Thư cuối tuần - 18/1/2025
Đây là Thư cuối tuần của Luật Khoa tạp chí. Thư tin này chỉ làm một việc đơn giản là
Ở phần này, tác giả John Gillespie lần lượt giải thích ba khái niệm pháp chế xã hội chủ nghĩa, tập trung dân chủ và làm chủ tập thể. Đây được coi là ba trụ cột cấu tạo nên cốt lõi của hệ thống chính trị – pháp luật xã hội chủ nghĩa, mà nếu tìm hiểu về hệ thống pháp luật Việt Nam, người ta không thể nào bỏ qua.
Dịch giả: Étranger Nguyen
Dịch từ chương “Changing Concepts of Socialist Law in Vietnam” của tác giả John Gillespie
Trích từ “Asian Socialism and Legal Change: The Dynamics of Vietnamese and Chinese Reform” (“CNXH và thay đổi luật pháp ở châu Á: Động năng của cải cách ở Việt Nam và Trung Quốc”)
Các chú thích là của dịch giả. Tựa đề và cách phân đoạn chương sách cho từng kỳ để đăng trên LKTC là của Ban Biên tập Luật Khoa tạp chí.
Pháp chế xã hội chủ nghĩa
Pháp chế xã hội chủ nghĩa là quan điểm chính của hệ thống pháp luật xã hội chủ nghĩa. Nó đã được định nghĩa trong các văn bản chính thức của Việt Nam trong thập niên 60 của thế kỷ trước như là một công cụ của nền chuyên chính vô sản để đánh bại kẻ thù, bảo vệ các thành quả của cách mạng và các quyền dân chủ tập thể, nhằm tổ chức, quản lý và phát triển một nền kinh tế kế hoạch [1]. (Đinh Gia Trinh 1961)
Các cây bút của chế độ đã suy luận từ học thuyết của Marx rằng một chế độ xã hội được điều khiển bởi giai cấp công nhân sẽ cần đến một hệ thống pháp luật phản ánh những nguyện vọng của giai cấp vô sản. Mối liên hệ giữa pháp luật và giai cấp được được giải thích bằng một luận điểm quen thuộc rằng luật pháp là một bộ phận cấu thành của “kiến trúc thượng tầng”, trong khi đó kiến trúc thượng tầng này lại sẽ phản ánh ý chí của giai cấp thống trị cũng như sự chiếm hữu tư liệu sản xuất của giai cấp này. [Do đó], Đảng quyết định nội dung của các văn bản pháp luật tại các kỳ Đại hội. Sự thống nhất của giữa các nghị quyết của Đảng và các văn bản pháp luật cho phép Đảng và Nhà nước sử dụng luật pháp như một công cụ quản lý để điều chỉnh các mối quan hệ xã hội – trên thực tiễn là cho phép sử dụng các chính sách [của Đảng] thay cho luật pháp.
Cách nhìn nhận coi luật pháp như một công cụ chính trị này được ngụ ý xa hơn qua việc hạ thấp vai trò của việc định nghĩa chính xác các thuật ngữ pháp lý. Các từ như “hiệu lực” và “tính hợp pháp” có thể dùng lẫn với từ “pháp chế”. Thay vì sự chắc chắn và chính xác của pháp luật, những nhà lập pháp lại mong muốn tạo ra sự phục tùng của xã hội. Trong nỗ lực để đưa các thuật ngữ pháp lý đến gần hơn với người nông dân, các học giả đã thay thế các thuật ngữ pháp lý Hán Việt bằng các từ thuần Việt mới – kém chính xác – được tạo ra hàng ngày (Đinh Gia Trinh 1965).
Tập trung dân chủ
Khái niệm “tập trung dân chủ” – được Lenin tạo ra – là nguyên tắc tổ chức của Đảng và Nhà nước (Lavigne 1985). Một bản sao của học thuyết này xuất hiện trong một báo cáo chính trị của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi tới Đại hội toàn quốc lần thứ hai của Đảng Lao động Việt Nam (DLDVN) năm 1951 (Hồ Chí Minh 1994:127). Theo thời gian, nguyên lý này đã được hiến định trong bản Hiến pháp năm 1959 [2], trở thành một học thuyết kết nối tính công cộng của các hoạt động nhà nước với tính tập trung của quyền lực Đảng và nhà nước.
Các tài liệu của Đảng cho biết rằng, nguyên tắc tập trung dân chủ đã được giới thiệu nhằm củng cố quyền lực của Trung ương Đảng đối với các chi bộ Đảng ở địa phương, với các viên chức nhà nước cũng như nhân dân nói chung (Lê Văn Lương 1960; Nguyễn Thế Phụng 1960). Theo tư tưởng chiến lược xã hội chủ nghĩa, quyền lực của Đảng cấu thành lên những phương thuốc hữu hiệu nhất để chữa trị các căn bệnh “địa phương chủ nghĩa” và “phòng ban chủ nghĩa” [3]. Chỉ có một Đảng kỷ luật, được tổ chức phân cấp rõ ràng mới có thể đưa lại một sự thống nhất trong xã hội và hệ thống hành chính – yêu cầu quan trọng cho một nền kinh tế kế hoạch. Khoản f Điều 10 Điều lệ DLDVN năm 1960 giải thích ý nghĩa của từ “tập trung”:
Cá nhân đảng viên phải phục tùng tổ chức Đảng; thiểu số phục tùng đa số; tổ chức cấp dưới phục tùng tổ chức cấp trên; các tổ chức Đảng trong toàn quốc phục tùng Đại hội đại biểu toàn quốc và Ban Chấp hành Trung ương. [4]
Cánh tay thứ hai của nguyên tắc tập trung dân chủ dựa trên khẳng định của Lenin rằng dân chủ chỉ tồn tại khi giai cấp công nhân “tập trung quyền lực vào tay mình”. Dân chủ xã hội chủ nghĩa được hiểu theo hai cách. Các nhà lý thuyết lập luận rằng các cơ quan lập pháp được nhân dân bầu lên (Quốc hội và các cơ quan lập pháp địa phương) sẽ thay mặt cho nhân dân để điều khiển quyền lực nhà nước. Dân chủ xã hội chủ nghĩa cũng bao hàm một quan điểm cách mạng của Lenin rằng nền dân chủ tư sản đã đánh cắp [5] quyền hợp pháp được bầu lên người đại diện của nhân dân. Ông ta [Lenin] tin rằng giai cấp lao động có quá ít cơ hội để tham dự vào chính quyền thông qua việc tác động vào các nhà lập pháp bằng các thủ tục lobby [6] và các cuộc biểu tình công khai. Các quyền dân chủ sẽ được bảo vệ tốt hơn bằng một nền chuyên chính vô sản, trao quyền cho “giai cấp thống trị” trực tiếp lãnh đạo nhà nước thông qua người đại diện của họ: Đảng Cộng sản và các tổ chức đoàn thể. Tập trung dân chủ công nhận giá trị của sự lãnh đạo của Đảng trong nhà nước và xã hội.
LÀM CHỦ TẬP THỂ
Những ý tưởng mà sau này đã hợp nhất thành khái niệm “làm chủ tập thể” đã xuất hiện trong những xuất bản phẩm của Đảng từ năm 1950 (Phạm Văn Đồng 1952). Không giống như các khái niệm “pháp chế xã hội chủ nghĩa” và “tập trung dân chủ”, “làm chủ tập thể” là một khái niệm đã chính thức được hình dung thông qua những tư tưởng cách mạng Trung Quốc, mặc dù nó vẫn nhận cảm hứng từ khẳng định của Lenin rằng một nền dân chủ thực sự chỉ hình thành khi giai cấp công nhân thực hiện quyền làm chủ của họ đối với xã hội.
Những nhà lãnh đạo Việt Nam đã bị quyến rũ bởi những lý thuyết cổ động quần chúng căn bản của Mao, rất lâu sau khi những luật gia theo Stalin chối bỏ sự tham gia của công chúng vào hoạt động của nhà nước những năm 1930 như là “một chuyện lăng nhăng cũ rích về sự động viên những người công nhân năng động man tính xã hội” (Vyshinski 1982 [1936]:81). Cái nhìn không tưởng này đưa pháp luật trở thành “công cụ căn bản để cải tạo con người”.
Tổng Bí thư Lê Duẩn đã thảo luận về làm chủ tập thể trong những năm 60 và 70 của thế kỷ XX, nhưng học thuyết này vẫn chưa được áp dụng trước khi sự tự mãn bao trùm lên công cuộc thống nhất đất nước năm 1975 khiến cho một dự án chuyển biến căn bản toàn xã hội trở nên khả thi (Lê Duẩn 1994:242 – 3). Tại Đại hội lần thứ tư của Đảng Lao động Việt Nam năm 1976, “làm chủ tập thể” đã được mô tả như là một hệ thống mà ở đó “những người chủ nhân chân chính và tuyệt đối là cộng đồng xã hội, là tập thể có tổ chức của nhân dân lao động, với nòng cốt là liên minh công – nông” [7] (Phạm Văn Đồng 1977:K11 – K12). Khẩu hiệu “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ” đã đặt toàn bộ những mối quan hệ giữa Đảng, nhà nước và công chúng dưới lý thuyết “làm chủ tập thể”.
Các nhà lý thuyết [của chế độ] cho rằng để tiến tới làm chủ tập thể, cần triệt tiêu sự mâu thuẫn [giữa quyền lợi] của nhà nước và cá nhân (Lê Thi 1977). Bằng chứng cho mục tiêu này nằm trong khẩu hiệu của Đảng: “Mục tiêu quan trọng của cách mạng là tăng cường sự nhất trí về chính trị và tinh thần của toàn dân” [8]. Trong những xã hội không có giai cấp, tập thể sẽ thay thế cá nhân, để cho con người sống hài hòa mà không có sự lười biếng, tính cá nhân, sự ích kỷ hay tham nhũng vốn gắn liền với “xã hội cũ”. Làm chủ tập thể cũng không cho phép sự tồn tại của xã hội dân sự [civil society] hay các không gian cá nhân ra ngoài quỹ đạo của nhà nước và tập thể, ví dụ như chủ nghĩa cá nhân trong các xã hội tư bản. Kết quả tất yếu là học thuyết [làm chủ tập thể] này sẽ trở thành thù địch với các quyền cá nhân.
Các giá trị tập thể được khuyến khích thông qua các chiến dịch cổ động quần chúng dưới sự lãnh đạo của Đảng. Các chiến dịch mang tính đạo đức đầu tiên bao gồm việc xóa sạch các ảnh hưởng tàn dư của văn hóa Pháp (1946 – 1952), cải cách ruộng đất (1953 – 1956) và tấn công vào “các giá trị đạo đức phong kiến và Khổng giáo” (Weggel 1986:415). Trong những năm 1970 và 1980, Đảng đã sử dụng các tổ chức quần chúng để tạo sức cổ vũ cho công cuộc “cách mạng hóa toàn bộ đời sống” thông qua việc tái cấu trúc xã hội trên các địa bàn dọc biên giới (Lê Phương 1994).
Cùng với nhau, pháp chế xã hội chủ nghĩa, tập trung dân chủ và làm chủ tập thể đã tạo ra bốn nguyên tắc pháp lý cơ bản của xã hội chủ nghĩa, qua đó đã tái tạo gần như hoàn toàn các lý thuyết vay mượn từ Liên Xô. Nguyên tắc thứ nhất là, pháp luật không phải nằm cao hơn nhà nước, mà pháp luật bắt nguồn từ nhà nước. Là một dạng tuyệt đối của chủ nghĩa thực chứng [9], pháp luật xã hội chủ nghĩa không có chỗ cho tập quán hay các quyền tự nhiên. Nguyên tắc thứ hai là, Đảng và Nhà nước có đặc quyền sử dụng các chính sách [của mình] để thay thế cho luật pháp. Luật pháp có quyền ra quyết định, nhưng không bao giờ được hạn chế quyền lực của nhà nước. Nguyên tắc thứ ba, Đảng lãnh đạo toàn diện nhà nước và xã hội. Và nguyên tắc cuối cùng, các quyền pháp lý của cá nhân bị hy sinh cho tập thể.
Còn tiếp
Chú thích của người dịch:
[1] Nguyên bản “command economy”, nếu dịch đúng sẽ là “nền kinh tế chỉ huy”. Tuy nhiên người dịch chọn sử dụng thuật ngữ “kinh tế kế hoạch” vì quen thuộc hơn ở Việt Nam. Ví dụ, Trường Đại học Kinh tế quốc dân (Hà Nội) đã từng mang tên Đại học Kinh tế kế hoạch.
Tham khảo: https://vi.wikipedia.org/wiki/Trường_Đại_học_Kinh_tế_Quốc_dân
[2] Ở Việt Nam còn được gọi là Hiến pháp 1960, bởi có hiệu lực từ năm 1960.
Tham khảo http://www.moj.gov.vn/vbpq/Lists/Vn%20bn%20php%20lut/View_Detail.aspx?ItemID=890 .
[3] Nguyên bản “departmentalism”, một số từ điển dịch là tư tưởng bản vị (ví dụ http://www.vietdicts.com/p/700/bn-v hoặc http://vdict.com/bản+vị,2,0,0.html), tuy nhiên cách dịch này ít dùng và tối nghĩa.
[4] Nguyên bản là bản dịch tiếng Anh. Người dịch sử dụng Điều lệ Đảng Lao động Việt Nam được đăng tải tại http://dangcongsan.vn/cpv/Modules/News/NewsDetail.aspx?co_id=30141&cn_id=64969 .
[5] Nguyên bản là “transferred” – nghĩa là chuyển đi, dời đi.
[6] Tác giả có chú thích trong nguyên bản là “chay lo thu tuc” (chạy lo thủ tục), tuy nhiên lobby là một thuật ngữ mới và hiện nay được dùng trực tiếp mà không dịch tại Việt Nam.
[7] Nguyên bản bằng tiếng Anh. Người dịch chưa tìm được văn bản tiếng Việt được trích dẫn. Nội dung tiếng Việt là bản dịch từ bản tiếng Anh.
[8] Tác giả không ghi nguồn. Một nội dung tương tự xuất hiện tại Điều 2, Luật Mặt trận Tổ quốc năm 1999.
Tham khảo: http://www.moj.gov.vn/vbpq/Lists/Vn%20bn%20php%20lut/View_Detail.aspx?ItemID=7047
[9] Nguyên bản “positivism”, là một chủ nghĩa triết học đề cao các bằng chứng thực tiễn, các suy luận từ toán học và khoa học tự nhiên. Tham khảo https://en.wikipedia.org/wiki/Positivism .