‘Ông lớn’ truyền hình VTC dừng phát sóng; TP. HCM, Hà Nội ‘chữa cháy’ cho Nghị định 168
Các sự kiện nổi bật: * VTC từ biệt khán giả * TP. HCM, Hà Nội “giải cứu” giao thông sau Nghị
Vậy là Đại tướng Phùng Quang Thanh đã xuất hiện trên truyền hình quốc gia, chấm dứt những lời đồn thổi về bệnh tình và tính mạng của ông vốn đã làm xôn xao dư luận xã hội trong hơn một tháng qua.
Sinh, lão, bệnh, tử là chuyện thường tình ở đời với mọi cá nhân, mà lãnh đạo quốc gia cũng không phải ngoại lệ. Bởi vậy, thông tin một chính khách nào đó lâm bệnh, hoặc ngay cả chết vì bệnh hẳn cũng không phải là một điều gì đó đặc biệt tới mức nằm ngoài sức tưởng tượng của chúng ta.
Tuy nhiên, cách thức chính quyền truyền thông về thông tin sức khỏe lãnh đạo vẫn rất khác nhau giữa các quốc gia mặc cho tính chất thông thường của loại thông tin này.
Thử nhìn sang Singapore, ngày 15 tháng 2 năm 2015, một ngày trước khi Thủ tướng Lý Hiển Long nhập viện điều trị ung thư, Văn phòng Thủ tướng đã đăng tải công khai một thông cáo chính thức trên website của họ. Ngắn gọn song đầy đủ, thông cáo này bao gồm các thông tin về (1) diễn biến bệnh tình Thủ tướng, (2) nhóm bác sĩ điều trị, (3) số liệu khoa học về khả năng thành công của việc điều trị, (4) thời gian dự kiến điều trị và (5) thông tin về người đảm nhiệm thay vai trò Thủ tướng trong thời gian ông Lý điều trị. (1) Riêng Thủ tướng Lý thậm chí còn đăng tải trên trang Facebook cá nhân của ông những hình ảnh trước giờ tiến hành điều trị.
Trái ngược với cách hành xử của quốc gia nổi danh về nền hành chính công khai minh bạch ở trên, các viên chức tuyên truyền Việt Nam, qua sự việc của Đại tướng Phùng Quang Thanh và trước đó là Trưởng ban Nội chính Nguyễn Bá Thanh, dường như đang thể hiện rằng họ vẫn chưa thoát được khuôn khổ của các nguyên tắc hoạt động của kiểu Nhà nước-Đảng Leninist, vốn được học giả người Mỹ Larry Diamond mô tả là dựa trên một cấu trúc đóng kín và thiếu công khai (2). Không một thông cáo, họp báo, không một thông tin về bác sĩ điều trị, diễn biến bệnh tình, không một diễn giải khoa học vốn cần thiết vì đa số công chúng không hiểu các vấn đề chuyên môn y tế; và cuối cùng, cũng chẳng có thông tin về việc ai sẽ đảm trách vai trò thay thế trong thời gian điều trị.
Dễ thấy những hệ quả trái ngược từ hai cách xử lý thông tin như trên.
Một đằng, lòng tin cậy đối với chính quyền và cảm giác làm chủ của người dân được nâng cao khi họ biết rõ thông tin bệnh tình của những người đang được họ ủy nhiệm quyền lực, rằng người đó có đủ sức khỏe để họ tiếp tục giao phó quyền quản trị quốc gia hay không. Đằng kia, người dân cảm thấy xa lạ như việc “thiên đình”; mặc cảm “thần dân” nảy mầm và bắt rễ, lâu dần làm người dân quên mất rằng họ đang sở hữu quốc gia; sợi dây nối liền quan hệ nhà nước – công dân cũng vì thế mà lỏng lẻo, tiềm ẩn khả năng xói mòn tính chính danh không chỉ của chính quyền mà còn cả ý niệm quốc gia.
Một đằng, việc bàn tán, bình luận nếu có cũng chỉ dựa trên sự việc có thật (facts) nên thường sẽ không hao tốn quá nhiều thời gian, không sa đà vào suy diễn, võ đoán. Đằng kia, vì thiếu thông tin chính thức từ người có thẩm quyền phát ngôn của chính quyền nên dư luận trở thành mảnh đất màu mỡ cho tin đồn. Mỗi một tin đồn gắn với một thuyết âm mưu kéo theo sau đó hàng loạt cuộc bàn tán, tranh cãi, bình luận. Sự vụ quốc gia vì thế mà xao nhãng, tiền của quốc dân do vậy mà tiêu hao.
Một đằng, ai nấy đều biết người thay thế vị trí lãnh đạo, nhờ vậy mà dự báo được xu hướng tới đây của chính sách quốc gia, đặng tìm cách điều chỉnh cho phù hợp. Đằng kia, dân tình cứ đoán già đoán non, tính chất ‘có thể dự báo được’ của chính sách công vì thế mà không được đảm bảo. Điều này sẽ còn trở nên trầm trọng hơn nữa đối với những quốc gia đang trong tiến trình chuyển đổi thế chế kinh tế, nơi mà mỗi chính khách (ngay cả khi trong cùng một đảng chính trị) có thể có một quan điểm khác biệt về đường hướng, cách thức cũng như mức độ chuyển đổi. Các nhà đầu tư trong trường hợp này, nếu cảm thấy không dự báo được chính sách, dễ sẽ chọn cách an toàn là rút đi.
Ba hệ quả trên đồng thời gợi ý ba lý do chính yếu của sự cần thiết phải công khai minh bạch các thông tin sức khỏe của lãnh đạo nhà nước (trong sự cân nhắc với quyền riêng tư của họ về mức độ chi tiết của tình trạng bệnh lý):
Một là, quyền lực nhà nước có nguồn gốc từ nhân dân và được ủy nhiệm cho chính khách. Bởi vậy, người dân của quyền được biết liệu những người đang được ủy nhiệm đó có đủ sức khỏe để tiếp tục nhận sự ủy nhiệm của họ hay không.
Hai là, minh bạch thông tin bệnh tình lãnh đạo giúp cộng đồng xã hội tiết kiệm được các nguồn lực vốn bị tiêu hao cho việc luận bàn, lý giải, tranh cãi xung quanh các tin đồn thiếu căn cứ.
Ba là, minh bạch thông tin về người thay thế lãnh đạo lúc bệnh tật giúp tăng mức độ có thể dự báo được của chính sách công qua việc công khai người thay thế, từ đó tạo dựng niềm tin cho cộng đồng về tính liên tục của guồng máy quốc gia cũng như giúp các bên liên quan có thể điều chỉnh phản ứng theo dự báo chính sách công của họ.
Dưới góc nhìn hành chính-pháp lý, các thông tin dạng này nằm trong phạm trù thông tin công (public information) – một loại hàng hóa công được cung ứng cho người dân một cách dễ dàng theo luật định. Thuật ngữ này, đến lượt nó, thường được gắn liền với các chính sách và điều luật tiếp cận thông tin.
Ý tưởng coi thông tin sức khỏe lãnh đạo như một loại hàng hóa công khả năng cao sẽ gặp những phản đối, đặc biệt là trong các nước mà sức mạnh cai trị của chính quyền dựa trên việc bưng bít thông tin. Một trong số những luận điểm phản đối là lãnh đạo có quyền riêng tư để bảo mật thông tin bệnh lí của mình. Một cách chuẩn tắc, đây có thể là một vấn đề còn tranh cãi. Tuy nhiên, trên thực tế, sự năng động của truyền thông độc lập, trách nhiệm chính trị và những cân nhắc về uy tín đảng phái buộc các chính trị gia và đảng của họ phải công khai, nếu không muốn thất cử ở kỳ bầu cử tiếp theo. Thực tiễn này góp phần tạo thành một thứ văn hóa chính trị trọng minh bạch ở các quốc gia trong vấn đề này.
Tuy nhiên, văn hóa chính trị minh bạch là thứ không dễ được tạo ra một sớm một chiều. Đối với những cộng đồng xã hội đã quen với trạng thái mù mờ thông tin, việc luật hóa quyền được có thông tin của người dân và nghĩa vụ cung cấp thông tin của chính quyền đóng một vai trò to lớn trong việc tạo dựng và bồi đắp văn hóa chính trị minh bạch. Nhìn từ góc độ đó, thiết nghĩ, hai vụ việc vừa qua của hai chính khách tên Thanh nên được dẫn chiếu trong những thảo luận công của giới hoạch định chính sách Việt Nam nói riêng, cũng như dư luận xã hội nói chung, trong tiến trình xây dựng luật lệ đầu tiên của quốc gia về tiếp cận thông tin.
Tác giả Nguyễn Anh Tuấn là một nhà hoạt động xã hội quan tâm tìm hiểu về khoa học chính trị, đặc biệt là các vấn đề chính sách công. |
Tài liệu tham khảo:
(1)Statement from the Prime Minister’s Office
(2) Political Parties and Democracy, edited by Larry Diamond and Richard Gunther, The Johns Hopkins University Press, 2001, tr.18