Thư cuối tuần - 18/1/2025
Đây là Thư cuối tuần của Luật Khoa tạp chí. Thư tin này chỉ làm một việc đơn giản là
Nam Quỳnh (dịch)
Lời giới thiệu:
Dự án Rightsinfo do luật sư tranh tụng chuyên về nhân quyền Adam Wagner thành lập ngày 22 tháng 04 năm 2015 với mục đích truyền bá kiến thức về nhân quyền tại Anh.
Làn sóng chống đối dân nhập cư tại Anh những năm qua, nhưng đặc biệt ngày càng lan rộng trong khủng hoảng di dân của Châu Âu gần đây, đã có một ảnh hưởng xấu: Luật nhân quyền Anh bị giới báo chí bình dân hoặc quá khích đem ra làm vật tế thần. Nhiều người cho là luật nhân quyền Anh đang bị lợi dụng để bảo vệ những người nhập cư trái phép, tội phạm hình sự và tội phạm khủng bố, tạo điều kiện cho những người này ở lại Anh quốc.
Với mong muốn bảo vệ hình ảnh của nền luật pháp nhân quyền Anh thông qua việc cung cấp thông tin, truyền bá kiến thức về luật nhân quyền Anh dùng đồ họa vi tính trình diễn thông tin (infographics) theo những cách dễ hiểu, sinh động và công tâm, luật sư Adam Wagner cùng một nhóm nhiều luật sư, luật gia khác, đã liên kết với các chuyên gia truyền thông và các chuyên gia thiết kế đồ họa để cùng lập nên rightsinfo.org.
Loạt bài 50 Án Lệ Nhân Quyền Làm Thay Đổi Vương Quốc Anh là một trong những sản phẩm đặc sắc nhất của trang này.
Án lệ thứ 50: Mời lên máy bay nào, miễn Bạn không phải là người Di Gan!
Năm 2001, sân bay Praha – Cộng hòa Séc. Sáu người bị chặn không cho lên một chuyến bay tới Anh quốc. Cả nhóm có một đặc điểm chung. Nghi can khủng bố? Không. Mang vũ khí? Không. Có tiền án tiền sự? Cũng chẳng. Họ đều là những công dân Cộng Hòa Séc có gốc Romani, thường được biết đến với tên gọi người Di Gan (Gypsy).
Người Di Gan thường hứng chịu kỳ thị tại Cộng Hòa Séc bao gồm cả tấn công bằng bạo lực. Vì thế một số người Di Gan tìm cách xin tỵ nạn tại Anh quốc. Nhằm kiểm soát nhập cư , chính phủ Anh cho nhân viên có mặt tại sân bay Praha để tra hỏi bất kỳ ai sắp bay sang Anh. Nếu phát hiện một người nhiều khả năng sẽ xin tỵ nạn khi tới Anh quốc, các nhân viên này sẽ không cho người đó lên máy bay.
Vấn đề ở chổ, người Di Gan thường bị làm khó hơn so với các thủ tục thông thường của các cá nhân khác. Họ bị tra hỏi nặng nề và, phải đưa ra bằng chứng để chứng minh là họ sẽ không xin tỵ nạn. Sáu người Di Gan bị chặn vào tháng 07 năm 2001 đã kiện Nhà nước Anh ra tòa với cáo buộc kỳ thị chủng tộc.
Các quan tòa của Tòa Thượng Viện Anh (the House of Lords – tiền thân của Tòa Tối Cao Pháp Viện Anh bây giờ) đã kết luận hệ thống kiểm tra nhập cư của chính phủ Anh “kỳ thị chủng tộc một cách thâm căn và có hệ thống.”
Số liệu cho thấy một cách khác thường là 90% người Di Gan bị từ chối nhập cảnh so với 0.2% người không thuộc gốc Di Gan. Hành vi kỳ thị chủng tộc như thế đi ngược lại cả luật pháp Anh và luật pháp quốc tế.
Tại sao án lệ này quan trọng? Vì các quan tòa đã ghi nhận nguyên tắc pháp lý cho rằng, hành vi phân biệt con người dựa trên điển tín (stereotype – ấn tượng rập khuôn dựa trên niềm tin) là hành vi kỳ thị trực tiếp ngay cả khi điển tín đó có một phần là sự thực.
Việc đối xử một cách khác biệt với cá nhân một người Di Gan chỉ vì người Di Gan là một nhóm người hay xin tỵ nạn cấu thành hành vi kỳ thị, và hiển nhiên vi phạm pháp luật và những nguyên tắc pháp lý của Vương Quốc Anh.
Nhờ vậy, tại Vương Quốc Anh, nếu bạn bị ngăn chặn không thực hiện bất kỳ việc gì trên đời, như một công việc đòi hỏi sức mạnh chỉ vì bạn là một phụ nữ, hay một công việc ở trường mẫu giáo chỉ vì bạn là một người đàn ông, án lệ này sẽ giúp bạn thách thức tính pháp lý của các quyết định này.
Câu chuyện nói trên chỉ là tóm gọn quyết định của Tòa. Bạn có thể đọc quyết định đó ở đây: Immigration Officer at Prague Airport and another (Respondents) ex parte European Roma Rights Centre and others (Appellants)
Nguồn: Hop onboard, unless you are a gypsy
Kỳ tới: Án lệ thứ 49 – Chúng tôi là một gia đình, hãy trả con lại cho tôi!