Xã hội dân sự và phát triển quốc gia - Kỳ 1: Vốn xã hội
🎧Mời bạn nghe bản audio của bài này:Xã hội dân sự và phát triển quốc gia - Kỳ 1:
Nhật Minh (dịch)
* Tiêu đề do Luật Khoa tạp chí đặt.
Richard Javad Heydarian – Phó Giáo sư ngành Khoa học Chính trị tại Đại học De La Salle là một người thường xuyên đóng góp cho các ấn phẩm quốc tế và là một chuyên gia về các các vấn đề địa chính trị và kinh tế tại Châu Á. Ông cũng là tác giả của những cuốn sách: Cuộc chiến mới tại Châu Á: Mỹ, Trung Quốc và tranh chấp tại vùng biển Tây Thái Bình Dương. Những quan điểm và nhận định dưới đây do tác giả hoàn toàn chịu trách nhiệm.
Metro Manila (CNN Philippines) – Yêu cầu giải quyết tranh chấp lãnh thổ một cách hòa bình trên biển Hoa Nam [South China sea] của Philippines đã bước vào giai đoạn quan trọng. Sau hơn 02 năm chuẩn bị đầy đủ và kỹ càng, mà đỉnh điểm là một văn kiện ngoại giao dài hơn 1000 trang, Manila đang đứng trước cơ hội lớn để thuyết phục rằng Tòa Trọng tài Thường trực [PCA] tại Hague (Hà Lan) rằng vụ việc này xứng đáng được PCA thụ lý và giải quyết.
Mục đích cuối cùng [của vụ kiện] là đảm bảo tất cả các quốc gia phải tôn trọng những cam kết của mình trong các hiệp định quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS), văn kiện mà Philippines và Trung Quốc đều là thành viên.
Vấn đề mấu chốt của vụ việc vẫn là câu hỏi về thẩm quyền: Đó là, Tòa Trọng tài Thường trực, được thành lập bởi UNCLOS, có được xét xử vụ việc tranh chấp giữa Trung Quốc và Philipines hay không? Chúng ta [người Philippines] thậm chí sẽ không thể bảo vệ quan điểm của mình, trừ khi chúng ta thuyết phục được tòa án rằng trọng tài là con đường duy nhất để giải quyết vụ việc.
Những điều đang bị đe dọa không phải là những lập luận của Phillipines về vụ việc hay những động thái mù mờ của Trung Quốc, mà là sự tín nhiệm và tính khả thi của pháp luật quốc tế trong việc sử dụng trọng tài để giải quyết tranh chấp về lãnh thổ có vẻ như rất nan giải. Đó là lý do vì sao cộng đồng quốc tế đang quan tâm sát sao tới phiên tòa đang được thực hiện tại Hague.
Vụ tranh chấp lịch sử
Philippines nhận được sự ngưỡng mộ của các quốc gia trên thế giới với tư cách là quốc gia đầu tiên trong lịch sử dám đưa vụ việc với Trung Quốc ra tòa án (theo Điều 287 và Phụ lục VII của UNCLOS). Qua các chuyến công tác và làm việc với các đồng nghiệp và các quan chức của các quốc gia có liên quan tại khu vực Thái Bình Dương, tôi phải nói rằng, tôi đã nhận được rất nhiều sự ngưỡng mộ của họ về việc chính phủ của chúng ta quyết định yêu cầu trọng tài can thiệp giải quyết, mặc cho sự phản đối kịch liệt từ phía Trung Quốc.
Mặc dù Trung Quốc từ chối tham gia tố tụng, đồng thời tuyên bố chủ quyền “không thể chối cãi” trên hầu như toàn bộ biển Hoa Nam, nhưng UNCLOS (theo Điều 9, Phụ lục VII) không thể ngăn cấm chúng ta tiếp tục thực hiện các nỗ lực để đưa vụ việc được giải quyết tại Hague. Trên thực tế, chính quyền Aquino [chính quyền Philippines] đã không ngần ngại đối mặt với Trung Quốc, không phải bằng vũ lực, mà bằng thứ vũ khí sắc bén hơn đó là pháp luật.
Trung Quốc nhận thức rõ ràng về những khó khăn trong các lập luận bao biện cho yêu sách chín đoạn của mình, vì vậy, Beijing (Bắc Kinh) đã tìm nhiều cách phá hoại những nỗ lực của Philippines tại cơ quan trọng tài. Họ đã trình bày ba luận điểm liên quan đến vụ việc nhằm mục đích đặt ra dấu hỏi rằng liệu rằng Tòa Trọng tài Thường trực có đủ thẩm quyền đối với vụ việc hay không.
Trung Quốc viện dẫn rằng UNCLOS không có chức năng giải quyết các tranh chấp liên quan đến chủ quyền. Trung Quốc cũng tuyên bố rằng còn quá sớm để viện đến thủ tục bắt buộc tại trọng tài, bởi còn có thể giải quyết bằng các cơ chế thay thế khác. Vì vậy, đội ngũ luật sư của Philippines đã cố gắng giải quyết vấn đề về thẩm quyền bằng cách tránh đưa ra những câu hỏi về chủ quyền, thay vào đó, họ tập trung câu hỏi vào những vấn đề khác.
Làn sương mù của pháp luật
Đầu tiên, Philippines đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc làm rõ bản chất những đặc điểm đang gây tranh chấp (theo Điều 121 của UNCLOS.): các điều kiện về mức triều thấp hoặc mức triều cao, dấu hiệu hải đảo đều rất quan trọng trong việc xác định vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý [EEZ]
Tôi cho rằng luận điểm quan trọng nhất mà phía Philippines đưa ra là yêu cầu PCA xác định (và hy vọng làm mất hiệu lực) tuyên bố của Trung quốc về yêu sách chín đoạn, tuyên bố dựa chủ yếu vào những khái niệm đầy mơ hồ, ngờ vực về cái gọi là “quyền lịch sử/vùng nước lịch sử”. Nói một cách ngắn gọn, chúng ta muốn đảm bảo rằng những quốc gia có liên quan thực hiện những tuyên bố và các hành vi trên biển theo những nguyên tắc hợp pháp, rõ ràng và được quốc tế công nhận.
Trong quá trình soạn thảo cuốn sách “Cuộc chiến mới tại Châu Á”, tôi có cơ hội để tham khảo ý kiến của các chuyên gia pháp lý hàng đầu đến từ Mỹ, Châu Á, Châu Âu. Ấn tượng chính của tôi là việc cộng đồng pháp lý có hai quan điểm trái chiều trong việc liệu rằng Philippines có thể vượt qua những rào cản pháp lý hay không, khi mà chúng ta sẽ phải chứng minh rằng trường hợp này vượt lên các vấn đề về chủ quyền.
Tuy nhiên, trên thực tế, mọi người đều đồng ý rằng đây là lần đầu tiên Trung Quốc tuyên bố chủ quyền trên diện rộng, nhưng tuyên bố được cho là không phù hợp và chính xác cho dù Trung Quốc chỉ công bố quyền độc quyền đánh cá hay tuyên bố chủ quyền trên toàn bộ biển Hoa Nam. Và nếu Trung Quốc không làm rõ tọa độ chính xác các điểm giới hạn trong tuyên bố của mình, thì gần như sẽ không có sự khả thi nào để phát triển đề án chung đối với các nước liên quan.
Vụ việc Philippines cũng đã khiến PCA rơi vào một tình thế khó xử. Trong trường hợp PCA cho rằng mình không đủ thẩm quyền và từ chối xem xét các quan điểm của chúng ta về vụ việc, thì khả năng giải quyết của pháp luật quốc tế trong một cuộc xung đột hay cơ chế quản lý, giải quyết sẽ là một câu hỏi cần được giải đáp.
Đồng thời, nếu PCA quyết định tiếp tục xử lý tranh chấp và cuối cùng đưa ra những phán quyết chống lại Trung Quốc, thì khi đó sẽ xảy ra một nguy cơ rất lớn, mà theo Giáo sư Matthew C. Waxman, một người bạn của tôi tại Đại học Columbia đã nhận định, nó [phán quyết của PCA] sẽ bị “phớt lờ, chế giễu và chịu thiệt thòi bởi cầu thủ lớn nhất [Trung Quốc] trong khu vực”. Cuối cùng, không có bất kì cơ chế đa phương nào có thể bắt buộc Trung Quốc – một thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc – thực thi và tuân theo bất kỳ phán quyết nào bất lợi đối với họ.
Trên thực tế, vấn đề đáng quan tâm nhất là: Trong khi các quy trình pháp lý đang bắt đầu chậm chạp, Trung Quốc đã bắt đầu thay đổi hành động của mình trên đất liền. Đây là lý do tại sao Philippines vẫn đang hết sức cảnh giác, và chủ yếu tập trung vào việc củng cố vị thế của mình trên những phần lãnh thổ, đồng thời đàm phán các biện pháp cần thiết (ví dụ, thiết lập các đường dây nóng…) để ngăn chặn các cuộc đụng độ không mong muốn và sự leo thang căng thẳng trên biển cả, và sử dụng tất cả các công cụ khác để bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ của mình.
Một mối quan tâm khác được đặt ra là phải ngăn chặn Trung Quốc thiết lập Vùng nhận diện phòng không (ADIZ) trong chuỗi các hòn đảo Spratly [Trường Sa]. Nhờ nó [ADIZ], Beijing hoàn toàn có thể bóp nghẹt con đường viện trợ của các quốc gia có liên quan cũng như thống trị con đường hàng hải quan trọng nhất thế giới.
Cuối cùng, sự thật là, chúng ta không thể chỉ dựa vào UNCLOS để giải quyết vụ việc này, và chúng ta sẽ cần sự giúp đỡ của các đồng minh, các đối tác của chúng ta trên toàn thế giới cũng như sự hỗ trợ toàn diện của người dân Philipines.
Chú thích của người dịch: Vùng Biển Đông có tên quốc tế là South China Sea, tức là biển Hoa Nam. Người Philippines gọi vùng biển này là West Philippines Sea, tức là biển Tây Philippines.
Dịch từ: The moment of truth: Philippines vs. China at The Hague (CNN Philippines)