quốc đã đưa ra Thông cáo lập trường của Trung Quốc về đơn khởi kiện của Manila lên Tòa Trọng Tài Thường Trực. Trong thông cáo này, các nhà lãnh đạo Trung Quốc cho rằng tòa án UNCLOS này không có thẩm quyền đối vụ việc để xét xử; mà cụ thể hơn chính bản thân UNCLOS không nên được sử dụng để điều chỉnh vấn đề chủ quyền tại Biển Đông, mà Bắc Kinh cho là trọng tâm để giải quyết vụ việc mà Manila khởi kiện.
“Để có thể đưa ra phán xét trong cáo buộc về quyền lợi hàng hải của Philippines, hội đồng trọng tài không thể tránh khỏi việc phải làm rõ, dù trực tiếp hay gián tiếp, vấn đề chủ quyền lãnh thổ của của các bên đối với yếu tố hàng hải còn chưa rõ ràng và những đặc trưng của yếu tố hàng hải khác tại Biển Hoa Nam (ẩn ý nói về việc phải xác định chủ quyền của các đảo, bãi đá ngầm, rặng san hô để từ đó tính toán phạm vi lãnh hải hay đặc quyền kinh tế – ND)… Rõ ràng vấn đề chủ quyền lãnh thổ này, lại vượt quá phạm quy điều chỉnh của UNCLOS” – thông cáo nêu lên.
Thông cáo này cũng có phản biện lại yêu cầu cốt lõi của Philippines trong vụ kiện: cho rằng tuyên bố “chủ quyền lịch sử” của Trung Quốc là không phù hợp với UNCLOS và vùng nước bao quanh những yếu tố hàng hải của Trung Quốc đã vượt quá giới hạn 200 hải lý mà UNCLOS đề ra. Bắc Kinh lại một lần nữa khẳng định, vấn để chủ quyền đối với những yếu tố hàng hải này vẫn cần phải được giải quyết trước tiên. “Chỉ sau khi giới hạn chủ quyền lãnh thổ của Trung Hoa tại vùng biển Nam Trung Hoa được xác định cụ thể thì một khiếu nại về quyền lợi hàng hải mới có thể được đưa ra tại vùng biển này”; thông cáo lập luận. Nói cách khác, theo cách hiểu của chính quyền Trung Quốc (và cũng không hẳn là một luận cứ tồi – ND), một trong những điều đầu tiên mà tòa UNCLOS hay bất kỳ cơ quan quốc tế nào xử lý vụ việc phải làm rõ để xác định được cáo buộc về hàng hải, là Trung Quốc và các bên tranh chấp khác đang sở hữu những gì.
Thông cáo cũng chỉ ra rằng vào năm 2006, Trung Quốc đã chính thức không công nhận thủ tục giải quyết tranh chấp bắt buộc đối với các tình huống cung cấp tại điều 298 của UNCLOS, bao gồm cả những thỏa thuận liên quan đến xác định hàng hải. Và bởi vì Philippines đang yêu cầu tòa án công nhận vùng biển tranh nằm trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của mình, quyết định của tòa chắc chắn gắn liền tới các thủ tục tranh chấp hàng hải nói trên. Cho dù tòa có thẩm quyền đối với vụ việc đi chăng nữa, Trung Quốc vẫn sẽ giữ lập trường không chấp thuận phán quyết này. “Bằng cách khởi kiện vụ việc ra một tòa trọng tài bắt buộc nhằm né tránh tuyên bố rõ ràng của Trung Quốc đối với phần giải quyết tranh chấp của UNCLOS, Philippines đang vi phạm những nguyên tắc thủ tục giải quyết tranh chấp của Công ước này,” thông cáo khẳng định.
Cuối cùng, Trung Quốc cáo buộc hành động khởi kiện của Philippines lên Tòa Trọng Tài thường trực đã vi phạm thỏa thuận hiện hữu giữa các bên trong đó ghi nhận sẽ chỉ giải quyết tranh chấp thông qua con đường đàm phán song phương. “Rõ ràng Philipines đã bị ràng buộc không được phép đơn phương khởi kiện lên hình thức trọng tài bắt buộc”, thông cáo này lập luận, chỉ dẫn đến một hiệp định song phương không được xác định và Tuyên bố về ứng xử các bên ở Biển Đông, được ký kết giữa Trung Quốc và các quốc gia thành viên Đông Nam Á.
Tính hợp lý của phiên xử vắng mặt và tác động cuối cùng của phiên xử
Công bằng mà nói, các bên luôn có lý lẽ của riêng mình về phiên xét xử vắng mặt.
Philippines chắc chắn đã chuẩn bị để sử dụng Điều 3 của Phụ lục VII trong UNCLOS. Trong đó cho phép bên bị kiện chỉ định trọng tài viên trong vòng 30 ngày kể từ ngày nhận được thông báo khởi kiện từ phía tòa, và nếu sự chỉ định đó không được thực hiện trong thời hạn nói trên, bên khởi kiện được quyền, trong vòng hai tuần kể từ khi hết thời hạn chỉ định yêu cầu việc chỉ định trọng tài viên sẽ được thực hiện bởi chủ tịch đương nhiệm của hội đồng Trọng tài quốc tế về Luật biển đúng theo đoạn (e), Điều 3 Phụ lục.
Đối với vấn đề vắng mặt, Điều 9 của Phụ lục VII ghi nhận rất rõ, việc vắng mặt của một bên hay việc một bên không thể tham gia để bảo vệ quyền lợi của mình tại tòa không được xem như là cơ sở để hoãn hay chấm dứt thủ tục tố tụng. Như vậy về mặt lý thuyết, hội đồng xét xử này được phép tiếp tục phiên tòa cho dù không có mặt của bên bị kiện, mà ở đây là Trung Quốc. Dù vậy, các trọng tài cũng cần phải xác định vấn đề cơ bản, là hội đồng xét xử này có thẩm quyền đối với tranh chấp này hay không.
Đến đây, đáng tiếc rằng các lý lẽ của Bắc Kinh không phải không có cơ sở. Trung quốc, như đã nói , không công nhận thẩm quyền của tòa đối với những tranh chấp được liệt kê tại Điều 298 UNCLOS. Cụ thể hơn, chính phủ Trung Quốc phê chuẩn UNCLOS vào tháng 06 năm 1996 nhưng vào tháng 8 năm 2006 đưa ra tuyên bố không chấp thuận Điều 298 như sau:
“Chính phủ nhà nước Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa không chấp thuận bất cứ thủ tục bắt buộc nào được liệt kê tại phần 02, Chương XV của Điều ước đối với mọi nội dung tranh chấp tại đoạn 1 (a) (b) và (c) của Điều 298”.
Điều 298 của UNCLOS quy định rằng, các quốc gia thành viên có thể lựa chọn không chấp thuận thủ tục giải quyết tranh chấp bắt buộc đối với các tranh chấp như (a) tranh chấp liên quan đến biên giới hàng hải hoặc chủ quyền lịch sử; (b) tranh chấp liên quan đến các hoạt động quân sự và (c) tranh chấp liên quan đến Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc. Điều này cũng đồng nghĩa rằng, Trung Quốc không có nghĩa vụ chấp thuận thẩm quyền bắt buộc của Tòa Trọng Tài theo Phụ lục VII đối với tranh chấp liên quan đến biên giới hàng hải và chủ quyền lịch sử – đúng như họ tuyên bố.
Rõ ràng Trung Quốc đã chuẩn bị vô cùng kỹ lưỡng cho dã tâm chiếm đóng Biển Đông. Về mặt thực tế, họ đã và đang bành trướng việc nắm giữ các đảo, bãi đá ngầm để làm cơ sở cho căn cứ tính vùng biển chủ quyền, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa. Về mặt cơ sở pháp lý, họ đã tự mình tách khỏi ảnh hưởng của UNCLOS trước khi bắt đầu dụng tâm của mình gần cả thập kỷ. Việc Việt Nam liên tục chần chừ, thiếu sự chuẩn bị và thậm chí cũng không hề có động thái thực tế mạnh mẽ nào khác sẽ chỉ càng làm vị thế của Việt Nam tại Biển Đông trở nên tồi tệ. Dù Philippines có thể thuyết phục hội đồng xét xử và có đươc chiến thắng về mặt tinh thần cho họ, rất khó để Việt Nam có thể áp dụng thành quả pháp lý này chống lại Trung Hoa.
Tài liệu tham khảo:
UNCLOS Annex VII Arbitration – Who, What, Where, When?
Why China Won’t Accept International Arbitration in the South China Sea
UN tribunal won’t rule on ownership of disputed territories