Tuần tin: Vương Đình Huệ, Võ Văn Thưởng ‘hạ cánh’ chưa an toàn
Các sự kiện nổi bật: * Kỷ luật ông Vương Đình Huệ; tạm hoãn xử lý ông Võ Văn Thưởng * Việt
Nguyễn Huy Hoàng (dịch)
Dịch từ: Xiao Guozhen, “China vs. Its Human Rights Lawyers”, The New York Times, 31/07/2015.
Xiao Guozhen là luật sư nhân quyền người Trung Quốc, và là nghiên cứu viên khách mời tại Quỹ Quốc gia Hỗ trợ Dân chủ (National Endowment for Democracy), một tổ chức phi lợi nhuận nhằm thúc đẩy dân chủ có trụ sở ở Washington, D.C (Hoa Kỳ).
Cách đây hai năm, tôi sống ở Beijing (Bắc Kinh) và thuộc một nhóm các chuyên gia pháp lý có tổ chức lỏng lẻo được biết đến trong dân chúng Trung Quốc như những weiquan lushi (duy quyền luật sư), hay luật sư biện hộ. Chính phủ gọi chúng tôi là một “băng nhóm tội phạm” làm ảnh hưởng tới trật tự xã hội bởi chúng tôi công khai thách thức cách mà Đảng Cộng sản kiểm soát hệ thống pháp luật của Trung Quốc. Hầu hết những người được chúng tôi giúp đỡ đều bị nhìn nhận là những kẻ gây rối trong con mắt của các quan chức: những người buộc phải khiếu kiện vì nhà cửa của họ đã bị cưỡng chế phá dỡ, những người bất đồng chính kiến, thành viên của các nhà thờ Thiên chúa giáo, các học viên Pháp Luân Công, và những lao động nhập cư bị người sử dụng lao động ở thành thị quấy nhiễu.
Năm 2013, tôi tới Hoa Kỳ với tư cách là một học giả khách mời và tiếp tục hoạt động bằng cách nghiên cứu và viết lách. Hầu hết các bạn bè và đồng nghiệp luật sư nhân quyền của tôi đã chọn ở lại Trung Quốc để chống lại những bất công xã hội. Đầu tháng này, hơn 200 người trong số họ đã bị bắt giữ và thẩm vấn, hoặc bị quản thúc và giám sát ở khu dân cư, trong cuộc đàn áp nghiêm trọng nhất đối với nghề luật mà chúng tôi từng chứng kiến. Nhiều luật sư đã bị đưa tới những địa điểm bí mật; một số đã bị ép phải thú nhận “các hoạt động tội phạm” trong quá trình giam giữ.
Phạm vi của cuộc đàn áp này cho chúng ta cái nhìn thoáng qua về một tình hình nghiêm trọng. Công chúng đang nghi ngờ khả năng quản lý nền kinh tế đang chậm lại của chính phủ, đặc biệt là cơn sụt giảm trên thị trường chứng khoán gần đây, và chiến dịch chống tham nhũng của Chủ tịch Xi Jinping (Tập Cận Bình) đã gây ra sự chia rẽ sâu sắc trong nội bộ Đảng Cộng sản. Trong bối cảnh này, sự ủng hộ ngày một lớn dành cho các luật sư nhân quyền, đặc biệt là trong những người bất mãn và bị áp bức, và ảnh hưởng ngày một rộng của họ trên các phương tiện truyền thông đại chúng đã khiến giới lãnh đạo lo sợ đến mức họ cảm thấy việc tiến hành các chiến dịch bắt giữ trên toàn quốc là điều cần thiết.
Một loạt các trường hợp đáng chú ý trong năm nay đã khẳng định nỗi lo sợ của giới lãnh đạo Trung Quốc rằng Đảng có thể mất kiểm soát và tính chính danh của nó có thể sụp đổ.
Ngày mùng 2 tháng 5, cảnh sát thị trấn Qing’an ở miền Đông Bắc Trung Quốc đã bắn chết một người dân oan, Xu Chunhe, trong một vụ ẩu đả ngay trước mặt mẹ già và ba con nhỏ của anh trong một nhà ga xe lửa. Khi các quan chức địa phương bao che cho hành động sai trái của cảnh sát, một nhóm các luật sư biện hộ đã thay mặt gia đình anh để khởi kiện. Thông qua mạng lưới truyền thông xã hội, họ đã thu được video từ các nhân chứng và cáo buộc các phương tiền truyền thông nhà nước đã làm giả các đoạn băng giám sát để che đậy cho sự tàn bạo của lực lượng cảnh sát. Vụ việc đã làm dấy lên một làn sóng giận dữ của công chúng đối với chính phủ.
Vì không có các phương tiện truyền thông độc lập thông thường, giới luật sư chúng tôi đóng một vai trò quan trọng trong việc vạch trần sự lộng hành của các cơ quan thực thi pháp luật và tòa án, và gây áp lực buộc họ phải cải cách.
Trong tháng 5, các nhà hoạt động và luật sư đã tổ chức một cuộc biểu tình ngồi (sit-in) trước một tòa án tỉnh Jiangxi (Giang Tây) để kêu gọi sự chú ý dành cho bốn người mà họ cho là đã bị cầm tù oan sai trong hơn một thập niên vì các tội cướp tài sản, hiếp dâm, và giết người. Mặc dù một nghi can trong một vụ án khác đã nhận trách nhiệm cho các tội phạm này, tòa án vẫn bác bỏ đề nghị tiến hành một phiên tòa tái thẩm của các luật sư và từ chối cho họ tiếp cận hồ sơ vụ án. Hơn 40 luật sư nhân quyền đã viết thư cho Chủ tịch Xi Jinping, và các cuộc biểu tình kéo dài của họ đã tạo nên một cơn bão truyền thông. (Chính phủ sau đó đã bắt giữ những người tổ chức chủ chốt và trường hợp này đến nay vẫn chưa được giải quyết.)
Trong nỗ lực nhằm thúc đẩy sự công bằng, chúng tôi theo đuổi thành công trong các vụ việc riêng lẻ và dựa trên từng người để thức tỉnh nhận thức về các quyền con người cơ bản trong dân chúng. Chính quyền cũng lo lắng trước thực tế nhiều người tiếp tục đứng lên làm các nhà hoạt động nhân quyền.
Li Huanjun, trước đây là giáo viên mẫu giáo ở Beijing, đã tìm đến sự giúp đỡ của chúng tôi sau khi các quan chức thông đồng với các nhà đầu tư để tháo dỡ ngôi nhà của cô. Chúng tôi đã dạy cô cách vận dụng luật pháp Trung Quốc hiện có cùng các phương tiện truyền thông xã hội để bảo vệ quyền lợi của mình. Kể từ đó, cô đã trở thành một nhà hoạt động tích cực vàc cùng giúp đỡ các dân oan khác. Gần đây, cô đã tham gia một chiến dịch kêu gọi các quan chức chính phủ công khai và đăng ký tài sản của họ.
Mối đe dọa bị bắt giữ và bỏ tù không phải là điều gì mới đối với chúng tôi. Trong thời gian ở Bắc Kinh, cảnh sát đã theo dõi tôi, triệu tập tôi để thẩm vấn, giam giữ tôi trong nhiều giờ và đe dọa sẽ ném tôi vào tù. Chính quyền đặt ra tất cả những trở ngại này là bởi chúng tôi đã tuân theo tinh thần của pháp luật, chứ không phải là đường lối của Đảng.
Trong ngắn hạn, cuộc đàn áp hiện nay sẽ mang lại cho chính phủ một thời gian tạm yên ổn. Do e ngại, sẽ có ít chuyên gia pháp lý tiếp tục hoạt động, ít nhất là trong một thời gian. Nếu không có các luật sư nhân quyền để biện hộ thì các dân oan và những người bất đồng chính kiến sẽ ngần ngại trước khi xuống đường để cất tiếng nói.
Nhưng ông Xi và các lãnh đạo Đảng Cộng sản đã không nhận ra rằng đàn áp có thể dẫn đến sự sụp đổ chính trị của họ. Ở Trung Quốc, luật sư nhân quyền có vai trò như một van áp lực, điều tiết cơn giận và sự bất mãn của người dân theo các kênh pháp lý phù hợp và cho họ một tiếng nói. Hàng trăm cuộc biểu tình nổ ra khắp nơi trên đất nước mỗi ngày vì người dân Trung Quốc đã cho thấy sự bất mãn của họ với nạn tham nhũng, cưỡng chế đất đai, và những điều bất công khác đi cùng với sự phát triển nhanh chóng của đất nước.
Việc đàn áp những người bất đồng chính kiến ôn hoà trong một xã hội đầy biến động sẽ ảnh hưởng xấu tới cơ hội Trung Quốc có thể chuyển tiếp một cách hòa bình hướng tới dân chủ hơn và có thể bùng nổ thành một cơn bất ổn xã hội đầy bạo lực trên diện rộng hoặc thậm chí là một cuộc đảo chính chính trị. Nếu Chủ tịch Xi Jinping để mất quyền lực trong một cuộc đảo chính thì ông ta và những người thân cận có thể sẽ không tìm được luật sư biện hộ độc lập nào cho mình.
Nhiều người trong số những đồng nghiệp luật sư của tôi đã chọn tiếp tục cuộc chiến của họ bất chấp việc bị bắt giam và tra tấn. Trong thời gian này, một số luật sư đã được thả sau cuộc bắt giữ của chính phủ đang tổ chức kiến nghị và tình nguyện bảo vệ những người vẫn bị cảnh sát giam giữ.
Trong cuộc phỏng vấn với một tờ báo Nhật Bản vào tháng 11 năm 2012, một phóng viên đã hỏi bạn tôi, Jiang Tianyong, một luật sư nhân quyền từng bị tra tấn trong khi bị giam giữ, “Đã bao giờ ông nghĩ tới việc từ bỏ do môi trường chính trị khó khăn chưa?”
Câu trả lời của Jiang cũng phản ánh quyết tâm của hầu hết các luật sư nhân quyền khác: “Những gì đã xảy ra với tôi trong tù cho thấy chúng tôi cần phải làm điều gì đó để thay đổi chế độ này. Tôi sẽ không từ bỏ, cho dù là vì lợi ích của con tôi.”